Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin
Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin (tiếng Ba Lan: Międzynarodowy Konkurs Pianistyczny im. Fryderyka Chopina), gọi tắt là cuộc thi Chopin, là một trong những cuộc thi dương cầm cổ điển lâu đời nhất và uy tín nhất trên thế giới. Do giáo sư Jerzy Żurawlew (1887–1980) sáng lập năm 1927, đây cũng là một trong số ít những cuộc thi chuyên về tác phẩm của một nhà soạn nhạc duy nhất. Cuộc thi Chopin được tổ chức 5 năm một lần tại Warszawa (Ba Lan), ngoại trừ thời kỳ gián đoạn 12 năm (1937‒1949) vì Chiến tranh thế giới thứ hai và khoảng cách 6 năm giữa lần thứ IV (1949) và lần thứ V (1955), giữa lần thứ XVII (2015) và lần thứ XVIII (2021). Từ năm 1957, cuộc thi piano quốc tế Chopin gia nhập và trực thuộc Liên đoàn thế giới các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Đến năm 2021, cuộc thi Chopin đã được tổ chức 18 lần. Cuộc thi lần thứ 18, đáng lẽ được tổ chức năm 2020, đã bị hoãn lại đến năm 2021, vì đại dịch COVID-19.
Điều lệ
sửaLịch trình
sửaCuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tại Warszawa là một cuộc thi dành cho những tay dương cầm trẻ có trình độ chuyên nghiệp. Giới hạn tuổi tác các thí sinh thay đổi theo kỳ thi, nhưng đại khái từ 16–18 tuổi đến 28–32 tuổi (năm 2015: từ 16 đến 30 tuổi; năm 2010: từ 17 đến 30 tuổi). Phần đông các thí sinh còn đang tu nghiệp tại các Học viện Âm nhạc hoặc vừa tốt nghiệp.
So với những cuộc thi âm nhạc cùng tầm vóc như Cuộc thi quốc tế Tchaikovsky tại Moskva, Cuộc thi âm nhạc Nữ hoàng Elisabeth tại Bruxelles, Cuộc thi piano quốc tế Arthur Rubinstein tại Tel Aviv, Cuộc thi piano quốc tế Van Cliburn tại Fort Worth, cuộc thi Chopin có hai đặc điểm:
- Chỉ có nhạc phẩm của Chopin được trình diễn: âm nhạc Chopin được thể hiện theo nhiều phong cách, cá tính khác nhau. Sự phong phú này chính là điều mà ban tổ chức mong đợi. Đại đa số thành viên ban giám khảo cũng là chuyên gia hàng đầu về Chopin.
- Khoảng cách giữa hai kỳ thi rất dài: 5 năm, thay vì 4 năm (Tchaikovsky, Van Cliburn) hoặc 3 năm (Elizabeth, Arthur Rubinstein). Thời hạn 5 năm có ngay từ đầu (1927) và được duy trì cho đến nay, ngoại trừ trong ba giai đoạn: giữa lần III (1937) và lần IV(1949); giữa lần IV (1949) và lần V (1955); giữa lần XVII (2015) và lần XVIII (2021).
Cuộc thi Chopin thu hút nhiều nghệ sĩ trẻ tìm cơ hội tiến thân. Vì số người đăng ký dự thi ngày càng tăng (năm 2015: 450; năm 2010: 353; so với năm 1927: 32), nên hiện nay các thí sinh phải vượt qua hai vòng sơ tuyển. Vòng sơ tuyển thứ nhất dựa trên đĩa thu hình, giữ lại khoảng 160 thí sinh. Vòng sơ tuyển thứ nhì, có từ năm 2005, diễn ra tại Warszawa vào tháng 4. Vòng này gồm 30 phút trình diễn trước một hội đồng giám khảo, giữ lại khoảng 80 thí sinh cho cuộc thi chính vào tháng 10. Một số thí sinh có thành tích vượt trội tại vài cuộc thi khác (có liệt kê trong điều lệ[1]) được nhận thẳng vào cuộc thi chính, khỏi phải qua sơ tuyển.
Cuộc thi chính tháng 10 diễn ra tại Nhà hát Quốc gia Warszawa. Từ năm 1965, giai đoạn này gồm 4 vòng: 3 vòng loại và 1 vòng chung kết. Trong vòng loại, các thí sính phải trình bày trong khoảng 45 phút một số nhạc phẩm của Chopin được ấn định trong chương trình. Thông thường:
- Vòng 1 gồm các khúc Nocturne, Étude, Scherzo.
