Đoàn Chí Tuân

Là nhà thơ và là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam
(Đổi hướng từ Bạch Xĩ)

Đoàn Chí Tuân (1855-1897), hay Đoàn Đức Mậu, hiệu là Bạch Xĩ, là nhà thơ và là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam. Ông đã từng xưng danh hiệu hoàng đế để kế tục vua Hàm Nghi chống Pháp nhưng không nhận được sự ủng hộ rộng rãi và cuối cùng thất bại.

Đoàn Chí Tuân
Vua Việt Nam
Hoàng đế Đại Nam
Hoàng Đế Long Đức
Trị vì2 tháng 8 năm 188419 tháng 9 năm 1885
(1 năm, 48 ngày)
Tiền nhiệmHàm Nghi
Kế nhiệmTriều Đại sụp đổ
Thông tin chung
Sinh3 tháng 8 năm 1871
Mất14 tháng 1 năm 1943 (71 tuổi)
Niên hiệu
Triều Nghi
Tôn hiệu
Long Đế
Triều đạiNhà Hậu Nguyễn
Hoàng gia caĐăng đàn cung

Thân thế sửa

Đoàn Chí Tuân sinh tại làng Hòa Ninh, nay thuộc xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam trong một gia đình có truyền thống Nho học. Tổ 4 đời của Bạch Xĩ là Đoàn Chí Nguyện từng tham gia giúp nhà Tây Sơn và dự trận Ngọc Hồi-Đống Đa[1].

Cha Bạch Xĩ là Đoàn Chí Thông, còn được gọi là cụ Hương Thân, là người có chí hướng chống Pháp. Từ khi người Pháp vào đánh Việt Nam, Đoàn Chí Thông thường tập hợp người làng tại nhà bàn việc nước[1].

Tuổi trẻ sửa

Bạch Xĩ thông minh từ nhỏ, nổi tiếng là thần đồng. Năm lên 5 tuổi (1860), ông được cha cho đi học. Chỉ sau một thời gian, ông Tú Nguyễn trong làng đã khâm phục chí thông minh của Chí Tuân. Năm 6 tuổi (1861), ông được cha cho theo học thầy quan biện họ Trần ở làng Thọ Linh. Sau 1 năm, thầy không dám dạy Chí Tuân nữa vì trò Tuân "đã học hết chữ của thầy"[2]. Sau này ông còn theo học vài danh Nho nữa và đến năm lên 10 tuổi thì tự học ở nhà.

Năm 12 tuổi (1867), Đoàn Chí Tuân đọc được nhiều sách của Trung Quốc, Nhật Bản. Dù còn ít tuổi, Bạch Xĩ đã thông hiểu lịch sử Trung Quốc, việc đất nước bị người Hoa đô hộ và công trạng của những người chống xâm lược của Việt Nam[2]. Tài năng văn thơ của ông nổi danh khắp vùng khiến vua Tự Đức nghe tiếng, sai Tùng Thiện vương đến tận nơi xem có phải là lời đồn ngoa. Sau đó Tùng Thiện Vương về tâu lại rằng lời đồn đại về Đoàn Chí Tuân là đúng. Tự Đức lo ngại và cho rằng phải đề phòng sau này ông lớn lên "sẽ làm giặc"[3].

Năm 1873, quân Pháp tấn công Bắc Kỳ, các phong trào chống Pháp nổ ra, từ đó tư tưởng chống Pháp của ông hình thành rõ rệt[2]. Ông đi nhiều nơi, tìm kết giao với những người cùng tư tưởng chống Pháp, đến cả những vùng người Lào, người Mường. Đối với những hòa ước của nhà Nguyễn, Đoàn Chí Tuân tỏ ra bất mãn không đồng tình, vì vậy dù có tài nhưng ông quyết định không bao giờ đi thi, bởi ông cho rằng vua đã bán nước thì đi thi làm quan với ai? Ông bỏ bút sách và đi học võ mưu cứu nước[4].

Hưởng ứng phong trào Cần Vương sửa

Hoạt động ở Quảng Bình sửa

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra ngoài, phát chiếu Cần Vương. Bạch Xĩ ra đón ra giá vua Hàm Nghi để xin theo giúp nhưng Tôn Thất Thuyết không trọng dụng ông, vì vậy ông trở về quê tổ chức quân đội chống Pháp.

