MoMo là một nền tảng ví điện tử do Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) phát triển cho phép người dùng thực hiện các thanh toán, giao dịch trên các thiết bị di động.[1] Bằng việc hợp tác với hơn 90% ngân hàng tại Việt Nam cùng 10.000 thương nhân trong nước, công ty này nắm giữ hơn 80% thị phần trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số.[2] Tính đến năm 2022, ví điện tử MoMo có hơn 31 triệu người dùng sử dụng.[3]

MoMo
Phát triển bởiCông ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M_Service)
Phát hành lần đầu2 tháng 6 năm 2014; 9 năm trước (2014-06-02)
Hệ điều hànhAndroid, iOS
Thể loạiThanh toán trực tuyến
Websitemomo.vn
MoMo
Trụ sở chínhLầu 6, Toà nhà Phú Mỹ Hưng, số 8 Hoàng Văn Thái, khu phố 1, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh

Lịch sử sửa

Kể từ năm 2007, MoMo bắt đầu triển khai xây dựng hệ sinh thái thanh toán điện tử tương tự như WeChat.[2] Vào tháng 10 năm 2010, MoMo ra mắt dưới dạng dịch vụ liên kết giữa mạng điện thoại VinaPhone với các hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, cho phép các thuê bao di động thực hiện thanh toán, chuyển khoản ngay trên thiết bị của họ.[4] Tất cả các dịch vụ của MoMo đều được tích hợp trong sim 128K của VinaPhone.[5] Mỗi thuê bao sử dụng dịch vụ ví điện tử MoMo phải trả mức phí 5.000 đồng/tháng. Trong đó, người dùng phải trả thêm 200 đồng cho mỗi giao dịch riêng.[6]

Ngày 2 tháng 6 năm 2014, MoMo cho phép người dùng tải về thông qua nền tảng Android. Không lâu sau đó, MoMo có mặt trên App Store của iOS. Tháng 4 năm 2015, ứng dụng xuất hiện trên nền tảng Windows Phone.[7] Tháng 10 năm 2015, MoMo chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép, đảm bảo tiền trong ví là tiền thật và được bảo chứng.[8] Cùng thời gian này, M_Service ký thỏa thuận hợp tác với Standard Chartered cho ra mắt dịch vụ Straight2Bank Wallet, cho phép khách hàng doanh nghiệp của Standard Chartered tại Việt Nam có thể thực hiện giao dịch với mọi cá nhân thông qua ví điện tử MoMo ngay cả khi người đó chưa có tài khoản ngân hàng.[9] Đầu năm 2016, quỹ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs chi 28 triệu đô la đầu tư cho MoMo.[10][11] Tháng 9 cùng năm, MoMo được trao Chứng nhận Bảo mật quốc tế PCI DSS cấp độ "nhà cung cấp dịch vụ" dành cho doanh nghiệp có các dịch vụ xử lý, truyền tải, lưu trữ dữ liệu liên quan đến thẻ thanh toán.[12]

Tháng 4 năm 2017, MoMo là đối tác tiếp theo của CGV Cinemas.[13] Tháng 8 năm 2017, Ngân hàng Shinhan ký thỏa thuận ghi nhớ với M_Service về việc nối số tài khoản khách hàng của Ngân hàng Shinhan với ví điện tử MoMo.[14] Đến tháng 11, MoMo và Uber ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, qua đó cho phép người dùng thanh toán trực tiếp các dịch vụ của Uber thông qua ví điện tử này, giúp Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có thể thanh toán Uber qua ví điện tử.[15]

Năm 2018, MoMo lần lượt ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt,[16] Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam[17]Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam.[18] Năm 2019, MoMo tiếp tục thỏa thuận hợp tác với Công ty Hệ thống Thông tin FPT trong việc thanh toán qua các hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital và chính quyền điện tử FPT.eGov[19] và ký kết các thỏa thuận với Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh[20] cùng hệ thống siêu thị Saigon Co.op.[21] Tháng 9 năm 2019, MoMo ra mắt tính năng thanh toán trò chơi, ứng dụng và các dịch vụ trên App Store.[22]

Ngày 9 tháng 12 năm 2019, ví MoMo trở thành một trong bốn kênh thanh toán chính thức trên cổng dịch vụ công Việt Nam,[23] bên cạnh VNPT Pay, VietinbankVietcombank.[24] Năm 2020, ví MoMo ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Tin học hóa triển khai Cổng thanh toán quốc gia.[25] Đến tháng 9 năm 2020, ứng dụng này hoàn tất việc kết nối hạ tầng công nghệ với 38 tỉnh, thành phố có tích hợp cổng dịch vụ công quốc gia.[26] Cùng năm, ví điện tử này ký thỏa thuận hợp tác toàn diện đồng thời triển khai kênh thanh toán chiến lược với tập đoàn bảo hiểm nhân thọ AIA.[27]

Đón nhận sửa

Ngay tháng đầu tiên ra mắt, ứng dụng này có hàng trăm nghìn lượt tải về, trở thành một trong năm ứng dụng tài chính có số lượt tải cao nhất trên Google Play.[7] Tháng 9 năm 2015, MoMo lọt vào danh sách mười ứng dụng miễn phí trên cửa hàng Apple Store Việt Nam và cũng là ứng dụng ví điện tử trên di động đầu tiên đạt mốc một triệu người dùng.[28] Ngày 22 tháng 9 cùng tháng, ứng dụng này lọt vào top 2 ứng dụng miễn phí trên App Store Việt Nam.[29]

Trong cuộc khảo sát do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư công bố tháng 4 năm 2018, MoMo là "ví điện tử số một Việt Nam".[30] Tháng 10 cùng năm, MoMo trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong Fintech100 và nằm trong danh sách Top 50 "Ngôi sao mới nổi".[31] Một năm sau đó, MoMo từ thứ hạng 84 vọt lên 36, lọt vào danh sách 50 công ty dẫn đầu Fintech100.[32] Tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2018, MoMo góp mặt trong danh sách 20 ứng dụng miễn phí của kho ứng dụng Google Play và dẫn đầu trong danh sách những ứng dụng miễn phí về tài chính.[33] Ngoài ra, ứng dụng này còn là ứng dụng tài chính nhiều người sử dụng nhất năm 2020 do App Annie đề cử,[34] đồng thời là một trong mười thương hiệu có "trải nghiệm khách hàng xuất sắc" do KPMG công bố.[35] Đây cũng là thương hiệu ví điện tử đầu tiên tại Việt Nam có mặt trong danh sách này.[36]

Bê bối sửa

Phương thức xác thực kém bảo mật (2017) sửa

Cuối năm 2017, nhiều khách hàng sử dụng ví điện tử MoMo bị lừa đảo sau khi có người tự xưng là nhân viên công ty gọi đến yêu cầu cung cấp mã xác thực OTP. Về vấn đề này, MoMo cho rằng hệ thống của họ không có lỗi bảo mật và thống nhất liên hệ với nhà chức trách để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Theo ý kiến một số chuyên gia, việc MoMo chỉ yêu cầu xác thực OTP khi đăng ký tài khoản hoặc đổi thiết bị mà không yêu cầu nhập mã OTP khi đăng xuất rồi tiến hành đăng nhập lại, cũng như không yêu cầu OTP khi xác nhận thanh toán sẽ "không đảm bảo an toàn cho người sử dụng".[37] Đến năm 2018, hiện tượng lừa đảo thông qua hình thức này tiếp tục tái diễn, buộc MoMo phải lên tiếng xin lỗi, cam kết sẽ "khắc phục cũng như nâng cao công tác quản lý trong thời gian tới", đồng thời khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bất kỳ ai.[38]

Bê bối chương trình "Lắc xì cùng ví MoMo" (2019) sửa

Đầu năm 2019, ví điện tử MoMo mở chương trình "Lắc xì cùng ví MoMo". Theo đó, công ty này hứa hẹn sẽ chia thưởng 5 tỷ đồng cho những ai sưu tập đủ các vé vàng theo thể lệ chương trình. Tuy nhiên, sau khi chia thưởng, do số lượng người tham gia quá lớn nên mỗi cá nhân chỉ nhận được hơn 45.000 đồng. Ngay sau khi kết thúc chương trình, nhiều người đã vào App Store và Google Play đánh giá ứng dụng này 1 sao kèm lời bình "lừa đảo".[39]

Chấm dứt hợp đồng với VieON (2020) sửa

Tháng 9 năm 2020, MoMo đơn phương chấm dứt hợp đồng với đối tác VieON. Phía VieON cho rằng việc chấm dứt hợp đồng này đã tạo nên rắc rối lớn cho người dùng VieON đồng thời "làm giảm sức cạnh tranh" của công ty này. Trong khi đó, phía MoMo cho rằng việc chấm dứt này tuân theo "đúng các điều khoản của hợp đồng".[40] Ngay sau đó, VieON đã kiện M_Service ra Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh.[41]

Hoạt động cộng đồng sửa

Ví MoMo cùng các đối tác đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng như vận động quyên góp hỗ trợ phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho trẻ em,[42] hoạt động đi bộ trực tuyến hỗ trợ quỹ học bổng "tiếp sức đến trường",[43] hỗ trợ bệnh nhi ung thư.[44] Ngoài ra, trong giai đoạn Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, ví điện tử này ra mắt video ca nhạc "Điều nhỏ bé vĩ đại" nhằm cổ vũ người dân chống dịch,[45] đồng thời quyên góp 1 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.[46]

Năm 2020, Ví MoMo ra mắt cuộc thi "học viện MoMo", tạo sân chơi học thuật, kiến thức từ nhiều lĩnh vực dưới dạng các câu hỏi đáp,[47][48] thu hút 6 triệu người tham gia sau 2 tuần.[49] Ngày 4 tháng 10, cuộc thi kết thúc với phần thưởng 1 tỷ đồng được trao cho quán quân cuộc thi.[50]

Vinh danh sửa

Năm 2018, MoMo nhận giải "ICT Awards" nhằm ghi nhận nỗ lực của ứng dụng này trong việc định hướng đô thị thông minh ở Thành phố Hồ Chí Minh.[51] Năm 2019, MoMo được The Asian Banker tại Việt Nam vinh danh là "Sản phẩm ví điện tử xuất sắc nhất".[2]

Dịch vụ sửa

MoMo cho phép người dùng thanh toán hơn 500 dịch vụ khác nhau bao gồm hóa đơn điện, nước, internet, phí chung cư, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, vé xe, đặt phòng khách sạn, mua đồ ăn, thức uống, thanh toán cà phê, đổ xăng, mua sắm cùng các dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm. Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích hợp chức năng tích điểm thưởng, đổi điểm thưởng lấy voucher mua sắm,[52] nuôi heo đất hoàn tiền hoặc quyên góp cho các hoạt động thiện nguyện.[53] Cuối năm 2020, MoMo ra mắt tính năng "du lịch, đi lại".[54]

Ngoài ra, MoMo là ứng dụng thanh toán di động đầu tiên của Việt Nam tích hợp công nghệ "One Touch Payment", cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thông qua một lần chạm màn hình.[28][55]

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ “Ứng dụng MoMo chuyển nhận tiền”. Hà Nội Mới. 30 tháng 5 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  2. ^ a b c “MoMo was awarded Best Digital Wallet Product at The Asian Banker Vietnam Awards 2020”. The Asian Banker. 6 tháng 4 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  3. ^ Thái Phương (21 tháng 12 năm 2021). “Siêu ứng dụng MoMo vừa nhận 200 triệu USD”. Người lao động. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2022.
  4. ^ Nguyễn Thiêm (29 tháng 10 năm 2010). “VinaPhone ra mắt ví điện tử MoMo”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  5. ^ “Thực hư chuyện Sim đa năng”. Dân Trí. 8 tháng 8 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  6. ^ “VinaPhone trình làng ví điện tử MoMo”. Zing News. 30 tháng 10 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  7. ^ a b Thu Ngân (13 tháng 6 năm 2015). “Ứng dụng MoMo và những cú hích sau một năm ra mắt”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  8. ^ “Ví điện tử MoMo chính thức được cấp phép tại Việt Nam”. VietNamNet. 23 tháng 10 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  9. ^ Thanh Thanh Lan (26 tháng 8 năm 2015). “Standard Chatered và MoMo phát triển dịch vụ ví điện tử”. VnExpress. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  10. ^ Hoài Thu (17 tháng 3 năm 2016). “28 triệu đôla rót vào thương hiệu MoMo”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  11. ^ Thanh Phong (23 tháng 3 năm 2016). “Ví điện tử MoMo và cú đấm trị giá 28 triệu USD”. Nhịp cầu đầu tư. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  12. ^ “Ví điện tử MoMo đạt Chứng nhận Bảo mật quốc tế PCI DSS”. Dân Trí. 20 tháng 9 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  13. ^ Thanh Thư (12 tháng 4 năm 2017). “MoMo là đối tác thanh toán của CGV Cinemas”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  14. ^ N. Lan (21 tháng 8 năm 2017). “Ngân hàng Shinhan kết nối với ví điện tử MoMo”. Tin nhanh chứng khoán. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  15. ^ Mai Anh (30 tháng 11 năm 2017). “Uber ký kết hợp tác chiến lược với ví điện tử MoMo”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  16. ^ Bảo Duy (2 tháng 2 năm 2018). “Công ty bảo hiểm Việt đầu tiên bán hàng trực tuyến qua ví điện tử Momo”. Vietnam Finance. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  17. ^ “Thanh toán Home Credit Việt Nam chỉ cần một chạm ví MoMo”. Tin tức. 22 tháng 8 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  18. ^ Thu Phương (7 tháng 5 năm 2018). “Khách đi tàu đã có thể mua vé ngay trên di động với ứng dụng MoMo”. Đầu tư. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  19. ^ Lộc An (7 tháng 9 năm 2019). “MoMo cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho FPT IS”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  20. ^ Phong Vân (30 tháng 10 năm 2019). “Ví MoMo hỗ trợ thanh toán viện phí”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  21. ^ Nam Anh (18 tháng 12 năm 2019). “MoMo là ví điện tử duy nhất thanh toán tại Saigon Co.op”. VnExpress. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  22. ^ “Ví điện tử Việt Nam cho phép thanh toán trên iOS”. Thanh Niên. 11 tháng 9 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  23. ^ Nam Anh (10 tháng 12 năm 2019). “Ví MoMo là kênh thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  24. ^ Mai Phương (9 tháng 12 năm 2019). “4 đơn vị được thanh toán điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  25. ^ Kim Thanh (27 tháng 7 năm 2020). “Ví MoMo kết nối với cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  26. ^ Vương Tuyền (14 tháng 9 năm 2020). “Ngồi nhà vẫn nộp phạt vi phạm giao thông, đóng bảo hiểm xã hội… qua Ví MoMo”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  27. ^ Tấn Tuấn (19 tháng 5 năm 2020). “Ví MoMo và AIA hợp tác toàn diện và triển khai kênh thanh toán chiến lược”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  28. ^ a b “MoMo vào TOP 10 ỨNG DỤNG MIỄN PHÍ trên Apple Store Việt Nam”. Dân Trí. 19 tháng 9 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  29. ^ “Thanh toán trực tuyến: Đầu tư khủng cho "đường nhỏ" tới người dân”. Cafef. 