Nguyễn Phùng (3 tháng 6 năm 1921 – 10 tháng 12 năm 1997; tên tiếng Pháp: Maximilien Nguyen Phung), là một quân nhân, giáo sư-tiến sĩ luật người Pháp gốc Việt. Tên ông được đặt cho một con đường ở thành phố Montpellier, Pháp, con phố mang tên "Rue Professeur Maximilien Nguyen-Phung" (tiếng Việt: Phố thầy giáo Maximilien Nguyen-Phung)[1].

Nguyễn Phùng
Sinh(1921-06-03)3 tháng 6, 1921
Hà Nội
Mất10 tháng 12, 1997(1997-12-10) (76 tuổi)
Montpellier, Pháp
Tư cách công dân Pháp
Nổi tiếng vìGiáo sư Luật học, tên được đặt cho một con đường ở Montpellier, Pháp
Sự nghiệp khoa học
NgànhLuật
Nơi công tácTrường Đại học luật Montpellier

Cuộc đời và sự nghiệp sửa

Nguyễn Phùng là con trai thứ của Nguyễn Văn Vĩnh và người vợ thứ ba, một phụ nữ người Pháp gốc Việt tên là Suzanne. Ông sinh ngày 3 tháng 6 năm 1921 tại Hà Nội. Nguyễn Phùng có tính nết được cho là giống cả bố lẫn mẹ. Tuy ông không được sinh ở Pháp nhưng vẫn có quốc tịch Pháp[2].

Năm 14 tuổi, ông Phùng mồ côi cha[3]. Ông được mẹ cho theo học chương trình Pháp tại Trường Trung học Albert Sarraut, nơi chỉ dành riêng cho con cái người Pháp và một số người Việt có thế lực thời đó. Ông đậu tú tài năm 16 tuổi rồi hai năm sau đó cưới vợ.

Nguyễn Phùng tham gia đăng lính, ông làm sĩ quan thông ngôn của quân lực thuộc địa. Do có quốc tịch Pháp nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông được thăng lên chức lên quan ba.

Năm 1954, khi Pháp thua tại Điện Biên Phủ, hai vợ chồng ông và sáu người con cùng bà Suzanne chạy vô miền Nam rồi lên tàu sáng Pháp lánh nạn. Thời gian đầu, gia đình Nguyễn Phùng tạm trú trong một căn hộ tại Avenue Foch ở Paris. Do cấp bậc sĩ quan thuộc địa không được coi trọng, gia cảnh túng thiếu, khó khăn, Nguyễn Phùng đã dắt vợ con lên tàu tới Algérie và tham gia với cấp bậc thượng sĩ (adjudant). Ban ngày ông đánh trận, buổi tối ông họp với một số bạn bè đồng ngũ học luật.

Ngày 18 tháng 3 năm 1962, Algérie giành độc lập, gia đình Nguyễn Phùng theo đội quân viễn chinh về Pháp. Ban đầu ông đóng quân cùng gia đình tại thành phố Nîmes. Sau đó, ông chuyển sang ngạch dân sự, dọn về thành phố Montpellier ghi danh học trường luật. Ông cùng vợ đã mở một nhà hàng Việt Nam với tên Le Domino Chinois.

Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phùng được giữ làm trợ giảng, rồi dần thành giảng viên chính thức. Ông có bằng tiến sĩ vào năm 1968[4], sau được phong hàm giáo sư. Ông trực tiếp giảng dạy bộ môn Luật tư và Luật kinh tế tại Trường đại học Montpellier 1[5]. Ông là bạn đồng môn của Thị trưởng thành phố Montpellier, Georges Frêche; học trò của ông có nhiều nhân vật tiếng tăm trong ngành luật và quản lý ở Pháp.

Năm 1996, giáo sư Nguyễn Phùng về thăm lại quê hương. Ông đã thăm thú nhiều nơi, họ hàng và dự định sang năm sau sẽ về Việt Nam ở hẳn. Nhưng ông chưa thực hiện được ý định thì đã đột ngột qua đời vào ngày 10 tháng 12 năm 1997 ở Montpellier, thọ 76 tuổi.

Gia đình sửa

Nguyễn Phùng có một anh trai và một em gái ruột. Người anh trai Nguyễn Hiến từng làm Tổng trưởng Hải quan của Việt Nam Cộng hòa. Người em gái mất sớm. Ngoài ra ông có các người anh cùng cha khác mẹ khá nổi tiếng, trong đó có nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhà báo, nhà văn, họa sĩ Nguyễn Giang[6][7].

