Hoàng Thạch Công tam lược

Binh thư cổ Trung Hoa

Hoàng Thạch Công tam lược, hay còn gọi là Tam lược, là một cuốn binh thư có lịch sử gắn liền với đạo sĩ Hoàng Thạch Công và tướng quân nhà Hán Trương Lương. Tương truyền, Hoàng Thạch Công đã đưa bộ sách này cho Trương Lương, từ đó giúp cho Lương trở thành một chính khách lão luyện và nhà lý luận chiến tranh đầy quyền lực. Tên nghĩa đen của luận thuyết là "Ba chiến lược của Công thần Đá Vàng", dựa trên câu chuyện truyền thuyết về sự kiện bản văn tự này được Trương Lương tiếp nhận. Các học giả hiện đại đã lưu ý sự tương đồng giữa triết lý của nó và triết lý của Đạo giáo Hoàng Lão. Đây là một trong bảy tác phẩm quân sự kinh điển của Trung Quốc.[1]

Hoàng Thạch Công tam lược
Phồn thể黃石公三略
Giản thể黄石公三略
Nghĩa đenHoàng Thạch Công tam lược
Hình minh họa Trương Lương mang giày cho Hoàng Thạch Công tại Đại Sảnh của Cung điện Mùa hè, Bắc Kinh.

Nội dung

sửa

Đúng như tiêu đề của nó, Tam lược (ba chiến lược) được chia làm ba phần, có thể được hiểu là phân cấp theo tầm quan trọng, hoặc đơn giản là vị trí từng chương trong tác phẩm. Bản thân tác phẩm cũng chỉ rõ rằng, cả ba loại chiến lược đều cần thiết cho từng cấu trúc chính phủ khác nhau. Phần lớn tác phẩm đề cập đến việc kiểm soát hành chính. Tuy nhiên, một số binh lược quan trọng cũng được nhắc đến. Chẳng hạn như, các tướng lĩnh phải ở địa vị cao và không thể bị nghi ngờ một khi họ nắm quyền chỉ huy. Hay như các cuộc tấn công phải nhanh chóng và quyết đoán.[2]

Có ba điểm cần phải toàn tâm lĩnh hội:

  1. Vận dụng cả cương và nhu. Một nhà lãnh đạo phải vừa nhân từ, nhưng lại vừa mang những yếu tố gây kinh ngạc, theo như những gì phù hợp. Điều này có quan hệ mật thiết với nguyên tắc thứ hai:
  2. Hành động theo hoàn cảnh thực tế. Tránh những phản ứng dựa trên mộng tưởng, ký ức quá khứ hoặc thói quen từng nhào nặn được trong những hoàn cảnh khác. Chỉ có thể dựa vào quan sát và nhận thức, cũng như sẵn sàng sửa đổi kế hoạch bất cứ lúc nào.
  3. Chỉ dùng người có năng lực. Điều này đòi hỏi một cái nhìn sâu sắc và chính xác về người khác.

Mỗi nguyên tắc này đều có ý nghĩa sâu sắc và dụng ý khác nhau.[3]

Trọng tâm triết học và lý luận hành chính

sửa

Nhiều chủ đề và ý tưởng trong Tam lược có nét tương đồng như những điều trong Võ kinh thất thư. Văn tự hầu như không nhấn mạnh đến chiến lược, chiến thuật trên chiến trường mà chỉ tập trung vào những vấn đề hậu cần: “Khái niệm về chính quyền, thống suất lực lượng; đoàn kết toàn dân; tố chất tướng tài; phương thức bổ túc cơ sở vật chất vững chắc; động viên thuộc hạ và lính tráng; cũng như làm thế nào phát huy uy quyền thông qua sự cân bằng giữa thực hành cương nhu.[4]

