Võ Tùng

Nhà cách mạng Việt Nam

Võ Tùng (1891–1964), tên thường gọi là Võ Tòng, Sáu Tùng, bí danh Lưu Khải Hồng, là một nhà cách mạng và chính trị gia Việt Nam.

Võ Tùng
Chức vụ
Nhiệm kỳ1948 – 1950
Tiền nhiệmNguyễn Văn Thiệu
Kế nhiệmHồ Thiết
Vị trí Việt Nam
Phó Chủ tịchHồ Thiết (1948–1949)
Nguyễn Tấn Đức (1949–1950)
Bí thư Phân bộ nước ngoài Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
Nhiệm kỳ1927? – 1930?
Vị trí Việt Nam
Thông tin chung
Sinh1891
Đức Phổ, Quảng Ngãi
Mất1964
Hà Nội
Dân tộcViệt
Đảng chính trịViệt Nam Quang phục Hội
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
Đảng Cộng sản Việt Nam
VợĐặng Thị Quỳnh Anh
Con cáiVõ Ngung

Cuộc đời sửa

Võ Tùng sinh năm 1891 ở xã Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Năm 1908, ông tham gia phong trào chống sưu thuế ở địa phương.[1]

Năm 1909, ông thuộc nhóm thanh niên Quảng Ngãi thứ hai được Hội Duy Tân đưa ra nước ngoài học tập, bao gồm Đoàn Trọng Đường, Huỳnh Long Thạnh, Phạm Cao Đài, Lê Khôi Luân,... Riêng ông cùng Võ Quán (Lâm Quán Trung) được cử sang Trung Quốc học tập tại Bắc KinhThượng Hải.[2] Năm 1911, ông tham gia quân khởi nghĩa trong Cách mạng Tân Hợi, sau đó học tập ở Trường Quân sự Quảng Đông, làm sĩ quan trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc, là một trong những người tin cẩn của Phan Bội Châu.[3]

Năm 1916, do sự giám sát của chính quyền sở tại, ông sang hoạt động ở Xiêm dưới sự chỉ đạo của Đặng Tử KínhĐặng Thúc Hứa.[4] Năm 1926, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được cử làm Bí thư Phân bộ nước ngoài và được cử đi học tập tại Quảng Châu.[1][5] Tháng 6 năm 1928, trong thời gian hoạt động bí mật ở Xiêm, Nguyễn Ái Quốc từng sống tại gia đình ông với bí danh Thầu Chín.[6][7] Cuối năm 1928 đầu 1929, ba chi bộ Thanh niên ở Udon Thani, Sakon NakhonNakhon Phanom ở miền bắc Xiêm được Nguyễn Ái Quốc tổ chức thành Tỉnh bộ Udon, ông là một trong các thành viên của Tỉnh bộ.[8]

Năm 1929, ông là đại biểu chi bộ Xiêm đi dự Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.[9] Thông tin khác cho rằng đại biểu Xiêm là Đặng Cánh Tân.[10] Đầu năm 1930, ông di chuyển đến Hương Cảng để tham dự Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, khi đến nơi, hội nghị đã kết thúc.[1] Năm 1931, ông bị mật thám Xiêm bắt giữ và bàn giao cho phía Pháp, bị kết án khổ sai chung thân và đi đày ở nhà tù Lao Bảo.[11]

Năm 1936, do áp lực của phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, ông được giảm án xuống còn 13 năm.[12] Đầu năm 1945, ông được đưa về nhà tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) để quản thúc, nhưng vẫn âm thầm hoạt động.[1]

Tháng 3 năm 1945, ông tham gia Ban Tài chính ủng hộ Đội du kích Ba Tơ.[1] Ngày 16 tháng 8, khởi nghĩa Tháng Tám ở huyện Đức Phổ thành công, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện.[13] Năm 1948, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, thay Nguyễn Thiệu đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi.[14] Tháng 8 năm 1949, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa II, ông tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch tỉnh cho đến năm 1950.[15][16]

Tháng 8 năm 1954, ông tập kết ra bắc và qua đời ở Hà Nội.[1]

