Sọ Dừatruyện cổ tích Việt Nam thuộc thể loại thần kỳ.[1] Cùng với Tấm Cám, Thạch Sanh, Ăn khế trả vàng v.v..., Sọ Dừa là một trong những câu truyện cổ tích quen thuộc trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Truyện có mô-típ thường thấy như các tác phẩm truyện cổ tích khác đó là: nhân vật chính có hoàn cảnh đặc biệt, sau đó vươn lên theo triết lý nhân quả "ở hiền gặp lành", trong khi nhân vật ác thì "gieo gió gặt bão".

Bìa truyện tả cảnh Sọ Dừa hóa thành người, Nhà xuất bản Kim Đồng

Nội dung sửa

Ngày xưa, có hai vợ chồng lão nông nghèo đi ở trong nhà của một phú ông. Hai vợ chồng ông bà là người hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà vẫn chưa sinh được một đứa con. Đến một ngày, bà vợ đi vào rừng đốn củi. Lúc đó trời nắng to, bà khát nước quá mà không tìm đâu ra nước để uống. Chợt thấy một cái sọ dừa cạnh gốc cây chứa đầy nước mưa, bà bèn cầm lên để uống. Trở về nhà, sau đó một thời gian thì bà mang thai.

Một thời gian sau khi bà mang thai người chồng lăn ra ốm rồi qua đời.

Sau khi chồng mất, bà sinh được một người con. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là con bà lại không có chân tay mà mình lại tròn giống như một quả dừa. Buồn tủi trước sự việc như vậy, bà định vứt bỏ con đi thì đứa bé lên tiếng nói:

– Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp

Người mẹ thấy vậy thương tình để lại nuôi và đặt tên cho con là Sọ Dừa. Trải qua thời gian, Sọ Dừa lớn lên nhưng cơ thể vẫn cứ tròn lông lốc mà không làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng và buồn tủi. Sọ Dừa hiểu mẹ, bèn xin phép đến làm việc chăn cho phú ông.

Ban đầu khi nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại vì hình dáng của cậu. Nhưng sau hắn lại nghĩ: nuôi thì ít tốn cơm, tiền công cũng không đáng là bao, nên đã đồng ý. Sọ Dừa chăn bò rất giỏi. Hàng ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, khi tối đến cậu lại dắt bò về nhà. Đàn bò con nào con nấy đều no căng mà Sọ Dừa cũng chỉ ăn hết có hai nắm cơm rất nhỏ. Phú ông thấy vậy thì mừng lắm.

Ngày mùa đến, người làm trong nhà đều ra đồng làm ruộng, phú ông sai các con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Mỗi lần phải đưa cơm như vậy, hai người chị lớn đều khinh thường và hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có người em gái út vốn tính thương người là đối xử với Sọ Dừa tử tế.

Trong một lần mang cơm cho Sọ Dừa, cô út bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von khi bước tới chân núi. Đưa mắt nhìn qua thì cô thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi đó, vừa thổi sáo vừa cho ăn cỏ. Nhưng chỉ trong chớp mắt, chưa hết ngạc nhiên thì cô lại chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đó. Nhiều lần để ý, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường nên đã đem lòng yêu quý.

Khi hết mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà nông thấy vậy tỏ ra rất sửng sốt, nhưng vì con năn nỉ mãi nên bà cũng thử làm theo.

Thấy hai mẹ con Sọ Dừa đến hỏi vợ, phú ông cười mỉa mai:

– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

Bà lão đành ra về, nghĩ bụng phải ngừng hẳn việc lấy vợ cho con. Tuy nhiên, đến đúng ngày hẹn, bà bỗng thấy trong nhà có đủ mọi đồ sính lễ, lại có thêm các gia nhân khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa mắt, lúng túng gọi ba cô con gái ra xem mặt. Trong khi hai người chị chê bai Sọ Dừa xấu xí và bỏ đi thì chỉ có cô em út là cúi đầu tỏ ý bằng lòng.

Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ linh đình, người làm giúp việc tấp nập. Khi rước dâu, không ai thấy Sọ Dừa trong hình hài cũ đâu mà chỉ thấy một chàng trai khôi ngô đứng bên cô út. Tất cả đều thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tị.

Sau khi cưới, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra là một người rất thông minh. Ngày đêm chàng chăm chỉ đèn sách luyện chữ. Kỳ thi năm ấy, Sọ Dừa đỗ Trạng nguyên. Thế nhưng, không lâu sau, Sọ Dừa được vua cử đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, nói là để phòng thân.

Trong lòng ganh tị, hai người chị sinh rắp tâm hãm hại em út để thay làm bà trạng. Nhân lúc Sọ Dừa đi vắng, hai chị sang rủ cô út đi chèo thuyền rồi lừa đẩy người em xuống biển. Cô bị cá kình nuốt vào bụng, nhưng may có con dao, cô rạch bụng cá mà thoát ra ngoài. Sau đó, cô dạt vào một hòn đảo. Để sống sót, cô lấy đá tạo thành lửa để nướng thịt cá ăn. Hai quả trứng gà cô mang theo bên mình nay cũng nở thành một gà mái và một gà trống để làm bạn cùng cô.

Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy vang:

Ò... ó... o...
Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

Thuyền quan tiến lại xem thì người nhận ra đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng được gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Quan về nhà mở tiệc mời bà con đến chia vui nhưng không cho ai biết có vợ về cùng. Hai cô chị thấy vậy khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện em gái kém may mắn gặp nạn, ra vẻ thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong bèn cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ đi biệt xứ.

Trong văn hóa đại chúng sửa

Truyện Sọ Dừa cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình đọc thêm của sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6. Trong kho tàng Cổ tích Việt Nam cũng có những truyện tương tự Sọ Dừa như Lấy chồng dê, Chàng Chuối. Những câu chuyện này đều có cùng cốt truyện gần giống với Người đẹp và quái thú của châu Âu. Một dị bản khác của truyện Lấy chồng dêDương phu truyện (羊夫傳) nằm trong Thánh Tông di thảo ấn hành tại Việt Nam khoảng trung đại mạt kì. Năm 2002, truyện Lấy chồng dê được hãng phim Phương Nam chuyển thể thành phim video trong cuốn Cổ tích Việt Nam 14:

Ngày xưa, có một đôi vợ chồng tên là Tám và Yến đầu tóc đã hoa râm mà vẫn hiếm hoi. Hai vợ chồng bà từng làm thuê cho nhà một lão bá hộ tên là Vàng. Ngày qua ngày, họ đi cầu tự bao nhiêu chùa chiền chỉ có mụn con khỏi phải hiu quạnh lúc tuổi già. Thế rồi người vợ bỗng bụng mang dạ chửa, hạ sinh một đứa con trai. Tiếc thay, thằng bé không phải là người tầm thường mà mang cái đầu của loài dê. Vì thương con không nỡ vứt bỏ, vợ chồng bà đặt tên cho nó là Kim Dương. Trong lòng phiền não, người chồng phát ốm rồi từ giã cõi đời. 

Lại nói đến nhà lão bá hộ Vàng, vợ vì bạo bệnh mà cũng sớm lìa xa trần thế, để lại hai người con gái. Cô chị tên là Kim Chi, tính tình đỏng đảnh, đanh đá còn cô em tên là Ngọc Diệp. Trái ngược với Kim Chi, Ngọc Diệp lại là cô em nết na, thùy mị. Một hôm, hai chị em rủ nhau vào rừng chơi, bắt bướm cho đầy lồng. Đoạn Ngọc Diệp trèo lên cây bắt sâu mang về nuôi, không may nàng trượt chân mà té. Kim Dương đi đốn củi gần đó, nghe thấy tiếng la thất thanh, chàng lao nhanh như tên bay đỡ lấy Ngọc Diệp khi nàng còn bất tỉnh. Khi Ngọc Diệp thức giấc sau cơn mê man, cô mới biết mình đang nằm trên giường trong túp lều tranh của mẹ con nhà Kim Dương. Thấy mẹ Dương từ ngoài bước vào lều, Ngọc Diệp ngồi co ro hỏi:

- Bà là ai? Tại sao tôi lại ở trong cái lều giữa chốn núi non hẻo lánh thế này?
- Con thấy trong người thế nào? Con không việc gì phải sợ cả! Thấy con gặp nạn, ta chỉ muốn cứu con thôi. Bây giờ thấy con tỉnh lại, ta mừng lắm. Chắc hơn một ngày nay con không ăn uống gì nên đói có đúng không?

