Ocyurus chrysurus là loài cá biển duy nhất thuộc chi Ocyurus trong họ Cá hồng. Loài cá này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1791.

Ocyurus chrysurus
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Lutjaniformes
Họ (familia)Lutjanidae
Phân họ (subfamilia)Lutjaninae
Chi (genus)Ocyurus
Gill, 1862
Loài (species)O. chrysurus
Danh pháp hai phần
Ocyurus chrysurus
(Bloch, 1791)
Danh pháp đồng nghĩa

Từ nguyên sửa

Từ định danh chrysurus được ghép bởi hai âm tiết trong tiếng Hy Lạp cổ đại: khrūsós (χρῡσός; “vàng”) và ourá (ουρά; “đuôi”), hàm ý đề cập đến vây đuôi màu vàng kim của loài cá này; còn tên chi được ghép từ ōkús (ὠκύς; “chim yến”) và ourá, thì đề cập đến vây đuôi lõm sâu như cánh của loài chim yến.[2]

Phân bố và môi trường sống sửa

O. chrysurus có phân bố rộng khắp vùng Tây Đại Tây Dương, từ Bermuda và bang Massachusetts (Hoa Kỳ) trải dài xuống phía nam, băng qua khắp vịnh Méxicobiển Caribe, dọc theo bờ biển Nam Mỹ đến bang São Paulo (Brasil).[1]

O. chrysurus sống thành đàn gần các rạn san hô, cá con thường có thể được tìm thấy trên thảm cỏ biển, độ sâu được ghi nhận đến ít nhất là 180 m, nhưng thường thấy chúng trong khoảng 10–70 m.[3]

Mô tả sửa

Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở O. chrysurus là 86 cm,[3] thường bắt gặp với kích thước khoảng 40 cm.[4]

Sọc vàng tươi từ chóp mõm, băng qua nửa dưới mắt, kéo rộng về sau và lan rộng ra toàn bộ cuống đuôi và vây đuôi. Phần thân trên sọc vàng đa dạng màu, từ nâu đỏ sẫm sang đỏ hồng đến xanh ô liu sang xanh lam đến xanh tím. Thân dưới còn lại có màu hồng đến trắng. Mống mắt biến đổi, màu vàng hoặc đỏ với viền vàng quanh con ngươi, hoặc đỏ hoàn toàn. Vây lưng, vây hậu môn và vây bụng thường là màu vàng, có khi màu vàng lục; vây ngực không màu hoặc hồng cam nhạt.

Số gai ở vây lưng: 10 (ít khi 9 và 11); Số tia vây ở vây lưng: 12–14; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 8–9; Số tia vây ở vây ngực: 15–17; Số vảy đường bên: 46–49.[4]

Sinh thái sửa

Thức ăn của O. chrysurus bao gồm cá nhỏ, giun nhiều tơ, động vật giáp xác, chân bụngchân đầu, chủ yếu săn mồi về đêm, còn cá con chủ yếu ăn sinh vật phù du.[3]

O. chrysurus sinh sản quanh năm, tùy vào khu vực phân bố mà kỳ đỉnh điểm của chúng diễn ra khác nhau. Ở vùng biển Cuba, đỉnh điểm sinh sản của O. chrysurus là tháng 4 và tháng 5.[5] Hay như ở Jamaica, đỉnh điểm lại rơi vào khoảng tháng 1 đến tháng 4.[4] Còn ở quần đảo Abrolhos (Brasil), đỉnh điểm là vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10.[6]

Tuổi lớn nhất mà O. chrysurus đạt được là 19, đã được biết đến ở Brasil.[7] Còn ở vịnh México, độ tuổi cao nhất mà O. chrysurus được ghi nhận là 17 năm.[8]

Lai tạp sửa

Felipe Poey (1860) đã mô tả một loài cá hồng với danh pháp Mesoprion ambiguus (= L. ambiguus) dựa vào một mẫu vật thu thập ở Cuba. Chính Poey và nhiều nhà ngư học thế hệ sau cũng nhận thấy rằng, L. ambiguus mang kiểu hình trung gian giữa O. chrysurusLutjanus synagris, đã đặt ra nghi vấn L. ambiguus là một loài có nguồn gốc lai tạp sau khi kiểm tra mẫu vật.