Gia đình sửa

Trong thời gian ở Xiêm, ông kết hôn với bà Đặng Thị Quỳnh Anh là em họ (con ông chú ruột) của Đặng Nguyên CẩnĐặng Thúc Hứa, cô họ của Giáo sư Đặng Thai Mai.[17] Căn nhà của hai người tại Phichit từng là nơi tá túc của các nhà cách mạng Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái,...[18] Do hoàn cảnh xa cách, ông đi bước nữa trong thời gian ở Quảng Ngãi.[19] Năm 1954, sau hơn 20 năm, hai người đoàn tụ tại Hà Nội.[20]

Tác phẩm sửa

Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông có sáng tác một số bài thơ, trong đó nổi tiếng nhất là bài Cây nêu đại thọ.[21]

Vinh danh sửa

Tên của ông được đặt cho một con đường ở thành phố Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ.[1]

Tham khảo sửa

  • Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (2007). Phạm Văn Đồng Tiểu sử (PDF). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
  • Tạ Phong Châu (2000). Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 34 (PDF). Hà Nội: Khoa học xã hội.
  • Võ Thanh An; Thái Thị Kim Nga (2015). Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 – 2015). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
  • Võ Văn Hào; Thái Thị Kim Nga (2019). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 – 1975). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

Chú thích sửa

  1. ^ a b c d e f g Võ Thanh An & Thái Thị Kim Nga 2015, tr. 216–217
  2. ^ Võ Văn Hào & Thái Thị Kim Nga 2019, tr. 24
  3. ^ Lê Thiết Hùng (2002). “I. Đến với cách mạng”. Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Nhiều học sinh Việt Nam được đưa sang Nhật học quân sự như các ông Nguyễn Thúc Canh, Lê Khiết, Nguyễn Diễn, Lương Ngọc Quyến, Trần Hữu Lực, Hoàng Trọng Mậu, Lương Thảo Đạt, Hồ Học Lãm, Võ Tùng... Một số hiện đang ở Trung Quốc, làm võ quan cao cấp như Hồ Học Lãm, Võ Tùng...
  4. ^ Trần Thị Hồng Nhung (8 tháng 10 năm 2019). “Những hoạt động và đóng góp của đồng chí Võ Nguyên Hiến trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ 1935-1936”. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  5. ^ Đinh Trần Dương (1995). “Vừng Hồng trong lịch sử cách mạng Việt Nam những năm 1929-1936” (PDF). Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Hà Nội: Viện Sử học. 278 (1): 73–78.
  6. ^ Ngọc Quang; Hữu Kiên (9 tháng 6 năm 2014). “Mảnh đất Thái Lan ghi dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  7. ^ Văn Ánh (1 tháng 2 năm 2016). “Chuyện Thầu Chín ở bản Đông”. Báo Bắc Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  8. ^ Nguyễn Thị Kim Dung (9 tháng 6 năm 2014). “Bác Hồ với công tác tuyên truyền cách mạng thời kỳ hoạt động ở Thái Lan (1928-1929)”. Tạp chí Tuyên giáo. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  9. ^ Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước 2007, tr. 30
  10. ^ Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước 2007, tr. 50
  11. ^ Nguyễn Thị Hội (30 tháng 3 năm 2020). “Đồng chí Đặng Quỳnh Anh - nữ chiến sỹ cách mạng ưu tú của quê hương Thanh Chương”. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  12. ^ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2008). “Chương XI: Các nhân vật lịch sử tiêu biểu”. Địa chí Quảng Ngãi. Hà Nội: Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa.
  13. ^ Võ Văn Hào & Thái Thị Kim Nga 2019, tr. 150
  14. ^ Võ Văn Hào & Thái Thị Kim Nga 2019, tr. 547
  15. ^ Võ Văn Hào & Thái Thị Kim Nga 2019, tr. 214
  16. ^ Võ Văn Hào & Thái Thị Kim Nga 2019, tr. 226
  17. ^ Hồ Hồng Giang (3 tháng 2 năm 2011). “Đặng Thai Mai - nhà văn hóa cách mạng nhiệt thành”. Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  18. ^ Hương Quỳnh (19 tháng 2 năm 2007). “Nữ chiến sĩ Cách mạng Đặng Quỳnh Anh”. Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  19. ^ Nguyễn Tiến (18 tháng 5 năm 2020). “Bác Hồ truyển lửa cách mạng cho Việt kiều Thái Lan”. Tạp chí Dân Vận. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  20. ^ L.V. (15 tháng 5 năm 2011). “Bà Đặng Quỳnh Anh: Trọn đời cùng đất nước”. Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2023.
  21. ^ Tạ Phong Châu 2000, tr. 217