Maha Bandula
Tướng quân Maha Bandula (tiếng Miến Điện: မဟာဗန္ဓုလ; phát âm [məhà bàɴdṵla̰] c. 1783 – 1 tháng 4 năm 1825) là Tổng Tư lệnh quân đội nhà Konbaung từ năm 1819 đến khi ông hy sinh vào năm 1825 trong Chiến tranh Anh-Myanma thứ nhất. Bandula là nhân vật chủ chốt trong đường lối bành trướng của triều Konbaung ở Manipur và Assam mà hậu quả cuối cùng là chiến tranh với Vương quốc Anh và sự diệt vong của vương triều cuối cùng của Myanma. Dù thế, vị tướng quân đã hy sinh trong chiến đấu này được người Myanma tôn vinh là anh hùng dân tộc kháng chiến chống quân Anh. Ngày nay, một số nơi quan trọng ở đất nước Myanma mang tên ông.
Maha Bandula မဟာဗန္ဓုလ | |
---|---|
Sinh | 1783[1] Dabayin, Vương quốc Myanma |
Mất | 1 tháng 4 năm 1825 Danubyu, Vương quốc Myanma |
Thuộc | Triều Konbaung |
Quân chủng | Quân đội Konbaung |
Năm tại ngũ | 180? – 1825 |
Cấp bậc | Tổng Tư lệnh[2] |
Tham chiến | Chiến tranh Manipur-Myanma, 1819 Chiến tranh Assam-Myanma, 1821–1822 Chiến tranh Anh-Myanma thứ nhất |
Tặng thưởng | Agga Maha Thenapati Thado Maha Bandula Ne Myo Thura Yegaung |
Thân thế
sửaMaha Bandula sinh năm 1783 ở Dabayin, lúc sinh được đặt tên là Maung Yit (မောင်ရစ်, [màuɴ jɪʔ]), là con trai đầu lòng của một gia đình trung nông lớp dưới. Cha là Pauk Taw còn mẹ là Nyein.[1][3] Giống như các cậu bé Myanma thời đó, Maung Yit đi học tại các tự viện ở địa phương. Chỉ sau khi cha qua đời, ông mới bắt đầu phải lo lắng về cuộc sống của mình. Ông giúp mẹ làm ruộng cũng như chăm sóc hai em trai, Maung Aye và Maung Mya, và em gái Ma Doke.[1]
Sự nghiệp
sửaLớn lên, Maung Yit chuyển đến Amarapura, lúc đó là kinh đô của Myanma, và làm gia nhân cấp thấp nhất cho Thái tử Thado Minsaw, người cũng có thái ấp ở Dababyin.[1] Maung Yit thăng tiến rất nhanh, lúc đầu dưới trướng của Thado Minsaw rồi sau đó là dưới trướng của Hoàng tử Sagaing, con trai của Thado Minsaw, người sau đó được tấn phong là Thái tử vào năm 1808. Maung Yit thăng tiến đến chức quan tri phủ Dabayin, rồi ba năm sau là tri phủ Ahlone-Monywa.
Manipur (1819)
sửaTháng 10 năm 1819, Bandula, là Sitke (Tổng Tư lệnh) của quân đội Myanma, đã dẫn quân chinh phạt Manipur.[1][4] Ông đích thân chỉ huy 5 ngàn bộ binh và 500 kỵ binh đi đầu. Tiếp ứng là 2 vạn bộ binh và 2500 kỵ binh của Tướng Ne Myo Thura Minhla Nawrahta. Người Manipur điều quân nghênh chiến ở gần kinh đô của mình. Pháo đài của họ có hai mặt được che bởi các ngọn đồi cao, và chính diện là cổng thành bằng gỗ vững chắc, được tin là bất khả xâm phạm. Bandula cho lực lượng tinh nhuệ của mình đánh chiếm các quả đồi vào ban đêm và phá vỡ cổng gỗ, mở cửa cho đại quân Myanma tràn vào thành và kinh đô.[1] Raja Marjit Singh bỏ chạy sang nước láng giềng Cachar. Vua xứ đó, Chourjit Singh, chính là anh của Marjit Singh. Chiến dịch táo bạo này đã khiến Bandula nổi tiếng.[4] Vua Myanma ban cho ông danh hiệu Ne Myo Thura Yegaung.
