Phan Trần (潘陳, họ Phan và họ Trần) là một truyện thơ Việt Nam bằng chữ Nôm,[1][2] dài 954 câu theo thể lục bát, không rõ tác giả là ai, và có lẽ ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 18.[3]

Truyện Nôm Phan Trần, ấn bản Nhâm Tý (1912) triều Duy Tân.

Nguồn gốc

sửa

Truyện thơ Phan Trần theo trong nội dung là một cuốn sách truyện của[4] Trung Hoa vào thời Tĩnh Khang (tức Tống Khâm Tông). Mấy câu mở đầu đã dựng lên bối cảnh:

Trên am thong thả sắt cầm,
Nhàn nương án ngọc, buồn ngâm quyển vàng.
Thấy trong triều Tống Tĩnh Khang,
Một chàng Hòa Quận, một chàng Đàm Chu.
Bảng vàng bia đá nghìn thu,
Phan, Trần hai họ cửa nho dõi truyền...

Theo giáo sư Nghiêm Toản thì tích cũ của người Tàu là cuốn Ngọc trâm ký vốn rút từ Cổ kim nữ sử có từ thời nhà Minh. Văn tịch còn ghi nguồn gốc xa hơn nữa là vở tuồng Trương Vu Hồ ngộ túc Nữ Chân quán từ thời nhà Nguyên. Trong truyện đó có ba nhân vật: nữ tu sĩ Trần Diệu Thường, Trương Vu Hồ, và Phan Tất Chánh. Cốt truyện là Trương đến tá túc ở đạo quán nơi Diệu Thường đang tu. Trương tỏ tình với vị nữ tu nhưng bị cự tuyệt. Tuy nhiên sau đó Diệu Thường lại có lòng yêu người bạn của Trương là Phan. Hai người tư thông và Diệu Thường mang thai nên bị bắt đem ra trình quan xử tội. Nào ngờ Trương đang làm quan sở tại, nhận ra Diệu Thường năm xưa, lại có Phan biện bạch nên Trương giải quyết cáo trạng bằng cách cho Phan và Diệu Thường lấy nhau.[5] Xét ra thì tuy có một số điểm tương đồng trong tên nhân vật nhưng cốt truyện thì truyện Nôm Phan Trần của Việt Nam khác xa các truyện và tuồng của người Tàu.

Lược truyện

sửa

Truyện kể về cuộc tình duyên trắc trở của hai người là Phan sinh và Trần Kiều Liên. Theo nhà nghiên cứu văn học Việt Dương Quảng Hàm thì truyện được chia làm 4 hồi và có nội dung đại để như sau:

  • 1/ Họ Phan và họ Trần đính ước gả con cho nhau (từ câu 1 đến câu 150):[6]

Vào đời Tống Tĩnh Khang ở Trung Quốc có Phan Công và Trần Công vốn là bạn học và là bạn đồng liêu. Khi vợ hai người thụ thai thì họ hẹn ước rằng hễ một bên sinh con trai, một bên sinh con gái, sẽ gả cưới cho nhau. Họ Trần trao trâm ngọc, họ Phan trao quạt ngà làm vật đính hôn. Sau đó, họ Phan sinh ra Phan sinh (tên là Tất Chánh) và họ Trần sinh ra Kiều Liên. Vì tuổi cao, Phan Công và Trần Công đều xin về trí sĩ để dạy con. Từ đó hai người xa cách nhau. Lớn lên, Phan sinh thi Hương đỗ thủ khoa, nhưng hỏng thi Hội.

  • 2/ Phan sinh và Kiều Liên phải xa cách nhau (từ câu 151 đến câu 302):

Thi hỏng, Phan sinh xấu hổ không về trở quê, tìm nhà trọ học để chờ khoa sau. Trong thời gian ấy, Trần Công mất, lại gặp lúc giặc nổi lên, mẹ con Kiều Liên phải chạy loạn. Nửa đường họ lạc nhau, mẹ thì đến nương náu ở nhà Phan Công, còn Kiều Liên thì gặp một người họ Trương (Trương thị) đưa vào tu trong một ngôi chùa ở Kim Lăng, và lấy pháp danh là Diệu Thường.

  • 3/ Phan Sinh và Diệu Thường gặp nhau (từ câu 303 đến câu 774):

Phan sinh đang học ở Thành Đô, chợt nhớ có người cô tu ở Kim Lăng, bèn đến thăm. Người cô bảo ở lại chùa học tập. Phan sinh trông thấy Diệu Thường thì phải lòng, bèn nhờ bà vãi Hương công làm mối, nhưng Diệu Thường cự tuyệt. Phan sinh vì thế ốm tương tư. Nể lời sư cô (cô Phan sinh), Diệu Thường đến thăm chàng. Khi khỏi bệnh, một đêm, chàng lại phòng Diệu Thường cảm ơn. Trước nàng không cho vào, sau vì sợ Phan sinh tự tận, nên phải mở cửa. Trong câu chuyện, hai người dần nhận ra là họ đã được cha mẹ đính hôn từ trước. Từ đó, hai người thầm đi lại với nhau.