Trong vòng 2 tháng, Bạch Xĩ tập hợp được một đội quân gồm 490 người, chủ yếu là người Hòa Ninh, còn lại là những người xã lân cận như Minh Lệ, Vĩnh Lộc, La Hà, Vĩnh Phúc. Trong thành phần đội quân này có cả người theo Công giáo và lính cũ của triều đình[2]. Vũ khí trong quân ngoài súng còn có cung nỏ, giáo mác, đoản đao.

Vì Hòa Ninh không có địa bàn hiểm trở để tổ chức căn cứ nên sau một thời gian huấn luyện quân, Bạch Xĩ phải chia quân ra làm 3 nhóm đi về 3 hướng đánh địch.

  1. Nguyễn Hưng Vương dẫn 130 người đi nhập vào với nghĩa binh Cao Thượng Trí hoạt động ở Xuân Mai
  2. Đinh Hán dẫn 120 người lên nhập với quân của Mai Lượng ở Cao Mại
  3. Bạch Xĩ cùng Nguyễn Ngọc Hiền mang số quân còn lại lên nhập vào quân của Hoàng Phúc ở Vạn Xuân (Nam Quảng Bình).

Tại Vạn Xuân, Bạch Xĩ làm mưu sĩ phụ tá cho Hoàng Phúc, số quân của ông được nhập cùng đạo quân của Đề Phú. Từ năm 1885 đến 1888, 3 cánh quân Hoàng Phúc, Mai Lượng và Cao Thượng Trí đã hoạt động khá mạnh.

Vì sự chống đối của các cánh quân này, Đồng Khánh đi bắc tuần từ Quảng Trị ra Đồng Hới mất 23 ngày (27/7 – 19/8) mới đến nơi. Tại đây Đồng Khánh đã kêu gọi quân nổi dậy ra đầu thú và treo giải cho ai bắt được các thủ lĩnh, trong đó có Bạch Xĩ, nhưng không kết quả. Sau 10 ngày, Đồng Khánh phải bỏ dở chuyến bắc tuần trở về Huế[5].

Đến Hương Khê sửa

Cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt, các cánh quân Quảng Bình tan rã. Các thủ lĩnh còn lại đều thoái chí: Tôn Thất Đàm tự sát, Lê Trực đi ẩn dật, Cao Thượng Chí, Mai Lượng, Đề Phú và Đề Én đều trốn tránh về quê làm ăn. Chỉ còn lại Bạch Xĩ và cánh quân Hòa Ninh quyết tâm đánh Pháp đến cùng. Ông mang quân trở về Hòa Ninh, tập hợp thêm lực lượng, sau đó tiến ra Hà Tĩnh hoạt động.

Bạch Xĩ tìm đến Hương Khê theo Phan Đình Phùng và được thu nạp. Cánh quân của ông nhập vào với quân Hương Khê, còn Đoàn Chí Tuân trở thành một tướng bên cạnh Cao Thắng, Nguyễn Chánh và 10 tướng khác trong bản doanh của Phan Đình Phùng.

Vua Hàm Nghi bị đi đày, Đoàn Chí Tuân kiến nghị với Phan Đình Phùng nên tôn một vị vua mới lên lãnh đạo phong trào chống Pháp, tập hợp liên kết nhân dân các thành phần theo LươngCông giáo cùng đánh Pháp. Tuy nhiên, Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh Hương Khê đều không tán thành ý kiến của ông, thậm chí tỏ ra nghi ngờ lòng trung thành của ông[6]. Bạch Xĩ thất vọng bèn bí mật rút cánh quân Hòa Ninh ra khỏi quân Hương Khê đi chiến đấu độc lập.

Hoàng đế Long Đức sửa

Bạch Xĩ mang quân về Đại Hàm xây dựng căn cứ. Ông cho rằng tầng lớp sĩ phu yêu nước muốn tôn vua đánh giặc, do đó nhất định phải có một vị vua tập hợp nhân dân chống Pháp. Để kế tục vua Hàm Nghi đánh Pháp, ông tự mình lên ngôi hoàng đế, tự xưng niên hiệu là Long Đức, lập ra triều nghi, cắt đặt 28 thủ hạ làm 28 triều thần rồi truyền hịch kêu gọi nhân dân theo Lương và Công giáo cùng nhau đứng lên chống Pháp[6].

