Tuệ Trung Thượng Sĩ

(Đổi hướng từ Tuệ Trung Thượng sĩ)

Tuệ Trung Thượng sĩ (慧中上士; 1230[1] - 1291[1]) tên thật là Trần Tung (陳嵩, hay Trần Quốc Tung), là một tôn thất hoàng gia, nhà quân sự, nhà tâm linh Đại Việt đời Trần. Ông có tước hiệu Hưng Ninh Vương, từng cầm quân 2 lần đánh bại Nguyên-Mông xâm lược (năm 1285 và 1287), và là một thiền sư Phật giáo Đại thừa. Ông là đạo huynh của vua Trần Thánh Tông, là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đặt nền móng cho sự phát triển Thiền phái Trúc Lâm ở Đại Việt thế kỷ 13 – 14.

Trần Tung
陳嵩
Hưng Ninh Vương
Tên húyTrần Tung
Pháp hiệuTuệ Trung thượng sĩ (慧中上士)
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên húy
Trần Tung
Ngày sinh
1230
Nơi sinh
Tức Mặc, phủ Thiên Trường (tỉnh Nam Định)
Mất1291
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Trần Liễu
Anh chị em
Trần Hưng Đạo
Tước hiệuHưng Ninh Vương
Nghề nghiệpnhà thơ
Tôn giáoPhật giáo
Quốc giaĐại Việt
Quốc tịchĐại Việt
Thời kỳNhà Trần

Thân thế

sửa

Ông là người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu (nguyên tác chép An Ninh vương)[2], anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm húy Thiều, vợ vua Trần Thánh Tông[3].

Sự nghiệp

sửa

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 (1285) và lần 3 (1287-1288), ông đều trực tiếp tham gia [4]. Theo các bộ sử Trung Quốc, ngày 10 tháng 6 năm 1285, ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt (sông Cầu)[5]. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, từng đến đồn trại đối phương vờ ước hẹn trá hàng, làm cho họ mất cảnh giác, sau đó vua Trần cho quân đến đánh phá.[6]

Sau khi kháng chiến thành công, ông được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Nhưng không lâu sau ông lại lui về ấp Tịnh Bang (nay ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) lập Dưỡng Chân trang để theo đuổi nghiệp thiền.

Năm 1291, Tuệ Trung thượng sĩ mất, thọ 61 tuổi.

Thiền sư

sửa

Thời trẻ, ông không thích công danh, chỉ ham nghiên cứu về Thiền. Sau, ông học đạo với thiền sư Tiêu Dao, vừa thực hành giải thoát tâm trong đời sống gia đình theo hình thức cư sĩ, vừa đảm trách các công việc xã hội mà triều đình giao phó. Ông được vua Trần Thánh Tông nể vì do kiến thức uyên bác về nội ngoại điển, được vua tôn làm đạo huynh. Ông sáng tác nhiều thi, kệ; một số được kiết tập trong "Thượng sĩ ngữ lục" (Ngữ lục của Thượng sĩ) rất nổi tiếng[cần dẫn nguồn].

Tư tưởng

sửa

Do sinh ra trong một gia đình có nhiều nghịch cảnh, sớm được theo học thiền sư Tiêu Dao và lại trực tiếp tham dự vào những thời khắc quyết định vận mệnh đất nước nên ông nhận rõ chân tính cuộc đời và chọn lối sống hòa ái, tự tại. Tư tưởng chính của Tuệ Trung Thượng sĩ thể hiện qua lời đáp dành cho câu hỏi tông chỉ thiền là gì của vua Trần Nhân Tông: "Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác" [7].

Hiện thơ ông còn lại 49 bài, được xếp trong bộ Thượng sĩ ngữ lục[8]. Trích giới thiệu ba bài:

Giai thoại

sửa

Một hôm, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Tuệ Trung Thượng sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng thái hậu hỏi: "Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được ?" Ông cười đáp: "Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?" Trong bữa tiệc này có vua Trần Nhân Tông; vua rất thắc mắc về việc này và chưa hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Tuệ Trung Thượng sĩ, nhưng chưa tiện hỏi[1].

Năm Đinh Hợi (1287), Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm băng. Thượng hoàng Trần Thánh Tông trông lo việc triều chính ở kinh đô, vua Trần Nhân Tông phải cấp tốc về đất An Bang để thỉnh cậu là Thượng sĩ Tuệ Trung về lo lễ tang. Trên đường về kinh đô bằng thuyền, có thời giờ để Thượng sĩ Tuệ Trung và cháu (vua Trần Nhân Tông) đàm luận. Khi đó, vua vẫn còn thắc mắc về việc Thượng sĩ ăn mặn và những câu trả lời của Thượng sĩ trong bữa tiệc mà Thái hậu đãi lần trước, vì vậy, vua hỏi Thượng sĩ: "Thưa cậu, chúng sanh quen cái nghiệp ăn thịt, uống rượu, làm thế nào thoát khỏi tội báo nghiệp lực?"

Thượng sĩ đáp: "Nếu có người đứng xây lưng lại, thình lình có vua đi qua phía sau lưng, người kia không biết, vô tinh ném vật gì đó trúng vào vua, thử hỏi người ấy có sợ bị tội hay không và vua có giận bắt tội hay không? Nên biết, hai việc đó không dính dấp gì đến nhau cả." Tiếp theo đó, Thượng sĩ đọc cho vua nghe hai bài kệ rong kinh sách Phật :

Vô thương chư pháp hành

Tâm nghi tội tiện sanh

Bổn lai vô nhứt vật

Phi chủng diệc phi manh

Nhựt nhựt đối cảnh thời

Cảnh cảnh tòng tâm xuất

Tâm cảnh bổn lai vô,

Xứ xứ Ba-la-mật.

