Sở kiến hành
Sở Kiến Hành (chữ Hán:所見行, Những điều trông thấy) là bài thơ do Nguyễn Du (阮攸; 1765–1820)[1] sáng tác, khi ông đang dẫn đầu phái đoàn đi sứ sang Trung Quốc từ năm 1813 đến năm 1814. Bài thơ được đánh giá là một trong những tác phẩm thể hiện "bút pháp hiện thực và tinh thần nhân đạo, ý nghĩa tố cáo phong kiến trong thơ chữ Hán của ông".[2]
Tiểu dẫn
sửaSở Kiến Hành được sáng tác theo thể thơ ngũ ngôn cổ phong và được xếp trong tập Bắc hành tạp lục. Bắc hành tạp lục gồm 132 bài thơ chữ Hán, được Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian đi sứ sang Trung Quốc như vừa kể trên. Và tập thơ được xem như là một tập bút ký ghi cảm tưởng dọc đường.
Nội dung Sở kiến hành được Trương Chính tóm lược như sau:
- Sở Kiến hành là cảnh một mẹ dắt ba con đi ăn xin, mẹ con này chắc rồi cũng sẽ bỏ thây nơi ngòi rãnh, làm mồi cho lang sói. Thương người mẹ, nhưng thương nhất là ba đứa con, "nỗi lòng đau đớn lạ thường, trông lên mặt trời như vì người mà vàng úa". Nhà thơ lại nghĩ đến hôm qua ở trạm Tây Hà, người ta cung đón cho đoàn quan lớn nào là gân hươu, vây cá, thịt lợn, thịt dê đầy mâm cỗ. Các quan lớn không chọc đũa vào đã đành, mà kẻ tùy tùng cũng chỉ nếm qua, rồi đổ cho chó nhà hàng xóm, mà chó cũng chán chê không thèm ăn. Chẳng ai nghĩ đến cảnh bốn mẹ con nhà kia cùng cực đến thế.
Và ông còn nói thêm:
- Bài này có câu kết rất có ý nghĩa. Rõ ràng Nguyễn Du mong muốn nhà vua thấy cái kết quả cụ thể cái chính sách trị dân của mình. Tất nhiên, những cảnh đó không phải chỉ ở bên Trung Quốc mới có...[3]
Trích nhận xét
sửaTrong Từ điển văn học (bộ mới), GS. Nguyễn Lộc viết:
- Nhờ sang Trung Quốc, nhà thơ mới có thể mượn nhiều đề tài lấy từ lịch sử và hiện tại của nước này để nói những điều ông muốn nói về nước mình, tránh được sự công kích của triều đình nhà Nguyễn.
- Trong Bắc hành tạp lục không những Nguyễn Du viết nhiều mà còn viết rất hay. Có thể nói những bài thơ chữ Hán hay nhất, thể hiện rõ nhất lòng ưu ái của nhà thơ trước cuộc đời và trước vận mệnh của con người chủ yếu tập trung trong tập thơ là Thái Bình mại ca giả (Người hát rong ở Thái Bình), Trở binh hành (Bài hành về việc binh làm nghẽn đường) và Sở kiến hành (Những điều trông thấy)...[4]
Nhà thơ Xuân Diệu phân tích:
- Với Thái Bình mại ca giả và Sở kiến hành, Nguyễn Du đã đặt ngón tay vào tận trong vết thương lở loét của xã hội. Thơ làm lối kể chuyện, rất hiện thực... Riêng bài Sở kiến hành, bốn mẹ con dắt nhau bỏ đất quê đang đói lớn, đi ăn xin dọc đường tha hương. Kế ấy làm sao lâu dài được! Rồi cũng sẽ chết mà thôi. Ngoài ra qua bài thơ, người đọc còn thấy "cái sĩ diện của phong kiến. Càng quan to, càng tỏ ra mình lớn lao sang trọng, tất phải ăn cho chê chán ở nhà (chúng nó thường xuyên ăn ngon đến nỗi sợ cả thịt!), chứ còn giữa những tiệc công khai ê hề, thì không thèm chọc đũa; bọn hầu hạ lau nhau cũng tỏ ra mình quan trọng, vờ rằng cao lương mỹ vị cũng chẳng xứng với chúng...
- Nguyễn Du nói cụ thể, tỉ mỉ trong hai bài thơ trên, như là chuyện đau khổ của mình.[5]
Nhận xét của GS. Nguyễn Huệ Chi:
- Sở kiến hành ghi lại tỉ mỉ hình dáng và tình cảnh bần cùng của một mẹ và ba con. Từng chi tiết cứ xói vào tim người đọc. Ngẫm nghĩ, đấy không còn là mấy mẹ con của một người Trung Quốc nữa, mà là những hình ảnh vô cùng gần gũi - hình ảnh của vô vàn tốp người dân Việt đã phải "đầu đường xó chợ", tức tầng lớp người mà các sử gia phong kiến vẫn quen gọi là "dân phiêu tán".
- Và Nguyễn Du đã nắm bắt được hiện tượng rất "đắt, rất "tiêu biểu" ấy, để dựng lên thành công một bức tranh điển hình. Chắc hẳn nếu không từng chứng kiến rất nhiều cảnh đời cay đắng ngay trên đất nước mình, nhà thơ khó khó lòng tạo được một kiệt tác như vậy.[6]
Nguyên tác& bản dịch
sửa
|
|
|
|
|
|
Chú thích
sửa- ^ Theo Ngữ văn 10 tập 2: Nguyễn Du sinh 1765 tại Thăng Long và mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn tức 18 tháng 9 năm 1820 (Nhà xuất bản Giáo dục, tháng 5 năm 2008, tr.92)
- ^ Văn học 11 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục, 1981, tr. 47.
- ^ a b Theo Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, 1978, tr. 27-28 & 449-454.
- ^ Nguyễn Lộc, Từ điển văn học bộ mới, Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1122.
- ^ Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam tập I, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 176-177.
- ^ Lược theo GS. Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Du & thế giới nhân vật của ông trong thơ chữ Hán in trong Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam. Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1983, tr. 151-152.
Liên kết ngoài
sửaWikisource tiếng Việt có toàn văn tác phẩm về: |