Mộ đom đóm

Phim hoạt hình của Studio Ghibli
(Đổi hướng từ Grave of the Fireflies)

Mộ đom đóm (火垂るの墓 Hotaru no Haka?, Grave of the Fireflies) là một bộ phim hoạt hình Nhật Bản của hãng phim hoạt hình Ghibli sản xuất và được Toho phát hành năm 1988. Phim do đạo diễn Takahata Isao viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim được dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nosaka Akiyuki vốn được tác giả viết dưới dạng bán tự truyện như là một lời xin lỗi với người em gái của chính tác giả. Giống như các tác phẩm khác của hãng Ghibli, bộ phim được chú ý nhờ đạt được chất lượng cao cả về mặt nghệ thuật và hình ảnh.

Mộ đom đóm
火垂るの墓
Bìa DVD của bộ phim
Đạo diễnTakahata Isao
Sản xuấtHara Toru
Tác giảTiểu thuyết:
Nosaka Akiyuki
Kịch bản:
Takahata Isao
Âm nhạcMamiya Michio
Quay phimKoyama Nobuo
Dựng phimSeyama Takeshi
Phát hànhToho
Công chiếu
16 tháng 4 năm 1988
Quốc gia Nhật Bản
Ngôn ngữTiếng Nhật
Doanh thu
  • 1,7 tỉ yên Nhật (Nhật Bản)[1]
  • 516,962 đô la Mỹ (Hoa Kỳ)[2]

Một vài nhà phê bình phim (trong đó phải kể tới Roger Ebert) coi Mộ Đom đóm là một trong những bộ phim phản chiến mạnh mẽ nhất đã từng được thực hiện. Nhà nghiên cứu lịch sử hoạt hình Ernest Rister đã so sánh bộ phim này với tác phẩm của đạo diễn Steven Spielberg, bộ phim Bản danh sách của Schindler và nói thêm: "Đây là bộ phim hoạt hình nhân văn nhất mà tôi được xem."[3] Với người Nhật thì bộ phim thường được hiểu như một câu chuyện ngụ ngôn về lòng tự trọng hơn là về tinh thần phản chiến.

Phim đã đạt được thành công khiêm tốn tại các phòng vé Nhật Bản,[4] nơi nó đã thu được 1,7 tỷ yên Nhật.[1] Trong khuôn khổ Lễ hội phim Ghibli 2018, bộ phim đã có một lượng giới hạn công chiếu tại Hoa Kỳ, thu về 516.962 đô la Mỹ.[2]

"Liên hoan phim Nhật Bản 2013 – Sự kết nối" tại Hà Nội đã trình chiếu bộ phim với tựa đề tiếng Việt chính thức "Mộ đom đóm".[5]

Nội dung sửa

Được đặt trong bối cảnh giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới 2Nhật Bản, bộ phim kể lại câu chuyện chua xót nhưng cảm động về tình anh em của hai đứa trẻ mồ côi người anh trai tên là Seita và em gái của cậu là Setsuko. Hai anh em mất mẹ sau cuộc thả bom dữ dội của không quân Mỹ vào thành phố Kobe trong khi cha của hai đứa đang chiến đấu cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Trong cả bộ là viễn cảnh Seita và Setsuko phải vật lộn để tồn tại giữa một bên là nạn đói và một bên là sự thờ ơ đến nhẫn tâm của những người xung quanh (trong đó có cả những người họ hàng của hai đứa trẻ và cụ thể chính là người dì ích kỷ của 2 đứa trẻ, người luôn phàn nàn rằng họ không làm việc gì cả nhưng vẫn được chăm sóc chu đáo trong khi thực phẩm ngày càng khan hiếm). Sau khoảng thời gian 2 anh em sống trong sự mắng chửi, phân biệt đối xử và cậu bé Seita phải đối diện với một lựa chọn đó là hoặc ở lại với người dì ích kỷ, làm việc và đối diện với sự thật, hoặc là chạy trốn, để có được sự tự do mặc dù sẽ rất khó khăn, thiếu thốn nhưng 2 anh em cậu sẽ làm được những điều mình thích.