Về mặt triết học, cuốn sách là sự tổng hợp của các tư tưởng Nho giáo, Pháp giaĐạo giáo. Các khái niệm Nho giáo có trong văn bản bao gồm sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc nhà cầm quân trau dồi cái nhân (仁) và cái nghĩa (義), hành chính nhân đạo thông qua thúc đẩy phúc lợi dân chúng, cai trị bằng Đức (德), trọng dụng Hiền nhân (賢人). Các khái niệm luật pháp có trong văn bản bao gồm sự nhấn mạnh vào việc củng cố chính quyền, ban thưởng và phạt tội thông qua việc thực thi pháp luật nghiêm ngặt và khách quan. Giả định rằng quyền lực tốt nhất đó là quyền lực tập trung vào một chủ quyền bề thế độc tôn. Quan điểm Đạo giáo chung của cuốn sách cũng được công nhận bởi việc nhấn mạnh vào lý tưởng xã hội hài hòa, thụ động, lý tưởng đạt được chiến thắng mà không cần tranh giành, tầm quan trọng của việc bảo toàn sự sống, tầm quan trọng của chữ Đạo và chữ Đức, cũng như tính chất độc ác của chiến tranh. Quan điểm Đạo giáo này thấm nhuần xuyên suốt cuốn sách, nhưng đã được chỉnh lý lại để phản ảnh những vấn đề thực tế phức tạp, vốn liên quan đến việc tham gia vào chính trị và chiến tranh. Văn bản khẳng định rằng, mọi khía cạnh của cả ba thuyết đều thực sự hữu ích để đặt ra một chính phủ tốt.[5]

Lý luận quân sự

sửa

Các mục trong Tam lược thảo luận trực tiếp về chiến lược và chiến thuật quân sự cũng nhấn mạnh lên chất lượng tướng lĩnh, phong thái nhanh nhẹn, uy nghiêm, sự nhất quán và cân bằng của các lực lượng sẵn có cũng như mối quan hệ giữa cương và nhu. Văn bản tôn suy quan điểm rằng, khi một vị tướng nắm quyền chỉ huy, quyền lực của người này phải là tuyệt đối. Người chỉ huy phải kiểm soát được cảm xúc và không bao giờ tỏ ra nghi ngờ hay do dự. Họ phải biết tiếp thu lời khuyên cũng như phê bình mang tính xây dựng, nhưng cuối cùng, các quyết định của tướng là quyết định cuối cùng, bất di bất dịch không được chất vấn hoài nghi.[6]

Văn tự đồng tình với Binh pháp Tôn Tử, cho rằng sự thần tốc phải được nhấn mạnh trong các cuộc đụng độ quân sự. Cũng như cho rằng phải cố gắng tránh để xảy ra những cuộc chiến lâu dài, khó định đoạt. Sự tối mật, nhất quán và chính nghĩa phải được cô động trong những quyết định của người chỉ huy. Mọi hoài nghi từ bên ngoài, xô xát nội bộ, sự mê tín, mộng tưởng, hoặc bất cứ điều gì gây trì hoãn một đội quân hoặc suy yếu sự đồng cam của tập thể phải được tiễu trừ hoàn toàn. [6]

Một vị tướng phải trau dồi ý thức về sự tôn nghiêm trác tuyệt của mình thông qua thiết lập một cách nghiêm ngặt, nghiêm khắc và có hệ thống một nguyên tắc thưởng phạt công minh. Chỉ khi hệ thống này không bị đòi hỏi, chất vấn thì sự uy nghiêm và vinh quang của người chỉ huy mới được thiết lập. Không có một hệ thống thưởng phạt, người chỉ huy sẽ đánh mất lòng trung thành của cấp dưới, và mệnh lệnh của người này sẽ bị khinh nhược và phớt lờ.[7]

Nguyên tác cũng công nhận tinh thần của Đạo giáo, cho rằng kẻ yếu nhược vẫn có khả năng vượt qua kẻ cường mạnh. Triết lý này được mở rộng ra thành các học thuyết và chiến lược quân sự. Tam lược chỉ ra rằng, một đội quân phải mang hình thái kín đáo, thụ động khi không trực tiếp hành động, nhằm tránh trở nên lộ liễu mỏng manh, và dễ bị kẻ khác vượt mặt. Văn tự còn cho rằng, một quân đội thành công phải vận dụng được thuần thục mọi chiến lược cương nhu, nhằm đạt được khả năng triển khai cũng như điều binh uyển chuyển và bất tường.[8]

