Thích Đôn Hậu

Là Đại biểu Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và là Đệ tam Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Hòa thượng Thích Đôn Hậu (sinh 16-2-1905 tại làng Xuân An, tổng An Đồn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất 23-4-1992 tại Chùa Linh Mụ, thành phố Huế)[1]. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và là Đệ tam Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng
thích đôn hậu
釋惇厚
Pháp danhTrừng Nguyên (澄原)
Pháp tựĐôn Hậu (惇厚)
Pháp hiệuGiác Thanh (覺清)
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiPhật giáo Bắc tông
Tông pháiLâm Tế tông đời thứ 42
Môn pháiLiễu Quán đời thứ 8
Sư phụThiền sư Thanh Ninh - Tâm Tịnh
Chức vụTăng thống
 Cổng thông tin Phật giáo

Tiểu sử sửa

Thời niên thiếu và học vấn sửa

Thích Đôn Hậu xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cha là cụ Diệp Văn Kỷ, một vị lương y nổi tiếng, về sau ông xuất gia học Phật, khai lập chùa Long An (Quảng Trị) và kế thế trụ trì chùa Sắc Tứ Tịnh Quang. Mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Cựu, mất sớm khi ông vừa lên 9 tuổi.

Năm 19 tuổi (1923) ông xin xuất gia tại chùa Tây Thiên. Năm 1927, ông theo học trường Phật học Thập Tháp tại tỉnh Bình Định, lúc trường mới khai mở. Năm 1932, khi Hội An Nam Phật học ra đời, mở trường Trung học, Đại học Phật giáo tại Tây Thiên, ông tiếp tục theo học chương trình Đại học tại đây.

Giảng dạy và hoạt động Phật pháp sửa

Ngay từ lúc còn học Đại học tại Tây Thiên, ông đã được mời làm Giảng sư của Hội An Nam Phật học. Năm 1936, khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo, với tuổi 32, ông được mời làm Giáo sư cho Phật học đường Báo Quốc. Từ đó Thích Đôn Hậu đã góp phần tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo, và là giảng sư nòng cốt của Hội Việt Nam Phật học. Ngoài việc đã đi giảng dạy khắp các tỉnh miền Trung, nhất là tại Đà NẵngQuảng Nam, năm 1940 và 1942, ông còn sang thuyết giảng ở một số tỉnh có đông Việt kiều tại Lào.

Năm 1945, ông lên giữ chức Chánh Hội trưởng Hội An Nam Phật học (Thừa Thiên). Cũng trong năm này, ông nhận chức trụ trì Quốc Tự Linh Mụ, Huế. Sang năm 1946, ông làm Chủ tịch Phật giáo Liên hiệp Trung bộ.

Năm 1947, cùng chung số phận với hàng loạt các cơ sở Phật giáo cả nước, chùa Linh Mụ cũng bị Pháp đánh phá và chiếm đóng. Ngài bị Pháp bắt, tra tấn và sau cùng bắt tự đào huyệt chôn mình và suýt bị bắn chết, may nhờ bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại, Đoan Huy Hoàng Thái Hậu) can thiệp mới được thả.

Năm 1949, ông lên giữ chức Chánh hội trưởng Tổng Trị sự hội Phật học Trung phần.

Năm 1951, ngài làm Đàn Đầu Hòa Thượng tại chùa Ấn Quang mà trong giới đàn này, quý Hòa Thượng Nhật Liên, Thượng Tọa Nhất Hạnh... là giới tử.

Năm 1956, ông thành lập và làm Chủ nhiệm Liên Hoa văn tập, 1958 được đổi tên thành Liên Hoa nguyệt san.

Năm 1963, ông tham gia trong hàng ngũ lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và bị bắt ngày 20 tháng 8 năm 1963 tại chùa Diệu Đế.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ông được cử làm Chánh Đại diện miền Vạn Hạnh.

Năm 1965, ngài làm Yết Ma Đại Giới Đàn Từ Hiếu, Huế.Năm 1966, ngài hướng dẫn tăng ni tín đồ miền Trung tranh đấu cho Pháp nạn lần thứ hai dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ.

Năm 1968, ngài đứng lên vận động Chư Tôn Đức như Hòa Thượng Thích Mật Hiển, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, và cố Hòa Thượng Thích Mật Nguyên thành lập lớp chuyên khoa Phật Học 4 năm tại chùa Linh Quang, Huế, và chính ngài dạy Luật cho lớp chuyên khoa này. Cũng trong năm này, ngài bị Cộng sản bắt tại Tổ Đình Linh Mụ, Huế vào lúc 01 giờ khuya ngày 20 tháng Giêng năm Mậu Thân (17-2-1968) trong khi ngài đang bị bệnh xuất huyết dạ dày một cách trầm trọng.

