Nguyễn Hữu Đức sửa

Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 1958 tại Quảng Bình) là giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà vật lý và là nhà quản lý giáo dục đại học. Ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn 2005-2018. Hiện nay ông là Giảng viên cao cấp, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục[1]

Nguyễn Hữu Đức
Quốc tịchViệt Nam
Học vịGiáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân
Tổ chứcĐại học Quốc gia Hà Nội
Quê quánQuảng Bình- Việt Nam
Giải thưởngGiải thưởng Dương Chấn Ninh của Hội Vật lý Châu Á- Thái Bình Dương; Giải thưởng cấp Nhà nước về khoa học-công nghệ
Trang webwww.vnu.edu.vn

Tiểu sử và quá trình công tác sửa

Nguyễn Hữu Đức sinh ngày 15 tháng 12 năm 1958 tại Thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

·     Trong những năm đất nước còn chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Nguyễn Hữu Đức học phổ thông ở tuyến lửa Quảng Bình.

·     Năm 1976: Học ngành Vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội.

·     Năm 1980: Tốt nghiệp cử nhân Vật lý, được nhận làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp, Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

·     Năm 1988: Ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại Việt Nam khi mới 30 tuổi.

·     Từ 1995 đến 2003: Ông là Phó trưởng phòng Thí nghiệm, sau đó là Trưởng phòng và Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý Nhiệt độ thấp.

·     Từ năm 2002 đến 2004: Ông là Phó chủ nhiệm Khoa Sau đại học và Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.

·     Năm 2004: Chính phủ thành lập Trường Đại học Công nghệ - trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Cùng năm đó, Ông được công nhận chức danh Giáo sư và được tặng Giải thưởng mang tên Giang Chấn Ninh (Chen Ning Yang Award) của Hội Vật lý Châu Á – Thái Bình dương[2]

·     Từ năm 2005 đến 2009: Ông kế nhiệm Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu làm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và kiêm nhiệm Phụ trách Viện Công nghệ Thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội.

·     Từ 12/2008 đến 12/2019: Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Ông làm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là Phó Bí thư Đảng ủy[3].

·     Từ năm 2014 Ông kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Khoa học - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiện nay, Ông  được Thủ tướng Chính phủ giao đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục. Đồng thời, Ông là Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý của Việt Nam. Ngoài ra, Ông còn là Chủ tịch Chi Hội Vật lý Từ học Việt Nam, Ủy viên Hội Từ học Châu Á[4] và thành viên của Viện hàn lâm Công nghệ - Kỹ thuật Asean[5].

Những đóng góp cho ngành Vật lý và khoa học, giáo dục của Việt Nam sửa

Từ năm 1981 đến nay, ông đã nghiên cứu và công bố 120 công trình nghiên cứu về vật lý từ học, vật liệu từ tiến tiến và linh kiện, cảm biến từ tính trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, với chỉ số trích dẫn cao.

Ông đã nghiên cứu thành công vật liệu màng mỏng từ giảo khổng lồ đặt tên TerfecoHan (trong đó Ter ký hiệu nguyên tố đất hiếm Tecbi, fer – sắt, co – Coban và Han là viết tắt của Hà Nội, nơi phát minh ra vật liệu này)[6].

Các vật liệu multiferroics từ giảo[7] – áp điện do Ông và Phó Giáo sư Đỗ Thị Hương Giang nghiên cứu đã được ứng dụng chế tạo các cảm biến từ trường siêu nhạy (nano Tesla), hệ thống ăng-ten thu tín hiệu vệ tinh đặt trên tàu biển và được cấp một số bằng sáng chế.

Là Tổng biên tập, Ông đã nhanh chóng phát triển Tạp chí Vật liệu và Linh kiện Tiến tiến (Journal of Science: Advanced Materials and Devices) của Đại học Quốc gia Hà Nội (hợp tác với Nhà xuất bản Elsevier) đạt chuẩn Web of Science và Scopus.

Đồng thời, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức cũng có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành đại học xuất sắc trong top 1000 thế giới[8] và 150 châu Á[9]. Bên cạnh mô hình đại học định hướng nghiên cứu, Ông đề xuất và hoạt động rất tích cực để thúc đẩy hình thành mô hình đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo[10], nhằm gia tăng khả năng ‘vốn hóa tri thức” của hệ thống đại học, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Nhận xét về Giáo sư Nguyễn Hữu Đức sửa

Ngày 14 tháng 11 năm 2004, Báo Tuổi trẻ có đăng một bài báo “Giáo sư Tiến sĩ vật lý Nguyễn Hữu Đức - một ngoại lệ xuất sắc[11] viết về Tiến sĩ vật lý 46 tuổi Nguyễn Hữu Đức, phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là người được công nhận chức danh GS trẻ nhất trong đợt công nhận GS năm 2004. Trong đó có trích nhận xét của GS.TSKH Đỗ Trần Cát: năm 2002, ông Nguyễn Hữu Đức được công nhận chức danh PGS và năm 2004 này, ông được công nhận chức danh GS trước niên hạn với lý do “đã vượt xa so với tiêu chuẩn qui định về các công trình nghiên cứu, bài báo và sách khoa học đã viết cũng như số giờ giảng và hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh...”

