Cô gái trên sông
Cô gái trên sông là một bộ phim điện ảnh Việt Nam đề tài tâm lý xã hội năm 1987 do Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản cùng Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Phim xoay qua Nguyệt – một cô gái giang hồ trên sông Hương thời Chiến tranh Việt Nam đi tìm lại người cán bộ kháng chiến mà cô đã cứu thoát khỏi cuộc săn lùng của đối phương, với hy vọng gặp lại anh ta sau ngày miền Nam được giải phóng. Nhưng niềm tin của cô đã tan vỡ khi anh ta cố trốn tránh cô. Phim đã giành giải Bông sen bạc cho Phim truyện điện ảnh cũng như giải Bông sen vàng cho nữ diễn viên chính (Minh Châu) tại liên hoan phim Việt Nam 1988. Năm 2017, Cô gái trên sông cùng một tác phẩm khác của Đặng Nhật Minh là Bao giờ cho đến tháng Mười đã được công ty DISSIDENZ của Pháp chuyển sang công nghệ DCP (Digital Cinema Package), dùng để nén bản phim hoàn chỉnh mọi công đoạn từ âm thanh, hình ảnh cho đến thông tin của bộ phim.[1]
Cô gái trên sông
| |
---|---|
![]() Bìa DVD của phim | |
Đạo diễn | Đặng Nhật Minh |
Sản xuất | Hãng phim truyện Việt Nam |
Kịch bản | Đặng Nhật Minh |
Diễn viên | Minh Châu Hà Xuyên Anh Dũng |
Âm nhạc | Trịnh Công Sơn |
Quay phim | Lê Minh Thúy Phạm Ngọc Thạch Phạm Việt Thanh |
Dựng phim | Hoàng Thanh Sơn |
Độ dài | 92 phút |
Quốc gia | ![]() |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Nội dungSửa đổi
Diễn viênSửa đổi
Sản xuấtSửa đổi
Đặng Nhật Minh viết kịch bản Cô gái trên sông sau chuyến đi thực tập điện ảnh ngắn tại Paris, Pháp.[2] Ông chia sẻ từ hồi kí của mình, "Sau khi đi thực tập về điện ảnh một thời gian ngắn ở Paris về, tôi bắt đầu viết kịch bản Cô gái trên sông mà tôi đã có ý định từ trước như một món nợ tinh thần đối với xứ Huế, quê hương tôi. Cô gái trong kịch bản chính là cô gái trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu "Tiếng hát sông Hương". Cô gái đó tượng trưng cho nhân dân khổ đau hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, hết lòng che chở cho cách mạng. Nhưng khi thành công rồi thì một số người đã quay lưng lại với họ."[3] Đạo diễn Minh cho biết đã mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn soạn nhạc cho phim, "Tôi bỗng nghĩ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người rất nặng lòng với Huế, bèn gọi điện vào Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ cần nói tôi đang ở Huế, đang làm một phim về Huế, và có ý định mời Sơn làm nhạc cho phim, lập tức anh nhận lời ngay không chút do dự, mặc dầu chưa biết nội dung phim. Sau này khi phim đã dựng xong hình ảnh đem vào thành phố Hồ Chí Minh để lồng tiếng tôi mới chiếu cho Sơn xem để làm nhạc... Hôm thu nhạc cho phim Sơn bị sốt cao nhưng vẫn cố đến phòng thu để theo dõi, sửa chữa những chỗ cần sửa, làm việc với dàn nhạc do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu chỉ huy. Âm nhạc mềm mại và sâu lắng của Sơn đã hỗ trợ cho phim rất nhiều."[3]
Về vấn đề đóng cảnh nóng, diễn viên Minh Châu và đạo diễn Đặng Nhật Minh đã giận nhau khi bà từ chối đóng những cảnh hở hang mà lúc đầu được cho biết sẽ có người đóng thế. Sau đó, quay phim Phạm Việt Thanh phải gặp riêng chị để làm “công tác tư tưởng”, gần như là năn nỉ. “Châu ơi, bây giờ phim thành công hay không chỉ phụ thuộc vào mỗi nhân vật của Châu thôi đấy”. Đến khi quay xong, chị và đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng không nói chuyện với nhau một thời gian, tất cả mọi trao đổi đều nhờ người khác chuyển lời.[4] Nhưng sau những nỗ lực thuyết phục của Thanh, Minh Châu đã đồng ý với điều kiện cảnh quay chỉ “nóng” ở một mức độ nào đó.[2][5] Sau diễn xuất tuyệt vời của Minh Châu, ông hài lòng nói, "Tôi tin ở sự lựa chọn của mình và quả thực Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này".[3]
Công chiếuSửa đổi
