Thung lũng Sông, Singapore

Thung lũng Sông là một khu quy hoạch nằm trong khu Trung Hoàn (Central Area) của Vùng Trung tâm (Central Region) Singapore. Khu quy hoạch này tiếp giáp với Orchard ở phía Bắc, Nhà bảo tàng (Museum) ở phía Đông, Đông Lăng (Tanglin) ở phía Tây và sông Singapore về phía Nam.

River Valley
Quán ăn trong các hộ kinh doanh thời trước chiến tranh dọc theo Đường Thung lũng Sông chuyên bán các món đặc sản địa phương. Ghi chú: Nhiều tòa nhà trong số này đã bị phá hủy để tạo không gian cho các khu chung cư mới.
Tên tiếng AnhRiver Valley
Tên tiếng Hoa里峇峇利
– Bính âmLǐbābālì
Tên Mã LaiLembah Sungai

Nguồn gốc tên gọi sửa

Trong những năm 1840, dọc đôi bờ sông Singapore là hai con đường cùng mang tên Thung lũng Sông. Hai bên bờ sông là đồi Fort Canning ở bờ Bắc và đồi Pearl's ở bờ Nam, khiến cho dòng chảy ở giữa trông như một thung lũng. Trong hai con đường mang tên Thung lũng Sông khi đó, chỉ một con đường còn giữ lại tên này, con đường còn lại đổi thành đường Havelock. Bản đồ của John Turnbull Thomson năm 1844 có thể hiện hai đường này.

Lịch sử sửa

Liền kề với sông Singapore và trên nền đất cao, trong những năm 1830, Thung lũng Sông nhanh chóng cuốn hút giới nhà giàu Tây Phương và các thương gia người Hoa, những người mong muốn rời khỏi khu vực đông đúc ở trung tâm thành phố để định cư nơi vắng vẻ hơn.

Một trong những cư dân đầu tiên của Thung lũng Sông là tiến sỹ Thomas Oxley, bác sĩ phẫu thuật mới của vùng thuộc địa này. Năm 1827, ông mua một mảnh đất ở đây từ Công ty Đông Ấn Anh để mở đồn điền Killiney Estate trồng hạt nhục đậu khấu. Ông cho xây Nhà Killiney để làm nơi cư ngụ. Con đường gần đó, đường Oxley, được đặt theo tên vị bác sĩ phẫu thuật này. Khi đồn điền này giải thể, ông chia khu đất thành nhiều lô. Đường Thung lũng Sông từng là một phần trong bất động sản của vị bác sĩ này trước khi bị phân chia trong những năm 1860.

Nhà Killiney là một tòa biệt thự lớn nằm ở phía sau khuôn viên Giáo đường Chesed-El Do Thái giáo. Manasseh Meyer sau đó đã mua lại tòa nhà này và đổi tên nó thành Belle Vue (tiếng Pháp nghĩa là Mỹ Quan) để sống cùng với gia đình. Tòa biệt thự bị phá hủy năm 1982.

Thung lũng Sông đặc biệt nổi tiếng với sự hiện diện của người Hoa eo biển, những người đã xây dựng nên hàng loạt biệt thự trong khu vực này. Trong số này có Trần Nhược Cẩm (Tan Jiak Kim, giản thể: 陈若锦; phồn thể: 陳若錦), cháu nội của Trần Kim Thanh (Tan Kim Seng, giản thể: 陈金声; phồn thể: 陳金聲), người đã xây cho riêng một dinh thự và đặt tên nó là Panglima Prang. Ông cũng hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng con đường mang tên ông - đường Kim Thanh (Kim Seng Road).

Một thương gia giàu có khác cũng sống trong khu vực này là Lý Thanh Uyên (Lee Cheng Yan, giản thể: 李清渊; phồn thể: 李清淵)). Những năm 1870, Hoa kiều sinh tại Malacca này đã cho xây dinh thự riêng và đặt tên nó là Mái Tranh Đỏ (Magenta Cottage). Tên ông được đặt cho đường Quảng trường Thanh Uyên (Cheng Yan Place).

Hầu hết dinh thự lớn trên Thung lũng Sông đã bị phá hủy. Dinh thự còn sót lại là một tòa nhà với nét truyền thống Trung Hoa được thương gia Trần Húc Niên (Tan Yeok Nee, giản thể: 陈旭年; phồn thể: 陳旭年) cho xây năm 1885. Ngôi nhà này, Dinh thự Trần Húc Niên hiện nay là một di tích quốc gia của Singapore.

Kal alei, nghĩa là máy nghiền đá, được người Tamil dùng để gọi đường Thung lũng Sông, kể từ khi máy nghiền đá chạy bằng hơi nước được bố trí tại góc đường Xe Tăng (Tank Road) và đường Thung lũng Sông. Với người Hoa thì còn có hai cách diễn giải khác - ong ke sua kha trong tiếng Mân Nam có nghĩa là "bàn chân của Đồi Fort Canning", hoặc leng thau che (giản thể: 龙头井; phồn thể: 龍頭井, Hán-Việt: long đầu tỉnh), nghĩa là "giếng đầu rồng" hoặc "đài phun nước kế bên công trình băng". Cách diễn giải sau liên quan tới thác nước đổ từ đồi xuống do có mạch nước tại đây. Công trình băng nhắc tới ở đây thuộc về thương gia Hồ Á Cơ (Hoo Ah Kay, tiếng Trung: Wu4 Aa3 Gei1; giản thể: 胡亚基; phồn thể: 胡亞基) (1816-1881), kiến trúc đã bị phá hủy vào năm 1981.

Hoạt động cư dân sửa

Khu dân cư ở Thung lũng Sông bao gồm bất động sản tư nhân của tầng lớp trung lưu và thượng lưu Singapore. Thung lũng Sông cũng nổi tiếng bởi những tiệm ăn cho người Singapore. Tiệm cơm gà Hải Nam Văn Đông Ký (Boon Tong Kee, giản thể: 文东记; phồn thể: 文東記) nổi tiếng nằm ở khu này. Nơi đây cũng có một nhà hàng bán cơm Padang tên là "Cơm Padang Thung lũng Sông" (River Valley Nasi Padang).

Giáo dục sửa

Trường Tiểu học Thung lũng Sông (River Valley Primary School) là cơ sở giáo dục tiểu học ở đây.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  • Victor R Savage, Brenda S A Yeoh (2003), Toponymics - A Study of Singapore Street Names, Eastern Universities Press, ISBN 981-210-205-1
  • Lee Geok Boi (2002), The Religious Monuments of Singapore, Landmark Books, ISBN 981-3065-62-1

Bản mẫu:Đường phố quan trọng ở Singapore Bản mẫu:Địa điểm ở Singapore