GS.TSKH. Thân Đức Hiền - người đã trực tiếp hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, luận án Phó tiến sĩ và trực tiếp đào tạo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức từ những ngày đầu ở Phòng thí nghiệm Vật lý nhiệt độ thấp nhận xét bằng một câu rất ngắn gọn: “Đức là một người có năng lực. Nhưng điều mà cậu ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi chính là nghị lực. Đức có tinh thần vượt khó và tự lực rất cao trong học tập, nghiên cứu”. Còn các đồng nghiệp đã cùng ông làm việc nhiều năm tại Khoa Vật lý cũng cho rằng “những thành tựu mà Đức đã đạt được là kết quả của một quá trình học tập, nghiên cứu nghiêm túc, đầy nỗ lực tự học để không ngừng vươn lên”.

Trong Kỷ yếu kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Công nghệ, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức cũng được ghi nhận: “Có lẽ thầy Nguyễn Văn Hiệu là người đã tạo dựng nên nền móng của công trình ấy. Và thầy Nguyễn Hữu Đức, như vị kiến trúc sư hiện thực hóa tất cả những ý tưởng của vị hiệu trưởng tiền nhiệm. Thầy chính là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nó thành hình hài một công trình. Các viên gạch của thầy là các chữ cái G-R-I-N được thầy ghép lại thành một triết lý phát triển khoa học công nghệ của trường (4 chữ cái viết tắt của tiếng Anh, trong đó G - Genomics (Công nghệ gen), R - Robotics (tự động hóa), I - Information Technology and Communication (Công nghệ thông tin và truyền thông) và N - Nanotechnology (Công nghệ nanô) tạo nên định hướng phát triển khoa học - công nghệ của Trường ĐH Công nghệ)” [12].

Phong tặng sửa

·       Năm 2004: Các công trình “nghiên cứu về từ học của các điện tử 3d, tương tác trao đổi 3d-4f và màng mỏng từ giảo” của Giáo sư Nguyễn Hữu Đức đã được Hội Vật lý Châu Á – Thái Bình dương tăng giải thưởng mang tên Giang Chấn Ninh[13].

·        Năm 2014: Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp[14].

·        Năm 2017: Giáo sư Nguyễn Hữu Đức là đồng tác giả của Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho Cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp[15]”.

·        Năm 20017: Được phong tặng Nhà giáo Nhân dân của Việt Nam[16].

Chú thích, tham khảo sửa

  1. ^ “Thành lập Tổ tư vấn của ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và Đào tạo”.
  2. ^ http://www.aapps.org/myboard/list_blog.php?Page=1&Board=chen_ning_yang. |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  3. ^ “Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Phó Giám đốc ĐHQGHN”.
  4. ^ http://www.icaums.org/main/ci_about.htm. |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  5. ^ http://aaet-asean.org/. |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  6. ^ “Giáo sư, tiến sĩ Vật lý Nguyễn Hữu Đức- một ngoại lệ xuất sắc”.
  7. ^ “Từ giảo”.
  8. ^ “Lần đầu tiên Việt Nam có đại học lọt top 1000 thế giới”.
  9. ^ “Nhiều kết quả tốt đẹp từ phong trào thi đua khen thưởng tại ĐHQGHN”.
  10. ^ “Mô hình đại học thông minh nhất hiện nay- Việt Nam có theo kịp?”.
  11. ^ “Giáo sư Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Hữu Đức- Một ngoại lệ xuất sắc”.
  12. ^ “Thầy Nguyễn Hữu Đức và Coltech”.
  13. ^ “Tặng thưởng Giải thưởng Dương Chấn Ninh của Hội Vật lý châu Á”.
  14. ^ “GS Nguyễn Hữu Đức nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Cộng hòa Pháp”.
  15. ^ “Hai công trình khoa học của ĐHQGHN nhận giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ chí Minh về khoa học và công nghệ”.
  16. ^ “GS.TS Nguyễn Hữu Đức được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân”.