Quách Bảo Ngọc

tướng lĩnh người Hán của Đế quốc Mông Cổ

Quách Bảo Ngọc (chữ Hán: 郭宝玉, ? – ?), tên tựNgọc Thần, người huyện Trịnh, Hoa Châu [1], là một trong 4 tướng lĩnh người dân tộc Hán đầu tiên của Đế quốc Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn (3 viên Hán tướng còn lại là Sử Bỉnh Trực, Trương NhuPhạm Chu Cát). Ông tham gia cuộc tây chinh đầu tiên của Đế quốc Mông Cổ, từng bị trọng thương và được cứu chữa bằng cách nhét vào bụng bò.

Quách Bảo Ngọc
郭宝玉
Tên chữNgọc Thần
Thông tin cá nhân
Sinh
Quê quán
châu Hoa
Giới tínhnam
Gia quyến
Hậu duệ
Quách Đức Hải
Nghề nghiệpchỉ huy quân đội
Quốc tịchnhà Nguyên

Đầu hàng Mông Cổ sửa

Bảo Ngọc là hậu duệ của Quách Tử Nghi – danh tướng nhà Đường, nguyên quán là huyện Dương Khúc, địa cấp thị Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Bảo Ngọc thông hiểu thiên văn, binh pháp, giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Cuối đời Kim, Bảo Ngọc được phong Phần Dương quận công (Quách Tử Nghi được nhà Đường phong tước Phần Dương quận vương), kiêm Mãnh An, đưa quân đồn trú Định Châu [2].

Năm 1211, có lời đồng dao rằng: "Vẫy vẫy mũ cao, đến Hà Nam, phong Yên chi." [3] Đến khi sao Thái Bạch hiện ra ban ngày, Bảo Ngọc than rằng: "Quân bắc nam hạ, Biện Lượng sắp hàng, trời đổi họ rồi."

Nhà Kim lấy Độc Cát Tư Trung, Hoàn Nhan Thừa Dụ làm Hành trung thư tỉnh, lĩnh binh đắp Ô Sa Bảo [4], chợt quân Mông Cổ của Mộc Hoa Lê kéo đến, đánh bại hơn 30 vạn quân Kim, bọn Tư Trung bỏ chạy, Bảo Ngọc bèn đem quân ra hàng [5].

Mộc Hoa Lê tiến cử Bảo Ngọc với Thành Cát Tư Hãn; được hỏi về sách lược lấy Trung Nguyên, ông đáp rằng: "Trung Nguyên thế lớn, không thể lấy ngay. Các tộc Phiên ở tây nam mạnh tợn có thể dùng, nên lấy nơi ấy trước, mượn sức họ mưu đồ nước Kim, ắt được như ý vậy." Lại nói: "Buổi đầu dựng nước, nên đặt lệnh mới." Thành Cát Tư Hãn nghe theo. Dựa theo những gì Bảo Ngọc trình bày, nước Mông Cổ ban bố 5 chương điều lệnh: ra quân không được giết sằng; dụng hình chỉ có tội nặng là xử tử, kỳ dư các tội khác thì cân nhắc phạt đòn; Quân hộ, người Mông Cổ, Sắc mục thì mỗi đinh lấy 1 quân, người Hán có 4 khoảnh ruộng thì 3 đinh lấy 1 quân [6]; 15 tuổi trở lên là thành đinh, 60 tuổi là phá lão, trạm hộ tương đồng với quân hộ; thợ trong dân giới hạn chỉ có 1 khoảnh ruộng; tăng nhân, đạo sĩ chẳng ích cho nước, gây hại cho dân thì cấm chỉ hoạt động.