Nguyễn Phùng có người vợ Việt Nam là Coulier Michelle Thuy Loan. Bà Loan sinh năm 1927 ở làng Mục Xá. Bà là con gái thứ ba của ông chủ hiệu bánh ngọt nổi tiếng Godard Tràng Tiền tên là Courier. Tuy là con Tây nhà giàu nhưng từ bé bà Loan sống với mẹ tại dinh thự ở Mục Xá với tính tình dịu dàng, nhân hậu. Sau khởi nghĩa, nghe theo lời cha, bà Loan đã tham gia công tác Bình dân học vụ diệt giặc dốt một thời gian dài. Hai ông bà có với nhau tám con: bốn con trai và bốn con gái[8], trong đó hai người con trai làm luật sư là Jean-Robert Nguyen Phung và Jean-Marc Nguyen Phung. Họ mở một văn phòng luật mang tên Nguyen Phung tại Montpellier[9].

Vinh danh sửa

Tháng 5 năm 2002[10] sau khi Nguyễn Phùng mất, nhằm ghi nhận những đóng góp lớn lao cả về học thuật và về tài năng sư phạm lẫn nhân cách của ông, chính quyền thành phố Montpellier đã quyết định đặt tên ông cho một đường phố mới mở của thành phố[11]. Con đường nằm trong khu vực bùng binh Carrefour de la Lyre, sát siêu thị Géant Casino, trên tuyến đường đi Saint Gély du Fesc - Ganges.

Trong buổi lễ gắn biển cho con đường có sự hiện diện của bà Loan, vợ ông và các con của ông bà[1][7]. Nguyễn Phùng là người gốc Việt đầu tiên và duy nhất được đặt tên phố ở Montpellier, Pháp cho đến thời điểm này.[12]

Tháng 10 năm 2006, ông trở thành một phần trong bộ phim tài liệu thực hiện bởi Giáo sư Daniel Grasset và Anna Owhadi-Richardson nói về con người thành phố này.[13] Ông cũng xuất hiện trong bộ phim dài 200 phút thực hiện bởi Nguyễn Lân Bình – con trai của Nguyễn Dực – và đạo diễn Trần Văn Thủy, từng được chiếu tại Quảng Nam vào tháng 12 năm 2007[14].

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ a b “Tài liệu hợp tác Pháp Việt” (PDF). Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. ngày 23 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2015.
  2. ^ Do thời gian đó, theo chỉ thị của Toàn quyền Pháp ở Việt Nam, nếu người mẹ có quốc tịch Pháp thì đương nhiên con cái đều được quốc tịch Pháp
  3. ^ Cha ông mất ở Lào, ông đã cùng mẹ sang nơi đó để nhận xác cha về.
  4. ^ Xavier Henry (30 tháng 6 năm 1992). “La technique des qualifications contractuelles” (PDF). univ-lorraine.fr. Truy cập 16 tháng 10 năm 2015.
  5. ^ Xem thêm tại Luận án tiến sĩ Nhà nước pháp quyền của Dominique Sarr, Đại học Montpellier 1, ngày 1 tháng 10 năm 1980 tại sist.sn Lưu trữ 2018-01-28 tại Wayback Machine.
  6. ^ Ông còn có các anh cùng cha khác mẹ được khá nhiều người biết đến như ông Nguyễn Dực, người đã đem toàn bộ hệ thống âm thanh của gia đình để phục vụ buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình và là một trong những người đóng góp tài sản xây dựng Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam trong những ngày đầu tiên; ông Nguyễn Phổ, sĩ quan tình báo của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bị hàm oan một thời gian dài sau đó được chính quyền công nhận và đền bù.
  7. ^ a b Xuân Ba (4 tháng 3 năm 2006). “Con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh và một tên phố ở miền Nam nước Pháp”. Báo điện tử Tiền Phong. Truy cập 16 tháng 10 năm 2015.
  8. ^ “Maximilien Nguyễn Phùng et enfants (Maximilien Nguyễn Phùng và các con)”. nguyenvanvinh.net. Truy cập 16 tháng 10 năm 2015.
  9. ^ “Les avocats”. nguyenphung-avocats.com. Truy cập 16 tháng 10 năm 2015.
  10. ^ Inauguration de la rue du professeur Maximilien Nguyen Phung, thành phố Montpellier, 25 tháng 5 năm 2002
  11. ^ Người Hà Nội được dặt tên phố ở Pháp, Báo Hà Nội mới
  12. ^ “Mạn đàm về người man di hiện đại”. VietNamNet. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập 16 tháng 10 năm 2015.
  13. ^ “Journée Internationale de la Francophonie – le 20 mars 2007 à Montpellier… l'A.L.A.S. était là !”. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2015.
  14. ^ “Chuyện về một hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh”. Công an Nhân dân. ngày 4 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2015.

Liên kết ngoài sửa