Pygoplites diacanthus

loài cá

Cá chim xanh nắp mang tròn[2] (danh pháp hai phần: Pygoplites diacanthus) là loài cá biển duy nhất thuộc chi Pygoplites trong họ Cá bướm gai. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772.

Pygoplites diacanthus
P. diacanthus Thái Bình Dương
P. diacanthus Ấn Độ Dương
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Perciformes
Họ (familia)Pomacanthidae
Chi (genus)Pygoplites
Fraser-Brunner, 1933
Loài (species)P. diacanthus
Danh pháp hai phần
Pygoplites diacanthus
(Boddaert, 1772)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Chaetodon diacanthus Boddaert, 1772

Từ nguyên sửa

Từ định danh của chi được ghép bởi hai từ trong tiếng Hy Lạp cổ đại: pyge (πυγή, "phía sau") và [h]oplites (ὁπλίτης, "có vũ khí"), hàm ý có lẽ đề cập đến ngạnh trên nắp mang, cũng là đặc điểm chung của tất cả các loài cá bướm gai[3].

Từ định danh của loài cũng được ghép bởi hai từ trong tiếng Hy Lạp: di (δίς, "hai") và acanthus (ἄκανθα, "gai, ngạnh"), hàm ý đề cập đến hai ngạnh sắc ở mỗi bên nắp mang. Tác giả Boddaert nhận xét: "Tôi chưa bao giờ thấy một con cá nào có ngạnh sắc như vậy"[3].

Phạm vi phân bố và môi trường sống sửa

P. diacanthus có phạm vi phân bố rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ Biển Đỏ và vùng biển phía nam bán đảo Ả Rập, loài này được ghi nhận dọc theo bờ biển Đông Phi trải dài đến Nam Phi, bao gồm Madagascar và các đảo quốc trong Ấn Độ Dương, cũng như dọc theo bờ biển Ấn Độ; từ Myanmar, loài này xuất hiện trên khắp vùng biển các nước Đông Nam Á, mở rộng về phía đông đến hầu hết các quần đảo, đảo quốc thuộc châu Đại Dương (trừ quần đảo Hawaii, xa nhất là đến Tuamotu); giới hạn phía nam đến bờ biển phía đông của Úc; ngược lên phía bắc đến quần đảo Ogasawaraquần đảo Ryukyu (Nhật Bản)[1][4].

P. diacanthus sống trên các rạn san hô viền bờ, từ vùng biển ven bờ đến ngoài khơi xa, và cả rạn san hô trong các đầm phá ở độ sâu đến ít nhất là 80 m[1].

Mô tả sửa

P. diacanthus có chiều dài cơ thể tối đa được biết đến là 25 cm[4]. Cơ thể đặc trưng bởi các dải sọc màu trắng xanh lam viền đenmàu cam xen kẽ nhau. Đầu có các vệt màu xanh ánh kim và một vùng màu tối sẫm xung quanh mắt. Ngạnh trên nắp mang có màu xanh sáng. Vây lưng nhọn ở sau (bo tròn ở cá con và cá đang lớn), có màu xanh thẫm (hoặc đen) lốm đốm các chấm màu xang sáng. Vây hậu môn có các dải màu cam và xanh xen kẽ tương tự như ở trên thân. Vây đuôi, vây bụng và vây ngực màu vàng tươi; vây ngực trong suốt. Cá con có ít sọc ở thân hơn cá trưởng thành, và có thêm một đốm tròn lớn ở phía sau vây lưng[5][6][7].

Quần thể P. diacanthus ở hai đại dương có sự khác biệt về mặt hình thái: P. diacanthus Ấn Độ Dương (AĐD) có màu vàng ở đầu và ngực, trong khi P. diacanthus Thái Bình Dương (TBD) lại có ngực xám, và màu vàng cũng ít hơn ở đầu[8]. Đảo Giáng Sinh (Úc) là nơi mà kiểu hình của cả hai đại dương đều được nhìn thấy. P. diacanthus AĐD và TBD được cho là cũng đã lai tạp với nhau tại khu vực này[8].

Số gai vây lưng: 13–14; Số tia vây ở vây lưng: 17–22; Số gai vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 17–19[5].

Sinh thái học sửa

Thức ăn phổ biến của P. diacanthushải miên (bọt biển) và các loài thuộc phân ngành Sống đuôi. Chúng có thể sống đơn độc, bắt cặp với nhau hoặc hợp thành đàn[4]. Cá con rất nhát, thường ẩn mình trong các hang hốc[1].

Thương mại sửa

P. diacanthus thường được thu thập và xuất khẩu trong ngành buôn bán cá cảnh. Chúng là một loài khó sống trong điều kiện nuôi nhốt, thường chết trong vòng 6 tháng[1].

Tham khảo sửa

  1. ^ a b c d e Pyle, R.; Myers, R.F.; Rocha, L.A.; Craig, M.T. (2010). Pygoplites diacanthus. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T165885A6157224. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T165885A6157224.en. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ “Cá chim xanh nắp mang tròn”. VNcreatures. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2021.
  3. ^ a b Scharpf, C.; Lazara, K. J. (2021). “Order ACANTHURIFORMES (part 1)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2021.
  4. ^ a b c Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Pygoplites diacanthus trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2021.
  5. ^ a b John E. Randall; Gerald Robert Allen; Roger C. Steene (1998). Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 246. ISBN 978-0824818951.
  6. ^ Dianne J. Bray. “Regal Angelfish, Pygoplites diacanthus (Boddaert 1772)”. Fishes of Australia. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2021.
  7. ^ Joe Shields (biên tập). Pygoplites diacanthus Pomacanthidae”. Reef Life Survey. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2021.
  8. ^ a b Richard R. Coleman và cộng sự (2016). “Regal phylogeography: Range-wide survey of the marine angelfish Pygoplites diacanthus reveals evolutionary partitions between the Red Sea, Indian Ocean, and Pacific Ocean”. Molecular Phylogenetics and Evolution. 100: 243–253.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)