Nói rồi, bà lão bưng bát cháo còn đang nóng đưa cho Ngọc Diệp:

- Ăn đi con! Cháo nóng thế này, con gắng ăn mà lấy sức cho khỏe. Khi con bình phục là con có thể trở về được rồi. Con cứ coi nơi đây là nhà của con.

Đoạn mẹ Kim Dương hỏi han tên tuổi, Ngọc Diệp nói rằng nàng là người ở làng Đông, con gái bá hộ Vàng. Nàng hỏi sao bây giờ bà lão lại sống ở vùng non cao, bà chỉ trả lời theo kiểu đánh lạc hướng:

- Thôi, bây giờ con ăn xong bát cháo rồi thì uống thêm mấy thang thuốc ta có đi pha rồi nằm nghỉ đi nhé! Khi nào hết bệnh thì con có thể về nhà.

Ngọc Diệp ăn xong cháo, nàng lén lút đi đến góc vườn sau lều. Cạnh mỏm đá, nàng không hề biết Kim Dương lấy manh chiếu trùm thân kín mít mà ngủ thiếp đi. Đoạn Ngọc Diệp lấy cành cây giở manh chiếu ra, nàng trông thấy Dương mà sợ sệt. Mặt cắt không còn giọt máu, Ngọc Diệp ngã lăn ra bất tỉnh lần thứ hai.

Lão bá hộ trong lòng bất an vì cứ ngỡ mất Ngọc Diệp, hắn thấy từ xa có tên gia nô hớt hải chạy vào tâu:

- Bẩm ông, con cho người tìm kiếm khắp nơi trong khu rừng mà không thấy có gì khả nghi. Nếu như biết chỗ cô hai nhà ông sẩy chân ngã thì sẽ sớm tìm được.

Lão bá hộ nhìn Kim Chi đang ngồi cầm mấy xác con bướm khô ép trong trang giấy, giận dữ quát:

- Giờ này mà con còn săm soi mấy con bướm chết tiệt đó hả? - Lão bá hộ chau mày.
- Vậy thì cha bảo con làm gì bây giờ? - Kim Chi nói như giãy nảy lên.
- Dẫn đường cho người tìm em gái con mau lên! Chính con là người dắt nó vào rừng bắt bướm, để nó leo cây nó ngã thì con bỏ mặc nó à? Đứng dậy đi!
- Thôi! Con sợ con dê ấy lắm. Con không dám đâu!
- Không dám cũng phải đi - Bá hộ Vàng như nóng mắt không chịu được con gái cả của mình nữa.

Còn về phần Ngọc Diệp và mẹ Kim Dương, bà Yến nước mắt lưng tròng kể lể:

- Vợ chồng ta hai mươi năm trước đi làm công rồi ở đợ cho nhà cha con. Lúc đó chúng ta ao ước có một đứa con để đỡ buồn khi về già. Đến khi đẻ ra thì thằng bé lại có khuôn mặt xấu xí không phải của con người mà lại là loài dê, ta đặt tên cho nó là Kim Dương. Nhưng vì phải che mắt thiên hạ nên phải ôm thằng Dương trốn vào rừng sâu sinh sống. Cuối cùng rồi, nó cũng trở thành người đàn ông thực sự.

