Phan Thúc Trực

Thám hoa triều Nguyễn
(Đổi hướng từ Phan Dưỡng Hạo)

Phan Thúc Trực (chữ Hán: 潘叔直, 1808[1]-1852), hiệu là Hành Quý, Bồ Phong Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, là một Thám hoa triều Nguyễn. Ông cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà địa lý học trong lịch sử Việt Nam.

Phan Thúc Trực
Tên húyDưỡng Hạo
Tên hiệuHành Quý
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên húy
Dưỡng Hạo
Ngày sinh
1808
Nơi sinh
Nghệ An
Mất
Ngày mất
1852
Nơi mất
Thanh Hóa
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Phan Vũ
Học vấnTiến sĩ Nho học
Nghề nghiệpnhà sử học, nhà văn, nhà thơ, nhà địa lý
Quốc tịchnhà Nguyễn
Tác phẩmQuốc sử di biên

Cuộc đời sửa

Xuất thân thần đồng sửa

Nguyên tên của ông là Dưỡng Hạo (養浩), sau mới đổi lại thành Thúc Trực[2]. Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm 1808,mất ngày 13 tháng 10 năm Tự Đức thứ 5 (1852), là người ở làng Phú Ninh,tổng Vân Tụ, nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Dòng họ ông có 7 đời đăng khoa. Cha ông là Phan Vũ, là một Tú tài có tiếng hay chữ và đạo đức, nhưng nhà nghèo phải đi dạy học kiếm sống, được dân trong vùng gọi là thầy "Bồ", với hàm ý là thiên hạ có hai bồ chữ thì riêng ông đã học được một "bồ". Chịu ảnh hưởng của cha, Dưỡng Hạo dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải vừa học, vừa làm, nhưng từ thời trẻ nổi tiếng học giỏi.

Năm 16 tuổi, ông đỗ đầu xứ trong kỳ khảo hạch "tiến ích" của tỉnh, được mệnh danh là thần đồng. Năm 17 tuổi, ông thi đậu Tú tài khoa Ất Dậu (1825) tại trường thi Nghệ An.

Thi cử lận đận sửa

Tuy nhiên, liên tiếp 10 khoa thi, gồm 5 chính khoa đời Minh Mệnh, 3 chính khoa và 2 ân khoa đời Thiệu Trị, ông vẫn chỉ đỗ Tú tài. Thầy dạy của ông ở Diễn Châu nhận xét: "Phan tử tài, Cử nhân bất túc, Tiến sĩ hựu dư" (nghĩa là "Tài năng như trò Phan, mặc dù không đỗ Cử nhân nhưng lại thừa sức đỗ Tiến sĩ").

Theo quy chế thời phong kiến, đậu Cử nhân mới được thi Hội ở Kinh đô, song vì ông đậu Tú tài 10 khoa liên tiếp nên vẫn được đặc cách đi thi. Khoa thi năm Đinh Mùi (1847), tức năm Thiệu Trị thứ 7, từ thi Hội đến thi Đình, văn sách của ông bài nào cũng được các quan giám khảo phê "ưu" hay phê "bình", không có bài nào bị phê "thứ". Vì vậy, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Đình năm đó, trúng cách Thám hoa, nên còn được gọi là Đình nguyên Thám hoa. Ông là người đầu tiên ở Nghệ An đỗ thủ khoa kỳ thi Đình thời triều Nguyễn.[3].

Quan nghiệp ngắn ngủi sửa

Sau khi đỗ Thám hoa được 1 năm, năm Tự Đức nguyên niên, Phan Phúc Trực được bổ sung làm Hàn lâm viện trước tác, hàm Chánh lục phẩm; tiếp đó được bổ vào Tòa nội các (tức Tòa văn thư của nhà vua) rồi được thăng Tập hiền viện thị giảng, hàm Tòng ngũ phẩm Hàn lâm. Ông nhiều lần ứng chế nhiều bài thơ văn, được vua Tự Đức lần khen ngợi và tặng thưởng. Cũng nhờ đó mà ông được Tự Đức đặc cách phong làm Kinh diên khởi cư trú, một chức quan duy nhất luôn luôn gần gũi nhà vua, giúp vua giải quyết việc triều chính và được vua ban ấn tín có thể đi bất cứ nơi đâu trong cung cấm.