Sau nhiều tranh cãi gay gắt của một số cán bộ cấp cao của Đảng, Cô gái trên sông vẫn được công chiếu tại Liên hoan phim Việt Nam 1987. Hiện vẫn chưa có số liệu chính thức về doanh thu phòng vé của phim, nhưng Cô gái trên sông được khán giả đón nhận nồng hậu tại Đà Nẵng, như đạo diễn Đặng Nhật Minh kể, "Sự nhiệt tình của khán giả Đà Nẵng năm ấy đã làm các nhà điện ảnh nước ngoài được mời tham dự phải ngạc nhiên. Ông Đinh Triết, giám đốc Phát hành phim Trung ương cho biết số người xem 'Cô gái trên sông' đông đến nỗi tiền bán vé thu được từ bộ phim này đủ để trang trải toàn bộ mọi chi phí của Liên hoan phim, thậm chí còn thừa. Ông đề nghị trích tiền doanh thu của phim ra để thưởng cho đoàn làm phim".[6] Tuy nhiên kể từ đó trở đi, khán giả trong nước không bao giờ được xem lại phim Cô gái trên sông nữa,mặc dầu không có một văn bản chính thức nào cấm chiếu.[6]
Mặc dù bị hạn chế chiếu trong nước, Cô gái trên sông lại được công chiếu rộng rãi trên quốc tế. Cộng hòa Dân chủ Đức là nước đầu tiên mua để chiếu bộ phim này tại Tuần phim của các nước Xã hội chủ nghĩa tổ chức tại thành phố Kotbus với bản phim đã được lồng tiếng Đức.[6] Sau này Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ... và nhiều nước khác tiếp tục mời chiếu.[4] Năm 1996, Liên hoan phim Toronto giới thiệu một chương trình phim Việt Nam trong đó có phim Cô gái trên sông. Tháng 4 năm 2000, để kỷ niệm 25 năm ngày Giải phóng miền Nam, kênh truyền hình ARTE của châu Âu đã chiếu lại phim Cô gái trên sông. Đây là bộ phim truyện Việt Nam duy nhất được chọn chiếu trong dịp này.[6]
Đánh giáSửa đổi
Cô gái trên sông nhận được cả những đánh giá phê bình tích cực lẫn tiêu cực. Các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lên án phim đến hai lần tại diễn đàn của Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tại kỳ họp của Quốc hội khóa 7; nội dung phê phán xoay quanh việc trong phim người cán bộ cách mạng thì bội bạc, còn người lính Việt Nam Cộng hòa, người yêu của cô gái trên sông thì lại thủy chung. Bộ phim bị coi là đã bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ cách mạng.[3] Cảnh nóng của diễn viên Minh Châu trong phim còn bị đánh giá ác cảm là "Xem phim 'Cô gái trên sông', Thấy 2 khúc thịt người chồng lên nhau...".[7] Báo Hà Nội mới lại khen ngợi Cô gái trên sông "là một kết hợp đẹp đẽ giữa câu chuyện nhiều bi kịch nhưng không bi lụy cùng ngôn ngữ điện ảnh tinh tế và diễn xuất xuất sắc của các diễn viên, đặc biệt nữ nghệ sĩ Minh Châu trong vai Nguyệt". Báo Thanh niên còn đặc biệt nói phim "đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam như một tác phẩm mang tính đột phá lớn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.[2] Báo Thể thao văn hóa lại trích dẫn câu nói của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Trong điện ảnh, tất cả đều là giả, nhưng những cái giả đó được dùng để nói lên sự thật” để kết luận, "Với bộ phim này, ông đã làm được điều đó. Nói lên được những sự thật mà không phải ai cũng dám nói, và nói xong thì cầm chắc đối mặt với rắc rối, nhưng để rồi, cùng với thời gian, giá trị của sự thật đó càng được khẳng định. Chính người xem cũng bị/được thuyết phục, bởi sự thật đó… thật quá, không có một chi tiết nào khiến người xem cảm thấy có sự cường điệu, giả tạo, có bàn tay can thiệp của nhà làm phim."[4] Cô gái trên sông còn được dư luận quốc tế đón nhận tích cực, "như một biểu hiện của đường lối đổi mới của Việt Nam trong lĩnh vực văn nghệ".[3]
Giải thưởngSửa đổi
Tại Liên hoan phim Việt Nam 1987, Cô gái trên sông của Đặng Nhật Minh đã xuất sắc giành ba giải thưởng ở các hạng mục: giải Bông sen bạc cho Phim truyện điện ảnh,[8], Bông sen vàng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất (cho Minh Châu),[9][10] và giải quay phim xuất sắc nhất.[6]
Tham khảoSửa đổi
- ^ Lần đầu tiên phim Việt Nam được chuyển định dạng DCP- 'búa quyền năng' của các nhà làm phim Hollywood. Báo tin tức
- ^ a b c Cảnh nóng trong phim Việt xưa: Chuyện buồn của 'Cô gái trên sông'. Báo Thanh niên
- ^ a b c d e Cô gái trên sông. Tạp chí Sông Hương
- ^ a b c Minh Châu vẫn khóc vì "Cô gái trên sông". Thể thao văn hóa
- ^ Cảnh nóng khiến cuộc sống của diễn viên Minh Châu xáo trộn. Vietnamnet
- ^ a b c d e Cô gái trên sông Lưu trữ 2017-06-10 tại Wayback Machine. Văn hóa Nghệ An.com
- ^ Cảnh sex trong phim Việt: Chưa thể thoải mái!. Vietnamnet
- ^ “Cô gái trên sông”. An Ninh Thủ Đô
- ^ Những nữ diễn viên xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam (II). Báo Dân trí.
- ^ NSND - Diễn viên Minh Châu: Con tim tôi giờ không dành cho đàn ông nữa. Báo Phụ nữ online.