Thường Chiếu (thiền sư)
Thường Chiếu (常照, ? – 1203), là một tu sĩ, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại Việt đời Lý. Ông theo pháp môn Thiền tông, là thiền sư thuộc thế hệ thứ 12[1] của thiền phái Vô Ngôn Thông. Hiện nay, tư liệu tiểu sử sớm nhất còn sót lại về ông nằm trong bộ Thiền uyển tập anh.
Thiền sư Thường Chiếu | |
---|---|
常照 | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Trường phái | Đại thừa |
Tông phái | Thiền tông |
Thiền phái | Vô Ngôn Thông (thế hệ thứ 12) |
Chùa | Chùa cổ làng Ông Mạc (trụ trì) Chùa Lục Tổ (trụ trì) |
Cá nhân | |
Sinh | Không rõ làng Phù Ninh, Đại Việt (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam) |
Mất | 1203 chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, Đại Việt (nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam) |
Sự nghiệp tôn giáo | |
Xuất gia | chùa Tịnh Quả |
Thầy | Quảng Nghiêm |
Môn đồ | Hiện Quang Thần Nghi Thông Thiền |
Tác phẩm | Thích đạo khoa giáo Nam tông tự pháp đồ |
Thân thế và đạo nghiệp
sửaThiền sư là người họ Phạm nhưng không rõ tên, sinh ra ở làng Phù Ninh, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Theo Thiền uyển tập anh, khi chưa xuất gia, ông đã từng làm quan đến chức Lệnh đô tào ở cung Quảng Từ dưới triều vua Lý Cao Tông. Sau đó, ông từ quan đi xuất gia theo học với Thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190, thuộc đời thứ 11 thiền phái Vô Ngôn Thông) ở chùa Tịnh Quả.
Khi được tâm truyền của thầy, Thiền sư Thiền Chiếu ở lại thêm vài ba năm để hầu thầy, rồi mới lui về một ngôi chùa cổ ở làng Ông Mạc (Bắc Ninh) để trụ trì và giảng pháp, kết nạp rất nhiều đệ tử[2]. Ít lâu sau, Thiền sư Thường Chiếu lại dời sang trú trì tại chùa Lục Tổ ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (Bắc Ninh), vốn là một tổ đường rất xưa của thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Trong sách Thiền uyển tập anh có tường thuật một đoạn hội thoại với đệ tử, phản ánh nhận thức Phật pháp của ông:
Có vị Tăng hỏi: "Khi vật và ta duyên nhau thì làm thế nào?"
Sư đáp:
- "Ta vật đều quên,
- Tâm tính vô thường
- Dễ sinh dễ diệt
- Giây phú không ngừng,
- Ai kẻ vin bắt?
- Sinh thì vật sinh
- Diệt thì vật diệt
- Pháp kia có được
- Thường không sinh diệt"
Vị Tăng thưa: "Người học chưa hiểu, xin thầy dạy lại". Sư bảo: "Rõ tâm tình mà tu đạo, thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mình mà tu đạo, thì chỉ phí công vô ích mà thôi".
Lại hỏi: "Pháp thân biến khắp mọi nơi là thế nào?"
Sư đáp: "Như một lỗ chân lông, biến khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết không có một chút nào mà không có thân Phật. Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Đẳng chánh giác, không chỗ nào không đến. Phải biết như vầy: Đức Như Lai dùng sức tự tại của tâm, không khởi, không chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn nên không đoạn, mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều lìa biên kiến. Lìa cõi Dục và cõi Phi Dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi hư không của tất cả các pháp (38b1). Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết rõ tất cả các pháp là tính Niết bàn (3). Ấy gọi là không có tính tướng, không có tính tận, không có tính sinh, không có tính diệt, không có tính ngã, không có tính phi ngã, không có tính chúng sinh, không có tính phi chúng sinh, không có tính Bồ tát, không có tính pháp giới, không có tính hư không cũng không có tính thành Đẳng chánh giác (6). Bèn nói tiếp bài kệ sau:
- "Tại thế làm thân người
- Tâm là tạng Như Lai
- Chiếu ngời khắp mọi cõi
- Vắng bóng lúc tìm tòi".