Assam (1821–1822)
sửaTháng 2 năm 1821, Bandula theo lệnh vua Bagyidaw dẫn 2 vạn quân Myanma (trong đó một nửa là binh sĩ người Hkamti Shan và Kachin) đã từ căn cứ của nọ dọc thung lũng Hukawng vượt qua dãy núi phủ tuyết sang Assam. Sau gần một năm rưỡi giao đấu quyết liệt tại nơi có địa hình khó khăn bậc nhất thế giới, cuối cùng quân Myanma đã đánh bại Chandra Kanta Singh và quân Assam vào tháng 7 năm 1822, biến Assam thành một tỉnh của Myanma và cử một viên tướng Myanma cai quản, chấm dứt 6 thế kỷ tồn tại của vương triều Ahom.[5] Vị vua Assam thất bị bỏ chạy sang lãnh thổ của Anh ở Bengal. Bandula yêu cầu Anh giao vị vua Assam cho Myanma, nhưng người Anh từ chối và tăng cường quân lực tới các pháo đài vùng biên giới.[6] Maha Bandula giao cho tướng Maha Thilawa 2000 quân ở lại giữ Assam, còn mình dẫn quân về Ava.[4] Chính sau cuộc chiến tranh với Assam này, Maung Yit được ban tước hiệu Thado Maha Bandula (hay gọi tắt là Maha Bandula), mà về sau mọi người đều gọi ông bằng tước hiệu này.
Chiến tranh Anh-Myanma thứ nhất (1824–1826)
sửaĐến năm 1822, hai cuộc chinh phạt Manipur và Assam đã khiến cho Myanma có đường biên giới khá dài với Ấn Độ thuộc Anh. Người Anh, từ Calcutta, đã có ý đồ riêng đối với khu vực, và đã tích cực ủng hộ các lực lượng nổi dậy ở Manipur, Assam và Arakan. Calcutta đơn phương tuyên bố mình là người bảo hộ Cachar và Jaintia, và đã điều động quân đội đến các xứ này.[7] Động thái này đã làm cho tình hình khu vực căng thẳng thêm. Nhận thấy chiến tranh tất sẽ xảy ra, Bandula đã tích cực đề xướng đường lối phản công lại người Anh. Bandula đứng về phe chủ chién trong triều đình của Vua Bagyidaw. Cùng phe này còn có Hoàng hậu Me Nu và anh của bà, người cai trị Salin. Bandula tin rằng một thắng lợi quyết định có thể cho phép Myanma củng cố khả năng kiểm soát phía tây (Arakan, Manipur, Assam, Cachar và Jaintia, cũng như đông Bengal).[7]
Tháng 1 năm 1824, Bandula phái một trong những thuộc hạ xuất sắc nhất của mình là Thado Thiri Maha Uzana tấn công vào Cachar và Jaintia để truy đuổi quân nổi dậy. Người Anh bèn điều động lực lượng của mình tới Cachar chặn quân Myanma, dẫn tới xung đột đầu tiên giữa hai bên. Chiến tranh chính thức bùng nổ ngày 5 tháng 3 năm 1824, sau khi bai bên giao tranh ở biên giới Arakan.
Chiến trường phía tây
sửaLà Tổng Tư lệnh, Maha Bandula đã điều động 1 vạn quân và 500 ngựa đi chiến đấu. Bộ tham mưu của ông bao gồm những chiến binh dày dạn kinh nghiệm nhất nước, những người như tổng đốc Salay và các tổng đốc Danyawaddy, Wuntho và Taungoo. Kế hoạch của Bandula là sẽ tấn công người Anh trên 2 mặt trận: Chittagong từ Arakan ở phía đông nam, và Sylhet từ Cachar và Jaintia ở phía bắc.[7] Bandula đích thân chỉ huy cánh quân Arakan và giao cho Uzana chỉ huy cánh quân Cachar và Jaintia.