- Vòng 2 gồm các bản Ballade, Valse và Polonaise.
- Vòng 3 gồm các bản Sonate và Mazurka.
Sau mỗi vòng loại, chỉ còn lại phân nửa thí sinh được tiếp tục. Trong vòng chung kết, các thí sinh phải chơi một trong hai bản Concerto với Dàn nhạc Giao hưởng Warszawa[1].
Giám khảo
sửaHội đồng giám khảo gồm từ 12 đến 30 thành viên do giám đốc cuộc thi bổ nhiệm, đa số là các nghệ sĩ dương cầm và giáo sư lỗi lạc đến từ nhiều nơi trên thế giới. Cho đến năm 2005, số giám khảo thường hơn 20 (năm 2005: 21; năm 2000: 23), có khi gần 30 (năm 1960: 37; năm 1955: 29), trong đó giáo sư nhiều hơn nghệ sĩ và hơn nữa cũng có vài nhạc trưởng, nhà phê bình và nhà soạn nhạc được mời tham dự. Từ năm 2010, số giám khảo giảm xuống dưới 20 (năm 2015: 17; năm 2010: 12), trong đó tất cả đều là nghệ sĩ hòa nhạc và giáo sư, với nhiều nghệ sĩ hơn giáo sư. Chủ tịch hội đồng giám khảo luôn là một nhạc sĩ người Ba Lan, chuyên về Chopin.
Tại vòng loại, mỗi thí sinh được mỗi vị giám khảo đánh giá bằng hai cách: (1) yes/no cho biết thí sinh được tham gia vòng kế tiếp theo và (2) một điểm tuyệt đối (năm 2015: từ 1 đến 25). Điểm của mỗi thí sinh là trung bình cộng của các điểm thu được, sau khi áp dụng một thuật toán để hạn chế ảnh hưởng của các điểm quá xa trung bình. Tương tự như vậy, tại vòng chung kết, mỗi thí sinh được đánh giá bởi một số điểm (năm 2015: từ 1 đến 10). Danh sách các thí sinh đoạt giải được thiết lập dựa trên tổng các điểm trung bình thu được trong 4 vòng. Bắt đầu từ năm 2010, điểm thưởng của từng vị giám khảo cho từng thí sinh được công bố, sau khi công bố kết quả.
Lịch sử
sửaNguồn gốc
sửaSau Chiến tranh thế giới thứ nhất, trong âm nhạc cổ điển xuất hiện nhiều trào lưu mới. Quan tâm đến biểu diễn âm nhạc lãng mạn nói chung bắt đầu suy yếu. Tình hình của âm nhạc Chopin nói riêng càng không tốt, vì lúc ấy bắt đầu có nhiều tư tưởng nghi ngờ, thậm chí đả kích nghệ thuật của ông. Chẳng hạn, có ý kiến rằng nhạc Chopin làm tâm hồn đa cảm, khiến tinh thần ủy mị. Có ý kiến khác cho rằng không nên giảng dạy tác phẩm Chopin trong chương trình nhạc viện. Trong bối cảnh đó, với sự khích lệ của người thầy Aleksander Michałowski (1851-1938), nghệ sĩ dương cầm và giáo sư Jerzy Żurawlew (1887–1980) muốn tạo dựng một diễn đàn thảo luận đứng đắn về Chopin, nhằm đánh tan các quan điểm tiêu cực, thiếu hiểu biết trên. Nhận thấy giới trẻ thời ấy đam mê thể thao, ông mới có sáng kiến tổ chức cuộc thi piano quốc tế Chopin[3].
Dù gặp nhiều trở ngại lúc đầu, ông Żurawlew về sau nhận được sự hỗ trợ của tân Tổng thống Ba Lan, Ignacy Mościcki. Dự án của ông Żurawlew thành công mỹ mãn: kỳ thi thứ I [1927] quy tụ 26 thí sinh (trên 32 hồ sơ đăng ký), trong đó có Dmitri Shoshtakovich, lúc ấy vừa 20 tuổi; nhờ các nhà phê bình âm nhạc đồng thanh biểu dương trình độ cao, cuộc thi gây nhiều tiếng vang. Năm năm sau, kỳ thi thứ II [1937] quy tụ 89 thí sinh (trên hơn 200 hồ sơ đăng ký).