Sau khi đất nước thống nhất sửa

 
chùa Thiên Mụ - nơi ngài trụ trì

Sau 1975, ông trở về chùa Linh Mụ và sau đó được mời làm cố vấn cho Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm 1976, ông đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa VI nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cũng chính trong năm này, ông được mời giữ chức Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1977, Đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Ấn Quang, ông được suy cử vào Hội đồng Trưởng Lão của Giáo hội và giữ chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng Thống.

Năm 1978, ông chính thức lên tiếng phản đối chính quyền trong việc bắt bớ giam cầm trái phép những nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Ông đã một mực cương quyết đòi chính quyền phải trả tự do cho các nhà lãnh đạo Phật giáo trong đó có Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ...

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp, như việc Cô nhi viện Quách Thị Trang bị trưng dụng tháng 3 năm 1977,Viện Đại học Vạn Hạnh cũng bị nhà nước buộc phải đóng cửa[2], nhà xuất bản Lá Bối cũng phải ngưng hoạt động.[3], ban lãnh đạo Giáo hội đã gửi thư đòi thực thi tự do tôn giáo thì chính phủ phản ứng với lệnh bắt giam sáu thành viên lãnh đạo, trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng ĐộThích Thiện Minh. Thượng tọa Thích Thiện Minh sau đó đã chết trong trại giam[4]. Để phản đối hành động áp bức này Hòa thượng Thích Đôn Hậu tuyên bố rút ra khỏi Mặt trận Tổ quốc và từ chức đại biểu Quốc hội[5].

Năm 1979, khi đức Đệ nhị Tăng Thống, Hòa thượng Thích Giác Nhiên, viên tịch, Hội đồng Lưỡng Viện bèn mời ông kiêm chức vụ Xử lý Viện Tăng Thống.

 
Tháp mộ Hòa thượng Thích Đôn Hậu trong khuôn viên chùa Thiên Mụ

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Hòa thượng Thích Đôn Hậu được cung thỉnh làm Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật.

Ngày 8 tháng 2 năm 1982, ngài viết thư từ chức Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật.

Năm 1986, tình hình chính trị xã hội trong nước bước qua một giai đoạn mới. Bao nhiêu ưu tư, thao thức của ngài đối với tiền đồ Đạo Pháp có cơ may được thực hiện. Nhưng khổ nỗi, ngài tuổi già sức yếu, xã hội vẫn còn lắm khó khăn, người cộng sự thì thưa vắng... Bao nhiêu ưu tư, dằn vật đã đưa đến cho ngài cơn bệnh trầm trọng vào mùa thu 1986 mà tưởng rằng ngài đã không qua khỏi. Nhưng sau ba tháng chữa trị, sức khỏe dần dần bình phục nhưng thể trạng của ngài vẫn yếu hẳn so với trước. Sau đó ngài đi tham lễ tại một số Tổ Đình như Tây Thiên, Thuyền Tôn, Báo Quốc... và ngài về thăm lại chùa Long An Quảng Trị nơi ngài sinh trưởng, rồi trở về an dưỡng, tịnh tu cho đến giờ phút cuối cùng.

Đặc biệt, vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, ngài vẫn chưa yên lòng nghỉ ngơi khi nhận thấy nhiều tổ chức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại chưa kết hợp thành một khối để hỗ trợ và phát triển cho đạo pháp tại quê hương đất nước trước sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản khắp nơi trên thế giới. Vào ngày 10 tháng 9 năm 1991, ngài đã gởi một bức Tâm Thư đến Tăng Ni đang tu học và hành đạo tại hải ngoại, kêu gọi toàn thể chư Tăng Ni hãy đoàn kết hòa hợp để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của bậc Chúng Trung Tôn mà Phật pháp và lịch sử đang giao phó.

Vào ngày 31 tháng 10 năm 1991, sau khi chư Tăng Ni tại hải ngoại đã đáp ứng tinh thần Tâm Thư, ngài nhân danh Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã gởi đến toàn thể Tăng Ni và Phật tử đang tu học và hành Đạo tại hải ngoại một bức Thông Điệp gồm có 04 điều khuyến thỉnh vô cùng khẩn thiết cho một nền Phật Giáo Thống Nhất tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ.