Đầu cuộc chiến, quân Myanma với kinh nghiệm nhiều năm chinh chiến ở địa hình này đã liên tục đánh bại quân Anh.[8] Uzana đã đánh bại quân Anh ở Cachar và Jaintia vào tháng 1 năm 1824. Tháng 5, quân Myanma do Myawaddy chỉ huy đã đánh bại quân Anh-Ấn trong trận Ramu, bên trong lãnh thổ do Anh kiểm soát, khiến cho Calcutta hoảng loạn. Nhưng Bandula, không muốn tình hình trở nên quá căng thẳng, nên đã lệnh cho Myawaddy ngừng tiến về Chittagong. Nếu Bandula tiến về Chittagong, điều thực ra ông có rất ít cơ hội, thì cánh cổng tới Calcutta hẳn đã mở toang.[9] (Quân Myanma, do chênh lệch về vũ khí, nên đằng nào cũng không thể chiến thắng cuộc chiến này được. Nhưng nếu họ uy hiếp được Calcutta, thì người Myanma có lẽ đã có một kết quả hòa ước sau này đỡ nặng nề hơn.)
Trận Yangon (tháng 5 đến tháng 12 năm 1824)
sửaThay vì tiếp tục chiến đấu với quân Myanma trong địa hình rừng núi không quen thuộc, người Anh quyết định tấn công Myanma ở đồng bằng và vào chính Myanma lúc này đang để các đơn vị thiện chiến nhất của mình ở chiến trường phía tây. Hải quân Anh dưới sự chỉ huy của tướng Archibald Campbell đã đổ bộ vào Yangon. Bị bất ngờ, quân Myanma thua. Vua Bagyidaw phải rút toàn bộ quân khỏi chiến trường phía tây - Bandula ở Arakan và Bengal, và Uzana ở Assam, Cachar và Jaintia - và về hội quân ở Yangon để đánh quân Anh.
Tháng 8, giữa mùa mưa, Bandula và quân của mình đã vượt qua Arakan Yoma.[10] Ngay cả trong điều kiện thời tiết tốt, thì di chuyển hàng chục nghìn binh sĩ qua vùng đồi núi Arakan cao hơn 900 mét và qua dãy núi Assam cao hơn 3000 mét, với những cánh rừng già và chỉ có lối mòn, dễ dàng bị hùm beo tấn công, đã là khó. Thực hiện điều này vào lúc đỉnh cao của mùa mưa lại càng khó hơn. Thế nhưng Bandula (từ Arakan) và Uzana (từ Assam) với năng lực chỉ huy và hậu cần tuyệt với, đã làm được điều đó. Vua ban cho cả Bandula lẫn Uzana tước hiệu Agga Maha Thenapati, cấp bậc cao nhất trong quân đội. Bandula còn được ban chức tổng đốc Sittaung.
Tháng 11, Bandula chỉ huy 3 vạn quân đến Yangon. Ông tin là có thể chặt đầu 1 vạn quân Anh được trang bị vũ khí tốt. Mặc dù quân Myanma vượt trội về quân số, nhưng chỉ có 1 vạn rưỡi quân được trang bị súng hỏa mai. Đại bác của Myanma thì chỉ bắn đạn bi, còn đại bác quân Anh bắn đầu đạn nổ. Ông không biết được rằng, quân Anh vừa mới nhận được vũ khí chiến tranh mới nhất mà quân Myanma chưa từng chứng kiến – tên lửa Congreve.[10]
Ngày 30 tháng 11, Bandula đã mắc phải sai lầm lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, đó là ra lệnh xung phong tấn công các vị trí của quân Anh. Quân Anh với ưu thế áp đảo về hỏa lực, đã đẩy lui các cuộc tấn công của quân Myanma vào pháo đài Shwedagon, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn quân Myanma. Đến ngày 7 tháng 12, quân Anh, với sự hỗ trợ của tên lửa, đã giành thế thượng phong. Ngày 15 tháng 12, quân Myanma bị đẩy lui khỏi chiến lũy cuối cùng của mình ở Kokine. Trong số 3 vạn quân Myanma ra trận, chỉ còn 7 nghìn quân trở về.
