Dinh Norodom
Dinh Norodom là một tòa dinh thự từng được sử dụng làm nơi ở và làm việc của Toàn quyền Đông Dương tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) dưới thời Pháp thuộc. Từ năm 1955, công trình này trở thành dinh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Vào năm 1962, dinh hư hại nặng nề sau một vụ đánh bom nên sau đó đã bị đập bỏ và thay thế bằng tòa nhà Dinh Độc Lập ngày nay.[1][2]
Dinh Norodom | |
---|---|
Dinh Norodom vào năm 1896 | |
Thông tin chung | |
Tên khác | Dinh Thống đốc Dinh Toàn quyền Dinh Độc Lập |
Tình trạng | Bị phá dỡ |
Dạng | Dinh Tổng thống |
Phong cách | Kiến trúc Tân Baroque |
Quốc gia | Liên bang Đông Dương |
Thành phố | Sài Gòn |
Tọa độ | 10°46′38″B 106°41′44″Đ / 10,777108°B 106,695441°Đ |
Xây dựng | |
Động thổ | 23 tháng 3 năm 1868 |
Khánh thành | 1873 |
Phá dỡ | 1962 |
Số tầng | 2 |
Thiết kế | |
Kiến trúc sư | Achille-Antoine Hermitte |
Lịch sử
sửaThiết kế và xây dựng
sửaKhi đô đốc Bonard làm Thống đốc Nam Kỳ từ năm 1861, ông đã cho đặt mua một căn nhà bằng gỗ từ Singapore về Sài Gòn và dựng tại khu đất mà về sau là Trường La San Taberd (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa) để làm nơi ở tạm thời.[3][4]
Đến năm 1863, Chính phủ Pháp cử Phó đô đốc Pierre-Paul de La Grandière sang làm Thống đốc Nam Kỳ, ông đã yêu cầu tìm kiến trúc sư để thiết kế một dinh thự mới thay cho căn nhà gỗ. Cuộc thi thiết kế dinh được công bố trên tờ báo Courrier de Saigon (Thư tín Sài Gòn) ngày 5 tháng 2 năm 1865, giải thưởng dành cho bản vẽ được chọn là 4.000 franc. Tuy nhiên, chỉ có hai bản phác họa được gửi đến và đều không đạt yêu cầu. Cùng thời điểm đó, tại Hồng Kông cũng tổ chức một cuộc thi thiết kế Tòa thị chính và Achille-Antoine Hermitte, một kiến trúc sư trẻ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris đã đoạt giải. Lúc này hai Chuẩn đô đốc Roze and Ohier đang ở Hồng Kông, khi biết tin đã đề xuất với Thống đốc de La Grandière mời Hermitte thiết kế dinh mới. Sau khi xem qua bản phác họa của Hermitte, Thống đốc rất hài lòng và đồng ý trả lương cho anh lên đến 36.000 franc/năm để chỉ huy công trình.[5][6] Ngày 23 tháng 3 năm 1868, Thống đốc de La Grandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng dinh mới, tuy nhiên chỉ hai tháng sau đó ông đã phải trở về Pháp do bệnh. Công trình trải qua 5 đời Thống đốc Nam Kỳ, đến năm 1873 khi Đô đốc Marie Jules Dupré đang là Thống đốc mới xây dựng xong.[6] Tuy nhiên việc trang trí nội thất phải đến năm 1875 mới hoàn thành. Chi phí xây dựng dinh thời điểm đó lên đến hơn 4 triệu franc, do có nhiều nguyên vật liệu phải nhập từ Pháp.[5] Vì nằm ở đầu đại lộ Norodom (tên được đặt theo vua Norodom của Campuchia) nên dinh cũng được gọi là Dinh Norodom.[7]
Từ Dinh Thống đốc đến Dinh Toàn quyền
sửaTừ khi xây dựng xong cho đến năm 1887, dinh là nơi ở của Thống đốc Nam Kỳ nên được gọi là Dinh Thống đốc. Vào năm 1887, chính phủ Pháp thành lập chức vụ Toàn quyền Đông Dương, Dinh Norodom trở thành nơi ở của Toàn quyền Đông Dương tại Sài Gòn nên lúc này được gọi là Dinh Toàn quyền.[6][8]
Ngày 7 tháng 9 năm 1954, trước khi rút quân khỏi Việt Nam, tướng Paul Ély bàn giao Dinh Norodom cho chính quyền Quốc gia Việt Nam.[6][8]
Dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
sửaNăm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và thành lập Việt Nam Cộng hòa. Ông lấy Dinh Norodom làm dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và đổi tên thành Dinh Độc Lập. Ngoài ra, ông cũng đón vợ chồng em trai là ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân vào sống trong dinh.[9]
Vào ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai phi công Quân lực Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc đã lái hai máy bay AD6 ném bom tấn công, làm sập toàn bộ cánh trái của dinh. Ngô Đình Diệm sau đó đã cho phá dỡ dinh để xây dinh mới trên nền cũ theo bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.[2][7]
Kiến trúc
sửaCông trình được xây theo kiến trúc Tân Baroque tiêu biểu thời Napoléon III,[1] tổng thể mặt bằng có hình chữ T.[9] Bề ngang mặt tiền của dinh rộng 80 m, bên trong dinh có phòng tiếp khách có thể chứa đến 800 người.[8]
Dinh tọa lạc tại trung tâm một khuôn viên hình chữ nhật 450 m x 300 m. Trong khuôn viên có nhiều con đường nội bộ, trong đó gồm một con đường bao vòng quanh khuôn viên và tám con đường nối từ các mặt của dinh ra con đường này.[10]
Chú thích
sửa- ^ a b Nguyễn Hữu Thái (23 tháng 8 năm 2016). “Từ dinh Norodom đến hội trường Thống Nhất”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2022.
- ^ a b Từ điển địa danh lịch sử quân sự. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. 2006. tr. 122.
- ^ Vương Hồng Sển, Nguyễn Q.Thắng (2002). Tuyển tập Vương Hồng Sển. Nhà xuất bản Văn học. tr. 476.
- ^ Lê Nguyễn (1998). Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn. Nhà xuất bản Trẻ. tr. 41.
- ^ a b Davies, Stephen (2014). “Achille-Antoine Hermitte (1840–70?)”. Journal of the Royal Asiatic Society Hong Kong Branch. Royal Asiatic Society Hong Kong Branch. 54: 201–216. JSTOR jroyaaisasocihkb.54.201.
- ^ a b c d Nông Huyền Sơn (29 tháng 4 năm 2018). “Lịch sử thăng trầm của dinh Độc Lập”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2022.
- ^ a b Lê Công Sơn (3 tháng 3 năm 2018). “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2022.
- ^ a b c Trung Sơn (8 tháng 5 năm 2016). “Dinh Độc Lập và những biến cố lịch sử ở Sài Gòn”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2022.
- ^ a b Demery, Monique Brinson (2013). Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu. PublicAffairs. tr. 92.
- ^ “Hôtel du gouvernement à Saigon: Capitale de nos établissements en Cochinchine”. Le Magasin pittoresque. 1872. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2022.