Nam Khánh
Lê Nam Khánh (sinh năm 1977), thường được biết đến với nghệ danh Nam Khánh, là một nam ca sĩ người Việt Nam, hoạt động chủ yếu ở dòng nhạc trữ tình, nhạc thính phòng. Anh được biết đến là trưởng nhóm nhạc AC&M nổi tiếng thập niên 2000 và giữ vai trò này cho đến khi nhóm tan rã. Nam Khánh từng đoạt giải nhất Liên hoan Tiếng hát truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và giải nhì Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999.
Lê Nam Khánh | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Lê Nam Khánh |
Ngày sinh | 1977 (46–47 tuổi) |
Nơi sinh | Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | Việt Nam |
Đào tạo | Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh |
Sự nghiệp âm nhạc | |
Vai trò | Ca sĩ |
Năm hoạt động | 1999 – nay |
Trường phái | A Capella
Bán cổ điển |
Thành viên của | AC&M (2001 – 2009) |
Tiểu sử
sửaLê Nam Khánh sinh năm 1977, bố mẹ của anh là nhạc sĩ Lê Khiêm (quê gốc An Giang) và nghệ sĩ Minh Ngọc, đều thuộc biên chế quân đội.[1]
Khi mới lên 7 tuổi, theo định hướng của ba mẹ, Nam Khánh đã theo học khóa piano kéo dài 11 năm. Khi hoàn tất bậc Trung học phổ thông, Nam Khánh bị mất phương hướng và không còn thích theo đuổi nghệ thuật nên anh chọn thi vào Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Một thời gian sau, nhờ sự dẫn dặt nghệ sĩ Quốc Trụ, Nam Khánh tiếp tục thi đậu vào Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã tốt nghiệp chương trình đào tạo của cả hai trường trên.[2]
Sự nghiệp
sửaLê Nam Khánh từng giành Huy chương vàng Tiếng hát học sinh, sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997; giải Nhất Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 1999; giải Nhì Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc năm 1999 (tiền thân giải Sao Mai). Sau những thành tích trên, anh đã dấn thân vào sự nghiệp hát solo và dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.[2][3]
Năm 2001, nhóm AC&M được thành lập với các thành viên Hoàng Bách, Đình Bảo, Thụy Vũ và Lê Nam Khánh, trong đó Nam Khánh làm trưởng nhóm. Là nhóm nhạc hiếm hoi tại Việt Nam theo thể loại A Cappella, AC&M đã thu hút sự chú ý từ khán giả và gặt hái nhiều thành công.[4]
Năm 2005, Nam Khánh vượt qua các ứng cử viên khác đến từ Mỹ, Malaysia và Ấn Độ để nhận học bổng âm nhạc của Đại học California tại Berkeley. Chương trình học gồm hai năm tại Malaysia rồi mới sang Mỹ, nhưng Nam Khánh đã quyết định về nước chỉ sau một tháng vì không quen môi trường mới ở Malaysia.[2]
Đầu năm 2009, Nam Khánh phát hành album riêng thứ hai là Yêu và Mơ, sau album đầu tay Nam Khánh vol.1; nhóm AC&M tan rã cùng năm này khi Đình Bảo và Hoàng Bách chủ động tách ra phát triển sự nghiệp riêng, còn anh thì ít tham gia vào các sự kiện âm nhạc hơn.[4][5] Nam Khánh đã tiếp tục hợp tác với Thụy Vũ thêm một thời gian ngắn nữa trước khi thành lập công ty chuyên về lĩnh vực truyền thông, đào tạo âm nhạc.[6]
Nam Khánh từng tham gia cuộc thi Ngôi sao tiếng hát sinh viên 2010 với vai trò là giám khảo. Anh cũng làm người hướng dẫn cho các thí sinh của Vietnam Idol 2012, Học viện ngôi sao 2014, Sao Mai điểm hẹn 2022.[7][8]
Vào năm 2020, nam ca sĩ đã phát hành MV "Lũ ơi, xin đừng về", kêu gọi khán giả quyên góp vật chất để ủng hộ đồng bào trong trận lụt miền Trung Việt Nam năm 2020.[9]
Đời tư
sửaTrong thời gian làm thủ tục sang Malaysia du học (2005), Nam Khánh đã gặp Nguyễn Hồng Bảo Thi, người sau này là vợ anh, và cả hai kết hôn vào năm 2007[10]. Hiện anh và vợ có 2 người con trai.
Giải thưởng
sửaNăm | Cuộc thi | Kết quả | Ghi chú | Nguồn |
---|---|---|---|---|
1997 | Tiếng hát học sinh, sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc | Huy chương vàng | [2] | |
1999 | Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh | Giải nhất | ||
Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc | Giải nhì | Hạng mục: Phong cách thính phòng (Opera) |
Tác phẩm
sửaNăm | Tựa đề | Sản phẩm | Ghi chú |
---|---|---|---|
2003 | Nam Khánh vol.1[11] | Album nhạc | |
2007 | A Capella | Phim dài tập | cùng AC&M |
2009 | Yêu và mơ | Album nhạc | |
2010 | Cuộc chiến hoa hồng (phần 2)[12] | Phim dài tập | |
2016 | Chuyện tình nàng Giáng Hương[13] | Nhạc kịch | |
2020 | Lũ ơi, xin đừng về | MV |
Tham khảo
sửa- ^ “Nam Khánh: Bắt đầu "khúc độc hành"”. Thanh Niên. 5 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ a b c d “Ca sĩ Lê Nam Khánh: Thăng hoa trong sự bình yên”. Phụ nữ Việt Nam. 25 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Nhóm nhạc AC&M sau 16 năm”. VnExpress. 21 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ a b “Nhóm AC&M chỉ còn 2 thành viên”. Hànộimới. 3 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Nam Khánh - Yêu và mơ”. Tiền phong. 25 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Ca sĩ Nam Khánh mở trường dạy nghệ thuật”. Thể thao & Văn hóa. 24 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Sao Mai 2022 đã tìm ra những người chiến thắng”. Báo Lào Cai. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Nam Khánh lớn tiếng với các thí sinh Vietnam Idol”. VietNamNet. 7 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Ca sĩ Nam Khánh hát "Lũ ơi xin đừng về" hướng về Trung”. Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. 24 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ Cát Vũ (14 tháng 4 năm 2013). “Nam Khánh: Chung vai gánh, gia đình mới không "đu đưa"”. Báo Phụ nữ. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ TR.N (21 tháng 11 năm 2004). “Album Nam Khánh & Vân Quang Long”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2022.
- ^ “Nam Khánh: 'Nhiều người cười tôi sợ vợ'”. Zing News. 2 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Ca sĩ Nam Khánh lần đầu thử sức với nhạc kịch”. Thanh Niên. 20 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2022.