Trần Hàm (chữ Hán: 陈咸, ? – ?), tên tựPhùng Nho, người huyện Thiệp [1], quan viên nhà Nam Tống trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công ổn định tình hình tài chính ở Tứ Xuyên sau loạn Ngô Hi.

Trần Hàm
Tên chữPhùng Nho
Thụy hiệuCần Tiết
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
không rõ
Quê quán
huyện Tỉnh Nghiên
Mất
Thụy hiệu
Cần Tiết
Ngày mất
không rõ
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Trần Thăng Khanh
Hậu duệ
Trần Dần
Nghề nghiệpkẻ phản loạn
Quốc tịchnhà Tống

Khởi nghiệp và thăng tiến

sửa

Hàm đỗ tiến sĩ năm Thuần Hi thứ 2 (1175), được điều làm Nội Giang huyện úy. Các viên lại trong huyện nhận hối lộ, thu thuế của dân không đều, Hàm sai sứ giải đi thông báo, yêu cầu dân tự trình bày hoàn cảnh của mình, rồi dựa vào đó mà thu thuế. Sau đó Hàm được đổi làm Tri Nam Sung huyện thuộc Quả Châu, Chuyển vận tư tích chủ quản văn tự. Gặp năm hạn hán, Thuế tư miễn hai kỳ thuế của dân nghèo [2], Chuyển vận sứ An Tiết cho rằng thiếu hụt kinh phí tào vận, Hàm bẩm với Tiết rằng: "Nếu lợi cho dân, làm sao không thể." Nhân đó nói: "Hiện nay tiền giấy lưu hành ở Tứ Xuyên sẽ thiếu 300 vạn, tạm đóng dấu trăm vạn, đủ để bổ vào phần thiếu hụt." Tiết nghe theo. Quân đội quen xin lạm, Hàm luôn chế tài, tướng sĩ chỉ trích, ông nói: "Đầu Hàm có thể chặt, xin lạm thì không được." Quan lại đất Thục hằng năm cưỡng bách nộp tiền lụa sống, khiến dân oán trách, Hàm bẩm với Tiết, sát hạch các khoản thu, nhờ Tiết thắt chặt mà hằng năm dân được giảm hơn 20 vạn xâu tiền thuế. Hàm được cất nhắc làm Tri Tư Châu (nay là đông bắc Giản Dương); bấy giờ hạn hán đã lâu, ông nhận chức thì lập tức xin quân đội phát hơn 2000 thạch thóc tẻ để chẩn cứu. Năm sau, Đông, Tây Xuyên đều hạn hán, 2 tư Tổng chế [3] bàn rằng bỏ thuế cho dân sẽ gây thiếu hụt tài chính, Hàm xin đóng dấu khoản tiền giấy 109 vạn hiện chưa phát hành để bù vào, được nghe theo. Hàm cho đại tu học cung (tức Quốc tử giám), chánh tích vang dội, được đổi làm Tri Phổ Châu (nay là An Nhạc).

Trong loạn Ngô Hi

sửa

Năm Khai Hi đầu tiên (1205), biên thùy TốngKim trở nên căng thẳng, Tứ Xuyên tuyên phủ sứ Trình Tùng biết tài của Hàm, vời làm Chủ quản cơ nghi văn tự. Hàm gởi thư bàn rằng: không thể động binh, khuyên Tùng tìm nhân tài, rèn quân dụng; khảo xét bản đồ để nắm rõ tài nguyên, cậy nơi hiểm yếu để tính kế công – thủ; hẹn gặp mặt đại tướng để tránh tỵ hiềm nghi kỵ; quyên vàng lụa chiêu mộ tử sĩ, để kêu gọi người ở xa; nghĩ ra kế sách phá địch, thẩm tra rồi mới dùng; cái mưu ăn may lợi ích trước mắt, thì chớ thi hành. Tùng trả lời sẽ nghe theo lời Hàm, nhưng Tùng không thể làm nổi. Tuyên phủ phó sứ Ngô Hi miệt thị Tùng, điều động tướng sĩ không thèm thông báo với chủ tướng [4]. Tùng không dám hỏi tội Hi, khiến Hàm lo lắng, lại gởi thư thuyết phục Tùng: thu nhận nghĩa sĩ 2 châu Lương, Dương về phía bắc để dùng khi cần đến; giữ nơi hiểm yếu, dựng quan, bảo, lấp đường tắt để phòng bị biến cố bất ngờ. Nhưng Tùng lại không thể làm theo. Sau đó Hàm được thăng làm Lợi lộ chuyển vận phán quan.

