Từ Hy (hangul: 서희, phát âm như: Xo Hi, hanja: 徐熙; 942 - 8 tháng 8 năm 998), hay Seo Hui là một chính khách, nhà ngoại giao xuất sắc của Cao Ly. Bằng tài ngoại giao của mình, ông đã thuyết phục được nhà Liêu rút 6 vạn quân ra khỏi Cao Ly, không phải chiến tranh.[1][2][3]

Tiểu sửSửa đổi

Từ Hy là con của Từ Bật (徐弼 Seo Pil), quê ở Incheon (Nhân Xuyên) ngày nay. Từ Bật từng làm quan đến chức Nội Nghị lệnh (Naeuiryeong), đứng đầu Nội Nghị Tỉnh (Naeuiseong) - một bộ phận mưu sĩ của vua Quang Tông. Dòng họ Từ (徐 Seo) là một hào tộc ở Cao Ly. Giống như cha, Từ Hy cũng trở thành quan chức cao cấp của triều đình. Một người con của Từ Hy là Từ Nột (徐讷 Seo Nul) làm quan đến chức Môn hạ Thị trung (Munha sijung) quyền lực tương đương bộ trưởng. Một người con khác là Từ Duy Kiệt (徐惟杰 Seo Yu-geol) làm quan đến chức Tả Phó xạ (Jwabokya), chức quan thứ hai trong Thượng thư Tỉnh (Sangseoseong). Một trong những người con gái của Seo Hui trở thành Hoàng Hậu, vợ của vua Hiển Tông.[2]

Sự nghiệpSửa đổi

Sau khi thi đỗ cao trong kỳ thi tuyển của triều đình, tháng 3 năm 960, Từ Hy bắt đầu làm quan trong triều đình, kinh qua nhiều vị trí ở các cơ quan khác nhau. Năm 960, giữ chức Quảng Bình viện Ngoại lang (广评员外郎 Gwangpyeongwon oerang), sau chuyển sang Nội thị Nghị lang (内议侍郎 Naesi uirang). Năm 983, Từ Hy được giao chức Binh quan Ngự sự (兵官御事 Byeonggwan eosa), phụ trách việc quân sự. Từ vị trí này, Từ Hy được bổ làm Nội sử Thị lang Bình chương sự (內史侍郎平章事 Naesasirang pyeongjangsa) - vị trí cao thứ hai trong Nội Nghị Tỉnh (như Hội đồng Cơ mật). Sau đó, lên vị trí cao nhất của cơ quan này, chức Thái Bảo Nội Sử lệnh (太保内史令 Taebo Naesaryeong).[2] Trong khi giữ các cương vị đối nội cấp cao như thế, Seo Hui vẫn được cử tham gia đoàn ngoại giao của Cao Ly sang Tống để tái lập quan hệ ngoại giao năm 992.

Năm 993, tướng Liêu là Tiêu Tốn Ninh (蕭遜寧) dẫn 6 vạn quân tấn công vào Pongsan, buộc quan quân Cao Ly phải rút về phía nam sông Đại Đồng (Taedong). Quân Liêu yêu cầu Cao Ly đầu hàng và dâng đất cho nhà Liêu. Ban đầu, vua Thành Tông định chấp nhận dâng đất cầu hòa, nhường lãnh thổ phía bắc Bình Nhưỡng ngày nay cho nhà Liêu. Tuy nhiên, Từ Hy đã thuyết phục được vua Cao Ly chiến đấu. Sau trận đánh thành An Nhung (Anyung), quân Liêu đã bị chặn lại. Từ Hy sang doanh trại quân Liêu, thuyết phục tướng Liêu rằng Cao Ly kế thừa Cao Cấu Ly, điều đã được người Nữ Chân chấp nhận. Quân Liêu đồng ý và rút lui. Cao Ly lấy lại được phần đất bị Liêu chiếm.[4]

Tham khảoSửa đổi

  1. ^ 서희장군묘(徐熙將軍墓) [Từ Hy tướng quân mộ] (bằng tiếng Triều Tiên và English). Gyeonggi Cultural Foundation. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2009.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  2. ^ a b c 서희 (徐熙) [Seo Hui] (bằng tiếng Triều Tiên). Nate / Encyclopedia of Korean Culture. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2009.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  3. ^ 서희 (徐熙) [Seo Hui] (bằng tiếng Triều Tiên). Naver / Doosan Encyclopedia. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2009.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  4. ^ Lee, Peter H; Baker, Donald; Ch'oe, Yongho; Kang, Hugh H W; Kim, Han-Kyo biên tập (1997). “Sŏ Hŭi: Arguments on War [from Koryŏ sa chŏryo 2:49b-52b]”. Sourcebook of Korean Civilization. 1. New York: Columbia University Press. tr. 298–301.