Tạm dịch :

Vô thường các pháp hiện,

Tâm ngờ tội liền sanh

Xưa nay không một vật

Không giống cũng không mầm

Ngày ngày thi đối cảnh

Cảnh cảnh theo tâm xuất

Tâm cảnh vốn là không,

Khắp nơi là "Niết bàn".

Vua suy nghĩ giây lâu nhưng vẫn chưa hiểu hết ý Thượng sĩ nên lại hỏi cậu: "Tuy là như vậy, nhưng nếu tội là phước rõ ràng thì làm thế nào?"

Thượng sĩ biết vua chưa hiểu rõ nên đọc thêm một bài kệ để chỉ bảo thêm:

Khiết tháo dữ khiết nhục,

Chúng sanh các sở thuộc,

Xuẩn lai bách thảo sanh

Hà xứ liến tội phúc. .

Tạm dịch (TT) :

Ăn chay cùng ăn thịt

Chúng sanh tùy sở thích

Xuân về cây cỏ tươi

Chỗ nào thấy tội phước !

Vua lại hỏi: "Như vậy, việc công phu giữ giới tinh nghiêm không chút lơi lỏng là để làm gì?" Thượng sĩ chỉ cười mà không đáp câu hỏi, vua cố năn nỉ, Thượng sĩ đọc hai bài kệ ấn tâm cho vua:

Trì giới kiêm nhẫn nhục

Chiêu tội bớt chiêu phúc

Dục tri vô tội phúc,

Phi trì giới nhẫn nhục,

Như nhân thượng thọ thì

An trung tự cầu nguy

Như nhân bất thượng thọ

Phong nguyệt hà sờ vi

Tạm dịch :

Trì giới và nhẫn nhục

Chuốc tội chẵng chuốc phúc

Muốn biết không tội phúc,

Không nhẫn nhục trì giới

Như người đang leo cây

Đang yên lại tìm nguy.

Như người không leo cây

Trăng gió làm gì được?

Đoạn Thượng sĩ bí mật dặn kỹ vua :

"Đừng nói với những người không hiểu biết", (Vật thị phi nhân).

Từ đó, vua Trần Nhân Tông mới biết môn phong Thiền học của Thượng sĩ cao thâm siêu việt. Một hôm khác, vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng sĩ về "yếu chỉ của Thiền Tông" và muốn biết được bí quyết giác ngộ mà Thượng sĩ được Thiền sư Tiêu Dao truyền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp : "Hãy quay về tự quán xét chính bản thân mình chứ không thể nhờ một người nào khác". (phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc).

Nhờ vào lời dạy thâm sâu bí yếu này của Thượng sĩ mà vua Trần Nhân Tông ngộ được yếu chỉ của Thiền tông và thấy được đường vào Đạo. Từ đó, vua Trần Nhân Tông mới hết lòng tôn kính Thượng sĩ và thờ Thượng sĩ làm thầy.

Xem thêm

sửa

Thông tin thêm

sửa
  • Sách Hoàng Việt Văn Tuyển nói Tuệ Trung Thượng sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo. Sự thực thì tuy Tuệ Trung thượng sĩ có tước hiệu là Hưng Ninh Vương, nhưng ông không phải tên là Trần Quốc Tảng, cũng không phải là Trần Hưng Đạo, và tên ông là Trần Quốc Tung.[7]
  • Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, một học giả Phật học uyên bác tại Việt Nam thời nay tự đặt pháp hiệu là "Tuệ Sỹ" do muốn theo gương ngài Tuệ Trung Thượng sĩ.[9]

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c “www.quangduc.com”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2009.
  2. ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển VI, Kỷ nhà Trần Minh Tông hoàng đế, trích dẫn: Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với thượng phụ, Tung đổi thành Thúc Cao vì là cùng tên với Hưng Ninh Vương (con trưởng của An Ninh vương)...
  3. ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư - Bản kỷ - Quyển V - Kỷ nhà Trần: Thái Tông hoàng đế, xem năm Thiệu Long 1 (1258)
  4. ^ Theo GS. Nguyễn Lang, Việt Nam phật giáo sử luận (tập 1, tr. 301) và PGS. TS. Nguyễn Đăng Na (Văn học thế kỷ X-XV, tr. 547), Trần Tung trực tiếp tham gia chống quân ngoại xâm chỉ có 2 lần.
  5. ^ Hà Văn Tấn; Phạm Thị Tâm (1972). Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Bản in lại năm 2003. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. tr. 254-255.
  6. ^ Lê Mạnh Thát (1999). “Chương IV: Vua Trần Nhân Tông Và Cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Năm 1288.”. Trần Nhân Tông: Con người và tác phẩm. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 9 tháng 12 năm 2016.
  7. ^ a b http://cusi.free.fr/lsp/suluan/vnpgsuluan1-11.html
  8. ^ GS. Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Trần Tung" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1812.
  9. ^ “Error”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 4 năm 2009. Truy cập 6 tháng 10 năm 2015.

Liên kết ngoài

sửa