Trận Danubyu (tháng 3 đến tháng 4 năm 1825)
sửaBandula lui về hậu cứ ở Danubyu, một thị trấn nhỏ không xa Yangon, ở đồng bằng Irrawaddy. Mất những binh sĩ dày dạn kinh nghiệm nhất ở Yangon, quân Myanma giờ chỉ còn khoảng 1 vạn quân, gồm cả một số ít quân tinh nhuệ của nhà vua lẫn những người lính chưa được qua huấn luyện và nhiều khí chỉ là những thanh niên bị bắt đi lính và nhét vũ khí vào tay. Bản thân chiến lũy của Myanma thì trải dài dọc bờ sông, và chỉ có một hàng rào gỗ teak cao chưa đến 5 mét.
Tháng 3 năm 1825, đợt tấn công đầu tiên của quân Anh vào Danubyu bất thành, và Bandalua đã cố gắng phản công, với lính bộ binh, kỵ binh và 17 thớt voi chiến. Nhưng những con voi đã bị hỏa pháo chặn đứng còn kỵ binh thì không tiến lên nổi dưới hỏa lực pháo của quân Anh.
Ngày 1 tháng 4, quân Anh tiến hành một cuộc tấn công lớn, trút cơn mưa đại bác và hỏa tiến vào mọi vị trí trong phòng tuyến của quân Myanmaw. Bandula đã đi lại khắp phòng tuyến để động viên tinh thần của binh sĩ. Ông mang nguyên lọng vàng đi để tỏ ra khí thế, bất chấp lời khuyên can của tướng sĩ rằng làm vậy chỉ tổ trở thành mục tiêu cho súng đạn của quân thù. Và Bandula đã hy sinh bởi một trái pháo cối của quân thù. Sau khi Bandula hy sinh, quân Myanma rút khỏi Danubyu.
Di sản
sửaMaha Bandula ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử Myanma vì sự hiên ngang giao chiến với quân Anh. Bằng sự lãnh đạo tài ba của Bandula, chiến tranh Anh-Myanma thứ nhất là lần duy nhất trong 3 cuộc chiến tranh giữa hai nước mà quân Myanma có thể đứng lên chiến đấu.
Người Myanma vẫn luôn ghi nhớ những lời nói cuối cùng của Bandula:
- Chúng ta có thể thua. Đó là số mệnh. Chúng ta chiến đấu hết mình và trả giá bằng sinh mạng. Tuy nhiên, tôi không thể chịu được sự ô nhục thua trận vì thiếu tinh thần chiến đấu. Hãy cho kẻ thù thấy rằng người Myanma thua vì mất chỉ huy. Điều này sẽ là ví dụ về tinh thần chiến đấu của người Myanma và sẽ nâng cao danh dự và vinh quang của đất nước và nhân dân ta trong con mắt lân bang.
Đáng buồn thay, tinh thần chiến đấu dũng cảm này và nghệ thuật chiến tranh xuất sắc dẫn tới thắng lợi rực rõ ở Manipur và Assam đã không giúp người Myanma đánh lại nổi đội quân được trang bị tốt hơn và đang chinh phục cả thế giới của người Anh, một đạo quan mà mới chỉ một thập niên trước đã chiến thắng các đạo quân của Napoleon. Sai lầm của Bandula là ông đã không thay đổi cách đánh khi phải giao chiến với ưu thế quá áp đảo về vũ khí của quân Anh. Ông đã không nghĩ đến chuyện thực hiện chiến thuật du kích hay sáng tạo ra một chiến lược nào mới. Nếu ông áp dụng chiến tranh du kích, thì dù kết cục cuối cùng của cuộc chiến có thể vẫn không thay đổi nhưng những điều khoản của hòa ước sau này sẽ đỡ khắc nghiệt hơn.