Năm Tự Đức thứ 4 (1851), ông vâng chiếu chỉ vua ra Bắc Thành sưu tầm những sách vở cũ. Qua năm sau (1852), sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về kinh đô, nhưng khi đi đến Thanh Hóa thì lâm trọng bệnh, rồi tạ thế trên đường đi, hưởng thọ 44 tuổi.

Nghe tin ông mất, vua Tự Đức vô cùng thương tiếc cho một vị nhân thần có tài đức mà bất hạnh. Nhà vua phái Tổng đốc Nghệ An mang phẩm vật tới tang quyến truy điệu với bốn chữ "Học cao hạnh thuần" (nghĩa là "Học vấn đã cao thâm mà đức hạnh lại thuần hậu") và truy phong cho ông hàm Chánh ngũ phẩm.

Một vị túc nho ở trong huyện Yên Thành đã khóc ông với một đôi câu đối rất ai oán:

Bảng vàng bia đã ngàn thu, thương tiếc thay, người ấy!
Đầu bạc răng long trăm nỗi, đau xót lắm, trời ơi"!

Đương thời, các văn nhân còn tập hợp các bài văn thơ nói về ông thành một tuyển tập đặt tên là "Thám hoa Phan Thúc Trực Cẩm hồi hạ tập"

Tác phẩm đồ sộ sửa

Ông đã để lại cho hậu thế một nhiều tài liệu lịch sử, thơ văn và địa lý rất có giá trị như:

Về Lịch sử sửa

Về Địa lý sửa

Về Văn thơ sửa

Cho đến ngày nay, cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của ông vẫn được các viện nghiên cứu của Pháp, Trung Quốc, Hồng Kông... chú ý nghiên cứu. Tác phẩm Quốc Sử di biên cũng được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường Đại học ở Hồng Kông, Trung Quốc.

Ghi công sửa

  • Trong quá trình làm quan ở kinh đô, ông luôn hoàn thành sớm hơn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vua giao cho. Chưa bao giờ bị vua khiển trách về công việc, do vậy ông được ban thưởng rất nhiều gấm lụa, vàng bạc.
  • Tuy vậy nhưng Phan Thúc Trực luôn quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Dân chúng biết ông làm quan thanh liêm, chính trực và đức độ nên thường đến nhờ vả ông. Ông thường mang những bổng lộc và phần thưởng triều đình ban cho mà phân phát cho dân, ai thiếu gạo ông cho gạo, ai thiếu tiền ông cho tiền, còn ai có vấn đề oan khuất thì ông giúp họ kêu oan...
  • Bấy giờ, cánh đồng làng Vân Tụ thường bị nước mặn dải sông Cẩm Giàng (ngọn sông Bùng) tràn vào mỗi lần thủy triều nước lên, làm cho cánh đồng bị bỏ hoang, cỏ năm cỏ lác mọc đầy ruộng. Thấy vậy, ông bèn cùng dân làng khai hoang hóa, tháo nước mặn chảy ra sông Cẩm Giàng, và đắp đê nắn dòng chảy của sông, đắp đập để dâng nước lên và cho dòng nước chảy ngược từ phía bàu Liên Trì, Mậu Long chảy xuống rửa sạch phèn chua mặn để dân làng Vân Tụ có thể cày cấy.
  • Ông còn ra tận Thanh Hóa mang những giống lúa năng suất về cho dân trồng, mà trong đó có giống lúa nếp Rồng rất thơm được nhân dân xã Khánh Thành và nhân dân huyện Yên Thành lưu truyền cho đến sau này.
  • Vào mùa lũ lụt, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều làm cho đoạn đê phía cuối sông (nay là đoạn đê chạy qua Ủy ban xã Khánh thành, Khánh Dương|Khánh thành) hay bị vỡ. Ông đã hướng dẫn dân chúng đắp một con đê phía trong lòng sông để giảm lực đẩy của nước vào đê chính và cho trồng nhiều cây như cây Cừa, cây Lộc vừng (cây Lộc mưng), cây Gội... là những cây có rất nhiều rễ để chống xói mòn, chắn sóng tốt và không bị đổ vào mùa mưa bão. Nhân dân đặt tên cho con đê đó là "bờ hàn".
  • Là một người sùng đạo Phật, ông đã vận động dân chúng xuất tiền của để tu sửa chùa Non Nước (nay thuộc xóm Tiên Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cạnh con sông Cẩm Giàng).

