Pierre Pigneau de Behaine
Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine, thường được viết là Pigneau de Behaine (2 tháng 11 năm 1741 – 9 tháng 10 năm 1799) là một giáo sĩ Công giáo người Pháp được Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng trong việc lấy lại quyền bính từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18. Ông là giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong, hiệu tòa Adran nên cũng thường được các sách sử gọi là Giám mục Adran.
Giám mục Pierre Pigneau de Behaine Bá Đa Lộc, Cha Cả | |
---|---|
Đại diện Tông tòa Hạt Đại diện Tông tòa Đàng Trong (1771 – 1799) | |
Chân dung Pigneau de Behaine năm 1787 do Maupérin vẽ | |
Giáo hội | Công giáo Rôma |
Chức vụ chính yếu
| |
Đại diện Tông tòa Địa phận Đàng Trong | |
Tòa | Hiệu tòa Adran |
Bổ nhiệm | Ngày 24 tháng 9 năm 1771 |
Tựu nhiệm | Ngày 24 tháng 2 năm 1774 |
Hết nhiệm | Ngày 10 tháng 9 năm 1799 |
Tiền nhiệm | Guillaume Piguel |
Kế nhiệm | Jean Labartette Bình |
Các chức khác | Giám mục Hiệu tòa Adran (1771 – 1799) |
Truyền chức
| |
Tấn phong | Ngày 24 tháng 2 năm 1771 |
Thông tin cá nhân | |
Tên khai sinh | Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine |
Sinh | Origny-en-Thiérache, Aisne, Hauts-de-France, Vương quốc Pháp | 2 tháng 11, 1741
Mất | 9 tháng 10, 1799 Quy Nhơn, Bình Định, Đại Việt | (57 tuổi)
Nơi an táng | Lăng Cha Cả (đầu tiên) Nhà nguyện Chủng viện Hội Thừa sai Paris (hiện tại) |
Hệ phái | Công giáo Rôma |
Cách xưng hô với Pierre Pigneau de Behaine | |
---|---|
Danh hiệu | Đức Giám mục |
Trang trọng | Đức Giám mục, Đức Cha |
Sau khi qua đời | Đức Cố Giám mục |
Thân mật | Cha |
Tòa | Hiệu tòa Adran |
Người Việt biết đến ông dưới tên Bá Đa Lộc (chữ Hán: 百多祿[1]) vì tên tiếng Pháp của ông là Pierre, tương đương với Petrus trong tiếng Latin, Pedro trong tiếng Bồ Đào Nha, và từ đó xuất hiện cái tên "Bá Đa Lộc", phiên âm từ "Pedro".[2]. Ông còn được biết tới với tên Bá Đa Lộc Bỉ Nhu hay Bách Đa Lộc[3], hay Cha Cả.
Ngoài ra sử người Việt thời nhà Nguyễn còn dùng danh hiệu Bi Nhu Quận công (悲柔郡公) là sắc phong của vua Gia Long, gọi theo âm "Pigneau".[4]
Nguồn gốc xuất thân
sửaÔng sinh ngày 2 tháng 11 năm 1741, tại quê mẹ là vùng Origny-en-Thiérache (Pháp). Hậu tố "de Béhaine" không có hàm ý chỉ ông thuộc dòng dõi quý tộc mà chỉ là tên của một điền trang nhỏ Béhaine, gần vùng Marle, nơi cha ông là chủ điền trang. Và trên có lẽ, hậu tố này cũng chỉ xuất hiện kể từ sau Hiệp ước Versailles 1787.
Thời thanh niên, ông theo học trường dòng và được đào tạo để trở thành một nhà truyền giáo ở hải ngoại của Hội Thừa sai Paris (Séminaire des Missions Étrangères). Ông rời Pháp từ cảng Lorient vào tháng 12 năm 1765 với sứ mạng truyền giáo tại Đàng Trong. Ngày 21 tháng 6 năm 1766, ông cập cảng tại Pondicherry. Sau đó, ông có vài tháng lưu trú tại Ma Cao và có vài lần đến Hà Tiên bắt liên lạc với những người truyền giáo đi trước tại đây. Tháng 3 năm 1767, ông đặt chân đến Hà Tiên với chức vụ giáo sư trong chủng viện của Hội Thừa Sai tạm đặt cơ sở tại Hòn Đất (gần Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay).