Chỉ trong vòng một tháng pháp thể khiếm an, ngài đã an tường thị tịch vào lúc 8 giờ tối ngày 23 tháng 4 năm Nhâm Thân 1992, tại Tổ Đình Linh Mụ, Huế, Việt Nam,thọ 88 tuổi. Lễ nhập kim quan sẽ được cử hành vào lúc 03 giờ chiều ngày 24 tháng 4 năm 1992, và lễ rước kim quan nhập Bảo Tháp bắt đầu vào lúc 07 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1992, nhằm ngày Mồng Một tháng Tư năm Nhâm Thân.

Theo AFP từ Hà Nội, tang lễ của Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu đã diễn ra ngày 3.5.92 ở Huế trong sự yên tĩnh mặc dù trước đó có sự căng thẳng giữa chính quyền và một số nhà lãnh đạo Phật giáo, phát xuất từ việc chính quyền Việt Nam muốn tang lễ của Đại Hoà Thượng theo nghi thức cấp nhà nước vì lẽ ông đã tham gia đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ và là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một bộ phận của giới lãnh đạo Phật giáo đã chống lại chủ trương đó của chính quyền vì, theo họ, nó không phù hợp với ý muốn của người quá cố. Theo các nguồn tin phương Tây ở Huế, một nhà sư đã doạ sẽ tự thiêu và bốn nhà sư đã tuyệt thực ở chùa Linh Mụ.[6].

Những tư liệu cần biết thêm sửa

Vào năm 1966, ngài đã mạnh dạn tuyên bố tại chùa Diệu Đế: "Chúng tôi sẽ tổ chức di dư cho toàn thể Tăng Tín Đồ Phật Giáo đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và sẽ trở về tổ quốc khi nào có được một chế độ đàng hoàng hơn, trong sạch hơn".

Trong Thông Điệp Phật Đản năm 1982, Phật lịch 2526, ngài đã viết: "Có sống hòa hợp mới mong làm tròn nhiệm vụ của người con Phật đối với đại sự mở bày tri kiến Phật của Đức Từ Phụ mới mong làm nên những sự nghiệp ích nước lợi dân. Điều này có nghĩa rằng: sống hòa hợp là điều kiện tối yếu cho sự tiến tu, và sự tiến tu chỉ có thể được thực hiện nếu có sống hòa hợp".

Trong lời giới thiệu Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Sao, ngài đã cẩn trọng nhắc nhở: "Những ai thường thao thức cho sự giải thoát của chính mình và sự tồn tại mãi mãi của Đạo Phật ở thế gian, thì việc cần yếu nhất là phải luôn luôn tôn trọng và nghiêm trì tịnh giới. Bằng ngược lại, tức là chính chúng ta đã làm cho Chánh pháp bị lu mờ và bản thân chúng ta bị sa đọa chứ không phải do một thế lực nào có thể đày đọa chúng ta hoặc bắt chúng ta phải bỏ đạo".

Ngài đã cảm tác bốn câu kệ sau đây:

Hành thâm Tỳ Ni tạng

Giới thể tịnh trang nghiêm

Định lực tồi ma đạo

Tuệ quang chiếu giác viên

Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã ca ngợi công đức của ngài bằng hai câu đối:

Thánh giả thôn châm, thiên nhơn củng thủ

Không sanh thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu.

Thầy Tuệ Sỹ dâng ngài hai câu đối để tán thán công đức của ngài như sau:

Thiên chu mê vụ, cử trạo kích kinh đào, thanh đoạn cửu thiên, trường xướng vô sanh vô ngã.

Kiều mộc tằng nham, phất vân khuy hạo nguyệt, ảnh phù không dã, thùy tri tứcvọng tức chơn.

Sự xuất bản sửa

Dù Phật sự đa đoan và cuộc đời hành Đạo bao giờ cũng gặp nhiều gian truân nghịch cảnh, ngài cũng đã để lại một số tư liệu khiêm tốn nhưng có giá trị do chính ngài dịch và chú giải. Biên soạn như:

- Cách Thức Sám Hối

- Phương Pháp Tu Quán

- Tứ Nhiếp Pháp

- Cảm Ứng Tự Nhiên

- Đâu Là Con Đường Hạnh Phúc

- Đồng Mông Chỉ Quán

- Sinh Mệnh Vô Tận hay là Thuyết Luân Hồi

- Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Sao

Ngoài ra còn một số tác phẩm đăng trên các báo Viên Âm, Liên Hoa... và các văn bản quan trọng khác...

Chú thích sửa

  1. ^ Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu
  2. ^ Dommen, Athur J., tr. 956.
  3. ^ Nguyen Van Canh, tr. 179.
  4. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên rfa1
  5. ^ “Vietnam: The Suppression of the Unified Buddhist Church”. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2010.
  6. ^ “Lễ tang đại lão hoà thượng Thích Đôn Hậu”. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2015., diendan