  • 4/ Phan sinh và Kiều Liên kết thành vợ chồng (từ câu 775 đến câu 954):

Phan sinh đi thi Hội, đỗ Thám hoa. Về chàng nói rõ cho sư cô biết chuyện của mình với Kiều Liên (tức Diệu Thường). Sư cô khuyên Phan sinh làm lễ cưới Kiều Liên ở nhà Trương thị, rồi hai vợ chồng cùng vinh quy. Về đến nơi, gặp cha mẹ và Trần phu nhân (mẹ Kiều Liên). Thế là hai họ Phan-Trần sum họp. Sau vua triệu Phan sinh về kinh nhậm chức và cử đi đánh giặc. Giặc tan, chàng chiến thắng trở về, hai vợ chồng hưởng vinh hoa phú quý.

Nhận xét

sửa
Các cụ xưa thường răn: "Đàn ông chớ kể Phan Trần", vì trong truyện có đoạn tả Phan sinh tương tư người yêu đến nỗi toan tự tận. Các cụ cho rằng một người con trai không nên có những tình cảm quá nhu nhược và ủy mị như thế. Tuy vậy, trong truyện có nhiều đoạn tả cảnh, tả tình rất khéo, như đoạn tả nỗi buồn của Kiều Liên khi nhớ mẹ và tình nhân, đoạn tả nỗi thất vọng của Phan sinh khi bị Diệu Thường cự tuyệt.
Lời văn chải chuốt êm đềm, có nhiều đoạn không kém gì văn Truyện Kiều, và so với văn Nhị độ mai có phần hơn [7].
  • GS. Nguyễn Lộc:
Phan Trần là một câu chuyện tình yêu thuần túy. Đôi trai gái ở đây yêu nhau một cách khá phóng túng, nhất là đối với Phan sinh. Mặc dù chàng đã được cha mẹ đính hôn, nhưng khi gặp một cô gái đẹp (ni cô Diệu Thường) chàng đã chạy theo tình yêu của mình, không một chút đắn đo. Còn Trần Kiều Liên lúc đầu cự tuyệt, nhưng khi biết chàng ốm tương tư vì mình, nàng đã đến thăm; và khi chàng dọa tự tử, thì nàng mở cửa cho chàng vào mặc dù đang lúc đêm tối vắng vẻ...
Phải có cái táo bạo nào đó mới dám viết về một tình yêu tự do như thế lại diễn ra ở ngay trong một ngôi chùa. Và nhà sư (cô Phan sinh) ở đây có tính cách như một nhà "nhân đạo chủ nghĩa", sẵn sàng thông cảm với tâm sự của đôi trai gái, giúp họ có điều kiện gần gũi và yêu thương nhau...
Về mặt nghệ thuật, Phan Trần là một truyện thơ giản dị, ngôn ngữ trong sáng, không có nhiều từ Hán, hoặc nhiều điển cố khó hiểu. Một số đoạn thơ đạt đến trình độ điêu luyện [8]

Chú thích

sửa
  1. ^ Florence Bretelle-Establet Looking at It from Asia: The Processes That Shaped the Sources of History of Science, New York, Springer 2010 "Vietnam's most famous work of literature The Tale of Kiều, the anonymous epic poem Phan Trần and many of the poems of Nguyễn Trài, Nguyễn Bỉnh Khiêm, and Hồ Xuân Hương were originally written in Nôm ..."
  2. ^ professor Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Minh Tiến Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ Page 401 "Rồi từ đó ông tiếp tục phiên âm, xuất bản hàng loạt tác phẩm Hán, Nôm như: Gia Huấn Ca, Nữ Lưu (1882), Lục Súc tranh công (1887), Phan Trần truyện (1889), Lục Vân Tiên (1889). Công việc phiên âm chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ mà hiện ..."
  3. ^ Theo GS. Nguyễn Lộc (Từ điển văn học, bộ mới, tr. 1397). GS. Thanh Lãng cho biết thêm: Phạm Thái cho rằng truyện Phan Trần là mượn của Trung Quốc nên chẳng có gì đặc sắc, và ông đã đặt ra truyện Sơ kính tân trang. Như thế, Phan Trần phải ra đời trước Sơ kính tân trang ít lâu (Bản lược đồ văn học Việt Nam, Quyển Thượng, tr. 548).
  4. ^ Các nhà nghiên cứu, trong đó có Dương Quảng Hàm, đều không ghi tên sự tích hay tên truyện mà Phan Trần đã dựa theo.
  5. ^ Nghiêm Toản. (1973). "Nguồn gốc truyện Phan Trần". Khoa học Nhân văn, tr 41-43
  6. ^ Shawn Frederick McHale Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the ... 2004 - Page 28 "Nguyễn Xuân Nghị presents the story as a reflection on the saying "men should not tell the story of Phan Tran, women should not tell the Tale of Kieu." Unexpectedly one day, while wandering aimlessly down the street, I met a man carrying ... the names of old stories: "Hoa tiên," "Pham Cong," "Cue Hoa," "Nữ Tú Tài," "Kim Vân Kiều ," "Nhi Do Mai," "Phan Tran." ."
  7. ^ Việt Nam văn học sử yếu, tr. 390.
  8. ^ Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1397.

Sách tham khảo

sửa
  • Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu (mục "Phan Trần"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 10, Sài Gòn, 1968.
  • Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển (mục "Phan Trần"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
  • Nguyễn Lộc, mục từ "Phan Trần" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Thanh Lãng, Bản lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.