Sâu đục thân chuối hay còn gọi là sâu vòi voi (Danh pháp khoa học: Cosmopolites sordidus) là một loài côn trùng trong họ Dryophthoridae, chúng là loài côn trùng ký sinh và gây hại trên cây chuối. Còn được gọi là con nhậy, con bọ đầu dài hay con sùng đục gốc chuối, nhìn chung nơi nào trồng chuối cũng đều thấy có mặt của loài sâu hại này, nhất là trên giống chuối già (chuối tiêu)[1]. Đây là loại sâu nguy hiểm gây hại cho vườn chuối[2].

Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Arthropoda
Lớp (class)Insecta
Bộ (ordo)Coleoptera
Liên họ (superfamilia)Curculionoidea
Họ (familia)Dryophthoridae
Phân họ (subfamilia)Rhynchophorinae
Tông (tribus)Litosomini
Chi (genus)Cosmopolites
Chevrolat, 1885
Loài (species)C. sordidus
Danh pháp hai phần
Cosmopolites sordidus
(Germar, 1824)

Đặc điểm sửa

Là một loại bọ cánh cứng đầu dài, có màu nâu đen hoặc màu xám đen, cơ thể hình bầu dục, dài khoảng 12-16 ly, chiều ngang khoảng 3-4 ly, và có vòi dài khoảng 3 ly, chúng hoạt động và đẻ trứng vào ban đêm, ít khi bay mà thường di chuyển bằng cách bò. Con trưởng thành có thể sống tới 2 năm.

Trứng có hình bầu dục dài khoảng 2 ly, màu trắng, thời gian trứng kéo dài khoảng 7-8 ngày. Sau khi nở sâu non (ấu trùng) có màu trắng sữa, mập mạp. Thời gian sâu non kéo dài khoảng 3 tuần. Đẫy sức sâu non làm một cái kén hình bầu dục ở những bẹ bị thối nhũn phía ngoài, rồi hoá nhộng bên trong, thời gian nhộng kéo dài khoảng 5-8 ngày. Cũng cần phân biệt loại sâu đục thân giả của cây phá hoại thân giả và sâu đục thân thật còn gọi là sâu vòi voi phá hoại chủ yếu ở thân thật dưới mặt đất[3].

Gây hại sửa

Sâu đẻ trứng vào gốc chuối, trúng nở thành sâu đục vào củ chuối và lan lên thân giả.Sâu làm cây chuối chận phát triển[4]. Con cái thường đẻ trứng rải rác ở giữa các bẹ lá, vào chỗ bẹ hay cuống lá bị thối nhũn, hoặc đục lỗ nhỏ ở mặt ngoài bẹ của những cây chuối đang có hoặc sắp có buồng rồi đẻ trứng vào đó. Con trưởng thành cái cũng có thể chui xuống đất dùng vòi nhọn ở đầu đục củ chuối thành những lỗ nhỏ rồi đẻ trứng vào trong đó.

Con non không có chân đục vào trong thân giả thành những đường hầm ngang dọc trong thân, các đường hầm này ngày càng dài và rộng ra (tại các lỗ đục thường thấy có nhựa chuối tiết ra lầy nhầy màu vàng đục). Chúng đi đến đâu sâu để lại một đường phân như mùn cưa. Nếu nặng thân cây có thể bị rỗng như xơ mướp, làm cho thân giả bị thối, lá vàng, nõn bị héo, củ thối và cuối cùng là cả cây bị chết. Nếu cây đã có buồng thì thường sẽ bị gẫy ngang thân hoặc gẫy cuống buồng. Những cây bắt đầu trổng bông trở đi thường là những cây bị sâu gây hại nhiều nhất[5].

Chú thích sửa

  1. ^ “TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CƠ SỞ DỮ LIỆU KH&CN NÔNG NGHIỆP”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  2. ^ “Phòng trừ sâu bệnh hại trên chuối LABA”. Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.[liên kết hỏng]
  3. ^ “Kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối tiêu hồng”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2015. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  4. ^ “Hội nông dân Tỉnh Bắc Giang”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2017. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  5. ^ “Kỹ thuật trồng chuối tiêu”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2014. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.

Tham khảo sửa