Người Khơ Mú

(Đổi hướng từ Người Khmu)

Người Khơ Mú (/kəˈm/; Khmu: /kmm̥uʔ/ or /kmmúʔ/; tiếng Lào: ຂະມຸ [kʰámūʔ]; tiếng Thái: ขมุ [kʰāmùʔ]; tiếng Miến Điện: ခမူ, ở Trung Quốc phiên âm Hán là Khắc Mộc (tiếng Trung: 克木; bính âm: kèmù), tên gọi khác: Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy, trong văn liệu Latinh ghi là Khmu, Khamu hay Khammu) là một trong những nhóm sắc tộc lớn nhất sinh sống tại khu vực bắc Đông Nam Á. Họ cư trú ở miền bắc Lào, Myanmar, tây nam Trung Quốc (trong châu tự trị Tây Song Bản Nạp thuộc tỉnh Vân Nam), Thái Lan, và Việt Nam.

Người Khơ Mú
Phụ nữ Khơ Mú tại tỉnh Bokeo, Lào
Tổng dân số
c. 800,000
Khu vực có số dân đáng kể
Burma, China, United States
 Lào708,412 (2015)[1]
Việt Nam90,612 (2019)[2]
 Thái Lan10,000
 Trung Quốc7,000
Ngôn ngữ
Tiếng Khơ Mú, khác
Tôn giáo
Vật linh, Phật giáo thượng tọa bộ, Kitô

Tại Việt Nam, người Khơ Mú là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam [3]. Tuy nhiên tại Trung Quốc thì họ lại không được công nhận chính thức như là một dân tộc tách biệt mà được đặt trong một thể loại rộng là các nhóm sắc tộc không phân loại.

Người Khơ Mú nói tiếng Khơ Mú, một ngôn ngữ trong ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á. Người Khơ Mú là sắc tộc sinh sống sớm nhất tại Lào, cùng với người Môn tại Thái Lan và người Mường tại Việt Nam tạo nên những cộng đồng cư dân bản địa sớm nhất ở khu vực.

Dân số và địa bàn cư trú

sửa

Người Khơ Mú là những cư dân bản thổ ở miền bắc Lào. Hiện tại có khoảng 479.249-540.000 người Khơ Mú khắp thế giới, với dân số khoảng 389.694 người (năm 1985) tại Lào,[4] 72.929 người (năm 2009) tại Việt Nam,[4][5] 31.403 (năm 2000) tại Thái Lan,[4] 1.600 người (năm 1990) tại Trung Quốc,[4] không rõ số liệu tại Myanmar và cỡ 8.000 tại Hoa Kỳ[cần dẫn nguồn].

Tại Lào

sửa

Người Khơ Mú tại Lào chủ yếu sống trong tỉnh Luang PrabangXiêng Khoảng. Phần lớn các làng mạc của người Khơ Mú bị cô lập và có sự phát triển chậm chạp do ở các vùng xa xôi khó khăn. Trong nhiều khu vực, họ sinh sống bên cạnh người H'Mông và các nhóm sắc tộc thiểu số khác.

Tại Việt Nam

sửa

Tại Việt Nam, họ sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa với số dân theo điều tra dân số năm 2019 có 90.612 người [6], năm 1999 khoảng 56.542 người.[5]

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Khơ Mú ở Việt Nam có dân số 90.612 người, cư trú tại 44 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Khơ Mú cư trú tập trung tại các tỉnh:

Tại Thái Lan

sửa

Phần lớn người Khơ Mú tại Thái Lan đã tới đây trong giai đoạn gần đây từ Lào và Việt Nam như là những người tị nạn, cũng từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ sống tập trung gần biên giới Lào-Thái Lan.[8] Người Khơ Mú có quan hệ huyết thống gần gũi với Mlabri, người lá vàng bản địa của Thái Lan.

Tại Trung Quốc

sửa

Tại Trung Quốc có khoảng 1.600-2.000 người Khơ Mú sinh sống rải rác trong tỉnh Vân Nam, được xếp vào nhóm không phân loại.