Từ đó Tổng thống Ba Lan trở thành người đỡ đầu cho cuộc thi Chopin. Cũng từ đó, đã có nhiều cơ quan, hội đoàn đứng ra đảm nhiệm công việc tổ chức cuộc thi:
- Hội âm nhạc Warszawa (từ 1927 đến 1937).
- Bộ văn hóa Ba Lan (1949, 1955).
- Hiệp hội Frédéric Chopin tại Warszawa (từ 1960 đến 2005).
- Viện Frédéric Chopin (kể từ 2010).
Ông Żurawlew là thành viên thường trực của hội đồng giám khảo cho đến năm 1965. Ông qua đời ngày 04/10/1980, hai ngày sau buổi khai mạc cuộc thi Chopin thứ X [1980].
Nét văn hóa
sửaMỗi cuộc thi Chopin là một sự kiện quốc gia tại Ba Lan. Lễ bế mạc trao giải được đánh dấu bằng sự hiện diện của Tổng thống và các đại diện của chính phủ Ba Lan. Thành phố Warszawa và nước Ba Lan sống nhộn nhịp trong thời gian cuộc thi: đây là đề tài thảo luận sôi nổi nhất đối với mọi người, đến cả tài xế taxi hay tiếp viên khách sạn[4]. Với sự tiến hóa của công nghệ truyền thông, các kỳ thi gần đây được chiếu trực tiếp đầy đủ trên các kênh truyền hình (TVP Kultura) và trên mạng (YouTube, medici.tv).
Cuộc thi cũng được đi kèm với rất nhiều chương trình văn hóa khác: nhiều buổi hòa nhạc, opera và ballet, nhiều cuộc họp, thảo luận và triển lãm. Không ít hơn 30 triển lãm được tổ chức trong thời điểm cuộc thi. Từ năm 1970, cuộc thi chính được tiến hành vào tháng 10 để tưởng niệm ngày giỗ của Chopin (17/10). Nhân dịp ngày này, bản Requiem của Mozart được chơi tại nhà thờ Thánh Giá, Warszawa (bài này đã được chơi trong đám tang của Chopin tại Paris).
Giải thưởng
sửaGiải chính, giải danh dự
sửaCuộc thi Chopin gồm sáu giải thưởng chính cùng một số giải danh dự. Số tiền tương ứng với mỗi giải được một cơ quan nhà nước Ba Lan tài trợ:
- Giải nhất, huy chương vàng (năm 2015: 30 000 €), do Tổng thống trao.
- Giải nhì, huy chương bạc (năm 2015: 25 000 €), do Chủ tịch Quốc hội trao.
- Giải ba, huy chương đồng (năm 2015: 20 000 €), do Thủ tướng trao.
- Giải tư (năm 2015: 15 000 €), do Bộ trưởng Văn hóa trao.
- Giải năm (năm 2015: 10 000 €), do Thị trưởng thành phố Warszawa trao.
- Giải sáu (năm 2015: 7 000 €), do Thống đốc tỉnh Mazowieckie trao.
- Giải danh dự (năm 2015: 4 000 €), do Thị trưởng thành phố Warszawa trao
Cho đến năm 1995, hội đồng giám khảo không bắt buộc phải trao tất cả các giải, ngay cả giải nhất, nếu không có thí sinh nào được xem là xứng đáng. Vào hai lần liên tiếp (năm 1990 và 1995), không thí sinh nào đoạt giải nhất. Năm 2000, một điều luật mới quy định ban giám khảo phải trao 6 giải thưởng chính cho 6 thí sinh đứng đầu (có thể vẫn có một giải nào đó không được trao, nhưng khi ấy sẽ có hai thí sinh đồng hạng giải khác).
Cho đến năm 2000, chỉ có 6 thí sinh được vào chung kết. Vì vậy, giải danh dự được trao cho những thí sinh giỏi nhưng bị loại trước đó. Từ năm 2005, vòng chung kết được mở rộng ra cho khoảng 10‒12 thí sinh. Bắt đầu từ đó, giải danh dự được trao cho những thí sinh tranh tài chung kết nhưng không đoạt giải chính.
Giải phụ, giải đặc biệt
sửaNgoài 6 giải chính và các hạng danh dự, còn có một số giải phụ lần lượt xuất hiện, do một số cơ quan hoặc tư nhân tài trợ. Những giải đặc biệt này dành cho các thí sinh đã trình diễn xuất sắc một loại bài nào đó:
- Giải Mazurkas (năm 2015: 5 000 €; năm 2010: 3 000 €), do Đài phát thanh Ba Lan trao, có từ 1927.