Bắt đầu cuộc đời truyền giáo
sửaNăm 1768 Bá Đa Lộc bị Mạc Thiên Tứ, Đô đốc Hà Tiên, giam cầm khoảng hai tháng vì bị buộc tội đã che chở cho một người thuộc hoàng tộc Xiêm La, kẻ thù của họ Mạc[5]
Ngày 11 tháng 12 năm 1769, dù đã trở thành linh mục giám đốc chủng viện tại Hòn Đất, khi chủng viện Hòn Đất bị quân Cao Miên tấn công đốt cháy, Bá Đa Lộc phải rời khỏi Đàng Trong cùng với linh mục Morvan và 13 nhân viên chủng viện để đi đến Malacca (nằm ở phía tây của Mã Lai, cách Singapore khoảng 200 cây số) rồi từ đó xuôi về hướng nam đến Pondichéry (nằm ở vùng đông nam Ấn Độ trong vịnh Bengale, nơi đã có nhiều cơ sở thương mại và hành chánh của Pháp từ năm 1673). Sau đó vào năm 1770, ông thành lập một chủng viện ở làng Virampatnam cách Pondichéry một dặm về hướng bắc[6].
Trong thời gian ở Pondicherry, ông tiếp tục trau dồi và trở nên thông thạo cả tiếng Hoa và tiếng Việt. Năm 1773, ông đã bắt tay biên soạn một bộ từ điển Việt-Latinh Dictionarium Anamitico-Latinum, được Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838. Năm 1771 ông được Giáo hoàng Clêmentê XIV tấn phong làm Giám mục hiệu tòa Adran và đồng thời được bổ nhiệm ông làm Giám mục Tông tòa, phụ tá cho Giám mục Guillaume Piguel. Nhưng cũng trong năm ấy, Giám mục Piguel qua đời ngày 21 tháng 6, Pigneau de Behaine thay thế Piguel rồi được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa tại Madras ngày 24 tháng 2 năm 1774 (Madras được đổi tên là Chennai năm 1996, là một hải cảng nằm trên bờ biển đông nam Ấn Độ tại vịnh Bengal), và ông lên đường trở lại Đông Dương ngày 12 tháng 3 năm 1775 với chức vị Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong.
Thời ấy, các linh mục giả trang làm đủ thứ nghề: thợ mộc, thợ nề, thợ đóng cối xay, thầy lang, bán thuốc thậm chí gánh nước thuê, người đi câu, lái buôn... để truyền đạo, và được sự trợ giúp tích cực của các thương nhân, thậm chí có lúc các giáo sĩ đào tạo chủng sinh trên các thương thuyền. Các chủng viện thời đó là nhà tranh vách đất thiếu thốn mọi thứ, thường bị di chuyển nơi này qua nơi khác, chủng sinh học đạo bằng tiếng Latinh các môn như: luân lý, giáo luật- giáo sử Công giáo, địa lý, toán pháp căn bản, và thiên văn học, nhưng việc học tập khó khăn vì thiếu sách vở và tự điển, và họ sống trong lo sợ bị cấm đạo.
Việc truyền đạo thường gặp khó khăn vì lý do ngôn ngữ bất đồng, nhưng cản trở chính là sự đòi hỏi người muốn tin theo Chúa Giêsu (tức Đức tin Kitô giáo) thì phải từ bỏ tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên, không lấy năm thê bảy thiếp mà chỉ một chồng - một vợ, ngoài ra còn những khó khăn hình thức khác như xây nhà thờ, đúc tượng, đúc chuông, tổ chức hệ thống họ đạo trên dưới quy củ, mang tên thánh bằng tiếng Pháp...
Về đến chủng viện Prambey Chhom trên một hòn đảo của sông Mékong ở tỉnh Kong-Pong-Soai, do Giám mục Piguel ra lệnh xây dựng từ đầu năm 1770, Giám mục Pigneau de Behaine ra lệnh di chuyển chủng viện Prambey Chhom từ Cao Miên về Việt Nam.
