Cá nóc dẹt chấm bụng

loài cá
(Đổi hướng từ Canthigaster inframacula)

Cá nóc dẹt chấm bụng[2] (danh pháp: Canthigaster inframacula) là một loài cá biển thuộc chi Canthigaster trong họ Cá nóc. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1977.

Cá nóc dẹt chấm bụng
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Tetraodontiformes
Họ (familia)Tetraodontidae
Chi (genus)Canthigaster
Loài (species)C. inframacula
Danh pháp hai phần
Canthigaster inframacula
Allen & Randall, 1977

Từ nguyên sửa

Từ định danh được ghép bởi hai âm tiết trong tiếng Latinh: infra ("ở dưới") và macula ("đốm"), hàm ý đề cập đến đốm đen ở nửa thân dưới của loài cá này.[3]

Phân bố và môi trường sống sửa

Cá nóc dẹt chấm bụng ban đầu được mô tả từ 3 mẫu vật thu thập được ở độ sâu khoảng 126–157 m ở bờ bắc đảo Oahu (quần đảo Hawaii); phạm vi của loài cũng mở rộng đến đảo Johnston gần đó.[4] Mãi đến năm 1984 thì có thêm 1 mẫu vật nữa chính thức được xác nhận ở quần đảo Izu (Nhật Bản), độ sâu thu thập 130 m.[5]

Năm 2004, cá nóc dẹt chấm bụng được phát hiện ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Việt Nam (70–140 m).[6] Sau đó thì cá nóc dẹt chấm bụng được ghi nhận thêm ở đảo Réunion, cũng là ghi nhận đầu tiên của loài này ở Ấn Độ Dương, độ sâu 124–274 m.[7]

Cá nóc dẹt chấm bụng sống trên nền đáy đá và cát.[8]

Mô tả sửa

Chiều dài tiêu chuẩn lớn nhất được ghi nhận ở cá nóc dẹt chấm bụng là 9 cm.[6] Thân trên hơi nâu và trắng nhạt về phía bụng. Mỗi bên thân có một dải nâu sẫm ngang chạy từ mắt đến trên gốc vây đuôi và một đốm nâu sẫm nằm ở thân dưới (giữa gốc dưới vây ngực và gốc vây hậu môn). Từ mắt có các vệt tím than toả ra. Ở trên lưng còn có các vệt tím than ngắn không đều. Vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi và vây ngực có màu vàng nhạt. Trên vây đuôi có các chấm vàng xếp thành các hàng ngang trên tia vây.

Số tia vây ở vây lưng: 10; Số tia vây ở vây hậu môn: 10; Số tia vây ở vây ngực: 16–17.[6]

Sinh thái sửa

Theo nghiên cứu của Văn Lệ và cộng sự (2006), cá nóc dẹt chấm bụng là loài có độc tính nhẹ (gây chết người khi ăn phải 100–1000 g cá nóc có chứa lượng độc từ 10 đến dưới 1000 MU/g).[9]

Tham khảo sửa

  1. ^ Matsuura, K.; Allen, G.; Collette, B.; Nelson, J.; Dooley, J.; Fritzsche, R. & Carpenter, K. (2010). Canthigaster inframacula. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T154630A4593019. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T154630A4593019.en. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  2. ^ Nguyễn Hữu Hoàng (2008). “Nghiên cứu độc tố trong một số loài cá Nóc độc ở biển Việt Nam” (PDF). Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng: 1–88. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  3. ^ Christopher Scharpf (2022). “Order Tetraodontiformes”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database.
  4. ^ R. Fricke; W. N. Eschmeyer; R. van der Laan biên tập (2023). Canthigaster inframacula. Catalog of Fishes. Viện Hàn lâm Khoa học California. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.
  5. ^ Matsuura, Keiichi; Yoshino, Tetsuo (1984). “Records of Three Tetraodontoid Fishes from Japan”. Japanese Journal of Ichthyology. 31 (3): 331–334.
  6. ^ a b c Keiichi Matsuura; Nguyễn Hoài Nam; Trần Định; Nguyễn Thị Tỉnh (2008). “Ghi nhận ban đầu về loài cá nóc dẹt hiếm gặp Canthigaster inframacula Allen & Randall, 1977 ở biển Đông”. Viện Nghiên cứu Hải sản. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  7. ^ Fricke, R.; Mulochau, T.; Durville, P.; Chabanet, P.; Tessier, E.; Letourneur, Y. (2009). “Annotated checklist of the fish species (Pisces) of La Réunion, including a Red List of threatened and declining species” (PDF). Stuttgarter Beiträge Naturkunde A. 2: 121.
  8. ^ Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Canthigaster inframacula trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2023.
  9. ^ Nguyễn Văn Lệ, Nguyễn Hữu Hoàng, Bùi Thị Thu Hiền (2006). “Kết quả phân tích độc tố cá nóc biển Việt Nam” (PDF). Tuyển tập Nghiên cứu Nghề cá biển. 4: 256–264. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 31 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)