Quốc tử giám

cơ quan đào tạo giáo dục tại các nước Á Đông thời phong kiến

Quốc tử giám (tiếng Trung: 國子監; bính âm: Guózǐjiàn) là cơ quan đào tạo giáo dục cấp trung ương tại các nước Á Đông thời phong kiến Nho giáo. Đứng đầu Quốc tử giám là các chức quan: Tế tửu (đứng đầu trường Quốc học-tương đương với Hiệu trưởng), Tư nghiệp (đứng thứ hai sau Tế tửu).

Quốc tử giám
Sơ đồ kiến trúc quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Tên tiếng Trung
Phồn thể國子監
Giản thể国子监
Tên tiếng Triều Tiên
Hangul
국자감
Hanja
國子監

Tại Trung Quốc sửa

Quốc tử giám đầu tiên xuất hiện sau thời nhà Tuỳ. Mỗi triều đại sau đó đều lập Quốc tử giám tại kinh đô của mình - Trường An, Lạc Dương, Khai Phong, Nam Kinh. Kể từ thời nhà Minh thì có tới hai Quốc tử giám: một ở Nam Kinh và một ở Bắc Kinh.

Tại Việt Nam sửa

Quốc tử giám đầu tiên được lập vào năm 1076 tại kinh thành Thăng Long vào thời vua Lý Nhân Tông. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các hoàng tộc, quý tộc và quan lại. Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc tử giám và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Đến đời nhà Nguyễn, Quốc tử giám được lập tại Huế.

Chức trách của Tế tửu được Phan Huy Chú cho biết trong Lịch triều Hiến chương loại chí là: “phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”. 

Chức năng của Quốc tử giám là nơi đào tạo quan lại cho nhà nước, vì thế, Tế tửu với vai trò là người đứng đầu Quốc tử giám ngoài việc tổ chức dạy và học, còn phải tổ chức khảo hạch (kiểm tra) sự chuyên cần, tiến bộ của Giám sinh, chấm bài và báo cáo sang Bộ Lại để làm căn cứ bổ tuyển nhân tài theo quy định.

Tư nghiệp là chức quan sau Tế tửu, làm phó cho Tế tửu, giúp Tế tửu trong việc rèn tập sĩ tử.

Tế tửu, Tư nghiệp đều là những bậc đại khoa, nổi tiếng về tài năng và đức độ. Những bậc hiền tài làm Tế tửu, Tư nghiệp được biết nhiều hơn cả như Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên; Tiến sĩ Thân Nhân Trung,...Việc tuyển chọn học quan của Quốc tử giám rất được chú trọng. Các vị quan đại thần có uy tín, học vấn uyên bác như Hộ bộ Thượng thư Phùng Khắc Khoan; Tham tụng Nguyễn Công Thái, Bồi tụng Trương Công Giai, Bồi tụng Nguyễn Bá Lân, Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Nghi, Tham tụng Nhữ Đình Toản; Tham tụng Nguyễn Nghiễm, Tham tụng Vũ Miên…được triều đình tin tưởng, bổ nhiệm giữ trọng trách Tế tửu, Tư nghiệp. Đội ngũ học quan này đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nên hàng loạt danh nho, danh thần cho đất nước.

Tế tửu, Tư nghiệp Quốc tử giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là những cây đại thụ trong nền văn hóa nước nhà.

Một số các vị Tế tửu và Tư nghiệp nổi tiếng sửa

Tại Quốc tử giám Thăng Long

 
Danh sách Tế tửu và Tư nghiệp Quốc tử giám Thăng Long

Tại Quốc tử giám Huế

Tham khảo sửa

[1][2][3]

  1. ^ “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. dsvh.gov.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2022.
  2. ^ trị, Hệ thống Quản (29 tháng 10 năm 2019). “Tế tửu, Tư nghiệp Quốc tử giám là người Nghệ An”. http://banquanlyditichnghean.gov.vn. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  3. ^ Đại Nam liệt truyện.