Cơ duyên với Nguyễn Ánh
sửaNăm 1777, vương tôn Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi và thoát ra được đảo Thổ Chu và gặp Pigneau de Behaine tại đây. Nhận định đây là một cơ hội tốt để thúc đẩy quá trình truyền giáo, Bá Đa Lộc đã tìm cách tiếp cận Nguyễn Ánh, vận động Nguyễn Ánh tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước Pháp. Đây chính là nước cờ chính trị mạo hiểm của Bá Đa Lộc, và ông dần thiên nhiều hơn vào vấn đề chính trị hơn là vấn đề truyền giáo[cần dẫn nguồn]. Sau khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã về Quy Nhơn, tháng 11 năm 1777, Nguyễn Ánh trở về Long Xuyên, chiêu mộ binh tướng, lần lượt chiếm lại Sa Đéc, Long Hồ, Gia Định... đẩy quân Tây Sơn đến Bình Thuận. Năm 1778, Nguyễn Ánh được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Ông nhanh chóng tổ chức cai trị, xây dựng chiến lũy phòng thủ và củng cố lực lượng thủy bộ, đặt quan hệ ngoại giao với Xiêm La và chiếm Chân Lạp, biến quốc gia này thành chư hầu năm 1779. Nhiều biện pháp chính trị của ông được thực hiện dưới sự cố vấn của Bá Đa Lộc.
Tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương. Cùng năm, Bá Đa Lộc, với sự giúp đỡ của một nhà phiêu lưu người Pháp là Manuel (phiên âm là Mạn Hòe), đã vận động trang bị cho một số đội quân của chúa Nguyễn bằng các loại vũ khí mới của Bồ Đào Nha, trong đó có cả ba chiếc tàu chiến kiểu Tây phương. Manuel được Nguyễn Vương phong chức Cai cơ, chỉ huy đội binh thuyền này. Năm 1781, quân chúa Nguyễn lên đến khoảng 3 vạn người với 80 chiến thuyền đi biển, 3 thuyền lớn và thêm 2 tàu của các lính đánh thuê Bồ Đào Nha do Bá Đa Lộc mời được. Chúa Nguyễn dùng đội quân này tấn công quân Tây Sơn đến tận Phú Yên nhưng sau cùng phải rút chạy vì gặp bộ binh rất mạnh của Tây Sơn.
Tháng 3 năm 1782, quân Tây Sơn Nam tiến. Tại sông Ngã Bảy, cửa Cần Giờ, thủy quân Tây Sơn đụng trận với thủy quân Nguyễn do chính Nguyễn Ánh chỉ huy. Dù lực lượng thuyền Tây Sơn yếu hơn, nhưng họ vẫn giành được phần thắng. Đội tàu Tây phương bị đánh chìm, Manuel tử trận. Nguyễn Vương và Bá Đa Lộc phải bỏ chạy ra Phú Quốc. Thấy Nguyễn Ánh đã hết sức phản kháng, anh em Tây Sơn rút quân về Quy Nhơn. Tuy vậy, quân chúa Nguyễn lại tiếp tục trỗi dậy. Tháng 10 năm 1782, Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc trở lại Sài Gòn. Nguyễn Ánh một mặt tiếp tục tổ chức quân đội, mặt khác ủy thác cho Bá Đa Lộc chuẩn bị trước thuyền bè để khi Tây Sơn đến có đường mà đi.
Tháng 2 năm 1783, quân Tây Sơn lần nữa Nam tiến và dễ dàng phá tan các tuyến phòng thủ của quân chúa Nguyễn. Một lần nữa, chúa Nguyễn và Bá Đa Lộc phải đào thoát ra Phú Quốc. Bá Đa Lộc và giáo sĩ Liot nhường cho tàu và lương thực, Nguyễn Ánh nhờ Giám mục Bá Đa Lộc mang thư cầu viện nước Pháp[7]. Nhưng vì trái mùa gió nên Bá Đa Lộc chưa khởi hành được.
Tháng 11 năm 1783, Bá Đa Lộc sang Xiêm La vận động vua Chất Tri giúp quân cho chúa Nguyễn. Tháng 2 năm 1784, Nguyễn Ánh cũng sang Xiêm và được vua Xiêm cho một đội quân kéo sang đánh Tây Sơn. Tuy vậy, đội quân viện binh gồm 3 vạn lính này bị quân Tây Sơn đánh cho tan nát trong trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút vào tháng 1 năm 1785. Nguyễn Ánh lại phải đào thoát sang Xiêm.
