Tăng Hòa (nhà Thanh)

quan viên nhà Thanh

Tăng Hòa (chữ Hán: 曾鉌; 1839 – 1901), tự Hoài Thanh (懷清) hay Hòa Thục (和淑),[1] người thị tộc Hỷ Tháp Lạp thuộc Mãn Châu Chính Bạch kỳ,[2] là quan viên cuối đời Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

Tăng Hòa
Tên chữHoài Thanh; Hòa Thục
Thông tin cá nhân
Sinh1839
Mất1901
Giới tínhnam
Quốc tịchnhà Thanh

Cuộc đời sửa

Tăng Hòa sinh năm Đạo Quang thứ 19 (1839). Cha ông là Khánh Quân, làm đến Ninh Hạ Tướng quân.[note 1] Năm Hàm Phong thứ 11 (1861), Tăng Hòa nhờ chế độ “Nhiệm tử”[note 2] mà được làm Bút thiếp thức ở Hộ bộ.[3] Đến năm Đồng Trị thứ 5 (1866), ông được vào Công bộ học tập hành tẩu.[4] Hai năm sau, ông được bổ nhiệm làm Chủ sự Công bộ, dần được thăng làm Lang trung, rồi được sung làm Quân cơ xứ Chương kinh, chuyển làm Ngự sử.

Năm Quang Tự thứ 9 (1883), Tăng Hòa được ra làm Thiểm Tây đốc lương đạo. Nông dân Thiểm Tây theo lệ phải nộp thuế bằng lương thực ở kho tỉnh, vì đường sá xa xôi nên chịu nhiều thất thoát; Tăng Hòa sửa phép thu thuế sao cho phù hợp, được dân khen là tiện. Trình độ học vấn của người Thiểm Tây thấp kém, Tăng Hòa cậy danh sĩ người Trường An là Bách Cảnh Vĩ, người Hàm Dương là Lưu Quang Phần đứng đầu Quan Trung thư viện, đốc thúc học tập, được giới sĩ phu đánh giá là hợp lý. Tăng Hoa lại đặt cục Tàm Tang, mời bậc thầy nghề dệt dạy phép nấu tơ, dệt và nhuộm, hằng năm làm ra lụa có chất lượng ngang với Sơn Đông, Hà Nam.

Năm thứ 13 (1887), Tăng Hòa được thăng làm Án sát sứ; năm sau rời chức vì tang mẹ. Sau đó Tăng Hòa được nhận lại chức cũ, ít lâu sau thăng làm Cam Túc Bố chính sứ.

Năm thứ 24 (1898), Tăng Hòa được điều về Trực Lệ, ông từ chối nên được ở lại đương chức. Sau khi được cất nhắc làm Hồ Bắc Tuần phủ, Tăng Hòa bùi ngùi nói: “Đã đến lúc này, còn có thể câu nệ phép tắc cũ hay sao?” Vì thế Tăng Hòa mượn ấn của Thiểm Cam tổng đốc để trần thuật 4 việc bổ quan (bổ nhiệm quan lại), xế thiêm,[note 3] độ chi,[note 4] tụng ngục (xử án), đề nghị thay đổi đường lối cũ, nhằm tăng cường quốc lực. Thị độc Học sĩ Di Cốc, Quang lộc tự Thiếu khanh Trương Trọng Hân lên án tố cáo Tăng Hòa gây loạn chính sự, nên triều đình giáng chiếu lột chức của ông.

Từ khi còn làm quan ở kinh sư, Tăng Hòa chỉ thuê nổi một căn nhà xập xệ. Sau khi nhậm chức ngoài tỉnh, Tăng Hòa chăm chăm lo cho dân, bản thân chẳng có gì. Đến lúc bị phế chức, Tăng Hòa đi lại đều không có ngựa xe, hằng năm dân Thiểm Tây góp tiền giúp đỡ ông. Cuối đời, tình cảnh ngày càng khốn khó, Tăng Hòa phải mặc áo rách, xem bói ở chợ, được ít lâu thì mất.