Để tận dụng lòng tin của dân, Đoàn Chí Tuân tuyên truyền phép thuật, rằng đội quân của ông có thể dùng bùa hộ mệnh, phép tàng hình để tránh giặc và thần thông biến hóa khi ra trận để thắng giặc; dùng phép "nhâm, cầm, độn" để phán đoán tình hình... Ông đã tập hợp thêm được một số nhân dân vùng Hương Khê, Hương Sơn, La Sơn và cả từ Quảng Bình ra hưởng ứng. Ông và tổ chức chiến đấu trên cùng chiến trường với quân Phan Đình Phùng.

Lực lượng quân Bạch Xĩ lúc đông nhất có 600 người[7]. Ông chia thành 4 vệ: tiền, hậu, tả, hữu có chính vệphó vệ quân.

Ngoài những trận đánh nhỏ, đội quân của Long Đức hoàng đế có những trận thắng địch đáng kể.

Ngày 15 tháng 1 năm 1891, quân Pháp tiến hành cuộc càn quét lớn kéo dài 15 ngày vào Hương Khê. Bạch Xĩ cho quân phục ở tả ngạn sông Ngàn Sâu, chỗ bến đò Thanh Luyện bất ngờ đổ ra đánh khiến quân địch bị thiệt hại khá nhiều, đồng thời thu được 9 súng trước khi rút lui an toàn[8].

Ngày 4 tháng 3 năm 1891, nhân ngày phiên chợ. Bạch Xĩ được một đội lính khố xanh làm nội ứng kéo quân Pháp ra chợ ăn uống. Nhân lúc đồn địch còn lại ít người, ông cho quân tập kích chớp nhoáng cướp được 11 khẩu súng.

Sau trận này, quân Bạch Xĩ ra sức khuếch trương thắng lợi, đề cao thủ thuật biến hóa, pháp thuật cao cường. Nhiều người nghe nói như vậy đều rất khâm phục Bạch Xĩ, tin rằng ông có phép thuật thật.

Bên cánh quân Hương Khê cũng có nhiều người bàn tán về tài năng của ông. Vì vậy Phan Đình Phùng không bằng lòng, kết tội ông tự ý xưng vua, bắt tay với Công giáo là phản nghịch, lại dùng bùa phép mê hoặc lòng người. Do đó Phan Đình Phùng quyết định cử người đi bắt giết ông. Bạch Xĩ biết được ý định đó, ông cho rằng chỉ vì hai người không cùng quan điểm. Để tránh đổ máu giữa hai cánh quân, ông kéo các thủ hạ rút khỏi Đại Hàm, không tỏ ý thù oán Phan Đình Phùng. Vì vậy ý định của Phan Đình Phùng không thực hiện được[9].

Giữa tháng 5 năm 1892, Bạch Xĩ mai phục một đoàn tiếp tế vận lương từ Minh Cầm lên Hương Khê. Khi quân địch lọt vào ổ phục kích ở tả ngạn Ngàn Sâu, quân Bạch Xĩ dùng súng và cung nỏ bắn ra. Quân địch bị thương vong gần hết, Bạch Xĩ thu được 9 súng, 15 hòm đạn và 9 gánh quân lương[10].

Sau đó quân Bạch Xĩ còn giành được một số thắng lợi nữa vào tháng 1 và tháng 8 năm 1893 và tháng 6 năm 1894.