Ngô Hi đầu hàng nhà Kim, dâng 4 châu Quan Ngoại: Giai, Thành, Hòa, Phượng cho địch, lòng người sợ hãi. Hàm ở lại Đại An quân đôn đốc quân lương, truyền hịch cho tướng giữ thành là Dương Chấn Trọng cứu giúp dân chạy nạn, phòng bị trộm cắp, mọi người dần an định. An Bính ngầm đem việc Hi làm phản cáo giác với Hàm, ông lập tức sai người thông báo với Tùng, nhưng Tùng không tra xét. Hi cho rằng Hàm là danh sĩ ở Thục, muốn bắt giữ để uy hiếp ông nghe lệnh hắn, bèn truyền hịch gọi Hàm đến bàn việc. Hàm không đến, mà đi Lợi Châu; mới đến ngoài thành, tướng phản quân là Đô vận sứ Từ Cảnh Vọng đã xua binh vào chiếm cứ trị sở. Ngày giỗ của Tống Anh Tông, Cảnh Vọng muốn tập dàn nhạc để mở tiệc, Hàm ra sức phản đối.

Ngay khi mới rời khỏi Đại An, Hàm nói chuyện với tướng phản quân là Trử Thanh, khiến Thanh hối hận. Đến nay, Hàm muốn liên kết với Chủ quản văn tự Vương Phủ, Phúc Ngải, mưu tính giết Từ Cảnh Vọng, đốt đường sàn, cắt đứt viện binh của Ngô Hi. Nhưng Vương Phủ bỏ trốn, còn Trử Thanh thì không có tin tức, nên Hàm theo lối Chu Phường cắt tóc chịu nhục, một mình thâm nhập phản quân, hy vọng thuyết phục Hi hối cải. Gặp Hi gởi thư gấp đòi gặp mặt, Hàm một mặt đáp thư khuyên hắn ta tiếp nhận mệnh lệnh của triều đình, một mặt quay lại. Giữa đường, Hàm gặp tướng phản quân là Thống lãnh Mạnh Khả Đạo, biết Hi đã đầu hàng nhà Kim, khiến ông không còn hy vọng gì nữa; về đến Ung Châu, Hàm ở trong trướng, dùng đao cắt búi tóc (vì trước đó đã nói sẽ cắt tóc), xé màn mà chạy. Từ Cảnh Vọng bắt được Hàm ở bờ sông, Hi nghe tin giận lắm, Ngô Hiển khuyên ông ta triệu Hàm làm Chủ Vũ Hưng tự, nhân đó giết đi; nhờ An Bính ra sức cứu giúp, Hàm mới thoát chết. Sau đó bọn An Bính nổi dậy giết chết Ngô Hi và đồng bọn, Hàm dâng biểu tự hặc tội không thể dẹp giặc mà còn rời bỏ chức vụ, lại nhờ bọn An Bính, Dương Phụ cầu xin nên được miễn tội phóng thích. Ngay sau đó An Bính tâu xin cho Hàm làm Tổng Thục phú, triều đình nghe theo.

Ổn định tài chánh đất Thục

sửa

Sau loạn, kho tàng trống rỗng, Hàm đến Vũ Hưng, cùng An Bính thảo luận tình hình, đề nghị đem tài chánh của quân sự và dân sự hợp nhất mà xử lý, nhờ Bính tâu lên triều đình. Hàm xét chỗ dư thừa của các tư, dời làm gạo của các kho Thường bình, Quảng huệ [5], đúc tiền Đương ngũ [6], treo bản bán quan chức; còn tạm dừng giao nộp tiền thuế của 4 lộ lên triều đình; cắt giảm hơn 2 vạn binh kém, quy hoạch chu toàn, nên chi phí quân đội tăng thêm hơn 8750 vạn, nhưng không lấy của dân. Thuở mới Hàm làm Tổng phú, kho lẫm quân đội còn chừng hơn 1450 vạn xâu tiền, lương thực còn chừng hơn 97 vạn thạch, thức ăn gia súc còn chừng hơn 2 vạn thạch. Hàm đêm ngày siêng năng, điều độ hợp lý, chưa đến 2 năm, kho lẫm tăng thêm số tiền giấy giá trị 180 vạn, Thành Đô không lưu hành hơn 210 vạn tiền Thung bát trên thị trường (tức tiền Đương thập, mệnh giá gấp đôi tiền Đương ngũ, ý nói đẩy lùi tình trạng lạm phát), quân lương của 3 kho thóc trong thành có hơn 40 vạn thạch, vốn gạo dành để cho vay có hơn 110 vạn thạch, lại trữ riêng quân lương hơn 149 vạn thạch, thức ăn gia súc hơn 7 vạn thạch, còn vải lụa tơ bông, tiền bằng đồng, sắt, và độ điệp [7] không tính vào.