Bandula còn in đậm trong ký ức của người Myanma, và là viên tướng duy nhất được nhân dân sánh cùng với các vị vua Myanma vĩ đại. Người ta yêu mến ông không phải chỉ vì ông là tướng tài. Suy cho cùng, chiến thắng của Bandala còn là nhờ những thuộc hạ tài ba như tướng quân Ne Myo Thura Min Hla Nawrahta ở Manipur và tướng quân Maha Thilawa ở Assam. Ngoài ra, Myanma còn có những tướng tài hơn Bandula nhiều, như tướng Maha Thiha Thura người đã đánh bại quân Thanh xâm lược vào các năm 1766, 1767 và 1769, hay như tướng Maha Nawrahta và tướng Ne Myo Thihapate, những người đã tiêu diệt vương quốc Ayutthaya vào năm 1767, hay Vua Bayinnaung, một vị vua-chiến sĩ, người đã đánh chiếm khu vực phía tây của lục địa Đông Nam Á trong thế kỷ 16. Tuy nhiên, không ai trong số này như Bandula, giao chiến với quân Anh, siêu cường thế giới ngày đó.
Có lẽ, Bandula mãi được yêu mến chính là vì sự dũng cảm trong chiến đấu chống lại kẻ địch mạnh hơn mình gấp bội. Có lẽ, còn là vi người Myanma xem Bandula là biểu tượng cho những ngày tháng vinh quang cuối cùng của đế chế Konbaung. Sau khi Bandula hy sinh, Myanma liên tục thất lợi trong hàng loạt sự kiện và cuối cùng mất độc lập vào năm 1885. Dù là lý do nào, Maha Bandula vẫn là vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Myanma.
Ngày nay, một trong bốn đội thiếu niên được tổ chức tại cả các trường tiểu học và trung học cơ sở của Myanma mang tên Bandula - Đội Bandula. Bốn đội còn lại mang tên bốn vị vua vĩ đại trong lịch sử Myanma: Đội Anawrahta, Đội Kyansittha, Đội Bayinnaung và Đội Alaungpaya.
Trong số những địa điểm đáng chú ý nhất của Myanma, có một số mang tên ông.
- Đường Maha Bandula, một trong 4 đường phố chính ở trung tâm Yangon
- Công viên Maha Bandula ở trung tâm Yangon
- Đường công viên Maha Bandula, một đường phố nhộn nhịp ở trung tâm Yangon
- Cầu Maha Bandula, một cây cầu ở đông Yangon
Tham khảo
sửa- ^ a b c d e f Aung Than Tun (Monywa) (ngày 26 tháng 3 năm 2003). “Maha Bandula, Immortal Myanmar Supreme Commander”. The New Light of Myanmar.
- ^ Maung Htin Aung (1967). A History of Burma. New York and London: Cambridge University Press.
- ^ Thant Myint-U (2006). The River of Lost Footsteps--Histories of Burma. Farrar, Straus and Giroux. tr. 105–122. ISBN 978-0-374-16342-6, 0-374-16342-1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). - ^ a b c Lt. Gen. Sir Arthur P. Phayre (1967). History of Burma (2 ed.). London: Susil Gupta. pp. 233–234.
- ^ Thant Myint-U (2001). The Making of Modern Burma. Cambridge University Press. pp. 15–16. ISBN 0521799147, 9780521799140.
- ^ Leslie Waterfield Shakespear (1914). History of Upper Assam, Upper Burmah and northeastern frontier. Macmillan. tr. 62–63.
- ^ a b c Thant Myint-U (2001). The Making of Modern Burma. Cambridge University Press. tr. 18–19. ISBN 0521799147, 9780521799140 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). Lỗi chú thích: Thẻ<ref>
không hợp lệ: tên “mmb-18” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ Lt. Gen. Sir Arthur P. Phayre (1967). History of Burma (ấn bản thứ 2). London: Susil Gupta. tr. 236–237.
- ^ Maung Htin Aung (1967). A History of Burma. New York and London: Cambridge University Press. tr. 212–214.
- ^ a b Bryan Perrett (2007). British Military History for Dummies. tr. 176–177. ISBN 0470032138, 9780470032138 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp). Lỗi chú thích: Thẻ<ref>
không hợp lệ: tên “bmh” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác