Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu

Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu (chữ Hán: 元聖天感皇后, ? - tháng 1, 1287), tên Thiều (韶)[1], là Hoàng hậu của Trần Thánh Tông, mẹ ruột của Trần Nhân Tông.

Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu
元聖天感皇后
Trần Thánh Tông Hoàng hậu
Hoàng hậu Đại Việt
Tại vịtháng 8 năm 125822 tháng 10 năm 1278
Đăng quangTháng 8 năm 1258
Tiền nhiệmHiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu
Kế nhiệmKhâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu
Hoàng thái hậu Đại Việt
Tại vị22 tháng 10 năm 1278tháng 1 năm 1287
Tiền nhiệmChức vị được thành lập
Kế nhiệmBảo Thánh hoàng thái hậu
Thông tin chung
Mấttháng 1, 1287
Phu quânTrần Thánh Tông
Hậu duệ
Tên đầy đủ
Trần Thị Thiều (陳氏韶)
Tôn hiệu
Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu (元聖天感皇太后).
Thụy hiệu
Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu
(元聖天感皇后)
Tước hiệuThiên Cảm phu nhân(天感夫人)
Hoàng hậu (皇后)
Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu (元聖天感皇太后)
Hoàng tộcNhà Trần
Thân phụTrần Liễu
Thân mẫuThiện Đạo quốc mẫu (?)

Tiểu sử sửa

Nguyên Thánh hoàng hậu xuất thân rất cao quý, cha là Khâm Minh đại vương Trần Liễu[2], con trưởng của Thái Tổ Chí Hiếu hoàng đế Trần Thừa, anh ruột của Trần Thái Tông. Bà gọi Thái Tông hoàng đế bằng chú, Thái thượng hoàng Trần Thừa bằng ông nội. Mẹ bà không được ghi chép lại, có lẽ là Thiện Đạo quốc mẫu, húy là Nguyệt, Kế thất của An Sinh vương.

Bà có các anh là Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, Vũ Thành vương Trần Doãn, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, đều là những tên tuổi ảnh hưởng lớn trong hoàng tộc. Ngoài ra, theo ghi nhận thì bà là con gái thứ năm của Khâm Minh đại vương, nên trước đó bà còn 4 người chị nữa, nhưng hiện không rõ được danh tính.

Năm 1237, xảy ra vụ phế truất ngôi hậu của Thái Tông hoàng đế, cha bà làm loạn ở sông Cái. Sau đầu hàng và bị giáng chức, biếm ra Yên Sinh. Có lẽ bà cùng các anh khác giống như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đều bị giữ lại ở kinh thành Thăng Long, nương nhờ Thụy Bà công chúa là em gái của Thái Tông hoàng đế, tức là cô mẫu của bà cùng Hưng Đạo vương.

Năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), tháng 2, Thái tử Trần Hoảng lên kế vị, sử gọi Trần Thánh Tông. Tháng 8 năm ấy, bà được sách phong làm Thiên Cảm phu nhân (天感夫人), rồi không lâu sau thì chính thức phong làm Hoàng hậu. Ngày 11 tháng 11 năm ấy, Hoàng hậu sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Khâm, tức Nhân Tông hoàng đế. Như vậy, bà đã gặp gỡ và được Thánh Tông sủng hạnh ít nhất khoảng đầu năm đó, ngay khoảng thời gian Thánh Tông kế vị hoặc sớm hơn nữa.

Năm Bảo Phù thứ 6 (1278), mùa đông, Thánh Tông nhường ngôi cho thái tử Khám, tức hoàng đế Nhân Tông. Nhân Tông tôn vua cha làm Thái thượng hoàng, tôn mẹ làm Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu (元聖天感皇太后).

Năm Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ 3 (1287), vào tháng 1, Hoàng thái hậu băng, không rõ bao nhiêu tuổi. Về sau Trần Anh Tông lên ngôi, ban tên húy kị của các Hoàng hậu, bà được gọi húy là Hâm (歆)[3].

Vai trò chính trị sửa

Thiên Cảm hoàng hậu là con gái của An Sinh vương Trần Liễu, là em gái của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú và là chị họ của người chồng của bà, Trần Thánh Tông. Vai trò của Thiên Cảm trong hoàn cảnh chính trị này rất đặc biệt vì bà là cầu nối giữa hai nhánh hoàng tộc sau vụ việc xảy ra vào năm 1237, khiến An Sinh vương rất căm hờn Trần Thái Tông.

Tuy nhiên, dù vai trò to lớn như vậy, nhưng sử sách thời kì này thậm chí rất ít đề cập đến bà, ngay cả khi bà đã qua đời cũng không ghi thêm gì, an táng ở đâu, đặc biệt sơ sài nếu so với 2 người cháu Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu, Bảo Từ Thuận Thánh hoàng hậu về sau. Thậm chí, thụy hiệu của bà cũng không theo thể thức có hậu tố Từ như các Hoàng hậu khác của nhà Trần, trừ những người đã bị phế: Chiêu Thánh hậu Lý Thiên Hinh, Quang Loan hậu Trần Thục Mỹ.

Dù rất thiếu thốn, song sự việc bà mang thai Trần Nhân Tông dù chưa hề được chính thức sắc lập làm tần phi, đã cho thấy phần nào lục đục nội bộ đáng kể khi ấy. Có thể nói, việc bà mang thai mới khiến bà được hợp thức hóa lấy Thánh Tông, chứ bà chưa từng được định sẽ là người hàn gắn mối rạn nứt này giữa hai nhánh.

Tham khảo sửa

Ghi chú sửa

  1. ^ Mậu Ngọ, [Nguyên Phong] năm thứ 8 [1258], (Từ tháng 3 về sau là Thánh Tông Thiệu Long năm thứ 1, Tống Bảo Hựu năm thứ 6), Lấy con gái thứ năm của Yên Sinh Vương là Thiều làm Thiên Cảm phu nhân. Ít lâu sau, phong làm Hoàng hậu.
  2. ^ ĐVSKTT
  3. ^ Giáp Ngọ, Hưng Long năm thứ 2 (1294), (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31). Mùa xuân tháng 2, ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc huý:...Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm; 甲午興隆二年元至元三十一年春二月七日頒國諱:...元聖皇后歆