- Giải Polonaise (năm 2015: 3 000 €), do Hiệp hội Frédéric Chopin trao, có từ 1960.
- Giải Concerto (năm 2015: 3 000 €), do Dàn nhạc giao hưởng Warszawa trao, có từ 1980.
- Giải Sonate (năm 2015: 10 000 €; năm 2010: 12 000 €), do Krystian Zimerman trao, có từ 2005 (năm 2005 còn hors-concours, từ 2010 nằm trong danh sách các giải phụ được ban tổ chức trực tiếp quản lý).
Năm 2010, có một giải đặc biệt do Trường Đại học Âm nhạc Frédéric Chopin trao cho thí sinh trình diễn xuất sắc bản Polonaise-Fantaisie op. 61. Hội đồng giám khảo không bắt buộc phải trao tất cả các giải phụ cho thí sinh.
Bên lề các giải trên, do ban tổ chức trực tiếp quản lý và trao tặng trong buổi lễ bế mạc, có rất nhiều giải khác không có tính cách cố định, chẳng hạn:
- Giải khán giả, do khán giả bình chọn.
- Giải cho thí sinh giỏi nhất nhưng không vào được chung kết.
- Giải cho thí sinh Ba Lan xuất sắc nhất.
- Giải cho thí sinh Ba Lan giỏi nhất nhưng không vào được chung kết.
Vài trường hợp đáng chú ý
sửaThí sinh ghi dấu ấn
sửaMột số thí sinh đã để lại ấn tượng mạnh trong lịch sử cuộc thi Chopin. Dưới đây là một vài ví dụ.
- Imré Ungár [1932] là người khiếm thị (mù từ lúc 3 tuổi) đầu tiên tham dự cuộc thi Chopin. Thoạt tiên, ông đồng giải nhất với Alexander Uninsky, nhưng ông phản đối việc chia giải. Ban giám khảo đề xướng bốc thăm (ném đồng tiền). Kết quả không may mắn cho ông: Uninsky hạng nhất, Ungár hạng nhì.
- Halina Czerny-Stefańska [1949] là người Ba Lan đầu tiên đoạt giải nhất, sau ba lần chiến thắng liên tiếp của các thí sinh Liên Xô (Lev Oborin [1927], Alexander Uninsky [1932], Yakov Zak [1937]). Bà cũng là một trong hai người phụ nữ đầu tiên đoạt giải nhất, vì năm đó cũng có bà Bella Davidovich đồng hạng nhất.
- Phó Thông [1955] là người Á Châu đầu tiên đoạt một giải chính (hạng ba, sau Adam Harasiewicz và Vladimir Ashkenazy). Đồng thời ông đoạt luôn một giải phụ (Mazurkas).
- Martha Argerich [1965] là người Nam Mỹ đầu tiên (và hiện vẫn là người Nam Mỹ duy nhất) đoạt giải nhất. Kỳ thứ VII [1965] có biệt danh là "cuộc thi lớn".
- Đặng Thái Sơn [1980] là người Á Châu đầu tiên đoạt giải nhất. Đồng thời ông đoạt luôn ba giải phụ (Mazurkas, Polonaise, Concerto). Trước khi dự thi, ông chưa bao giờ trình diễn độc tấu hoặc hòa tấu với một dàn nhạc[5].
- Rafał Blechacz [2005] là người Ba Lan thứ tư đoạt giải nhất (sau Halina Czerny-Stefańska [1937], Adam Harasiewicz [1955], Krystian Zimerman [1975]). Ông đồng thời đoạt luôn bốn giải phụ (Mazurkas, Polonaise, Concerto, Sonate) cùng giải khán giả. Thành tích này chưa ai đạt được trước và sau ông. Để nhấn mạnh sự cách biệt giữa ông và các thí sinh còn lại, hội đồng giám khảo lần thứ XV đã quyết định không trao giải nhì. Hai anh em Dong-Hyek Lim (Lâm Đông Hách) và Dong-Min Lim (Lâm Đông Minh) đồng hạng ba.
- Tony Yike Yang [2015] là thí sinh trẻ nhất (16 tuổi) nhận một giải chính (hạng sáu). Trước đó đã có Caroline Sageman [1990] cũng được giải sáu (17 tuổi).
