Cố Hưng Tổ (chữ Hán: 顧興祖) là một tướng lĩnh quân sự Trung Quốc thời nhà Minh, từng tham gia chiến dịch xâm lược Đại Việt vào thế kỷ 15.

Cố Hưng Tổ
顧興祖
Trấn Viễn hầu
Thông tin cá nhân
Sinh
Quê quán
Dương Châu
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Cố Thống
Nghề nghiệpquân nhân
Quốc tịchnhà Minh

Thân thế sửa

Cố Hưng Tổ nguyên quán huyện Giang Đô, lộ Dương Châu, hành tỉnh Hà Nam (nay thuộc Dương Châu, Giang Tô, Trung Quốc). Ông nội là Cố Thành, cha là Cố Thống, đều làm tướng cho triều Minh.

Cố Hưng Tổ được kế thừa tước vị Trấn Viễn hầu từ ông nội Cố Thành. Thời Minh Nhân tông, Cố Hưng Tổ được chức Tổng binh trấn giữ vùng Quảng Tây, chịu trách nhiệm bình định và chiêu hàng các cuộc nổi dậy của bộ tộc người Miêu.

Viện binh cho Vương Thông sửa

Tháng 8 năm 1426, chủ soái nghĩa quân Lam SơnLê Lợi quyết định bắc tiến, mở chiến dịch tiêu diệt các lực lượng quân Minh đồn trú trên lãnh thổ Đại Việt. Lực lượng tiền tram của quân Lam Sơn chia làm 3 cánh, không chỉ liên tục hạ các thành trì, vây hãm các thành Tam Giang, Đông Quan, Nghệ An, mà còn đánh tan được quân viện binh từ Vân Nam kéo sang, kiểm soát hầu hết vùng lãnh thổ của Đại Việt trước đây.

Để quân đối phó lại tình hình nguy cấp ở Đại Việt, năm 1426, Minh Tuyên tông huy động 5 vạn quân các tỉnh phía nam, thêm hỏa khí sang trợ chiến, đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Thái tử Thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông, tiến quân sang Đại Việt. Các tướng Trần Trí, Phương Chính đều bị cách chức, bị đặt dưới quyền Vương Thông sai khiến để lấy công chuộc tội.

Để tăng cường lực lượng đè bẹp quân Lam Sơn, Vương Thông ra lệnh rút hết quân làm đồn điền (trồng lúa lấy lương - khoảng 8.000 thổ binh bản xứ), hợp với quân đồn trú và quân tăng viện, mộ thêm 3 vạn thổ binh bản xứ, tăng lên thành 10 vạn quân. Minh đế cũng ra lệnh cho các tướng vùng biên giới phía Nam chuẩn bị lực lượng dự bị để hỗ trợ cho Vương Thông khi cần. Tại Vân Nam, Mộc Thạnh được lệnh tuyển mộ 1,5 vạn bộ binh và 3.000 cung thủ chuẩn bị sẵn sàng. Tại Quảng Tây, Cố Hưng Tổ được lệnh chuẩn bị đưa 5.000 quân bản bộ sang tiếp ứng với Vương Thông.

Tuy nhiên, quân Lam Sơn khéo bày trận phục binh, nhanh chóng đánh tan quân Vương Thông tại Tốt Động - Chúc Động. Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Vương Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan, đồng thời cho người về nước để cầu viện quân.

Tháng 1 năm 1427, Minh đế sai Liễu ThăngMộc Thạnh chuẩn bị quân binh để chi viện cho Vương Thông. Bấy giờ, lực lượng chủ lực của quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy tiến ra Bắc, thừa thắng vây chặt thành Đông Quan. Tháng 4 năm 1427, quân Lam Sơn tấn công thành Khâu Ôn (Lạng Sơn). Cố Hưng Tổ biết tin, sai quân tiếp ứng nên quân Lam Sơn phải tạm rút.[1] Thừa thắng, tháng 6 năm 1427, Minh đế ra lệnh cho Cố Hưng Tổ đem năm vạn quân, năm nghìn ngựa, sang cứu viện Vương Thông. Tuy nhiên, khi đến cửa ải Pha Lũy, bị các tướng Lam SơnTrần LựuLê Bôi đón đánh, chém 3.000 quân, bắt 500 ngựa. Cố Hưng Tổ thua trận, bỏ chạy về nước.[2]