Sau thất bại này, Xiêm lần khân, tìm cách trì hoãn, không chịu giúp chúa Nguyễn nữa. Bá Đa Lộc tiếp tục khuyên Nguyễn Ánh rằng: đừng chỉ trông cậy vào người Xiêm mà nên tìm cách vận động cả nước Pháp cử viện binh giúp sức.[8]. Nguyễn Vương đồng ý, giao Hoàng tử Cảnh đi cùng Bá Đa Lộc đi tìm kiếm sự viện trợ từ phương Tây. Tháng 11 năm 1784, Bá Đa Lộc lên tàu biển rời Việt Nam. Ông tìm cách sang Pondicherry, và từ đó ông gửi đến Macao lời yêu cầu giúp đỡ từ triều đình Bồ Đào Nha, dẫn đến Hiệp ước Liên minh giữa Nguyễn Vương và Bồ Đào Nha ngày 18 tháng 12 năm 1786 ở Bangkok.[9]
Đặc sứ của Nguyễn Ánh tại Pháp
sửaSau khi Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh yết kiến Pháp hoàng Louis XVI và thương nghị với Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 21 tháng 11 năm 1787[11], Hiệp ước Versailles được ký bởi Armand Marc, bá tước Montmorin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hải quân, và Bá Đa Lộc, Đặc sứ Nguyễn vương Ánh[12]. Theo 2 điều khoản chính của hiệp ước, thì vua Louis XVI hứa sẽ giúp đỡ Nguyễn Ánh để lấy lại ngôi vị, bằng cách cung cấp 1.650 quân (1.200 lính bộ binh, 200 lính pháo thủ và 250 lính da đen Cafres)[11] và 4 chiến hạm[13]. Đổi lại, Nguyễn vương sẽ nhường hẳn đảo Côn Lôn (người Pháp ghi là Pulo-Condore), đồng thời cho Pháp thuê cảng Đà Nẵng (người Pháp ghi là Tourane) với giá ưu đãi, kèm theo độc quyền kinh doanh.
Tuy nhiên hiệp ước không thực thi do Cách mạng Pháp nổ ra cũng trong tháng đó, vua Louis XVI bị lật đổ. Chính quyền mới của Pháp không gởi quân đội giúp.
Hiệp ước Versailles 1787 là hiệp ước quốc tế đánh dấu sự bắt đầu ảnh hưởng của Pháp ở Đông Dương, tuy nhiên, khi còn "chưa ráo mực", nó đã nhanh chóng thành "tờ giấy lộn". Chính phủ Pháp đang phải bận rộn đối phó với các cuộc nổi dậy trong cả nước. Bên cạnh đó, Bá tước Thomas de Conway, Toàn quyền Pondicherry, người được chính phủ Pháp trao thẩm quyền quyết định việc thực hiện Hiệp ước, lại tìm cách từ chối thực hiện nó[14]. Chờ mãi không nhận được sự chi viện từ Bá tước De Conway[14] Giám mục Bá Đa Lộc đã tự quyên góp tiền từ các thương gia có ý định đặt cơ sở buôn bán ở Đại Việt cùng với số tiền 15.000 franc Pháp của gia đình mình cho, mua vũ khí, thu nạp được 350 lính và 20 sĩ quan Pháp giúp Nguyễn Ánh. Tháng 7 năm 1789 1789, Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh về đến Gia Định, sau 4 năm 8 tháng rời khỏi Việt Nam.
Trở lại Việt Nam
sửaCác hoạt động quyên góp của Bá Đa Lộc về tài chính và nhân lực, đã giúp phần không nhỏ cho Nguyễn Ánh trong việc xây dựng, củng cố thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa. Ngoài ra, việc huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và rèn luyện tập binh lính theo lối châu Âu, làm trung gian mua tàu chiến và vũ khí... đều có sự góp sức của những người Pháp mà do Bá Đa Lộc chiêu mộ, kêu gọi.[16] Việc củng cố Gia Định cộng thêm sự giúp đỡ của người Pháp đã giúp cho thế lực của Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn.[14] Vì vậy Nguyễn Ánh rất quý trọng ông, coi ông là ân nhân.