Ngọc Diệp nghe vậy, nàng chỉ biết ôm chầm lấy bà Yến khóc theo. Cho đến khi ra vườn, Diệp mới thấy Dương đang chẻ củi. Nàng tỏ ra vui vẻ mà hỏi chàng:

- Anh có mệt lắm không? Bây giờ tôi không phải sợ hãi bất cứ điều gì, kể cả anh. Thôi, bây giờ anh uống bát nước đi cho khỏe. Cảm ơn vì anh là ân nhân đã cứu tôi thoát chết trong gang tấc. Không phải khách sáo đâu, để tôi phụ anh chẻ củi.
- Một mình cô không làm được đâu! - Kim Dương nhìn Ngọc Diệp, mặt chàng có vẻ sợ hãi.
- Đã bảo là tôi biết làm mà! - Nói rồi Ngọc Diệp vác bỏ củi thong thả rời đi. Không may nàng vấp phải hòn đá ngã sưng chân. Dương thấy Diệp không đi lại bình thường được, chàng mới hái một nắm lá dại ven đường, nhai giập bã trầu rồi đắp lên mắt cá chân của Ngọc Diệp. Nàng nhìn Dương một hồi lâu với ánh mắt đắm đuối không rời.

Còn lão bá hộ sốt ruột vì con, hắn cho bọn gia nô và thị vệ cùng Kim Chi lên đường vào rừng truy tìm. Sau khi Ngọc Diệp có được mấy con sâu, nàng lấy lá cuốn thành cái phễu nhỏ, bỏ sâu vào và nhờ Kim Dương cõng mình đi một đoạn đường xa. Trong khi ấy, lão phú hộ, gia nô, thị vệ và Kim Chi gào khản cổ mà tìm tung tích Ngọc Diệp. Đoạn Dương cõng Diệp ra khỏi bìa rừng, Dương mới hỏi Diệp chuyện nàng thích nuôi bướm, Diệp mới nói Dương trèo cây bắt cho nàng thật nhiều sâu. Đoạn thấy lão phú hộ và chị gái cho người đi tìm mình, Ngọc Diệp mới đánh tiếng cho Kim Dương:

- Thôi xuống dưới đi, đừng bắt thêm sâu nữa!

Nghe tiếng em gái mình, Kim Chi như mừng quýnh vội vã chạy đến. Đoạn thấy Kim Dương còn leo cây chưa xuống, thị vệ và gia nô liền giương cung tên nhắm bắn. Sợ người yêu mình bị giết, Ngọc Diệp thất thanh:

- Đây là ân nhân đã cứu sống tôi, xin các người mau tránh ra. Đừng làm hại anh ấy!
- Chẳng ai muốn giết anh đâu! Mau xuống đi, đừng sợ! - Ngọc Diệp ngước lên ngọn cây, vẫy tay ra hiệu cho Kim Dương nhảy xuống. Nàng thuyết phục mãi, Kim Dương mới chịu nhảy khỏi cành cây mà tiếp đất. Đoạn Dương nấp sau Diệp tránh mặt lão bá hộ và mọi người, Kim Chi chỉ biết hét toáng lên khi trông thấy Kim Dương. Đoạn ai nấy rời khỏi rừng, chỉ còn mỗi Kim Dương và Ngọc Diệp vui vẻ với nhau, Ngọc Diệp mới vui vẻ bảo chàng:
- Cảm ơn chàng vì hôm nay đã bắt nhiều sâu cho thiếp. Thiếp tin rằng ngày nào đó lũ sâu sẽ hóa kén thành những con bướm tuyệt đẹp!

Một buổi trưa, thấy con trai mình cho tằm ăn lá mà ngồi như người mất hồn, bà Yến mới gọi con vào ăn cơm. Thấy con chăm chú, Dương mới đáp lại mẹ rằng:

- Con tằm rồi cũng phải hóa thành bướm. Con rồi cũng phải đến lúc lấy vợ.

Về chuyện gả Ngọc Diệp cho Kim Dương, bá hộ Vàng nghe thấy thế thì phá lên cười:

- Ta không thể tin và tưởng tượng được là mẹ con bà dám nghĩ đến chuyện động trời như vậy.