Dân chúng Kiếm Ngoại [8] chịu khổ vì binh dịch đã lâu, có người kiến nghị điều tráng đinh của 2 lộ Đông, Tây Xuyên và Quỳ lộ để chia vất vả với họ. Lệnh mới đưa xuống, dân các lộ sợ làm lính thú, chạy đến kêu với An Bính, xin nộp tiền thay cho binh dịch, số tiền nợ đọng dần hơn 50 vạn; nay Hàm bỏ hết. Số tiền giấy đất Thục – loại vẫn còn giá trị sử dụng – là hơn 5000 vạn [9], một nửa ở trong tay chánh quyền, sau loạn thì lưu tán tất cả ở trong dân; hai tư Tuyên phủ, Tổng chế in thêm 3 đợt, lưu hành hơn 8000 vạn, giá trị ngày càng giảm. Hàm bỏ ra hơn 1200 xâu tiền để thu về một nửa số tiền giấy của 19 đợt, lại cùng Bính bàn bạc góp sức của tư Trà mã [10], tiếp tục thu về 91 đợt, kế đó làm mới 93 đợt để trao đổi (đoái), vì thế giá trị tiền giấy được khôi phục, giá thóc giảm xuống.

Dòng chảy sông Gia Lăng chợt yếu đi, có ý kiến cho rằng người Kim chặn thương du, Hàm không nói gì, khơi thông lòng sông tại chỗ, khiến nước chảy từ ích Xương đến Ngư Lương, không còn bị ngăn trở. Hàm lại gởi thêm gạo cho Kim Châu để làm đầy kho dự trữ, có người hỏi: "Kim Châu hiểm yếu, người Kim không thể nhắm đến, sao lại thêm gạo?" Hàm đáp: "Địch đến mới lo, sao kịp nữa?" Ít lâu sau, quân Kim xâm phạm Thượng Tân, quân Tống dựa vào sự chuẩn bị ấy mà giữ vững.

Hàm được triệu về làm Tư nông thiếu khanh, rồi mất. An Bính nhiều lần tâu lên công lao của Hàm, nên ông được ban thụy là Cần Tiết.

Gia đình

sửa

Hàm là con thứ của Trần Thăng Khanh, làm đến Giám sát ngự sử, nhưng được kế tự chú là Trần Cự Khanh. Tuyên dụ sứ Ngô Liệp từng dâng biểu khen ngợi tiết nghĩa của Hàm, nên có chiếu cho ông được tiến 2 trật, Hàm xin tặng lại cho cha mẹ.

Con trai Hàm là Trần Dần, sử cũ có truyện.