Như để thưởng công, Nguyễn Ánh sai cất một ngôi nhà cho Giám mục; sang thời Pháp thuộc ngôi nhà có địa chỉ ở số 180 đường Richaud, nay nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3.[17]
Qua đời
sửaTrong cuộc vây thành Quy Nhơn đánh quân Tây Sơn năm 1799, Giám mục Bá Đa Lộc ốm bệnh và mất. Trong tang lễ của ông vào tháng 12 năm 1799 với ít nhất là 40 ngàn người tham dự, cả Gia Long và Nguyễn Phúc Cảnh đều đích thân đọc điếu văn ca ngợi công lao. Vừa đọc điếu văn, vua vừa khóc. Phần lễ tiễn đưa vị giám mục đã được tổ chức vô cùng long trọng và cũng "được chuẩn bị với bò, heo, dê, rượu vang, nhiều đến nổi các giáo sĩ tham dự cũng phải ngạc nhiên, song họ biết rằng chúa Nguyễn Ánh phải làm thế cho xứng với người đã từng nhiều năm gian khổ vì ông."[18][19] Nguyễn Vương phong ông là Thái tử Thái phó Bi-nhu Quận công (太子太傅悲柔郡公)[1] thụy là Trung Ý (忠懿) và cho xây mộ phần ở Tân Sơn Nhất, tỉnh Gia Định[20]. Bi-nhu là phiên âm tên Pigneau của ông. Mộ phần của ông được Gia Long cho xây dựng khá bề thế, dân chúng gọi là Lăng Cha Cả. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng mộ thật của ông nằm ở Lăng Ngọc Hội, cách thành phố Nha Trang 8 km.[21]
Hài cốt của Giám mục Bá Đa Lộc được thờ ở Lăng Cha Cả cho đến hết thời nhà Nguyễn sang thời Pháp thuộc, rồi đến chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1983, chính phủ Việt Nam cải táng mộ phần, san bằng khu lăng cổ và trao di cốt lại cho lãnh sự Pháp đem hồi hương. Di cốt khi về lại Pháp được gìn giữ trong nhà thờ của Đại chủng viện Hội Thừa sai Paris tại quận XV Paris.[17]
Đánh giá sự nghiệp
sửaGiám mục đã có công soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773, viết chữ Quốc ngữ và chữ Nôm, giải nghĩa bằng tiếng Latinh, sau được giám mục Taberd biên tập và in thành Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị. Cuốn tự điển viết tay này nay còn giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris.
Đội quân người Pháp do Bá Đa Lộc thu nạp cho Nguyễn Ánh có quân số không đông, nhưng nhiều người là sỹ quan có kiến thức quân sự. Họ đã giúp Nguyễn Ánh rất nhiều trong việc xây dựng quân đội theo lối hiện đại, từ việc xây dựng chiến thuật cho tới huấn luyện. Nhà nghiên cứu Maybon, trong cuốn sách "La Relation Bissachère và Histoire moderne du pays d’Annam", in năm 1920 tổng kết công trạng của những người Pháp do Bá Đa Lộc chiêu mộ trong việc trợ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn như sau:
- “Vai trò của nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này, trong sự thiếu vắng thông tin mong đợi, không thể xác định được một cách chi tiết. Nhưng không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần lớn lao vào chiến thắng của Nguyễn Ánh. Ấy là chưa kể đến phần của họ trong những trận đánh quan trọng như trận tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn năm 1792 và những trận dẫn đến chiến thắng Huế năm 1801. Người ta không khỏi khâm phục công trình tạo mà họ đã thực hiện trong những điều kiện không mấy thuận lợi: họ đã xây dựng một nền hải quân theo lối Tây phương và thành lập đội ngũ thủy binh; họ đã huấn luyện quân đội, họ đã đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập những cấp chỉ huy; họ đã đúc đại bác, dạy cho người An Nam cách dùng trái phá, họ đã tạo ra đội ngũ pháo binh lưu động mà sự di chuyển đã khiến quân Tây Sơn khiếp viá; họ đã xây dựng những thành đài.”
Tham khảo
sửa- ^ a b Việt Nam sử lược/Quyển II/Tự chủ thời đại/Chương XII
- ^ Charles Le Gobien và Jean-Baptiste Du Halde. Lettre edifiantes et curieus écrites Des Missions étrangères: Mémoires de la Chine. Lyon: J Venarel, 1819. tr 451
- ^ Phạm Quỳnh. Hành trình nhật ký: mười ngày ở Huế, một tháng ở Nam Kỳ, Pháp du hành trình nhật ký. Yerres: Ý Việt, 1997. tr 391.