Cuối năm 1895, Phan Đình Phùng lâm bệnh mất, quân Pháp tổ chức càn quét lớn để bắt nốt các tướng lĩnh Hương Khê. Bạch Xĩ cùng các tướng lĩnh tích cực chống trả nhằm đỡ đòn cho lực lượng còn lại của quân Hương Khê. Tháng 3 năm 1896, ông tổ chức tấn công vào đồn Trì Bản, dùng hầm chông bẫy địch khi rút lui và giết được một số quân đuổi theo[10]

Cuối tháng 5 năm 1896, các tướng lĩnh cuối cùng của quân Hương Khê bị bắt, tại Hà Tĩnh chỉ còn lực lượng chống Pháp của Bạch Xĩ. Quân Pháp được sự hỗ trợ của trưởng đồn Linh Cảm người Việt vốn thông thạo địa hình nên tiến sâu vào Đại Hàm, núi Quạt và Chúc A. Đội quân của Đoàn Chí Tuân bị bệnh sốt rét hoành hành, trong đó có cả ông và phụ tá Nguyễn Ngọc Hiền. Chính vì vậy, quân dưới quyền ông không có ai chỉ huy tổ chức chiến đấu[11]. Hoạt động của quân Bạch Xĩ yếu hẳn đi, phải rút vào rừng sâu; một số người lần trốn trong dân nhưng bị bắt; cùng lúc đó Phó vệ Hoàng Hiểu cùng 11 người Công giáo ra hàng.

Chính vệ Nguyễn Ngọc Hiền cố gượng dậy tổ chức chống càn, đánh thắng một trận ở làng Hòa Duyệt tại hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào tháng 9 năm 1896, diệt 17 lính khố xanh và thu 4 súng. Đây là thắng lợi cuối cùng của cánh quân Bạch Xĩ.

Được một số người Việt chỉ điểm, quân Pháp tập trung 430 người nửa đêm kéo đến bao vây 2 làng Trung Định và Đại Hoàng ở trước mặt núi Đại Hàm. Rạng sáng ngày 12 tháng 10 năm 1896, Đoàn Chí Tuân bị bắt khi đang bị sốt rét nặng, nằm trong nhà một người dân ở làng Trung Định. Trong các thủ hạ của ông, 60 người bị bắt, 27 người bị bắn chết cùng 3 dân làng[12].

Qua đời sửa

Quân Pháp trói Đoàn Chí Tuân khiêng về Vinh và giam tại nhà lao Vinh. Người Pháp tìm cách dụ hàng ông nhưng ông từ chối. Sau đó người Pháp sai Hồ Lệ là người quen cũ của ông đi thuyết phục ông đầu hàng.

Hồ Lệ làm câu thơ tỏ ý thương xót ông:

Thương người răng trắng gặp hồi đen

Đoàn Chí Tuân bèn đáp lại:

Đau kẻ lòng son ôm máu đỏ

Không thể thuyết phục được ông, người Pháp dùng đòn tra tấn nhưng ông vẫn không chịu khuất phục. Cuối cùng, ông đã qua đời trong nhà lao vào cuối năm 1897. Năm đó ông 42 tuổi. Ban đầu người Pháp muốn giấu việc này, nhưng sau đó sang đầu năm 1898 mới công bố ông đã chết cuối năm 1897 nhưng không nêu rõ ngày tháng[13].

Sau khi ông mất, phụ tá Nguyễn Ngọc Hiền tập hợp số quân còn lại, tuyên bố giải tán quân sĩ, chia những quân trang vật dụng còn lại, khuyên mọi người về quê làm ăn, chờ thời cơ có thủ lĩnh chống Pháp khác.

Nhà thơ sửa

Đoàn Chí Tuân làm khá nhiều thơ, chủ yếu góp phần động viên, cổ vũ quần chúng chống Pháp và chống chủ trương thỏa hiệp của nhà Nguyễn. Không chỉ sáng tác trong thời trẻ, suốt quá trình chiến đấu, ông vẫn liên tục làm thơ, phú, viết câu đối...

Thơ văn Đoàn Chí Tuân viết cả bằng chữ Hánchữ Nôm. Nhiều tác phẩm đã bị người Pháp truy tìm và tiêu hủy. Sau đó, một số người thu thập và sưu tầm lại thơ văn của ông, đến nay còn lại:

  • 7 bài thơ Đường bằng chữ Nôm: Bới khoai, Quét nhà, Rang bắp, Không lấy vợ, Đi Lào Mường, Thanh kiếmTự xưng ngôi.
  • 2 bài thơ Đường chữ Hán: Tự thuậtTặng Phan Đình Phùng
  • 2 bài phú Nôm theo thể ca trù: Chí nam nhiTế thế yên dân
  • Một bài phú chữ Hán theo thể hịch: Hịch kêu gọi đánh giặc

Thơ Đoàn Chí Tuân toát lên lòng yêu nước, dù mô tả những việc làm thông thường trong cuộc sống nhưng luôn bày tỏ tư tưởng chống xâm lược. Đó là những trường hợp bài thơ Bới khoaiQuét nhà - được lựa chọn vào Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19 của Phi Bằng.

