Thành viên:Lệ Xuân/Liên bang Đông Dương

Sự tiếp xúc đầu tiên với Pháp sửa

Bản đồ Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin) của Alexandre de Rhodes.

Các nhà truyền giáo Công giáo châu Âu lần đầu đặt chân đến Bán đảo Đông Dương vào thế kỷ 17. Đây cũng là khoảng thời gian mà giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes đặt nền móng cho phương pháp ký âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh mà ngày nay được biết đến dưới tên gọi Chữ Quốc ngữ. Hoạt động truyền bá Công giáo tại Đông Dương bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 17, nhưng chỉ đến cuối thế kỷ 18, khi Chiến tranh Tây Sơn – Chúa Nguyễn bước vào giai đoạn cao trào, mối quan hệ gần gũi đầu tiên với Pháp mới bắt đầu được thiết lập. Nguyễn Ánh, người muốn trung hưng cơ đồ của Chúa Nguyễn, đã nhận được sự hỗ trợ từ giám mục người Pháp Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc). Vị giám mục này đã quay trở về Pháp và thành công thuyết phục vua Louis XVI ký kết hiệp ước hỗ trợ Nguyễn Ánh, đổi lại Pháp sẽ nhận Côn Đảo (Poulo Condor) và cảng Đà Nẵng (Tourane), kèm theo độc quyền kinh doanh.[1]

Tuy nhiên, do sự bùng nổ của Cách mạng Pháp, Bá Đa Lộc không nhận được quân đội và kế hoạch của ông sau đó đã bị chặn đứng trên đường trở về Đông Dương do sự thiếu thiện ý của các quan chức tại Ấn Độ thuộc Pháp. Sau khi quay trở lại Đông Dương vào tháng 7 năm 1789, Bá Đa Lộc dựa vào nguồn vốn tư nhân đã chiêu mộ được một đội quân hỗ trợ Nguyễn Ánh.[1] Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia Long và trở thành hoàng đế của toàn cõi Việt Nam. Vào thời điểm lúc bấy giờ, Việt Nam trên thực tế vẫn là một nước phiên thuộc của Đế quốc Đại Thanh.[2]

Nhà Nguyễn sau đó đã tiến hành đóng cửa với phương Tây, chỉ cho phép hoạt động thương mại diễn ra tại một số hải cảng. Trên thực tế, Gia Long cảnh giác với khuynh hướng bành trướng của người châu Âu lẫn cộng đồng Công giáo đang ngày càng phát triển trong nước, song đã không trục xuất các nhà truyền giáo nhằm đền ơn Bá Đa Lộc. Tuy nhiên, sau khi Minh Mạng nối ngôi, triều đình Huế đã thể hiện một thái độ thù địch hơn với Kitô giáo và bắt đầu thực hiện các chính sách nhằm ngăn chặn sự truyền bá của tôn giáo này. Tuy nhiên, nhiều nhà truyền giáo vẫn tiếp tục bí mật thâm nhập vào lãnh thổ Đại Nam bất chấp lệnh cấm.[3]

Năm 1835, sau khi giáo sĩ Joseph Marchand lãnh án lăng trì vì giữ vai trò lãnh đạo lực lượng Công giáo trong Cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, Minh Mạng – nghi ngờ sự trung thành của các giáo dân – tiến hành cấm đạo mạnh hơn trước. Trước tình hình trên, giới chức Công giáo Pháp kêu gọi Vua Louis-Philippe hành động chống lại các cuộc bách hại giáo dân tại Đại Nam. Ngoài sức ép từ giới tăng lữ, phía quân đội và cộng đồng doanh nghiệp cũng ủng hộ sự can thiệp vào Đông Nam Á vì những lý do riêng. Vào thời điểm đó, Vương quốc Anh đã thiết lập được chỗ đứng tại khu vực Trung Quốc và các nước phụ cận khi có được Hồng Kông sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, qua đó giành ưu thế trước người Pháp. Hải quân Pháp đặc biệt đánh giá cao vị trí chiến lược của Đà Nẵng, muốn tận dụng sự suy yếu của Trung Quốc để tấn công phiên thuộc Đại Nam của nước này và xem đây là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải Pháp. Chính khách François Guizot đã nghiêm túc xem xét việc chiếm hữu cảng Đà Nẵng nhân danh các thỏa thuận mà Bá Đa Lộc đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, do Pháp lúc đó đang tiến hành xâm lược Algérie, chế độ Quân chủ tháng Bảy đã tạm thời từ bỏ ý định can thiệp quân sự vào Đông Dương do không thể tham chiến cùng lúc trên hai mặt trận.[3]

Tham khảo sửa

  1. ^ a b Franchini 1988, Tập I, tr. 67-68.
  2. ^ Franchini 1988, Tập I, tr. 78-79.
  3. ^ a b Franchini 1988, Tập I, tr. 69-70.