- ^ “"Một bộ Từ điển Việt-La tinh viết tay vào cuối thế kỷ XVIII vừa sưu tầm được" trong Tạp chí Hán Nôm”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2013.
- ^ Lê Ngọc Bích. Nhân vật Công giáo.
Khoảng gần cuối năm 1769 nước Xiêm lại bị nội biến lây sang Cao Miên. Một người Xiêm lai Trung Hoa là PhaJa-Tak, tên Tàu là Trịnh Quốc Anh, cướp ngôi vua. Một hoàng thân Xiêm là Chang-Si-Sang trốn sang Hà Tiên nhờ các thừa sai Pháp giúp ông ta mua vũ khí và chiếm lại ngai vàng. Bị từ chối, ông hoàng chạy sang Cao Miên trên một chiếc thuyền đang chở lương thực cho chủng viện. Đây là việc tình cờ gây tai hại cho chủng viện: PhaJa-Tak (Trịnh Quốc Anh) mua được sự ủng hộ của Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích, 1706-1780, con của Mạc Cửu) ngày 19/1/1768 họ Mạc bắt giam các thừa sai mấy tháng, dẫn đến sự bùng nổ dân Miên đốt phá nhà thờ, sát hại người Việt ở Cảng Khẩu và Hòn Đất. Sau nhờ sự can thiệp của một người con Đô đốc họ Mạc, cơn chém giết bắt bớ đốt phá lắng dịu
|ngày truy cập=
cần|url=
(trợ giúp) - ^ Trương Bá Cần. Công giáo Đàng Trong thời Giám mục Pigneau. Tủ sách Đại Kết. tr. 36-37.
Năm 1771, chủng viện có 39 học viên gồm 12 người Trung Quốc, 16 người Đàng Trong, 5 người Đàng Ngoài, 4 người Thái Lan, 1 người Cao Miên (?) và 1 người Mã Lai. Các học viên được chia thành 4 ban: ban thứ nhất là ban thần học và 3 ban còn lại học tiếng La-tinh, học văn chương và tôn giáo
- ^ Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Tự Chủ Thời Đại (Thời kỳ Nam Bắc phân tranh), Chương VIII "Vận trung suy của Chúa Nguyễn", mục 6 "Nguyễn Vương định cầu viện nước Pháp Lan Tây".
- ^ Trần Trọng Kim. Việt-Nam Sử-lược II. Fort Smith, AK: Sống Mới. trang 110.
- ^ Mantienne, p.87
- ^ Mantienne, p.97/204
- ^ a b A History of Vietnam by Oscar Chapuis, p.175
- ^ Mantienne, p.96
- ^ Dragon Ascending by Henry Kamm p.86
- ^ a b c Trần Trọng Kim 1971, tr. 151-152
- ^ Nhà nguyện Bá Đa Lộc, hiện tọa lạc trong khuôn viên Tòa Giám mục TP. Hồ Chí Minh. Ngoài giá trị lịch sử, đây còn là một trong số rất ít ngôi nhà cổ còn tồn tại ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 200-208
- ^ a b “"SÀI GÒN VÀ NHỮNG TÊN ĐƯỜNG XƯA"” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2011.
- ^ Lê, Công Sơn. “Chúa Nguyễn Ánh nước mắt ràn rụa trong đám tang Giám mục Bá Đa Lộc”. Báo Thanh Niên. 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
- ^ Lê, Công Sơn. “Những tiết lộ về đám tang đặc biệt của Giám mục Bá Đa Lộc thời chúa Nguyễn”. Báo Thanh Niên. 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
- ^ Trần Trọng Kim. Việt-Nam Sử-lược II. Fort Smith, AK: Sống Mới. trang 159.
- ^ Phạm Cường (18 tháng 8 năm 2005). “Kể chuyện dời mộ ở Sài Gòn nhân Lễ Vu Lan”. Viet Nam Net. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2008. Chú thích có tham số trống không rõ:
|1=
(trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:|ngày=
(trợ giúp)
Xem thêm
sửaLiên kết ngoài
sửa- (tiếng Pháp) Pierre Joseph PIGNEAU DE BÉHAINE, Institut de recherche France-Asie
- Tôn Thất Thiện (1970). “Tôn giáo Đông Tây: Khi hai người Quân tử và Thượng trí gặp nhau”. Tư tưởng. Viện Đại học Vạn Hạnh (3): 89–106.