Tham khảo

sửa
  • Tống sử quyển 412, liệt truyện 171 – Trần Hàm truyện

Chú thích

sửa
  1. ^ Chánh sử không chép tịch quán của Trần Hàm, dã sử chép ông là người huyện Thiệp. Xem bài tựa của Nhâm Nãi Đường – Thần châu Thiệp huyện nhân, Nhà xuất bản Phương Chí, 2002. Huyện Thiệp ngày nay thuộc Hà Bắc, nhưng suốt đời Minh đến đời Dân quốc trong lịch sử Trung Quốc, lại thuộc về Hà Nam, nên nhiều tài liệu ghi chép Trần Hàm là người Hà Nam
  2. ^ Sau loạn An Sử, tình trạng chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ ngày càng nghiêm trọng, nông dân Trung Quốc tha phương cầu thực ngày càng nhiều, gây ra xáo trộn lớn trong xã hội. Nhận thấy hình thức thu thuế Tô Dung (Tô là thuế đánh vào ruộng lúa, nộp bằng thóc, Dung là thuế hiện vật hay cho nghĩa vụ lao dịch; đời Đường quy định Tô: 2 thạch thóc, Dung: 60 thước lụa để thay cho 20 ngày lao dịch) xem mọi tráng đinh có nghĩa vụ nộp thuế như nhau thì không còn phù hợp, tể tướng Dương Viêm kiến nghị thay thế Tô Dung và tất cả các loại thuế khác (tạp thuế, VD: Điệu: thuế đánh vào đất trồng dâu, nộp bằng tơ lụa; đời Đường quy định 20 thước lụa và 3 lạng tơ) bằng thuế hai kỳ (lưỡng thuế), quy định số thuế căn cứ theo số ruộng đất và tài sản thực, và thu thuế hai lần vào hai vụ mùa hè và thu hằng năm, nộp hiện vật là gì căn cứ vào vụ mùa, nộp tiền hay sản phẩm căn cứ vào địa lý. Đường Đức Tông chấp thuận kiến nghị này, đánh dấu chấm hết cho chế độ quân điền hưng khởi từ đầu đời Tam Quốc, tiến một bước dài thu hẹp diện tích ruộng đất công của chế độ phong kiến
  3. ^ 总制司/tổng chế tư là cơ quan do nhà Nam Tống thiết lập vào năm 1135, quản lý tất cả các khoản thuế tại địa phương
  4. ^ Trình Tùng từng là tùy tùng trong sứ đoàn sang nước Kim, trong khi Ngô Hi lại là phó sứ. Hơn nữa, Trình Tùng chỉ có 3 vạn binh, còn Ngô Hi có đến 6 vạn, lại là cháu nội của danh tướng Ngô Lân, rất có uy vọng ở đất Thục
  5. ^ Thường bình, Quảng huệ là những phương pháp điều tiết giá cả (chủ yếu là lương thực) của nhà nước phong kiến (giá thấp thì mua vào, giá cao thì bán ra), được lập ra từ đời Hán
  6. ^ Tiền Đương ngũ là đồng thông bảo có từ đời Bắc Tống, được ghép bởi 2 tấm thiếc rồi nhuộm màu đồng, đến cuối đời Nguyên vẫn còn giá trị sử dụng
  7. ^ Tống sử, tlđd chép nguyên văn là "祠牒/từ điệp", nhưng dân gian quen gọi là 度牒/độ điệp. Ban đầu, độ điệp là giấy chứng nhận miễn phí dành cho người tu hành; nhưng đến đời Nam Tống, triều đình thiếu hụt tài chánh, bãi miễn tất cả đặc quyền của họ (miễn trừ lao dịch, bảo hộ tư sản,...), vì thế người tu hành muốn nhận lại những đặc quyền ấy thì phải bỏ tiền ra mua độ điệp, ngay cả những nhà giàu cũng muốn có để phòng thân. Ở Tứ Xuyên, độ điệp là một trong những nguồn thu nhập của chánh quyền; thậm chí, triều đình Nam Tống nhiều lần phát hành độ điệp ở những vùng chịu thiên tai, mới có tiền để chẩn cấp cho nạn dân
  8. ^ Bắc bộ tỉnh Tứ Xuyên có Kiếm Môn quan, khu vực phía nam của cửa quan này được gọi là Kiếm Ngoại
  9. ^ Sau khi Tống Thái Tổ cấm lưu hành tiền đồng thì tiền sắt là trở thành hình thức tiền tệ trao đổi chủ yếu ở Tứ Xuyên, nhưng tiền sắt quá nặng nên bất tiện. Vì vậy người Tứ Xuyên sử dụng phiếu viết tay đại diện cho tiền sắt (có tác dụng tương tự hối phiếu ngày nay), dân gian gọi loại phiếu này theo phương ngữ của người Lý là Giao tử (交子, nghĩa là bằng khoán), còn gọi là tiền dẫn (钱引, Tống sử, tlđd chép nguyên văn là "Thục tiền dẫn"). Giao tử hay Tiền dẫn là một trong những loại tiền giấy xuất hiện sớm nhất trong lịch sử tiền tệ thế giới. Năm 1023, triều đình Bắc Tống chính thức cấm dân gian in riêng Giao tử, thiết lập Ích Châu giao tử vụ để độc quyền phát hành tiền giấy, dân gian gọi là "Quan giao tử", có giá trị lưu hành trong 2 đợt (界/giới, Tống sử, tlđd chép nguyên văn là "lưỡng giới", vì đợt cũ chưa hết thời hạn thì đợt mới đã phát hành)
  10. ^ Trà mã tư là cơ quan do chánh quyền nhà Tống thiết lập vào năm 1074, nhằm lũng đoạn thị trường trà lá và thị trường gia súc của các dân tộc thiểu số ở tây bắc Trung Nguyên, tồn tại đến hết đời Minh