Cuối cùng, Seita và Setsuko quyết định rời khỏi nhà người dì, họ chuyển đến một căn hầm trú bom đã bị bỏ hoang. Sự thiếu thốn thức ăn đã buộc Seita phải ăn cắp đồ, thức ăn và bị đánh đập. Setsuko bị ốm nặng, Seita vội đưa cô bé đến bệnh viện và được bác sĩ thông báo rằng cô bé đang bị suy dinh dưỡng do thiếu ăn. Trong sự lo lắng đến tột cùng, Seita đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản ngân hàng của mẹ cậu để mua thức ăn. Tuy nhiên, khi vừa lấy được tiền, Seita rất sốc và tuyệt vọng khi nghe tin Nhật Bản đã đầu hàng vô điều kiện quân Đồng Minh, và người cha (là chỉ huy của một con tàu) cũng được cho là đã tử nạn trên biển. Cậu trở về cùng với nhiều thức ăn, nhưng không lâu sau Setsuko đã chết. Seita hỏa táng thi hài của cô bé, bỏ vào hộp kẹo trái cây và mang nó cùng với bức ảnh của người cha, cho đến khi cậu cũng qua đời tại nhà ga Sannomiya vào giữa tháng 9 năm đó.

Bộ phim kết thúc với cảnh Seita và Setsuko ngồi bên nhau vui vẻ với những con đom đóm xung quanh, và họ nhìn xuống thành phố Kobe đã phát triển và hiện đại sau chiến tranh.

Ý nghĩa của bộ phim sửa

Những cách hiểu khác nhau sửa

Kịch bản phim được dựa theo cuốn bán tiểu thuyết dưới dạng bán tự truyện cùng tên của tác giả Nosaka Akiyuki, ông đã mất một người em gái vì thiếu ăn vào giai đoạn chiến tranh năm 1945 ở Nhật Bản. Tác giả luôn cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về cái chết đó và ông viết cuốn tiểu thuyết như để đền bù cho em gái mình và cũng để giúp ông chấp nhận bi kịch của quá khứ.

Vì bộ phim chứa đựng rất nhiều những hình vẽ và sự mô tả rất xúc động những hậu quả khủng khiếp của chiến tranh đối với xã hội và từng cá nhân trong đó, nhiều nhà phê bình đã coi Mộ Đom đóm là một bộ phim phản chiến. Bộ phim cũng cung cấp cho người xem một cái nhìn từ bên trong về văn hóa Nhật Bản khi tập trung vào miêu tả bi kịch của con người bởi chiến tranh hơn là tìm cách ca ngợi những hành động anh hùng.

Một cách nhìn khác về Mộ Đom đóm cho rằng bộ phim miêu tả sự nguy hiểm khi con người đặt lòng tự trọng của họ cao hơn lý trí. Cách hiểu đặc biệt này được chính đạo diễn Takahata nói tới trong một cuộc phỏng vấn ông cho lần phát hành DVD của bộ phim năm 2002. Ông đã bày tỏ sự ngạc nhiên của mình trước sự cảm thông của khán giả với Seita thay vì nhận ra rằng chính hành động của cậu bé đã dẫn tới cái chết của em gái mình. Nhân vật thể hiện hình ảnh của nhà văn Nosaka, cậu bé Seita phải đối diện với một lựa chọn quyết định (khi cậu rời khỏi nhà của bà dì và khi người nông dân từ chối nhận cậu), đó là hoặc ở lại với người dì ích kỷ, làm việc và đối diện với sự thật, hoặc là chạy trốn. Cuối cùng Seita đã lựa chọn lòng kiêu hãnh thay vì lý trí, và số phận của cậu cũng như của Setsuko chính là kết quả của lựa chọn đó khi hai anh em rời khỏi nhà bà dì. Nếu ở lại, gần như chắc chắn hai anh em sẽ sống sót. Hơn nữa, đã có những ý kiến cho rằng nếu như bộ phim thực sự dựa vào cuốn tiểu thuyết (vốn là một lời xin lỗi cá nhân của tác giả với em gái mình) thì rõ ràng là rất khó để coi Mộ Đom đóm là một bộ phim phản chiến thực sự.

Khái quát hơn, vì rằng những vết thương của Seita là do chính cậu gây nên, và nó cũng dẫn tới cái chết của Setsuko, nên có thể hiểu rằng đó là sự chỉ trích tới sự tham gia của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới 2: Lòng kiêu hãnh của người Nhật đã làm đất nước Nhật Bản thiệt hại nặng nề.