Tham gia chinh chiến sửa

Thành Cát Tư Hãn sắp tây chinh, e ngại thành trì ở đấy phần nhiều dựa vào vị trí hiểm trở của núi non, hỏi Bảo Ngọc sách lược tấn công, ông đáp rằng: "Nếu thành của họ ở trên trời, thì không thể lấy được, còn nếu không ở trên trời, thì ắt lấy được." Thành Cát Tư Hãn khen ngợi, cho Bảo Ngọc thụ chức Sao mã đô trấn phủ (Sao mã nghĩa là ngựa bị trưng thu). Năm 1213, Bảo Ngọc theo Mộc Hoa Lê chiếm Vĩnh Thanh, phá Cao Châu [7], thu hàng Bắc Kinh [8], Long Sơn [9][10]; lại soái Sao mã từ Cẩm Châu ra Yên Nam, phá các châu huyện thuộc Thái Nguyên, Bình Dương [11].

Năm 1219, Bảo Ngọc theo đại quân tây chinh[12], phá địch hơn 30 vạn. Bảo Ngọc trúng tên lạc vào ngực, Thành Cát Tư Hãn mệnh cho moi bụng bò đặt ông vào, một lúc sau thì tỉnh lại. Bảo Ngọc tiếp tục chiến đấu, tham gia lấy các thành Biệt Thất Bát Lý [13], Biệt Thất Lan [14]. Quân Mông Cổ đến Hốt Chương Hà [15], người Khwarezmia bày trận đôi kháng cự; hai bên giao chiến đang hăng, Bảo Ngọc quan sát đối phương, vội hô rằng: "Trận tây chạy rồi!" Kẻ địch quả nhiên bỏ chạy, quân Mông Cổ đuổi giết bằng sạch. Quân Mông Cổ hạ thành Triêm Tư Kiền [16], tiến đến Ám Mộc Hà [17], gặp hơn 10 lũy của địch, còn có thuyền trên sông. Lát sau sóng gió nổi lớn, Bảo Ngọc lệnh cho bắn tên lửa vào thuyền địch, một lúc cháy cả; quân Mông Cổ thừa thắng xông lên, phá 5 vạn quân giữ trên bờ, chém đại tướng Tá Lý, rồi dẹp các lũy, thu lấy thành Mã Lý Tư của Hô Lạp Thương bộ [18].

Năm 1221, Sultan của Đế quốc KhwarezmianJalal ad-Din Mingburnu chạy vào Thiết Môn [19], đồn trú Đại Tuyết Sơn [20], Bảo Ngọc tham gia truy kích, ông ta bèn chạy sang Ấn Độ [21]. Quân Mông Cổ ở trước Đại Tuyết Sơn, bấy giờ tuyết trong cốc dày 2 trượng, Bảo Ngọc xin phong thần sông, núi. Tháng 3 ÂL năm 1222, Thành Cát Tư Hãn phong Côn Lôn Sơn làm Huyền Cực vương, Đại Diêm Trì làm Huệ Tế vương [22]. Bảo Ngọc tiếp tục theo Triết Biệt, Tốc Bất Đài tây chinh, nhờ công dần thăng đến Đoạn sự quan (quan chức quản lý chánh vụ) [23], mất ở Hạ Lan Sơn.

Các con sửa

Bảo Ngọc có hai con trai:

Tham khảo sửa

  1. ^ Nay là huyện Hoa, địa cấp thị Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây
  2. ^ Nay là huyện cấp thị Định Châu, địa cấp thị Bảo Định, tỉnh Hà Bắc
  3. ^ Nguyên văn: 摇摇罟罟, 至河南, 拜阏氏, Hán Việt: diêu diêu cổ cổ, chí Hà Nam, bái Yên chi. 罟罟 là loại mũ cao của phụ nữ quý tộc Mông Cổ. Thẩm Đức Phù (nhà Minh) – Cố khúc tạp ngôn: "Người đời Nguyên gọi thứ mệnh phụ đội là cổ cổ, ấy là thổ ngữ của họ."
  4. ^ Nay là tây bắc huyện Trương Bắc, địa cấp thị Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc
  5. ^ Tục tư trị thông giám quyển 159, Tống kỷ 159 – Năm Gia Định thứ 4 thời Ninh Tông Pháp Thiên Bị Đạo Thuần Đức Mậu Công Nhân Văn Triết Vũ Thánh Duệ Cung Hiếu (năm Đại An thứ 3 nhà Kim, năm thứ 6 thời Mông Cổ Thái Tổ): Thông Cát Tư Trung, Hoàn Nhan Thừa Dụ của nhà Kim sửa Ô Xá Bảo, chưa kịp phòng thiết bị, Triết Bá của Mông Cổ khiển A Cáp đem khinh binh ập đến, bạt Ô Xá Bảo cùng Ô Vân Doanh, bọn Tư Trung bại tẩu. Khi ấy Phần Dương quận công Quách Bảo Ngọc đồn trú Định Châu, cử quân của ông ta đầu hàng Mông Cổ."
  6. ^ Đời Nguyên các dân tộc Khâm Sát, Hồi Hồi, Đường Ngột, Oát La Tư,... có địa vị xếp sau người Mông Cổ, ở trên người Hán. Nguyên sử – Tuyển cử chí 1: "Người Mông Cổ, Sắc mục làm một bảng; người Hán, người Nam làm một bảng."
  7. ^ Nay là phía đông địa cấp thị Xích Phong, khu tự trị Nội Mông Cổ
  8. ^ Nay là trấn Đại Minh, huyện Ninh Thành, địa cấp thị Xích Phong, khu tự trị Nội Mông Cổ
  9. ^ Nay là công viên rừng quốc gia Phượng Hoàng Sơn, phía đông địa cấp thị Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh
  10. ^ NS, tlđd chỉ chép là "năm Quý dậu", tức là năm 1213. Tục tư trị thông giám quyển 160, Tống kỷ 160 chép cụ thể thời gian Mộc Hoa Lê chiếm Vĩnh Thanh là tháng 10 ÂL năm 1213, chiếm Cao Châu là tháng 11 ÂL năm 1214, thu hàng Bắc Kinh là tháng 2 ÂL năm 1215, riêng Long Sơn thì không rõ
  11. ^ Tục tư trị thông giám quyển 161, Tống kỷ 161 chép Mộc Hoa Lê đến năm 1218 mới phá được phủ thành của Thái Nguyên, Bình Dương
  12. ^ NS, tlđd chép là "Năm Giáp tuất (1214), theo đế thảo Khiết Đan di tộc, đi qua các thành Cổ Từ Quỷ Quốc Ngoa Di Đóa", TNS, tlđd chép "Năm thứ 14 (thời Mông Cổ Thái Tổ, 1219), theo đế tây chinh". "Cổ Từ Quỷ Quốc Ngoa Di Đóa", NS – Hạt Tư Mạch Lý truyện chép là "Cốc Tắc Oát Nhân Đóa", Da Luật Sở Tài – Tây du lục chép "Hổ Tư Oa Lỗ Đóa" (Gus ordo), tức là đô thành của nước Tây Liêu, thời Khách Lạt hãn quốc (Kara Khanid Khanate) gọi là Bát Lạt Sa Cổn (Balasagun), nay là vị trí cách 12 km theo hướng đông nam thành phố Tokmok, tỉnh Chuy, Kyrgyzstan. Như vậy, theo NS, tlđd, Quách Bảo Ngọc đã tham gia hành động thôn tính Tây Liêu (1216 – 1218); còn theo TNS, tlđd thì ông chỉ tham gia từ khi cuộc tây chinh do đích thân Thành Cát Tư Hãn chỉ huy (1219). Người viết dựa theo TNS, tlđd, vì cho rằng lực lượng Mông Cổ tham dự cuộc chiến với Tây Liêu bị hạn chế là vì chiến sự Mông – Kim đang diễn ra, Thành Cát Tư Hãn không thể vô cớ điều động 1 hàng tướng Kim như Quách Bảo Ngọc