Tại Hoa Kỳ

sửa

Tại Hoa Kỳ, một lượng lớn người Khơ Mú sinh sống tại Richmond (California), chủ yếu là người tị nạn, di cư từ sau chiến tranh Việt Nam. California cũng là trung tâm của cả Khmu National Federation Inc. và Kmhmu Catholic National Center.[9][10]

Nguồn gốc

sửa

Nhóm dân tộc Khmuic đề cập đến một nhóm các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa nói các ngôn ngữ có liên quan chặt chẽ và tuân theo các phong tục và truyền thống tương tự. Dựa trên các bằng chứng ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử, người ta tin rằng những nhóm dân tộc hiện nay khác biệt này là hậu duệ của một dân tộc thuần nhất có thể là một trong những nhóm dân cư đầu tiên đến định cư ở miền Bắc Đông Dương[11]. Những khu vực sinh sống của người Khmuic lịch sử này rộng lớn hơn nhiều so với hiện tại, bao gồm cả những vùng đất thấp phía bắc của ít nhất là Thái Lan và Lào ngày nay, cho đến khi bị các đế chế Mon và Khmer kế tiếp hấp thụ hoặc đẩy lên vùng núi ẩn náu và sau đó là sự xuất hiện của nhiều sắc tộc Thái khác nhau.[12]

Đặc điểm kinh tế

sửa

Người Khơ Mú sống chủ yếu bằng kinh tế nương rẫy. Cây trồng chính là ngô, khoai, sắn. Trong canh tác, người Khơ Mú dùng dao, rìu, gậy chọc hốc là chính. Hái lượm săn bắn giữ vị trí quan trọng, nhất là lúc giáp hạt. Người Khơ Mú nuôi gia súc, gia cầm chỉ để phục vụ dịp lễ lạt, tiếp khách. Nghề đan lát phát triển. Họ đan các đồ dùng để vận chuyển, chứa lương thực... Người Khơ Mú không phát triển nghề dệt vải, nên thường mua quần áo, váy của người Thái để mặc.

Văn hóa

sửa

Dân tộc Khơ Mú có vốn truyền thống văn hóa lâu đời, tuy cuộc sống vật chất còn nghèo, nhưng cuộc sống tinh thần khá dồi dào.

Đón Tết

sửa

Trước khi đón tết, vào tháng chạp dân làng Khơ Mú tổ chức lễ "đón mẹ lúa". Một mâm lễ chung được bày ra trên nương, người cao niên đại diện dân làng thắp hương khấn tạ ơn thần linh. Một con trâu được tắm sạch sẽ dắt ra trước kho lúa, người ta cảm ơn rồi lấy hoa giắt vào sừng, lấy vải đắp lên mình trâu.

Chiều 30 tết, người già trong làng tìm đến nhà và không quên dặn nhau nhớ để ý xem sau thời khắc giao thừa nghe con vật gì cất tiếng đầu tiên để đoán thời vận. Người Khơ Mú quan niệm nếu con gà gáy đúng canh ba thì cả năm gặp điều may mắn, còn gà gáy sớm hơn báo hiệu điều chẳng lành như gặp hỏa hoạn hoặc trong làng sẽ có người chửa hoang.

Với tập tục dân gian gắn với ngày tết, người Khơ Mú cũng có những nét riêng khác hẳn với các dân tộc khác như tục lấy nước đầu năm mới. Nếu nhặt được hòn sỏi trắng thì may mắn cả năm, còn gặp hòn sỏi đen thì coi như kém may. Nước vừa múc về sẽ chia cho mọi người trong nhà cùng uống, gọi là uống nước mới.[13]

Lễ cúng ma nhà (Hrôigang)

sửa

Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ Mú thuộc họ Rvai (hổ), đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ và có nguồn gốc từ hổ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ.

Trong các hội hè, các nghi lễ người hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú thuộc họ Rvai phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ, khi chết, người ta đắp cho chiếc chăn khác màu lông hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông hổ bên cạnh người chết để hồn được siêu thoát và trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên

Tổ chức cộng đồng

sửa

Các họ của người Khơ Mú thường mang tên một loài thú, một loài chim hay một thứ cây nào đó. Mỗi dòng họ coi thú, chim, cây ấy là tổ tiên ban đầu của mình và họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này. Mỗi dòng họ có huyền thoại kể về lai lịch của tổ tiên chung, người cùng dòng họ coi nhau là anh em ruột thịt.

Hôn nhân gia đình

sửa

Ở gia đình người Khơ Mú, vợ chồng bình đẳng, chung thủy. Người Khơ Mú có tục cưới rể một năm, sau đó mới đưa vợ về nhà mình. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố. Người cùng dòng họ không được lấy nhau, nhưng con trai cô được lấy con gái cậu. Trong việc dựng vợ gả chồng và trong cuộc sống gia đình, vai trò của người cậu đối với các cháu rất quan trọng.

Nhà ở

sửa

Đến nay ở nhiều vùng người Khơ Mú vẫn còn du canh du cư. Làng bản của họ thường cách xa nhau, nhỏ bé, ít dân. Nhà cửa phần lớn làm sơ sài, đồ dùng trong nhà cũng ít ỏi.