Lịch sử và nguyên tác

sửa

Giống như Lục thao, Tam lược thường được cho là của Khương Tử Nha, hay còn gọi "Thái công". Tuy nhiên, bốn giả thuyết khác về nguồn gốc của tác phẩm từng được đưa ra. Thuyết đầu tiên cho rằng văn bản này thực sự được viết và biên soạn bởi những người theo Thái công sau này, chứ không phải bởi chính ông. Một giả thuyết khác lại cho rằng, người được cho là đã trao văn tự cho Trương Lương, Hoàng Thạch Công, có thể chính là người đã viết ra nó. Một số học giả cổ điển bảo thủ thậm chí còn tuyên bố cuốn sách là giả mạo. Quan điểm cuối cùng thì lại cho rằng, văn bản được viết vào khoảng cuối thời nhà Hán bởi một kẻ ẩn dật theo trường phái tư tưởng Hoàng Lão.[9] Vì thiếu bằng chứng khảo cổ học nên không có sự đồng thuận giữa các học giả về việc giả thuyết nào trong số này mới là chuẩn.

Quan điểm truyền thống

sửa

Tam lược đã chiếm lĩnh vị trí trong hàng kinh điển các tác phẩm quân sự Trung Hoa thông qua mối quan hệ lịch sử của nó với tướng lĩnh nhà Hán mà nhân vật đầu tiên trong số đó là Trương Lương. Sự xuất hiện đột ngột, gần như là huyền thoại của nó là điển hình của nhiều tài liệu lịch sử thời bấy giờ. Theo Sử ký, khi Lương đang tẩu trốn sau vụ ám sát thất bại Tần Thủy Hoàng (năm 218 trước Công Nguyên), ông đã gặp một ông già vô danh, người này đã nhận ra Lương khi cả hai đi qua một cây cầu. Lão tiền bối này đã một mực thẩm tra đức hạnh của Trương Lương nhiều lần trước khi cuối cùng trao cho ông cuốn Tam lược và tự giới thiệu mình cùng với một tảng đá vàng ở chân núi Cốc Thành 穀城 (từ đó mà có cái tên "Hoàng Thạch Công") . Theo Sử ký, Trương Lương sau đó đã nghiền ngẫm Tam lược và dùng những lời dạy của văn tự để bổ túc bang trợ trong những thành tựu quân sự tương lai.[10] Một nguồn tin có phần chưa được thuyết phục từ thời nhà Tống cho rằng, Lương đã ra lệnh chôn cuốn Tam lược cùng với ông sau khi qua đời để phòng ngừa việc truyền bá nó cho những kẻ không xứng đáng, từ đó tác phẩm này chỉ được phát hiện lại từ đời nhà Tấn bởi những kẻ trộm mộ.[11]

Các học giả thì lại tin vào câu chuyện Tam lược có nguồn gốc trực tiếp từ Thái công, cho rằng nó được viết sau cuốn Lục thao một cách bí mật, sau khi Khương Tử Nha được phong làm Công khanh nước Tề. Giả thuyết này cho rằng, ông già đưa cuốn sách cho Lương phải là một hậu duệ nào đó của Khương Tử Nhà và/hoặc một học giả nào đó đã về hưu của nước Tề vừa bị chinh phục. Hành động đưa cuốn sách cho một thanh niên tẩu trốn khỏi âm mưu ám sát kẻ chinh phục nước Tề được giải thích là một cử chỉ phù hợp và dễ hiểu.[12]