Bà lão nghe vậy khép nép đáp:

- Dạ thưa ông, tôi biết là ông không bao giờ nhận lời cầu hôn của con trai tôi. Vậy xin ông hãy nói một lời từ chối để tôi yên tâm ra về!
- Bà biết ta sẽ từ chối, sao còn mang trầu cau đến đây làm gì?
- Vì tôi là mẹ của đứa con trai khốn khổ, si tình...
- Thôi được! Vì thằng con bà là ân nhân cứu mạng con gái ta. Nếu bây giờ mà từ chối lời cầu hôn của nó, thì người đời sẽ nói ta là kẻ vong ơn bội nghĩa. Còn nếu bây giờ ta chấp nhận cho con gái ta về làm dâu nhà bà, thiên hạ sẽ nguyền rủa ta là người cha độc ác, không biết thương con.
- Vâng! Xin đội ơn ông ạ. - Bà lão chỉ biết bê thúng trầu cau mà cúi lạy. Cuối cùng lão bá hộ bất đắc dĩ bảo:
- Bà yên tâm đi! Ta hứa thì ta sẽ giữ lời, nhưng ta khuyên bà đừng quá hy vọng mà đau khổ.

Nói xong, bá hộ Vàng gọi hai cô con gái đến trước mặt, đầu tiên lão hỏi ngay Kim Chi:

- Con có muốn về làm dâu nhà bà lão này không?

Kim Chi nghe vậy, bĩu môi đáp:

- Con phải lấy một người đàn ông khôi ngô tuấn tú làm chồng, chứ ai mà thèm lấy cái tên người không ra người, ngợm không ra ngợm như thế kia cơ chứ? Tức cười ghê! Bao nhiêu đám danh gia vọng tộc đến hỏi con, còn còn không thèm để ý nữa là.

Phú ông liền quay sang hỏi Ngọc Diệp. Nàng nghĩ việc lấy chồng dễ như bỡn, để cho bà lão yên tâm ra về mà đỡ tốn thời gian nên mới đáp rằng:

- Cha đặt con ở đâu, con xin được ngồi đó ạ! Con xin chấp thuận.

Bá hộ Vàng chưa bao giờ lấy làm kinh ngạc đến thế, hắn không còn biết nói năng ra sao nữa. Còn Kim Chi, ả ta chỉ biết cười ầm ĩ:

- Cha thấy chưa? Con này nó điên thật rồi!

Bà lão Yến thấy mừng trong lòng:

- Thưa ông, ý Ngọc Diệp như vậy thì ông tính thế nào? Ông đã hứa thì ông phải giữ lời
- Ta chấp nhận để thằng con trai bà lấy con gái ta làm chồng. Nhưng với điều kiện sau, bà phải đủ sính lễ: một mâm vàng, một mâm bạc, một rương ngọc ngà châu báu, một xe gấm vóc lụa là, một dinh thự nguy nga lộng lẫy với đầy đủ gia nhân hầu hạ con gái ta thì mới được đón dâu về.

Nghe nói vậy, Kim Dương sửng sốt:

- Có thật vậy không mẹ?
- Bỏ đi con! - Bà lão buồn rầu tiếp lời - :chẳng lẽ mẹ con ta sống với nhau như vậy không hạnh phúc hay sao? Con trèo cao làm chi cho ngã đau?
- Sao mẹ lại nói vậy? Chẳng phải Ngọc Diệp chịu lấy con làm chồng đó sao?
- Con ơi! Chẳng lẽ con không biết vàng bạc, châu báu, dinh thự là gì sao? Đó là những thứ mà mình nằm mơ cũng không thể nào thấy được. - Bà lão nhìn chằm chằm vào con trai mình lo lắng.

Kim Dương nghe mẹ nói vậy, chàng phá lên cười nghĩ rằng mẹ đang trêu đùa mình:

- Ha ha! Không cần nằm mơ đâu mẹ! Người như Ngọc Diệp mới khó tìm. Với vàng bạc, châu báu, lụa là với dinh thự thì đâu có khó gì?