Thí sinh gây tranh luận
sửaMột số thí sinh đã tạo bất đồng, gây chia rẽ sâu sắc giữa khán giả và giám khảo hoặc giữa các thành viên giám khảo. Mặc dù những tranh chấp tương tự thường xảy ra ở mọi cuộc thi âm nhạc, tranh cãi tại cuộc thi Chopin vẫn được nhắc tới mấy mươi năm sau. Dưới đây là một vài ví dụ.
- Chieko Hara [1937] là người "da màu" đầu tiên tham dự cuộc thi. Bà xuất hiện trên sân khấu với bộ y phục kimono cổ truyền. Lúc đầu, bà hạng 15 và không được giải nào. Bất mãn, khán giả và dân chúng Ba Lan biểu tình ầm ĩ trước nhà hát. Để bảo vệ an toàn cho các giám khảo, ban tổ chức phải gọi cảnh sát đến giải tán. Cuối cùng, giải khán giả được thành lập và trao cho bà[4].
- Ivo Pogorelić [1980] bị loại trước vòng chung kết. Tác phong trình diễn Chopin của ông rất kỳ lạ, xa hẳn các chuẩn mực chính thống. Một số giám khảo, trong đó có Martha Argerich, Paul Badura-Skoda và Nikita Magaloff, ủng hộ nhiệt liệt Pogorelić, cho ông là "thiên tài". Tuy nhiên, phần đông các vị giám khảo còn lại không đồng ý và cũng không chấp nhận thái độ lập dị, thậm chí khiêu khích, của Pogorelić: ông không mặc áo vét, chỉ một chiếc sơ-mi nhăn, một dải ruy-băng thay cà-vạt, có khi nhai kẹo cao-su[4]. Andrzej Jasiński tuyên bố: "Tôi không thể chấm điểm con người này". Để phản đối, Martha Argerich rời bỏ ban giám khảo[6][7]. Vụ tai tiếng này sau đó trở thành bè phóng cho sự nghiệp của Pogorelić[8].
- Alexei Sultanov [1995] từ chối giải nhì (đồng hạng với Philippe Giusiano), nộp đơn khiếu nại và không tham dự buổi lễ bế mạc[9]. Khác với trường hợp Pogorelić, phong cách nghệ thuật của Sultanov dù có nhiều nét mới mẻ, nhưng dường như không gây tranh cãi quá lớn trong ban giám khảo. Vấn đề chủ yếu bị dư luận chỉ trích là óc bảo thủ của hội đồng giám khảo, vì bám vào một lý tưởng hão huyền nào đó về cách biểu diễn Chopin nên đã không trao giải nhất lần thứ hai liên tiếp. Jan Ekier, chủ tịch hội đồng giám khảo, biện hộ: "Truyền thống Chopin có những khuôn vàng thước ngọc phải được tôn kính". Năm 2005, Sultanov qua đời vì tai biến mạch máu não[10].
- Evgeni Bozhanov [2010] được điểm rất cao trong 3 vòng loại. Tại vòng chung kết, ông chơi không mấy tốt, nhưng vẫn có nhiều triển vọng thắng cuộc nếu tính điểm tổng cộng 4 vòng như trong điều lệ. Đột nhiên, ban giám khảo thay đổi quy tắc đánh giá thí sinh, bỏ cách cộng điểm, dùng một bảng sắp hạng dựa trên cảm nhận riêng từng người. Tài liệu công bố[11] cho thấy có sự chênh lệch rất lớn trong nhận định của từng giám khảo về Bozhanov: nhiều giám khảo cho ông hạng nhất hoặc nhì, nhưng cũng không ít giám khảo cho ông hạng 9 hoặc 10. Rốt cuộc, ông hạng tư. Như Sultanov, Bozhanov khước từ giải tư, tuyên bố: "Tôi bị tổn thương", và vắng mặt tại buổi lễ trao giải[12].
Thí sinh thi nhiều lần
sửaMột số thí sinh đã tham dự 2 lần, với kết quả lần thứ nhì tốt hơn lần thứ nhất. Nhưng cũng có nhiều thí sinh đã tham dự 2, 3 lần, mà kết quả lần thứ nhì, thứ ba không tốt hơn lần thứ nhất. Dưới đây là một vài ví dụ.