Bài Bới khoai:
Xâm lấn đất ta đã bấy nay
Anh hùng gặp hội quyết ra tay
Nhỏ to những mấy vơ ngang cả
Dài vắn bao nhiêu bứt cả dây
Bài Quét nhà:
Chỉ sợ muôn dân nhuốm bụi hồng
Ra tay một trận sạch như không
Đền từ quét tước thêm vui mắt
Đài các vào ra mới thỏa lòng
Lũ kiến bất tài xua mái bắc
Đoàn trùng vô hại gạt tường đông
Từ nhà mà nước, mà thiên hạ
Cũng có tay mình mới sạch trong
Bài Rang bắp:
Hay làm rồi lại cũng hay ăn
Có một nhà ta tiếng dậy răn
Tả hữu dàn ra nào các tướng
Ngô lao đánh ráo ghẹo đông quân
Hỏa công chịu chước thày Gia Cát
Bộ chiếu tài cao tướng Triệu Vân
Đánh dẹp yên rồi ngồi chem chẻm
Dồi dào ơn nước sướng muôn ngàn

Nhận định sửa

Đoàn Chí Tuân được đánh giá là một thủ lĩnh chống Pháp kiên cường bất khuất. Trong bối cảnh nhiều người thoái chí từ bỏ chiến đấu hoặc đầu hàng, ông là một trong những người vẫn chiến đấu đến cùng.

Đặc biệt, Bạch Xĩ được xem là người có tư tưởng khá tiến bộ trong số những văn thân chống Pháp. Ông chủ trương đoàn kết giữa hai tôn giáo là lương giáoCông giáo - một chủ trương đúng đắn và độc đáo trong hoàn cảnh lịch sử khi đó. Với phong trào "bình Tây sát tả", nhiều người cho rằng tất cả giáo dân đều là giặc và muốn đánh Tây phải diệt đạo – quan điểm này tồn tại rộng rãi trong các văn thân sĩ phu và hoàn toàn sai lầm. Chính vì vậy, quan điểm đoàn kết tôn giáo của ông lại không được họ ủng hộ, thậm chí phản đối. Do đó, Đoàn Chí Tuân phải chiến đấu đơn độc[14].

Ngoài ra, Đoàn Chí Tuân cũng có những nhược điểm[15]:

  • Ông dùng pháp thuật để kêu gọi quần chúng. Trên thực tế, nhiều thủ hạ của ông đã cường điệu hóa, thần thánh hóa những việc làm của ông. Vì vậy nhiều người phê phán ông, cho đó là "tà đạo".
  • Việc ông lên ngôi hoàng đế không tranh thủ được sự ủng hộ của các sĩ phu và uy tín của cá nhân ông chưa đủ để tập hợp đông đảo quần chúng.

Các nhà nghiên cứu có ý kiến khác nhau quanh việc Bạch Xĩ xưng đế. Phi Bằng và Trần Huy Liệu phê phán cho rằng Đoàn Chí Tuân mang mộng làm đế vương. Tuy nhiên theo Võ Xuân Trang và Đoàn Kiến Thứ, ông tự lập trong bối cảnh bế tắc không tìm được người khác để tôn lên làm vua[16].

Đường phố sửa

Tưởng nhớ công lao của ông hiện nay tại Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam có đường phố mang tên Đoàn Chí Tuân

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  • Nhiều tác giả (1986), Danh nhân Bình Trị Thiên, Nhà xuất bản Thuận Hóa.

Chú thích sửa

  1. ^ a b Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 217
  2. ^ a b c d Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 218
  3. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 234
  4. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 236
  5. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 220
  6. ^ a b Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 222
  7. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 223
  8. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 224
  9. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 225
  10. ^ a b Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 226
  11. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 227
  12. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 228
  13. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 229
  14. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 230-231
  15. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 231-232
  16. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 232