Phan Khắc Hy (sinh năm 1927) là một cựu sĩ quan cấp cao trong Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Thiếu tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa 8 (1987-1992)[1][2][3][4]. Ông là sĩ quan cao cấp chỉ huy trong 2 đơn vị giữ vai trò quan trọng trong chiến tranh Việt Nam là Quân chủng Phòng không Không quân và Đoàn 559.

Phan Khắc Hy
Sinh01-01-1927
Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Quốc tịch Việt Nam
Thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam
Năm tại ngũ19451993
Quân hàm
Khen thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba
Huân chương Quân công hạng Nhất
Huân chương Chiến thắng hạng Nhì
2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất

Thân thế sửa

Ông sinh ngày 1 tháng 1 năm 1927 tại quê ngoại (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà Nho nghèo gốc Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cha ông thi tam trường, nhưng vì Nho học thất thế, nên chuyển sang học Quốc ngữ rồi vào Quảng Bình vừa học vừa làm thầy thuốc Đông y và lập gia đình tại đây. Mẹ ông mua bán trầu cau ở chợ, một tay bà nuôi 6 anh em ông ăn học, tham gia cách mạng. Cha ông vào Quảng Ngãi vừa dạy học vừa làm thuốc, sau cách mạng Tháng Tám, cha ông còn làm Chủ nhiệm Việt Minh xã và mất sớm do bệnh tại đây. Mẹ ông sau chiến tranh theo ông và con trai thứ là Phan Khắc Thiệu vào Nam sinh sống; bà sống cùng con trai thứ tại Vũng Tàu và mất năm 1991.

Lúc còn nhỏ Phan Khắc Hy học ở trường làng Hạ Trạch, lấy bằng yếu lược. Sợ ở trên thị trấn lêu lổng chơi bời, cha ông đưa anh em ông về quê nội Đức Thọ, Hà Tĩnh là vùng đất hiếu học.

Học hết tiểu học, ông ra Vinh học Trung học. Ngoài chương trình ở nhà trường ông cùng các bạn lập thư viện đủ loại sách văn học, triết học, chính trị... Ông đọc rất nhiều về Khổng Tử, Lão Tử, Karl Marx; chép sổ tay thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, cùng nhiều nhà thơ khác.

Năm 1943, ông với người bạn thân là Quách Xuân Kỳ trốn học, dự định xuất dương làm cách mạng nhưng không thành.

Sự nghiệp chính trị ban đầu sửa

Ông tham gia cách mạng từ tháng 4 năm 1945 khi vừa mới 18 tuổi, là cán bộ Việt Minh bí mật, lấy bí danh là Thành Công, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Tháng 8 năm 1945, ông là Ủy viên Việt Minh, tham gia Ban Chấp hành thanh niên Cứu quốc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Tháng 1 năm 1946, ông là Ủy viên, Trưởng ban phụ trách trại kinh tế vừa tăng gia sản xuất vừa xây dựng căn cứ Ba Lùm, Ba Lòi, tham gia huấn luyện viên dân quân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cùng với các ông Quách Xuân Kỳ, Mai Trọng Nghiêm. 

Tháng 3 năm 1947, ông là Trưởng ban liên lạc chuẩn bị kháng chiến. Tháng 6 năm 1947, ông được điều về làm Chính trị viên, huyện đội trưởng, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cuối năm 1948, ông làm Bí thư Huyện ủy Bố Trạch.

Tháng 6 năm 1949, ông được điều lên Tỉnh ủy Quảng Bình. Tháng 12 năm 1949, ông là Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình thay ông Đồng Sỹ Nguyên. Từ năm 1950 đến tháng 3 năm 1952, ông là Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Quảng Bình, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình.

Cuối năm 1950, ông được điều vào mặt trận Bình Trị Thiên làm phái viên mặt trận.

Từ tháng 4 năm 1952 đến năm 1954, ông là Chính ủy Trung đoàn 18 Đại đoàn 325 hoạt động trên Mặt trận Bình Trị Thiên rồi Mặt trận Đường 9 và Trung Lào

Xây dựng không quân non trẻ sửa

Từ tháng 3 năm 1955 đến tháng 12 năm 1958, ông là Chủ nhiệm chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Ban Nghiên cứu sân bay (tiền thân Quân chủng Không quân), sau là Cục Không quân, sau học bổ túc tại Trường Trung cao Quân sự.

Từ tháng 10 năm 1963 đến năm 1965, Quân ủy Trung ương quyết định hợp nhất Phòng không Không quân, ông là Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không Không quân. Sau đó ông được cử đi học lớp lý luận tại Liên Xô

Từ năm 1965 đến tháng 2 năm 1967, không quân phát triển, Bộ Tư lệnh Không quân được thành lập, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Đảng ủy viên Quân chủng Phòng không Không quân, hàm Thượng tá.

Từ tháng 3 năm 1967 đến tháng 5 năm 1968, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Đảng ủy viên Quân chủng Phòng không Không quân.

Từ tháng 6 năm 1968 đến tháng 9 năm 1968, ông là Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không Không quân. 

Từ tháng 10 năm 1968 đến tháng 3 năm 1969, ông là Phó Chủ nhiệm chính trị, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh 500 là Bộ Tư lệnh tiền phương Tổng cục Hậu cần (sau này Bộ Tư lệnh 500 sáp nhập với Bộ Tư lệnh đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn).

Từ tháng 4 năm 1969 đến tháng 4 năm 1971, ông là Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, được bổ túc tại Trường Trung cao Chính trị.

Công tác trên Trường Sơn sửa

Do yêu cầu của chiến trường, tháng 5 năm 1971, ông được điều vào làm Chính ủy Đoàn 470-phụ trách cung đường từ Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia đến Nam Bộ, với nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

Từ tháng 5 năm 1971 đến tháng 5 năm 1976, ông là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần Tiền phương

Hoạt động sau chiến tranh sửa

Từ tháng 6 năm 1976 đến tháng 6 năm 1979, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế.

Từ tháng 7 năm 1979 đến tháng 5 năm 1986, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, được cử đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc.

Từ tháng 6 năm 1986 đến tháng 3 năm 1987, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế.

Từ tháng 4 năm 1987 đến tháng 5 năm 1989, ông giữ cương vị Quyền Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, Phó Bí thư Đảng uỷ Tổng cục.

Từ tháng 6 năm 1989 đến năm 1992, ông là Phó Chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Năm 1993, ông nghỉ hưu.

Hiện nay ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng (1980)

Khen thưởng sửa

Chú thích sửa

  1. ^ “Thiếu tướng Phan Khắc Hy và đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
  2. ^ “Tình yêu đẹp của vị tướng tài”.
  3. ^ “Chuyện tình vượt thời gian của vị tướng dũng mãnh”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2015.
  4. ^ “PV Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Mùa xuân trên tuyến đường Trường Sơn”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2015.

Tham khảo sửa