Quân Lam Sơn thừa thắng truy kích, hạ luôn 2 thành Khâu Ôn và Ải Lưu. Cố Hưng Tộ bị đàn hặc vì không cứu viện kịp thời:

Tuy nhiên, do bị bắt giam nên Cố Hưng Tổ không phải chịu cái nhục thua trận của Liễu Thăng, Vương Thông. Sang năm 1428, Cố Hưng Tổ được tha và được phục hồi tước vị.

Giao chiến với quân Mông Cổ sửa

Năm 1449, bộ tộc Mông Cổ Oirat (Ngõa Lạt thị) xua quân xâm nhập Trung Nguyên, hòng khôi phục uy danh nhà Nguyên[3]. Cố Hưng Tổ theo phò Minh Anh tông thân chinh tiến lên phía Bắc. Tuy nhiên, quân Mông Cổ truy kích và đánh tan toàn bộ binh lực quân Minh tại Thổ Mộc bảo, giết với mấy chục vạn quân Minh cùng hơn 50 quan văn võ, bắt sống được Minh Anh tông, thừa thắng chuẩn bị tấn công Bắc Kinh.[4]

Cố Hưng Tổ may mắn thoát được, về triều bị luận tội chết. Tuy nhiên bấy giờ quân Mông Cổ đã áp sát kinh thành, Bắc Kinh rơi vào tình trạng hỗn loạn vì trong thành chỉ còn khoảng 10 vạn quân và ngựa già yếu[5]. Phái chủ chiến đứng đầu bởi tân Binh bộ Thượng thư Vu Khiêm, ủng lập em Anh Tông là Thành vương Chu Kỳ Ngọc lên ngôi, tức là Minh Đại tông, cương quyết tử thủ. Cố Hưng Tổ được phóng thích và phục chức,sung làm Phó tổng binh, thống lĩnh quân Minh chống giữ ở thành ngoại. Dưới sự chỉ huy của Vu Khiêm, quân Minh kháng cự mãnh liệt, quân Mông Cổ sau khi tấn công hơn 1 ngày không hạ được thành, sợ viện quân Minh các nơi kéo đến chặn đường về, nên ngày 15 tháng 10 nhổ trại lui về phía bắc.

Cuối đời sửa

Sau khi quân Mông Cổ lui quân, Cố Hưng Tổ được phong chức Đô đốc đồng tri, giao trấn thủ Tử Kinh quan. Năm 1452, bị triều đình xét tội nhận hối lộ, tước bỏ tước vị và bị hạ ngục, sau đó lại được phóng thích. Khi Minh Đại tông lập Thái tử, Cố Hưng Tổ được phong lại tước Bá. Minh Anh tông phục vị, khôi phục tước vị Hầu cho Cố Hưng Tổ, giao trấn thủ Nam Kinh. Sau khi Cố Hưng Tổ chết, tước Hầu do cháu là Cố Thuần thế tập.[6]

Chú thích sửa

  1. ^ Minh Thực Lục v. 17, t. 0678; Tuyên Tông q. 26, tr. 4b
  2. ^ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Chính Biên, Quyển thứ XIV.
  3. ^ Vương Thiên Hữu chủ biên (2004), Mười sáu hoàng đế triều Minh, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. tr 328.
  4. ^ Vương Thiên Hữu chủ biên (2004), Mười sáu hoàng đế triều Minh, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. tr 326.
  5. ^ Cát Kiếm Hùng chủ biên (2006), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tập 3, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. tr 123
  6. ^ Minh sử, quyển 144.

Tham khảo sửa