- Kevin Kenner [1980, 1990] và Philippe Giusiano [1990, 1995] lần đầu được giải danh dự, lần thứ nhì đoạt giải nhì.
- Ingrid Fliter [1995, 2000] và Ingolf Wunder [2005, 2010] lần đầu dừng ở vòng 2, lần thứ nhì đoạt giải nhì.
- Hélène Tysman [2005, 2010] và Aljoša Jurinić [2010, 2015] lần đầu dừng ở vòng 1, lần thứ nhì vào chung kết, đoạt giải danh dự. Jacek Kortus [2005, 2010] lần đầu vào chung kết, đoạt giải danh dự, lần thứ nhì dừng ở vòng 1.
- Rachel Naomi Kudo [2005, 2010, 2015] lần đầu vào chung kết, đoạt giải danh dự, lần thứ hai dừng ở vòng 1, lần thứ ba dừng ở vòng 2. Soo Jung Ann [2005, 2010, 2015] cả ba lần đều dừng ở vòng 1. Fei-Fei Dong [2010, 2015] lần đầu dừng ở vòng 3, lần hai dừng ở vòng sơ bộ.
- Rina Sudo [2010, 2015] cả hai lần đều dừng ở vòng 2 và Mariko Nogami [2010, 2015] hai lần dừng ở vòng 1.
- Julian Jia Zhichao [2010, 2015] lần đầu dừng ở vòng 1, lần hai dừng ở vòng 2.
Tham khảo
sửa- ^ a b The Fryderyk Chopin Institute, Điều lệ Cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ XVII Lưu trữ 2015-11-06 tại Wayback Machine, Tiếng Anh, 2015.
- ^ Chủ tịch danh dự.
- ^ Stanisław Dybowski, Jak to się wszystko zaczęło, Chopin Express, 12, 2010.
- ^ a b c Wojciech Oleksiak, The Riot Police at the Philharmonic Hall and Other Scandalous Histories of the Chopin Piano Competition, Culture Poland, 2015.
- ^ Elija Ho, Interview with pianist Dang Thai Son, The Examiner, 2011. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đình Đăng.
- ^ Zdenko Antic, Yugoslav Pianist: the Man "Who Killed Chopin" Lưu trữ 2015-04-02 tại Wayback Machine, RAD Background Report/267, 1980.
- ^ Olivier Bellamy, Martha Argerich, L’Enfant et les Sortilèges, Collection Musique, Buchet Chastel, 2010.
- ^ Peter Donohoe, Was the Chopin jury not right to eliminate Pogorelich?, Slipped Disc, 2015.
- ^ Piotr Wierzbicki, Jak Chopina grał w Warszawie Aleksiej Sułtanow, Gazeta Polska, 43, 1995. Bản dịch tiếng Anh của Bogdan Krasnowski.
- ^ Tim Page, A Pianist Who Played By His Own Rules, The Washington Post, 2005.
- ^ Hội đồng giám khảo Cuộc thi piano quốc tế Chopin, Bảng điểm vòng chung kết kỳ thi thứ XVI Lưu trữ 2016-03-06 tại Wayback Machine, 2010. Mỗi giám khảo sắp hạng từng thí sinh. Điểm cao nhất bằng 1, điểm thấp nhất bằng 10.
- ^ David A. Ferré, Chopin2010Blog.com Lưu trữ 2015-11-07 tại Wayback Machine, trang web phân tích chi tiết cuộc thi Chopin lần thứ XVI.
Thư mục bổ sung
sửa- The Fryderyk Chopin Institute, Trang Web chính thức Lưu trữ 2005-12-10 tại Wayback Machine của Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin.
- Google Cultural Institute, The International Fryderyk Chopin Piano Competitions, triển lãm của Viện Văn hóa Google về cuộc thi Chopin.
- Stanisław Dybowski, The Laureates of the Chopin Competitions in Warsaw, Selene, 2010. ISBN 978-83-910515-7-3.
- Janusz Ekiert, The endless search for Chopin: the history of the international Fryderyk Chopin Piano Competition in Warsaw, Muza SA, 2000. ISBN 978-83-7495-812-7.
- Michael Moran, The XVI International Fryderyk Chopin Competition, Warsaw, 2010.
- Michael Moran, 17th International Fryderyk Chopin Competition, Warsaw, 2015.
- Jerzy Waldorff, Wielka gra: rzecz o konkursach chopinowskich, Iskry, 1985. ISBN 83-207-0719-6.