Năm Tuyên Thống đầu tiên (1909), tổng đốc Đoan Phương tâu xin khôi phục nguyên quan cho Tăng Hòa.

Tham khảo sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Gọi đầy đủ là Trú phòng tướng quân (驻防将军), là chức võ quan được nhà Thanh đặt ra từ năm Thuận Trị thứ 2 (1645). Trú phòng tướng quân đứng đầu quân đội Bát kỳ đóng tại 18 cứ điểm chiến lược quan trọng trên cả nước, hàm Tòng nhất phẩm. Một đơn vị trú phòng đứng đầu là Tướng quân, thứ là Đô thống, rồi đến Phó đô thống, Thành thủ úy, Phòng thủ úy,... Trên nguyên tắc, “Tướng quân” là thành viên Bát kỳ.
  2. ^ Nhiệm tử (任子), quen gọi là ấm tập (荫袭), ấm bổ (荫补), ít gọi hơn là môn ấm (门荫), thế thưởng (世赏) xuất hiện ở Trung Quốc từ đời Xuân Thu, là chế độ trao quan chức cho con em trong gia đình quan lại cấp cao đương chức, hậu duệ của công thần và danh nhân các triều đại trước. Cần phân biệt với Thế tập (世袭) – được nhận quan tước tương đồng với tiền nhân, người nhờ Ấm tập hay Nhiệm tử chỉ được nhận quan chức cấp thấp, hàm rỗng (quan giai), thậm chí chỉ là tư cách làm quan (thay vì phải thi cử). Ấm tập hay Nhiệm tử đời Thanh được chia làm 3 cấp: Ân ấm (dành cho con em kinh quan mang hàm tứ phẩm, ngoại quan mang hàm tam phẩm, quân quan mang hàm nhị phẩm trở lên): một con trai được vào Quốc tử giám, hoặc căn cứ vào cấp bậc của cha ông mà trao hàm rỗng, chức vụ tương ứng; Nạn ấm (dành cho con em quan chức hy sinh khi làm nhiệm vụ): một con trai được vào Quốc tử giám, có ngoại lệ được trao quan chức; Đặc ấm (dành cho hậu duệ của công thần và danh nhân): chọn một thành viên để trao chức vụ hoặc hàm rỗng. Ở đây Tăng Hòa được Ân ấm, vì có cha là quân quan mang hàm Tòng nhất phẩm.
  3. ^ 掣签/xế (rút) thiêm (thẻ) là biện pháp lựa chọn quan lại đời Thanh, trong trường hợp có nhiều ứng viên cho một vị trí. Thậm chí, việc lựa chọn Phật sống ở Tây Tạng, thông qua hình thức rút thẻ là Càn Long đế ấn định
  4. ^ 度支/độ chi là quan chức do nhà Tào Ngụy thiết lập, quản lý tài chính, từ đời Nguyên quy về Hộ bộ, ở đây chỉ công tác tài chính nói chung

Tài liệu sửa

  • Dương Đình Phúc; Dương Đồng Phủ (2001). 清人室名别称字号索引 [Tra cứu thất danh biệt xưng tự hiệu của người nhà Thanh]. Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải. ISBN 9787532529711.
  • Tiễn Nghi Cát; Mâu Thuyên Tôn; Mẫn Nhĩ Xương; Uông Triệu Dong (1987). 清代碑传全集 [Thanh đại Bi truyện toàn tập]. Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải. ISBN 9787532504770.
  • Tần Quốc Kinh (1997). 清代官员履历档案全编 [Tổng hợp hồ sơ lý lịch quan viên nhà Thanh]. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hoa Đông. ISBN 9787561716236.
  • Thanh sử cảo, Quyển 464, Liệt truyện 251 – Tăng Hòa truyện