Rourea là một chi thực vật có hoa trong họ Connaraceae. Chi này được Jean Baptiste Christophore Fusée Aublet công bố mô tả khoa học đầu tiên năm 1775.[1][2]

Rourea
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
Bộ (ordo)Oxalidales
Họ (familia)Connaraceae
Chi (genus)Rourea
Aubl., 1775
Loài điển hình
Rourea frutescens
Aubl., 1775
Các loài
Đến 80. Xem văn bản.
Danh pháp đồng nghĩa

Lịch sử phân loại sửa

Năm 1775 Aublet công bố chi Rourea với một loài là Rourea frutescens ở miền bắc Nam Mỹ. Ba loài tiếp theo được mô tả trước khi công bố sửa đổi ngắn về Connaraceae của Planchon năm 1850. Trong sửa đổi này, Planchon bổ sung 24 loài mới hay các kết hợp danh pháp mới từ châu Mỹ, châu Á và châu Phi.[3]

Trong giai đoạn 187-1870 Baillon kết hợp các chi RoureopsisBernardinia của Planchon cũng như chi Byrsocarpus của Schumacher với Rourea. Khái niệm này về Rourea là gần như tương tự với định nghĩa trong bài này, được nhiều tác giả khác như Baker, Hiern, De Wildeman và Gilg tuân theo.[3]

Sau đó Gilg và tiếp theo là Schellenberg lại sử dụng định nghĩa hẹp hơn của Rourea, làm phát sinh các chi mới như Jaundea, Paxia, Santaloides, Santaloidella, Spiropetalum v.v., tất cả đều trong giới hạn của Rourea theo nghĩa rộng của Baillon. Hậu quả của điều này, cùng với sự phục hồi các chi ByrsocarpusRoureopsis, làm cho tên gọi Rourea biến mất khỏi các loài ở châu Phi và châu Á cũng như các giới hạn chi hẹp và không đáng tin cậy gây ra nhiều lộn xộn, chẳng hạn như Schellenberg (1938) đề cập tới vật liệu hoa của Rourea parviflora như là Byrsocarpus parviflorus nhưng vật liệu quả của nó lại như là Santaloidella gilletii.[3]

Năm 1958 khi xử lý Connaraceae cho Flora Malesiana thì Leenhouts đã bác bỏ nhiều chi nhỏ và mới này và gộp chúng vào Rourea, nhưng vẫn công nhận chi Roureopsis. Keraudren (1958) cũng xử lý tương tự đối với hệ thực vật Madagascar khi gộp ByrsocarpusSantaloides vào Rourea.[3]

Các khác biệt chính để phân biệt Rourea với Roureopsis theo nghĩa Leenhouts là cánh hoa cuốn trong và lá đài không xếp lợp ở quả. Tuy nhiên, các đặc trưng này không phải là dành riêng, các cánh hoa cuộn trong cũng được thấy ở Rourea thomsonii (trước đây là Jaundea) và các lá đài của đài mang quả là không xếp lợp ở nhiều loài châu Mỹ và thường cũng không thấy ở Rourea cassioides (trước đây là Byrsocarpus cassioides). Leenhouts hợp nhất chi Taeniochlaena ở châu Á với Roureopsis. Chẩn đoán của ông cho các chi kết hợp này chỉ cần các điều chỉnh nhỏ là có thể gộp cùng SpiropetalumPaxia ở châu Phi. Quả nhẵn nhụi là một trong hai đặc trưng chia tách Paxia với Spiropetalum.[3] Thực vật chí Trung Hoa (Flora of China) hiện vẫn tách Rourea với Roureopsis như là 2 chi độc lập.[4][5]

Trong số các loài Connaraceae với hoa 5 lá noãn thì Rourea được giới hạn bằng sự kết hợp của các đặc trưng sau: Lá kép lông chim (đôi khi có thể có các cành với lá một lá chét hay ba lá chét), không có cuống nhị nhụy, quả đại thuôn tròn tại đáy, không cuống, nhẵn bên trong và hạt không nội nhũ.[3]