Chính vì thế, sau khi ông mất, dân làng Vân Tụ đã cho dựng đền thờ và tôn phong cho ông là Thành hoàng của làng. Tên của ông được đặt cho một trường Trung học Phổ thông tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cũng có một con đường mang tên ông.

Giai thoại sửa

Vịnh cháy nhà thờ họ sửa

Thuở còn thiếu niên, do gia đình nghèo, ông phải vừa học vừa làm. Một hôm đang gặt ngoài đồng thì nhà thờ họ Phan Thúc cháy, trống ngũ liên nổi lên, mọi người thì lo dập lửa, riêng ông thì ngồi làm thơ. Bài thơ đó như sau:

Phụng thờ hương khói bấy nhiêu đông,
Một phút làm nên rạng tổ tông.
Trống đánh vang lừng miền ấp Lý,
Tàn bay phấp phới cõi Tây Đông.
Kẻ xa, người ngái nhô đầu lại
Xóm dưới làng trên ngoảnh mặt trông.
Vận hội khi may đen hoá đỏ,
Làm trai như thế sướng hay không?

Bài thơ vịnh cảnh cháy nhà thờ họ nhưng cũng có ẩn ý tả cảnh vinh quy bái tổ của học trò thì đỗ. Nó còn toát lên khẩu khí một con người tài ba, nỗ lực làm nên sự nghiệp trong tương lai. Quả thực, dù gia cảnh khó khăn, thi cử lận đận, cuối cùng ông cũng đỗ đầu với danh hiệu Đình nguyên Thám hoa.

Đối câu với con gái Nguyệt Viên sửa

Thời ông dạy học ở làng Nguyệt Viên, tổng Từ Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Làng này có tục các cô gái vừa kéo vải vừa hát đối đáp với các chàng trai trong đêm. Đôi khi có cả những nhà nho gà cho các bên hát. Một hôm gặp ông đồ xứ Nghệ, các cô bèn ra một vế đối để thử tài:

Gái Nguyệt Viên vừa độ trăng tròn,
Ai muốn lấy mười lăm quan chẵn.

Đây là một vế đối rất hóc hiểm. Nguyệt Viên là tên làng nhưng cũng có nghĩa là trăng tròn, trăng lại tròn vào hôm rằm tức mười lăm. Ông liền đối:

Trai Vân Tụ đông như mây nhóm…

Về đầu đồi rất chỉnh, vì Vân Tụ là quê ông sánh với Nguyệt Viên, và còn có nghĩa là mây nhóm. Nhưng đến vế sau "Ai muốn lấy mười lăm quan chẵn" thì ông bế tắc, đành chữa thẹn: "Mười lăm quan đắt quá, không lấy nữa".

Từ ấy, ông tự thấy sở học mình còn kém, nên lại về quê tiếp tục học nữa. Nhờ đó về sau lừng danh Đình nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực.

Quan Thám Mười sửa

Phan Thúc Trực thi đỗ liên tiếp mười khoa thi, nhưng đều chỉ dừng ở bậc Tú tài. Mặc dù vậy, đỗ Tú tài 10 khoa liên tiếp như vậy là điều chưa xảy ra trong lịch sử khoa bảng. Vì thế văn thân huyện Yên Thành tặng ông đôi câu đối:

Nhất cử thành danh thiên hạ hữu
Thập khoa liên trúng thế gian vô

Tạm dịch

Một khoa thành danh thiên hạ có
Mười khoa đỗ liền thế gian không

Ông còn được vua Thiệu Trị ban cho tấm biển có ba chữ đề "Khôi đa sĩ". Ba chữ này lấy trong sách Tam tự kinh "Đối đại đình, khôi đa sĩ", hàm ý nói ông vào chốn đại đình được đỗ đầu, áp đảo nhiều thân sĩ trong nước.

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Năm sinh chép theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 800) và website Gia phả họ Phan [1].
  2. ^ Việc đổi tên này rất có thể xảy ra khoảng tháng 10 năm 1847, khi mà lệnh kiêng húy chữ "Hạo" (tên khác của Từ Dụ Hoàng Thái hậu) được ban hành (thông tin lấy trong bài giới thiệu sách Quốc sử di biên, bản tiếng Việt, tr. 20).
  3. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 800).

Nguồn tham khảo sửa