Đoạn nói xong, Dương ta trèo lên mỏm đá. Chàng ngồi chống nạnh mà kêu be be vài tiếng, bà mẹ ăn mặc rách rưới bỗng chốc có bộ quần áo lụa chỉnh tề. Túp lều tranh rách nát bỗng chốc biến thành dinh thự. Chốn rừng sâu núi cao biến thành vùng đồng bằng màu mỡ. Trong dinh thự, bao nhiêu vàng bạc, châu báu lụa là gấm vóc đều có tất cả không thiếu thứ gì. Bọn gia nô xuất hiện trước mặt chàng rất đông. Kim Dương hiện nguyên hình là một chàng trai, dung mạo khôi ngô lạ thường. Chàng dặn mẹ nhận đủ lễ vật để sửa soạn ngày mai đưa sang cho phú ông. Ngày rước dâu, đoàn tùy tùng đi theo mẹ con Kim Dương sang nhà bá hộ Vàng xin dâu. Kim Chi bỗng thấy em gái mình tay trong tay với một chàng trai tuấn tú về làm chồng thì vừa há hốc mồm vừa mừng rồi sinh lòng đố kị. Lũ sâu trong lồng của Ngọc Diệp giờ đã thành những con bướm bay quanh khu vườn như báo hiệu tin vui ngày vu quy. Kim Chi không ngờ chồng của đứa em mình lại khôi ngô trẻ đẹp vượt xa bọn con trai trong thiên hạ, ả chỉ biết hối tiếc với số phận may mắn của em rồi đâm sinh ra lười nhác, ăn không ngồi rồi. Một hôm, lão bá hộ thấy Kim Chi nằm dài trên giường liền mắng luôn con gái:

- Con thật là quá đáng! Em nó lấy một người chồng tốt, không mừng thì thôi, đằng này lại ghen tuông nó vô cớ. Cha nói thật, nếu con không bỏ tật xấu đó thì cha mặc xác con, không bao giờ lo chuyện cưới xin hay chồng con gì cho con nữa.
- Con không cần! - Kim Chi nằm giãy nảy lên như trẻ con ăn vạ.
- Hỗn láo! Dám ăn nói như thế với ta - Bá hộ Vàng điên tiết
- Vậy chứ từ trước đến giờ cha có lo cho con được gì đâu mà cha đòi bỏ mặc con?
- Sao con biết cha không lo chứ? Mười mấy đám đến đây dạm hỏi con mà con không đồng ý hết. Người trắng trẻo thì con nói là công tử bột, người làm chủ mấy mẫu ruộng, cò bay thẳng cánh, tiền bạc đầy nhà chỉ có điều da hơi rám nắng mà con còn chê đen như cột nhà cháy. Người tròn trịa dễ thương thì con nói vừa béo vừa lùn. Con bày đặt chê người ta như thế thì nhìn lại bản thân mình đi, có chút mảnh mai, thùy mị không?

Nghe cha nói vậy, Kim Chi chỉ biết được voi đòi tiên. Ả muốn một tấm chồng tài sắc vẹn toàn bội phần hơn em gái mình thì mới chịu lấy. Lại nói đến Ngọc Diệp và bà mẹ chồng, nàng vô cùng hạnh phúc vì đã hóa giải lời nguyền cho Kim Dương. Trước đây Dương vốn có quá khứ là tướng trên thiên đình, vì phạm luật trời trốn xuống trần gian ngao du cõi tục. Ngọc Hoàng biết được mới đày xuống trần gian đầu thai làm con nhà vợ chồng Tám Yến với hình hài xấu xí, thô kệch cùng với lời nguyền: "bao giờ có một người con gái yêu thương và chịu làm vợ thì mới trở lại kiếp người".

Hơn một năm sau, một hôm Kim Dương trao cho vợ một con dao và một hòn đá lửa, dặn rằng:

- Ta có một số công việc phải đi, chưa hẹn được ngày về, cũng không thể đem nàng đi được. Nàng ở nhà nhớ đừng đi đâu xa. Hai vật hộ thân này hãy luôn mang bên người đừng quên, có khi dùng được việc.