Ở đây, ngoài việc giảng dạy cho môn đồ, Thiền sư Thường Chiếu còn bổ túc cho tập sử liệu Phật giáo do Thiền sư Thông Biện để lại, mà sau này sẽ trở thành cuốn Thiền uyển tập anh [3].
Ngày 24 tháng Chín (âm lịch) năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203) đời Lý Cao Tông, Thiền sư Thường Chiếu cho hay mình đau, nhóm chúng nói kệ, rồi ngồi kiết già viên tịch [4]. Sau đó, các đệ tử làm lễ hỏa táng thầy, đưa vào tháp để tôn thờ.
Tác phẩm của Thiền sư Thường Chiếu để lại có:
- Thích đạo khoa giáo
- Nam tông tự pháp đồ, viết về sự truyền thừa của Phật giáo ở Đại Việt, nhưng đã thất lạc.
Thiền sư Thường Chiếu có ba người đệ tử nổi bật, đó là: Hiện Quang (là người sẽ khai sơn thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần), Thần Nghi (là người được thầy trao lại các tập sử liệu Phật giáo), và Thông Thiền (hay Thông Sư. Ông chỉ là cư sĩ, nhưng sau đào tạo được Thiền sư Tức Lự)[5]
Kệ thị tịch
sửaBài kệ trước khi Thiền sư Tường Chiếu viên tịch như sau:
|
|
Ngoài công xiển dương và truyền dạy giáo lý Phật giáo cho tăng chúng, Thiền sư còn có công thống nhất ba thiền phái lúc bấy giờ.
Theo sử liệu thì vào cuối đời Lý, thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mất dần ảnh hưởng. Vì vậy, người của phái này đã mời Thiền sư Thường Chiếu thuộc phái Vô Ngôn Thông sang làm trú trì chùa Lục Tổ, là một ngôi tổ đường lớn của thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
Tuy nhiên, nhờ ở nơi ấy, mà Thiền sư Thường Chiếu đã thu thập được nhiều tài liệu để bổ túc cho tập sử liệu do thiền sư Thông Biện để lại. Và đó cũng là cơ hội để Thiền sư góp công làm cho phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi và phái thiền Vô Ngôn Thông hòa nhập làm một.
Theo GS. Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh), Thiền sư Thường Chiếu có thể gọi là người khởi đầu cho sự tổng hợp giữa ba thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, và cũng là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần. Nói cách khác, Thiền sư chính là gạch nối giữa nền Phật giáo "ba tông phái" với nền Phật giáo "một tông phái" (đời Trần chỉ còn một tông phái là Trúc Lâm Yên Tử) [6].
Hiện Pháp danh Thường Chiếu của Thiền sư đã được đặt cho một ngôi thiền viện lớn ở tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Người có công tạo lập ra trung tâm tu học này là Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp, thì thế hệ thứ 12 thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông gồm 7 vị, nhưng chỉ biết có một mình Thường Chiếu mà thôi ("Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ 13", tr. 146).
- ^ Năm Thiền sư Thường Chiếu rời chùa Tịnh Quả có lẽ là năm 1190, tức là năm thầy Quảng Nghiêm viên tịch (theo GS. Nguyễn Lang, tr. 241).
- ^ Theo GS. Nguyễn Lang, tr. 242.
- ^ sách Thiền uyển tập anh ghi Thiền sư Thường Chiếu bị "đau tim". Còn Thiền sư Việt Nam lại ghi là bị "đau bụng" (tr. 203).
- ^ Theo GS. Nguyễn Lang, tr. 240.
- ^ Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập 1, tr. 240). Có tham khảo thêm Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Thượng tọa Thích Minh Tuệ (tr. 268).
Sách tham khảo chính
sửa- Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh), Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập 1). Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1992.
- Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1992.
- Thích Minh Tuệ, Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1993.
- Trần Văn Giáp, "Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ 13" in trong Nhà sử học Trần Văn Giáp. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.
- Khuyết danh, Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch). Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1990.