Ngoài việc chỉ tìm thấy L. ambiguus ở những nơi mà O. chrysurusL. synagris có phân bố chồng lấn (Florida và vùng biển Caribe), Loftus (1992) còn đưa ra một phân tích về mô hình sinh sản để chứng minh rằng, O. chrysurusL. synagris là một cặp có khả năng cao nhất để tạo con lai tự nhiên (cả hai loài đều sinh sản cũng thời điểm), không loài nào khác ngoài L. ambiguus.[9]

Sau này, một cá thể lai giữa O. chrysurusL. synagris được thu thập ở bờ biển bang Pernambuco (Brasil), cũng là nơi chồng lấn phân bố giữa hai loài này.[10]

Giá trị sửa

O. chrysurus được đánh bắt trong nghề cá thương mại và câu cá giải trí. Brasil là quốc gia xuất khẩu chính của loài này trên toàn thế giới.[1]

Tham khảo sửa

  1. ^ a b c Lindeman, K.; Anderson, W.; Carpenter, K. E.; Claro, R.; Cowan, J.; Padovani-Ferreira, B.; Rocha, L. A.; Sedberry, G.; Zapp-Sluis, M. (2016). Ocyurus chrysurus. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2016: e.T194341A2316114. doi:10.2305/IUCN.UK.2016-1.RLTS.T194341A2316114.en. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2023.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  2. ^ Christopher Scharpf (2022). “Order Spariformes”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2023.
  3. ^ a b c Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Ocyurus chrysurus trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2023.
  4. ^ a b c W. D. Anderson (2003). “Lutjanidae” (PDF). Trong Kent E. Carpenter (biên tập). The living marine resources of the Western Central Atlantic. Volume 3. Roma: FAO. tr. 1500. ISBN 92-5-104827-4.
  5. ^ Claro, Rodolfo; Lindeman, Kenyon C.; Parenti, Lynne R. (2014). Ecology of the Marine Fishes of Cuba. Smithsonian Institution. ISBN 978-1-935623-44-1.
  6. ^ Freitas, Matheus Oliveira; Moura, Rodrigo Leão de; Francini-Filho, Ronaldo Bastos; Minte-Vera, Carolina Viviana (2011). “Spawning patterns of commercially important reef fish (Lutjanidae and Serranidae) in the tropical western South Atlantic” (PDF). Scientia Marina. 75 (1): 135–146. doi:10.3989/scimar.2011.75n1135. ISSN 1886-8134.
  7. ^ Araújo, Júlio Neves de; Martins, Agnaldo Silva; Costa, Karla Gonçalves da (2002). “Age and growth of yellowtail snapper, Ocyururs chrysurus, from Central Coast of Brazil” (PDF). Revista Brasileira de Oceanografia (bằng tiếng Bồ Đào Nha). 50: 47–57. doi:10.1590/S1413-77392002000100004. ISSN 1413-7739.
  8. ^ Farmer, Nick; Malinowski, Rich (2010). “Species groupings for management of the Gulf of Mexico reef fish fishery” (PDF). SERO-LAPP-2010-01: 22.
  9. ^ Loftus, W. (1992). Lutjanus ambiguus (Poey), a natural intergeneric hybrid of Ocyurus chrysurus (Bloch) and Lutjanus synagris (Linnaeus)”. Bulletin of Marine Science. 50 (3): 489–500.
  10. ^ Batista, Carlos; Camargo, G. M. D.; Véras, D.; Pinheiro, P.; Fernandes, C.; Travassos, P.; Hazin, F. (2012). “Occurrence of the hybrid snapper between yellowtail snapper Ocyurus chrysurus (Bloch 1791) and lane snapper Lutjanus synagris (Linnaeus 1758) (Perciformes: Lutjanidae) in the Southwest Atlantic, Northeast Brazil” (PDF). Pan-American Journal of Aquatic Sciences. 7 (1): 45−49.