Nhớ lời chồng dặn, bao giờ con dao và hòn đá cũng được giắt ở bên lưng. Rồi một sáng sớm, Kim Dương từ biệt mẹ và vợ ra đi, trong khi Kim Chi thì rủ em gái mình vào rừng hái hoa bắt bướm. Sẵn có con suối gần đó, Ả rủ Ngọc Diệp xuống suối rửa chân tay, mặt mũi cho mát. Thấy em mải miết rửa chân, Kim Chi đánh trống lảng hỏi Ngọc Diệp có thích hoa lan rừng không để còn đi hái trong khi đó ả có ý đồ muốn dìm chết em mình dưới suối sâu. Nhưng vì mưu kế không thành, ả dặn dò Ngọc Diệp đừng đi lung tung rồi hứa sẽ vào rừng hái hoa cho em gái mình. Kim Chi thay vì lẽ đó, ả hốt hoảng chạy về báo tin cho cha rằng em mình không may sẩy chân rơi xuống suối chết trong rừng. Kim Chi hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng Ngọc Diệp cho bà đỡ buồn bã mà lo nghĩ con dâu mình có chuyện không hay, ả hết đấm bóp lại còn hay nịnh nọt bà và giấu nhẹm chuyện em gái mình. Lại nói chuyện Ngọc Diệp phải một mình đơn côi nơi rừng thiêng nước độc. Sẵn có đá lửa, Ngọc Diệp lấy hai hòn đá cọ xát vào nhau mà đốt củi lên sưởi. Không có gì để ăn, nàng hái trái đào củ thay cho lương thực. Cứ như thế tất cả những khó khăn trong cuộc sống dần dần Ngọc Diệp đều thích nghi được. Kim Dương sau bao ngày vượt gian nan, chàng trên đường trở về quê hương, tình cờ có ghé qua khu rừng quen thuộc nơi chàng từng trèo cây bắt sâu cho Ngọc Diệp và cả hai từng thề non hẹn biển thì thấy vợ mình ngủ thiếp đi bên bờ suối. Họ trở về nhà thì thấy Kim Chi hoảng sợ. Ả đinh ninh cứ nghĩ rằng em gái mình chết rồi, nào ngờ vẫn còn sống rồi tẽn tò trốn đi biệt xứ. Từ đấy hai vợ chồng Kim Dương và Ngọc Diệp chung sống với nhau đến đầu bạc răng long.

Truyện bị xuyên tạc sửa

Vào tháng 3 năm 2015, một ấn bản truyện Sọ Dừa bị phát hiện biến tấu "sọ dừa" thành "sọ người".[2][3][4] Cụ thể, nhân vật người mẹ lên rừng chặt củi, khát nước nên bà đã uống nước trong sọ người. Bên cạnh lời văn, truyện tranh cũng miêu tả kèm hình ảnh người phụ nữ cầm một cái đầu lâu trên tay. Thời điểm phát giác, truyện do nhà xuất bản có tên Hồng Đức ấn hành, mỗi tập, bao gồm cả tập truyện Sọ Dừa, được in khoảng 1.000 cuốn, nộp lưu chiểu cuối năm 2013. Kết cục, nhà xuất bản bị phạt 45 triệu đồng vì lý do không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời buộc phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ truyện đang có trên thị trường. Sự việc cũng gây nên những tranh cãi trong việc kiểm duyệt nội dung các văn hóa phẩm cho thiếu nhi.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ “vnexpress - Chuyện kể cho bé: 'Sọ dừa'. ngày 4 tháng 12 năm 2012.
  2. ^ “vnexpress - Truyện cổ tích biến tấu 'sọ dừa' thành 'sọ người'. ngày 27 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2018.
  3. ^ “dantri - Từ truyện "Sọ Dừa" có chi tiết "sọ người": Cần chọn dị bản phù hợp trẻ em”.
  4. ^ “hanoimoi - Biến "Sọ Dừa" thành "sọ người", nhà sách xuất bản bị phạt 45 triệu đồng”.