24 tháng 9 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  30. ^ Ánh Thúy (19 tháng 4 năm 2018). “MoMo được bình chọn 'Ví điện tử số một Việt Nam'. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  31. ^ T. Thủy (5 tháng 11 năm 2018). “Ví MoMo có mặt ở top 100 công ty Fintech toàn cầu”. Pháp Luật. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  32. ^ Bảo An (9 tháng 11 năm 2019). “Ví MoMo vào top 50 fintech toàn cầu”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  33. ^ “Ví điện tử Việt thăng hạng thần tốc trên Google Play”. Dân Trí. 30 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  34. ^ Thành Luân (2 tháng 4 năm 2020). “Ví MoMo là ứng dụng tài chính có nhiều người sử dụng nhất năm 2020”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  35. ^ “Trải nghiệm khách hàng trong thời kì mới: Báo cáo Trải nghiệm Khách hàng Xuất sắc 2020 - Tóm tắt thị trường Việt Nam” (PDF). KPMG. tháng 10 năm 2020. tr. 8. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  36. ^ An Yến (9 tháng 11 năm 2020). “Ví MoMo có 'trải nghiệm khách hàng xuất sắc nhất Việt Nam' do KPMG công bố”. Thanh Niên. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  37. ^ “Vụ hack ví MoMo: Thiếu cơ chế xác thực thanh toán”. VietNamNet. 11 tháng 12 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  38. ^ Thùy An (11 tháng 10 năm 2018). “Momo nói gì trước tình trạng khách hàng bị "móc" tiền trong Ví điện tử?”. An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  39. ^ Thành Luân (1 tháng 3 năm 2019). “Ví điện tử MoMo bị tố lừa đảo sau 'lắc heo trúng 5 tỉ đồng'. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  40. ^ Đức Thiện (18 tháng 9 năm 2020). “VieON kiện ví điện tử MoMo đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  41. ^ Thế Lâm (18 tháng 9 năm 2020). “Thêm vụ doanh nghiệp kiện doanh nghiệp: Vì sao VieON kiện MoMo?”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  42. ^ Đức Thiện (23 tháng 4 năm 2015). “Ủng hộ phẫu thuật nụ cười cho trẻ em qua MoMo”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  43. ^ Hà Chi (20 tháng 7 năm 2020). “Đi bộ đồng hành "Tiếp sức đến trường" năm 2020”. Sinh viên Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  44. ^ “Hợp tác cùng ví điện tử Momo trong việc giúp đỡ các bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn”. Quỹ Ngày mai tươi sáng. 19 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  45. ^ “Ra mắt MV "Điều nhỏ bé vĩ đại", Ví MoMo lan tỏa tinh thần lạc quan chống dịch Covid-19”. Tài chính tiền tệ. 13 tháng 4 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  46. ^ Thanh Quý (22 tháng 4 năm 2020). “Ví điện tử MoMo đại diện người dùng trao 1 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống dịch”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  47. ^ Thành Luân (23 tháng 9 năm 2020). 'Học viện MoMo' có hơn 6 triệu người chơi”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  48. ^ Tấn Tuấn (11 tháng 9 năm 2020). “Ví MoMo ra mắt cuộc thi tranh tài kiến thức tương tác "Học viện MoMo". Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  49. ^ Minh Anh (25 tháng 9 năm 2020). “Cuộc thi tương tác của MoMo thu hút 6 triệu người chơi”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  50. ^ Thành Luân (5 tháng 10 năm 2020). 'Học viện MoMo' tìm ra chủ giải thưởng 1 tỉ đồng mùa đầu tiên”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  51. ^ Bảo An (29 tháng 12 năm 2018). “Ví điện tử MoMo nhận giải thưởng kép tại ICT Awards 2018”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2020.
  52. ^ Nam Bình (21 tháng 12 năm 2018). “Những tiện ích tài chính 'không thể bỏ qua' của Ví MoMo”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.
  53. ^ Kim Uyên (9 tháng 8 năm 2019). “Nuôi heo đất tiết kiệm tiền cho tương lai con”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2020.
  54. ^ Thành Luân (1 tháng 12 năm 2020). “Ví MoMo thêm tính năng du lịch - đi lại”. Thanh Niên. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  55. ^ Thanh Thảo (20 tháng 1 năm 2017). “MoMo - Giải pháp thanh toán di động tiện ích”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2020.

Liên kết ngoài sửa