Ở một hướng nhìn khác, câu chuyện có thể đã diễn biến theo 1 hướng tốt đẹp hơn nếu như khi còn ở nhà dì, Seita tham gia các công việc đồng áng để phụ gia đình dì. Trong thời buổi chiến tranh thiếu cái ăn thì việc phải cưu mang thêm 2 đứa trẻ, sẽ là 1 gánh nặng đối với gia đình tầng lớp thấp. Trong diễn tiến bộ phim, trước khi tỏ thái độ khó chịu với anh em Seita, người dì cũng đã từng có ít nhất 2 lần nhắc Seita hoặc đi học, hoặc tham gia lao động. Khi nhắc khéo nhưng Seita vẫn không chú ý, nên người Dì mới trở nên bực bội nói thẳng những dồn nén trong lòng. Đây là phản ứng tâm lý bình thường trong hoàn cảnh bữa đói, bữa no giữa thời chiến. Trong câu chuyện này, ngoài ưu điểm là thương em gái, thì Seita có lẽ là người ích kỷ và lười nhác nhất. Vì lười nhác mà không tham gia lao động; vì ích kỷ, đặt cái tôi mình quá cao lấn át lý trí để dẫn tới 2 anh em không có nơi ngủ nghỉ đàng hoàng, khiến em gái suy kiệt nhiễm trùng mà chết. Không những vậy, thay vì lao động chân chính, cậu còn xin xỏ hoặc thậm chí là trộm cắp để kiếm sống qua ngày. Nhìn lại lịch sử nước Nhật thời thế chiến, trẻ em đã phải đi lao động từ rất sớm để kiếm miếng ăn. Để minh chứng cho điều này, trong tập truyện "Cô gái hoa bách hợp" của Doraemon, khi Nobita dùng cỗ máy thời gian quay lại quá khứ gặp bố mình thì thấy ông đang làm ruộng cùng các bạn (ông Nobi lúc đó cũng chỉ trạc tuổi Nobita, tức là khoảng 10 tuổi). Bộ phim vừa có nội dung phản chiến, vừa nêu bật tình cảm anh em nhưng cũng phê phán thói ích kỷ, lười nhác, đặt cái tôi của mình quá cao sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho mình và đôi khi còn liên lụy đến người thân.

Tựa đề của bộ phim sửa

Trong tiếng Nhật, danh từ không thay đổi khi ở dạng số nhiều, vì vậy hotaru có thể hiểu là một con đom đóm hoặc nhiều con đom đóm. Seita và Setsuko bắt được rất nhiều đom đóm và dùng chúng để thắp sáng cho cái hầm trú ẩn nơi hai đứa bé sống. Ngày hôm sau, Setsuko đào một ngôi mộ cho tất cả lũ đom đóm và hỏi Seita "Tại sao lũ đom đóm phải chết sớm vậy?" vì vậy tựa phim có thể dùng là Mộ đom đóm với đom đóm ở số nhiều.

Theo một cách hiểu khác, con đom đóm có thể cũng là để chỉ Setsuko vốn cũng chết rất sớm. Nếu như vậy tựa phim có thể là Mộ Đom đóm với đom đóm ở số ít.

Trong tựa đề tiếng Nhật của phim từ hotaru (đom đóm) không được viết như thông thường với một chữ kanji 蛍 mà với hai chữ kanji 火 (hi, lửa) và 垂 (tareru, rủ xuống, với nghĩa một giọt nước chuẩn bị rơi khỏi chiếc lá). Điều này có thể gợi lên hình ảnh của những con đom đóm như là những đốm lửa nhỏ. Vài người cho rằng nó gợi tới senkō hanabi, một đốm pháo hoa (xuất hiện khi ta đốt những que pháo hoa và vung vẩy chúng). Cách hiểu này cũng rất đáng chú ý vì những que pháo hoa chỉ đốt được lâu nếu chúng ta giữ yên chúng còn nếu không chúng sẽ tàn rất nhanh, một sự ẩn dụ tới sự mong manh của cuộc sống. Senkō hanabi cũng gợi tới hình ảnh của gia đình, vì một phong tục truyền thống của Nhật Bản vào mùa hè là cả gia đình quây quần để thưởng thức pháo hoa. Nói chung thì pháo hoa tượng trưng cho cuộc sống sớm nở tối tàn như những con đom đóm. Ngắm đom đóm cũng lại là một truyền thống gia đình khác của Nhật Bản. Khi tổng hợp tất cả những ý kiến trên, có thể thấy tựa phim vừa gợi nên tình anh em gắn bó giữa Seita và Setsuko, đồng thời cũng nhấn mạnh sự cô đơn của hai đứa trẻ thiếu vắng cha mẹ.