  13. ^ Beshbalik là tòa cổ thành nằm ở phía bắc huyện Cát Mộc Tát Nhĩ (Jimsar), châu tự trị dân tộc Hồi Xương Cát, khu tự trị Tân Cương. Trong tiếng Đột Quyết, "besh" nghĩa là 5 (số), "balik" nghĩa là tòa thành. Da Luật Sở Tài, tlđd chép "Biệt Thạch Bả", Trần Thành (nhà Minh) – Tây Vực phiên quốc chí chép "Biệt Thất Bát Lý". Beshbalik đời Nguyên – Minh thuộc về Sát Hợp Đài hãn quốc (Trần Thành từng đi sứ Tây Vực, ghé qua nơi này), đời Thanh gọi là Đình Châu, vị trí hiện tại được xác định dựa theo Từ Tùng – Hán thư Tây Vực chí bổ chú nhận
  14. ^ Chưa khảo cứu được
  15. ^ Nay là Tích Nhĩ Hà (Syr Darya)
  16. ^ NS, tlđd chép là "Triêm Tư Kiền", Thái Tổ bản kỷ, Da Luật A Hải truyện đều chép là "Tầm Tư Kiền", Địa lý chí, Tây bắc địa phụ lục chép là "Tát Mã Nhĩ Kiền", ngay nay là thành phố Samarkand, tỉnh (viloyati) Samarkand, Uzbekistan
  17. ^ NS, tlđd chép là "Ám Mộc Hà", TNS, tlđd chép là "A Mẫu Hà", ngày nay là Amu Darya
  18. ^ Hiện nay chưa rõ vị trí của thành Mã Lý Tư; người viết chưa tìm được thông tin về Hô Lạp Thương bộ, nhưng ở chi tiết này thì TNS – Tây Vực truyện chép nhất quán: Triết Biệt vượt A Mẫu Hà thì gặp Hô Lạp Thương bộ
  19. ^ Thiết Môn ở đây là một nơi chưa xác định ở nam bộ Uzbekistan, không phải là Thiết Môn Quan của Tây Vực (ngày nay là khu du lịch huyện cấp thị Khố Nhĩ Lặc (Korla), địa cấp thị Ba Châu, khu tự trị Tân Cương)
  20. ^ Nay là dãy núi Hindu Kush
  21. ^ NS, tlđd chép là "Năm Tân tị, Duy Toán Đoan Hãn (??) của nước Khả Phất Xoa (tức Khâm Sát (Kipchak) phá nước Nãi Mãn (Naiman) (??), dẫn binh chiếm cứ Triêm Tư Kiền, nghe đế sắp đến, bỏ thành nam tẩu, vào Thiết Môn, đồn trú Đại Tuyết Sơn, Bảo Ngọc đuổi theo, bèn chạy sang Ấn Độ." TNS, tlđd chép là "Năm thứ 16, Tây Vực chủ Trát Lạt Lặc nam tẩu vào Thiết Môn, Bảo Ngọc đuổi theo, bèn chạy sang Ấn Độ." Vì NS chép rối rắm, lẫn lộn (VD: không có sử liệu khác cho biết người Khâm Sát tiến vào Khwarezmian; không còn nước Naiman), nên người viết dựa theo TNS
  22. ^ Đại Diêm Trì ở đây là một phần của hồ nước mặn Hàm Hải hay A Lạp Hải (biển Aral), vị trí nằm giữa KazakhstanUzbekistan
  23. ^ NS, tlđd chép là "Theo 2 tiên phong Chá Bách, Tốc Bất Đài thu các nước Khiết Đan (Hậu Liêu??), Bột Hải (??), có công, dần thăng làm Đoạn sự quan." TNS, tlđd chép là "Theo Giả Biệt, Tốc (Bất Đài) chuyển chiến có công, dần thăng làm Đoạn sự quan." Vì NS chép rối rắm, lẫn lộn (Hậu Liêu, Bột Hải đều ở phía đông, cách xa tuyến hành quân của Triết Biệt, Tốc Bất Đài), nên người viết dựa theo TNS

Thư mục sửa

  • Nguyên sử quyển 149, liệt truyện 36 – Quách Bảo Ngọc truyện
  • Tân Nguyên sử quyển 146, liệt truyện 43 – Quách Bảo Ngọc truyện