Trần Sân

quan viên nhà Thanh

Trần Sân (chữ Hán: 陈诜, ? – 1722), tự Thúc Đại, người Hải Ninh, Chiết Giang, quan viên nhà Thanh.

Trần Sân
Tên chữThúc Đại
Tên hiệuThật Trai
Thụy hiệuThanh Đoan; Thanh Khác
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1643
Quê quán
châu Hải Ninh
Mất
Thụy hiệu
Thanh Đoan
Ngày mất
1722
Giới tínhnam
Gia quyến
Hậu duệ
Trần Thế Quan
Chức quanLễ bộ Thượng thư
Nghề nghiệpchính khách
Quốc tịchnhà Thanh

Sự nghiệp

sửa

Năm Khang Hi thứ 11 (1672), Sân đỗ cử nhân, được thụ chức Trung thư khoa Trung thư xá nhân. Năm thứ 28 (1689), thông qua khảo hạch được thụ chức Lại khoa Cấp sự trung, rồi xin về phụng dưỡng cha mẹ.

Năm thứ 36 (1697), Sân được khởi bổ nguyên chức, thêm chức Hình khoa chưởng ấn Cấp sự trung. Sân dâng sớ nói: "Hoài, Hoàng từ xưa không giống nhau. Gần đây sửa đê Quy Nhân [1], mở ngòi Hồ Gia [2], ra gặp nước của hồ Tuy [3]; đóng 6 máng, xây thêm đập Cao Gia, đưa nước ra hồ Hồng Trạch [4]. Đây là đạo lý không đổi mượn Hoài Hà chống Hoàng Hà. Nhưng nước Hoài Hà chảy vào Vận Hà, nếu chống Hoàng Hà thì vẫn còn yếu. Xưa đặt đập Thiên Phi, từ chỗ giao nhau của Hoài, Hoàng đến bến Thanh Giang, cả thảy 5 đập, gặp thuyền chở nặng, thay nhau mở đóng, qua rồi thì lập tức hạ cửa khóa lại, là để bảo toàn Hoài Hà mà rót vào Hoàng Hà. Chỗ nước ấy dẫn vào Vận Hà, chẳng qua tạm chứa rồi chuyển đi. Từ khi đổi sang xây dựng máng cỏ [5], Hoài, Hoàng dồn hết vào Vận Hà, dân cư bến Thanh Giang có thể bị nguy hiểm. Nên khôi phục chế độ cũ của đập Thiên Phi [6], khiến Hoài Hà dễ dàng chống cự Hoàng Hà, mới giúp ích cho việc lớn." Sớ được giao xuống cho Hà đốc Trương Bằng Cách (張鵬翮) bàn bạc thi hành. Sau đó Sân dâng sớ hặc ở tỉnh Sơn Đông, Bồ Đài tri huyện Du Hoành Thanh dựa vào tội vặt đã được tha từ trước, giam cầm Giám sanh Vương Quan Thành, bức bách anh ta tự sát; Tuần phủ Vương Quốc Xương chỉ lấy phạt đòn và giải trừ lao dịch để kết án, đùa bỡn với sanh hoạt của dân chúng. Triều đình mệnh cho Thị lang Ngô Hàm với Sân đi xét, kết quả Du Hoành Thanh bị mất chức, Vương Quốc Xương chịu nghị án. Sân được thụ chức Hồng Lư tự khanh, tiếp đó thăng chức làm Tả phó đô Ngự sử.

Năm thứ 43 (1704), Sân được thụ chức Quý Châu Tuần phủ, dâng sớ nói: "Ruộng đất Quý Châu đều ở giữa khoảng đồi núi trập trùng, thổ tính hàn lương, thu hoạch ít ỏi, người – bò gieo trồng gian nan. Tuần phủ tiền nhiệm là Vương Nghệ nhân đó tập hợp ruộng đất bỏ hoang, mười phần đã được bốn, năm, giảm nhẹ phép tắc cũ, chiêu mộ dân chúng đến khai khẩn đã có thu hoạch, sáu năm sau sẽ thu thuế. Đề nghị nối lại việc ấy." Sớ được giao xuống bộ Hộ, bộ đồng ý với lời xin của Sân.

Năm thứ 47 (1708), Sân được điều đi Hồ Bắc; ông dâng sớ hặc Bố chánh sứ Vương Dục Hiền bòn rút của công, chịu giải nhiệm chờ điều tra. Ít lâu sau có kết quả kiểm kê, Sân tâu xin miễn tội cho ông ta.

Năm thứ 50 (1711), Sân được cất nhắc làm Công bộ Thượng thư.

Năm thứ 52 (1713), Sân được điều sang bộ Lễ.

Năm thứ 58 (1719), Sân xin hưu, được nhận mệnh cho trí sĩ.

Năm thứ 61 (1722), Sân mất, được ban lễ Tế táng, thụy là Thanh Khác. Con là Trần Thế Quan, sử cũ có truyện riêng.

Tham khảo

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Đê Quy Nhân là công trình thủy lợi được xây dựng vào đầu đời Minh, nhằm che chở cho Tổ lăng của hoàng tộc. Đầu phía tây của đê khởi từ Điểu Nhà Lĩnh (nay là vị trí cách trấn Quy Nhân 3 dặm về phía tây), cho đến đầu phía đông ở vũng Tôn Gia (nay là thôn Áp Vu, trấn Thương Tập, khu Túc Thành). Trấn Quy Nhân là danh trấn ở lưu vực Giang – Hoài vào hai triều đại Minh – Thanh, được ca ngợi là Tiểu Tô Châu, nằm ở phía tây bắc huyện Tứ Hồng, địa cấp thị Túc Thiên, Giang Tô
  2. ^ Nay là thôn Hồ Gia Câu, hương Thái Gia Nhai, huyện Hưng, địa cấp thị Lữ Lương, Sơn Tây
  3. ^ Thanh sử cảo, tlđd chép là nguyên văn là "xuất Tuy hồ chi thủy", có lẽ là sông Tuy (濉河)
  4. ^ Đập Cao Gia ban đầu được gọi là Đại đê của hồ Hồng Trạch, là một trong những công trình thủy lợi nhân tạo trên 2000 tuổi của thế giới, có thuyết cho rằng đây là sáng kiến của Trần Đăng cuối đời Đông Hán; nay thuộc thôn Cao Gia Yển, huyện tự trị dân tộc Thổ Gia Trường Dương, địa cấp thị Nghi Xương, Hồ Bắc. Hồ Hồng Trạch nằm tại cửa sông của sông Tuy
  5. ^ Máng cỏ (thảo bá) là một loại công trình thủy lợi được xây dựng bằng các nguyên liệu đơn sơ: tre, củi, cọc gỗ, cỏ và đất, vì thế cũng được gọi là máng đất (thổ bá) hay máng củi (sài bá)
  6. ^ Đập Thiên Phi đời Minh không rõ được đặt ở đâu và khi nào, còn đập đời Thanh phải đến năm Càn Long thứ 4 (1739) mới được chuẩn y cho xây dựng, dựa trên cơ sở là cầu đá Thông Huệ, dự toán vượt quá 22,000 lạng bạc, đến năm thứ 6 thì hoàn tất. Đập nằm tại vị trí phụ cận cửa bắc Diêm Thành, nhìn ra sông Hán, bởi nằm cạnh cung Thiên Phi đời Minh nên mới có tên như vậy; ngày nay gọi là Thành Bắc Đại kiều