Nhà ở truyền thống của người Khơ Mú là kiểu nhà nửa sàn nửa đất và thường được làm ở trên đồi cao ven nương rẫy để tránh thú rừng. Không như một số dân tộc sử dụng phần gầm sàn làm nơi sinh hoạt hay chứa nông cụ, nông sản, người Khơ Mú coi phần gầm sàn là nơi thiêng nhất trong ngôi nhà, thậm chí ngày thường không dám xâm phạm, trừ việc quét dọn trước mỗi đầu năm mới.Đầu hồi nhà sàn của người Khơ Mú có hình con ốc sên, vừa có tác dụng trang trí, cầu mong sự giàu có, vừa nhằm dọa tà ma không cho đến gần.

Đặc biệt, bên trong ngôi nhà sàn của người Khơ Mú có đến ba bếp lửa nằm ở ba vị trí khác nhau tạo nên nét đặc trưng "bốn góc nhà, ba góc bếp" không thể tìm thấy ở các dân tộc khác.

Lên hết bậc cầu thang ở phía đầu hồi là cửa chính vào ngôi nhà sàn. Bên cánh trái gian đầu tiên là một bếp lớn dùng để nấu thức ăn hằng ngày.

Ở trung tâm gian giữa, nơi cửa chính nhìn vào là bếp thứ hai, đặt ngay dưới trang thờ ông bà tổ tiên. Bếp này được người Khơ Mú xem là bếp thờ, bếp thiêng và chỉ nổi lửa vài lần trong năm vào dịp tết hoặc cúng lễ.

Trong cùng bên trái của gian thứ ba là một bếp nữa. Chỗ ngủ của chủ nhà được đặt bên phải gian thứ ba này.[13]

Trang phục

sửa

Người Khơ Mú không phát triển nghề dệt vải, nên thường mua quần áo, váy của người Thái, người Lự (áo có ảnh hưởng của phụ nữ Lự vùng Tây Song Bản Nạp, Lào và Thái Lan chứ không phải người Lự Việt Nam) để mặc. Sắc thái Khơ Mú thể hiện ở trang phục hầu như đã bị phai mờ tuy trang sức của phụ nữ còn có đôi điểm riêng biệt, áo của phụ nữ Khơ Mú thường màu đen, dài đến eo. Cổ áo cắt theo hình chữ V nẹp viền bằng dải thổ cẩm, mặt trước áo đáp tấm vải thổ cẩm rộng khoảng 20 cm thêu hoa văn rực sỡ chạy từ cổ áo đến hết thân áo. Đây là điểm nhấn thu hút nhất của chiếc áo phụ nữ dân tộc Khơ Mú.

Váy màu đen, dài từ eo xuống mắt cá chân. Thân váy, gấu váy được thêu họa tiết hoa văn dọc chạy theo thân váy. Váy khi mặc được giữ lại bởi chiếc thắt lưng quấn quanh eo, thắt lưng bằng lụa, màu sáng, điểm thắt nút thường nằm ở phần hông bên phải.

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Results of Population and Housing Census 2015” (PDF). Lao Statistics Bureau. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2020.
  2. ^ “Report on Results of the 2019 Census”. General Statistics Office of Vietnam. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2020.
  3. ^ Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam Lưu trữ 2018-10-03 tại Wayback Machine. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, 2016. Truy cập 11/04/2019.
  4. ^ a b c d =kjg Khmu trên website của SIL International.
  5. ^ a b Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009. Phần I: Biểu Tổng hợp. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 18/08/2015.
  6. ^ Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số 2019. p. 44. Trung tâm Tư liệu và Dịch vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê, 19/12/2019. Truy cập 1/09/2020.
  7. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội, 6-2010. Biểu 5, tr.134-225. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2011.
  8. ^ “Khmu Profile”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2009.
  9. ^ “Khmu National Federation, Inc”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2009.
  10. ^ “Kmhmu Catholic National Center”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2009.
  11. ^ LeBar, Frank M. (1967). “OBSERVATIONS ON THE MOVEMENT OF KHMUʔ INTO NORTH THAILAND” (PDF). Journal of the Siam Society (53): 61–79. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2014.
  12. ^ Evrard, Olivier (2007). “Interethnic systems and localized identities: The Khmu subgroups (tmoy) in North-West Laos”. Trong Robinne, Francois; Sadan, Mandy (biên tập). Social Dynamics in the Highlands of Southeast Asia. The Netherlands: Koninklijke Brill NV. tr. 127–160. ISBN 9789004160347. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2014.
  13. ^ a b “Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận”.