2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 9 năm 2012
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Trận chiến đồi Edson

Một lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang đứng gần một số địa điểm giao tranh tại Đồi 123 thuộc ngọn đồi "Edson" sau trận đánh.

Trận chiến đồi Edson là một trận đánh trên bộ trong Chiến dịch Guadalcanal thuộc Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai giữa Lục quân Đế quốc Nhật Bản và quân Đồng Minh (chủ yếu là Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ) diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9 năm 1942. Đây là một trong ba cuộc tấn công lớn của quân Nhật nhằm tái chiếm sân bay Henderson và đẩy lùi quân Đồng Minh trên đảo Guadalcanal. Trong trận đánh này, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Alexander Vandegrift đã bảo vệ thành công phòng tuyến Lunga bao quanh sân bay Henderson sau khi đánh bại cuộc tấn công của Lữ đoàn Bộ binh số 35 Nhật Bản do Thiếu tướng Kiyotake Kawaguchi chỉ huy. Do đánh giá sai quân số Đồng Minh trên đảo Guadalcanal (khoảng 12.000 quân) mà tướng Kawaguchi đã cho 6.000 quân tấn công trực diện vào phòng tuyến Mỹ nhiều lần vào ban đêm. Địa điểm chính nơi diễn ra trận đánh là ngọn đồi phía nam sân bay Henderson, bảo vệ bởi nhiều đơn vị Thủy quân lục chiến khác nhau, nhưng chủ yếu là Tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến tuần duyên (Marine Raiders) và Tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến Nhảy dù (Paramarines) do Thiếu tá Merritt A. Edson chỉ huy. Mặc dù phòng tuyến ở đây gần như đã bị chọc thủng, cuộc tấn công của quân Nhật sau cùng đã bị đánh bại hoàn toàn với tổn thất nặng nề. [ Đọc tiếp ]

Thần thoại Hy Lạp

Zeus và Thetis, tranh của Anton Losenko.

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo đó. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là bộ phận của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp đã cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này lúc đầu được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua các tác phẩm văn học Hy Lạp. [ Đọc tiếp ]

SMS Baden

Thiết giáp hạm SMS Baden, với dàn pháo chính xoay sang mạn trái

SMS Baden là một thiết giáp hạm thuộc lớp Bayern được Hải quân Đế quốc Đức chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Được hạ thủy vào tháng 10 năm 1915 và hoàn tất vào tháng 3 năm 1917, nó là chiếc thiết giáp hạm Đức cuối cùng được hoàn tất trong chiến tranh, khi hai con tàu chị em cùng lớp SachsenWürttemberg chưa hoàn tất khi chiến tranh kết thúc. Con tàu trang bị tám khẩu pháo 38 cm trên bốn tháp pháo nòng đôi, có trọng lượng choán nước 32.200 tấn mét khi chất đầy tải trọng chiến đấu, và đạt đến tốc độ tối đa 21 hải lý một giờ. Cùng với con tàu chị em Bayern, Baden là chiếc tàu chiến lớn nhất và trang bị mạnh nhất từng được Hải quân Đế quốc Đức chế tạo. Khi được đưa vào hoạt động cùng Hạm đội Biển khơi Đức, Baden được đặt làm soái hạm của hạm đội, thay thế cho chiếc Friedrich der Grosse. Baden có rất ít hoạt động trong quãng đời phục vụ ngắn ngủi của nó; lần xuất quân duy nhất vào tháng 4 năm 1918 kết thúc mà không đụng độ với đối phương. Baden bị lưu giữ cùng với hầu hết Hạm đội Biển khơi tại Scapa Flow sau khi Đức thua trận vào tháng 11 năm 1918. [ Đọc tiếp ]