Mô tả sửa

Dây leo thân gỗ, cây bụi mọc thẳng hay leo bám hoặc cây gỗ nhỏ, thường với mô xốp hình hạt đậu rõ nét trên thân cây. Các cành hình trụ hoặc có thùy rõ ràng, thường kết thúc bằng chỏm dạng tua cuốn; gỗ của một số loài thường với libe giữa các lớp xylem. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, không lá kèm, có cuống, các lá chét nếu nhỏ thì nhiều về lượng hoặc nếu to thì ít về lượng, thỉnh thoảng với chỉ một lá chét; các lá chét mọc đối hay gần đối hoặc so le, mép nguyên, đối xứng hoặc bất đối xứng, thường có mấu nhọn, các gân bên mịn, chạy thẳng nhiều hay ít về phía mép lá. Cụm hoa ở nách lá, là chùy hoa hay cành hoa đôi khi gần như hình cầu, thường có trên một cụm hoa mỗi nách của lá đôi khi thô sơ, đôi khi có 1 hoặc nhiều cụm hoa cùng nhau ở đầu các cành có lá và tương tự như cụm hoa đầu cành (cụm hoa giả đầu cành). Lá bắc hình trứng-mũi mác; các lá bắc con hình mũi mác, có lông ở rìa. Hoa sớm ra, nhỏ, lưỡng tính, mẫu 5, bộ nhụy và bộ nhị dị hình, có mùi thơm; cuống hoa luôn có khớp nối khác biệt. Lá đài 5, rời hoặc hợp sinh gần như hoàn toàn, xếp lợp trong chồi, ôm chặt gốc tràng hoa, nhẵn nhụi hoặc có lông măng, mép có lông rung, bền và thường đồng phát triển ở quả, đôi khi mạnh tới mức là đồng phát triển ngay sau khi thụ phấn khi quả còn rất nhỏ. Cánh hoa 5, dài bằng hoặc hơn lá đài, rời hay chụm lại tại gốc, thường có lưỡi bẹ và cuộn trong hay xếp nếp, màu trắng với vết vàng hay đỏ, nhẵn nhụi hoặc với ít lông ở đỉnh. Nhị hoa 10, xếp thành 2 vòng, hơi hợp nhất tại gốc, 5 nhị đối diện lá đài dài hơn 5 nhị đối diện cánh hoa; chỉ nhị nhẵn nhụi, hợp sinh thành một ống ngắn ở đáy. Bầu nhụy có lông, vòi nhụy hình trụ thon; đầu nhụy hình đầu hay gần hình đầu, 2 thùy không rõ nét. Lá noãn 5 nhưng phần lớn chỉ 1 thuần thục, rời, từ nhẵn nhụi tới rậm lông, chèn đáy; noãn 2, thẳng đứng, đính bên. Quả là quả đại không cuống, 1-5 mỗi hoa, hình trứng đến hình elip với đỉnh thuôn tròn hay nhọn hoặc có mỏ, bên trong nhẵn nhụi, bên ngoài nhẵn nhụi hoặc có lông nhung và/hoặc với các lông tuyến, màu da cam, đỏ hay đôi khi màu trắng, mở theo chiều dọc theo khe nứt mặt bụng hoặc theo đường vòng nhiều hay ít ở đáy. Hạt 1, hiếm khi 2 mỗi quả đại con, từ gần hình trứng đến hình elipxoit, đôi khi cong, đỉnh có mấu nhọn; vỏ hạt từ mọng thịt một phần đến mọng thịt toàn phần, phần vỏ hạt này có màu từ vàng tới đỏ, các phần khác của vỏ hạt màu nâu sẫm tới đen (đôi khi đỏ?) và bóng; rốn hạt ở đáy; nội nhũ không có ở hạt thuần thục; các lá mầm phẳng lồi, nhẵn nhụi; rễ mầm từ ở đỉnh đến ở bụng. Cây non mọc trên hay dưới mặt đất.[3][4][5][6]

Phân bố sửa

Các loài phân bố trong vùng nhiệt đới toàn thế giới, vùng ôn đới châu Á, Bắc Mỹ và Queensland.[3][6] Môi trường sống của phần lớn các loài là rừng mưa nhiệt đới.[3]

Các loài sửa

Danh sách 81 loài dưới đây lấy theo Plants of the World Online:[6]

Chú thích sửa

  1. ^ Fusée Aublet J. B. C., 1775. Histoire des plantes de la Guiane Françoise, rangées suivant la méthode sexuelle, avec plusieurs mémoires sur différens objets intéressans, relatifs à la Culture & au Commerce de la Guiane Françoise, & une Notice des Plantes de l' Isle-de-France. Tome 1. Pp. I–XXIX, 30–32, 1–621. Pierre-François Didot jeune, Londres [London], Paris.
  2. ^ The Plant List (2010). Rourea. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2020.
  3. ^ a b c d e f g h i C. C. H. Jongkind & R. H. M. J. Lemmens, 1989. The Connaraceae – a taxonomic study with special emphasis on Africa. Trang 310-368. Agric. Univ. Wageningen papers 89-6.
  4. ^ a b Rourea (红叶藤属, hồng diệp đằng chúc) trong e-flora. Tra cứu ngày 25-5-2020.
  5. ^ a b Roureopsis (朱果藤属, chu quả đằng chúc) trong e-flora. Tra cứu ngày 25-5-2020.
  6. ^ a b c Rourea trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 25-5-2020.
  7. ^ The Plant List viết là Santaloides filgens.
  8. ^ The Plant List viết là Santaloides radlkoferanum.

Liên kết ngoài sửa