Quan điểm phi chính thống

sửa

Một cách giải thích khác cho giả thuyết truyền thống đó là tác phẩm này là sản phẩm của các đệ tử Khương Tử Nha, phát triển và thêm bồi dựa trên những nguyên tắc cốt lõi của tài liệu có từ thời cổ đại cho đến khi cuối cùng được biên soạn và sửa đổi ngay trước cuộc chinh phục nước Tề bởi Tần vương năm 221 trước Công Nguyên. Giả thuyết thứ ba thì lại cho rằng, thay vì có liên hệ đến Khương Tử Nha, Hoàng Thạch Công chỉ đơn giản là đã tự mình viết ra tác phẩm ngay trước khi đưa cho Trương Lương. Họ cho rằng điều này giải thích cho quan điểm Đạo giáo thời kỳ đầu nhà Hán dựa trên danh nghĩa của văn tự. Một giả thuyết khác, được xác định về mặt lịch sử thông qua văn học bảo thủ cuối lịch sử Trung Quốc, cho rằng tác phẩm này là mạo văn, có niên đại từ thời Tấn-Ngụy (hoặc muộn hơn). Những lời lên án phê bình điển hình của các học giả có liên quan đến lý thuyết này đó là quan điểm Đạo giáo của tác phẩm là "trống rỗng", nội dung của nó là "tàn bạo" và ngôn ngữ của nó là "thô sơ".[13]

Quan điểm khả quan nhất?

sửa

Có một thuyết khá được đón nhận cho rằng, Tam lược có từ cuối thời Tây Hán (206 trước Công Nguyên – 9 sau Công Nguyên), tầm vào khoảng năm thứ nhất sau Công Nguyên và là sản phẩm của trường phái Đạo giáo Hoàng Lão hiện đã thất truyền. Giả thuyết này cho rằng, tác phẩm được trao cho Trương Lương không phải là Tam lược hiện tại mà thực chất là Lục thao. (Tác phẩm hiện nay được gọi là Tam lược của Hoàng Thạch Công từng được biết đến dưới cái tên Hoàng Thạch Công ký lược cho đến thời nhà Tùy, làm sáng tỏ sự nhầm lẫn này). Theo luận thuyết này, thời gian sáng tác muộn cũng đem lại lời giải thích chính đáng cho nhiều mục đề cập đến hoàn cảnh chính trị (các gia đình quyền lực tiếm quyền; các vấn đề nội chính trong thời kỳ thái bình; cũng như việc góp nhặt hỗn tạp nhiều loại triết học, được áp dụng lên nhiều triết lý Hoàng Lão) và việc sử dụng các ký tự hiện đại hơn được tìm thấy trong văn bản. Trong trường hợp không có chứng cứ khảo cổ trái ngược, nhiều học giả hiện đại cho rằng giả thuyết cuối cùng này là có khả năng nhất.[14]

Xem thêm

sửa

Chú thích và tham khảo

sửa
  1. ^ Sawyer, Ralph D.; Mei Mei-chün Sawyer (1993). The Seven Military Classics of Ancient China. Westview Press. ISBN 0-8133-1228-0.
  2. ^ Sawyer (1993) pp. 289–291
  3. ^ Cultural China "Three Strategies of Huang Shigong – One of the Seven Military Classic of Ancient China". Web. January 10, 2011. Retrieved from [1]
  4. ^ Sawyer, Ralph D. (2007). The Seven Military Classics of Ancient China. New York: Basic Books. tr. 284. ISBN 978-0-465-00304-4.
  5. ^ Sawyer (2007) pp. 284–286.
  6. ^ a b Sawyer (2007) p. 289.
  7. ^ Sawyer (2007) p. 290.
  8. ^ Sawyer (2007) p. 290-291.
  9. ^ Sawyer (1993) pp. 281–289
  10. ^ Sawyer (2007) p. 281-283
  11. ^ Sawyer (2007) p. 483
  12. ^ Sawyer (2007) pp. 282–283
  13. ^ Sawyer (2007) p. 283
  14. ^ Sawyer (2007) pp. 283–284, 484