Tùng Dương

Tùng Dương (sinh 18 tháng 9 năm 1983) là một ca sĩ Việt Nam. Anh được biết đến từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2004, trong đó anh đã giành chiến thắng với giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn. Những ca khúc mà anh thể hiện trong cuộc thi, phần lớn là các sáng tác mang phong cách dân gian đương đại của Lê Minh Sơn, đã được anh đưa vào album đầu tay mang tên ...Chạy trốn (2004). Sau khi tạm dừng hát nhạc Lê Minh Sơn, Tùng Dương có những thử nghiệm với sáng tác của các nhạc sĩ khác như Ngọc Đại, Như Huy, Giáng Son, Lưu Hà An..., và tham gia hai chương trình Vọng Nguyệt của nhạc sĩ Quốc Trung cùng Gió bình minh của Đỗ Bảo. Tiếp tục cộng tác với Đỗ Bảo, Tùng Dương cho ra mắt album thứ hai, Những ô màu khối lập phương (2007), album với nền hòa âm New Age đã giành chiến thắng ở hạng mục Album của năm trong Giải Cống Hiến 2007. Album thứ ba của Tùng Dương theo phong cách âm nhạc điện tử trên nền nhạc giao hưởng, Li ti (2010), được thực hiện với sự cộng tác của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam và ê-kíp ở Đức, đã giúp anh nhận hai giải Ca sĩ của nămAlbum của năm ở Giải Cống Hiến 2010. Anh còn giành được thành công ở chương trình Bài hát Việt với những ca khúc chiếm thứ hạng cao do anh biểu diễn, đặc biệt hai ca khúc quán quân năm 2007 ("Con cò") và 2009 ("Đồng hồ treo tường"). Những chương trình biểu diễn chung gần đây của anh với Thanh Lam, Lê Cát Trọng LýNguyên Lê cũng giành được sự chú ý của báo giới và công chúng. [ Đọc tiếp ]

Tắc kè lùn quần đảo Virgin

Tắc kè lùn quần đảo Virgin

Tắc kè lùn quần đảo Virgin (Sphaerodactylus parthenopion) là một trong hai loài tắc kè mang danh hiệu “loài bò sát nhỏ nhất trên thế giới” (loài kia là tắc kè lùn Jaragua S. ariase). Nó được tìm thấy trên ba hòn đảo trong quần đảo Virgin thuộc Anh: Virgin Gorda, Tortola, và đảo Moskito. S. parthenopion được phát hiện vào năm 1964 và được cho rằng là họ hàng gần của loài tắc kè lùn Sphaerodactylus nicholsi sống ở Puerto Rico gần đó. Nó chia sẻ chung vùng phân bố với tắc kè nhỏ vảy lớn (S. macrolepis) vốn sinh sống trên các lá cây mục. Trái với S. macrolepis, S. parthenopion sinh sống trên các sườn đồi khô hơn mặc dù chúng cũng ưa thích các khu vực ẩm ướt nằm dưới các tảng đá vì chúng thiếu các cơ chế ngăn chặn việc mất nước – một vấn đề hóc búa do kích thước quá nhỏ của con vật. Tắc kè lùn quần đảo Virgin có màu nâu sậm ở mặt lưng – thường đi kèm với những vết lốm đốm sẫm màu. Trung bình, chiều dài của chúng là khoảng 18 mm (0,71 in) tính từ mõm tới lỗ huyệt và kích thước gần như nhỏ bằng đồng 10 xu Hoa Kỳ. Con vật có cân nặng tối đa chỉ chừng 0,15 g (0,0053 oz). Tại vùng sau mắt và trên đỉnh cổ có những vằn màu nhạt, đây là một đặc điểm nhận dạng loài tắc kè này. Màu sắc của con đực và con cái không có gì khác biệt nhau, trong khi con cái thì to hơn con đực một chút. Khi rụng hay đứt đuôi thì đuôi của con vật có thể tự mọc lại được. Không có nhiều thông tin về đặc điểm sinh học cũng như quần thể của loài vật này được biết đến. [ Đọc tiếp ]