Ngoài ra, cặp chữ kanji này cũng có thể là một phép ẩn dụ để nói tới những cuộc oanh tạc bằng bom gây cháy của không quân Đồng minh. Có giai thoại kể lại rằng trong thời gian chiến tranh đôi khi người Nhật gọi những quả bom gây cháy đang được thả xuống đất nước họ là những con đom đóm.

Ý nghĩa riêng của hình ảnh những con đom đóm sửa

Bản thân hình ảnh những con đom đóm cũng mang nhiều ý nghĩa riêng:

  • Để chỉ chính những con đom đóm (đã chết và được Setsuko mai táng)
  • Để chỉ hai đứa trẻ đều phải chết sớm, đặc biệt là Setsuko
  • Để chỉ những phi công cảm tử Thần phong (Kamikaze): Setsuko đã nói rằng chiếc máy bay cảm tử Thần phong trông giống những con đom đóm
  • Để chỉ những quả bom gây cháy

Những con đom đóm cũng là biểu tượng của những linh hồn người đã khuất (Hitodama) vốn được mô tả như những đốm lửa lập lòe trôi nổi. Một loài đom đóm ở phía Tây Nhật Bản được gọi là Heike Hotaru vì mọi người tin rằng những ánh sáng lập lòe của chúng ở gần những con sông và hồ chính là linh hồn của gia đình Heike đã bỏ mạng trong trận thủy chiến nổi tiếng ở Dan-no-ura.

Quá trình sản xuất sửa

Những nhà sản xuất đã chọn hai đứa trẻ ở tầm tuổi của Seita và Setsuko để lồng tiếng cho phim, tuy nhiên sau đó họ mới nhận ra rằng đứa trẻ lồng tiếng cho Setsuko còn quá nhỏ. Vì vậy thay cho việc hoàn thành phần hình ảnh trước và lồng tiếng cho Setsuko như với mọi nhân vật khác, nhà sản xuất đã thu âm cho giọng của Setsuko trước khi vẽ hình. Những họa sĩ thực hiện chưa quen với việc này vì thế mà người xem rất khó nhận ra được môi của Setsuko.

Phim truyền hình sửa

 
Phim truyền hình Mộ đom đóm

Hãng truyền hình Nippon Television của Nhật đã sản xuất một bộ phim truyền hình dựa theo bộ phim này để kỉ niệm 60 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Bộ phim được phát sóng ngày 1 tháng 11 năm 2005. Giống như anime Mộ Đom đóm, phiên bản truyền hình cũng tập trung vào những khó khăn của hai anh em khi phải vật lộn để tồn tại trong những ngày cuối cùng của chiến tranh ở Kobe. Nhưng khác với phiên bản anime, bộ phim truyền hình Mộ Đom đóm được kể theo góc nhìn của người dì và tập trung mô tả việc làm thế nào hoàn cảnh chiến tranh đã thay đổi một người phụ nữ tốt bụng trở thành một bà dì máu lạnh độc ác. Nhân vật này được thể hiện bởi nữ diễn viên nổi tiếng Matsushima Nanako.

Chuyện ngoài lề sửa

  • Ở phần kết của bộ phim, khán giả thấy một chiếc máy bay ném bom B-29 bay qua thành phố, nó được cho là chiếc Enola Gay đã ném quả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Thực tế thì Enola Gay nằm trong phi đội gồm 3 chiếc máy bay.
  • Những viên kẹo nhiều màu mà hai đứa trẻ ăn trong phim có tên là Sakuma drops là một loại kẹo được bán ở Nhật Bản.

Tham khảo sửa

  1. ^ a b 超意外な結果!?ジブリ映画の興行収入ランキング. シネマズ PLUS (Cinemas PLUS) (bằng tiếng Nhật). 25 tháng 6 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2019.
  2. ^ a b “Grave of the Fireflies – Studio Ghibli Fest 2018 (2018)”. Box Office Mojo. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2019.
  3. ^ “Bài viết của Roger Ebert trên rogerebert.com ngày 19 tháng 3 năm 2000”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2007.
  4. ^ Runyon, Christopher (20 tháng 11 năm 2013). “The Studio Ghibli Retrospective: 'Grave of the Fireflies'. Movie Mezzanine. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2014.
  5. ^ “Liên hoan phim Nhật Bản 2013 – Sự kết nối”. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản. ngày 31 tháng 10 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2017. Tóm lược dễ hiểu.

Liên kết ngoài sửa