A Bảo

quận vương Mông Cổ, ngạch phò nhà Thanh

A Bảo (giản thể: 阿宝; phồn thể: 阿寶; ? – 1739) là một vương công Mông Cổ thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, người thừa kế tước vị Trát Tát Khắc Đa La Bối lặc của A Lạp Thiện Ách Lỗ Đặc kỳ thuộc Tây Sáo Mông Cổ. Đồng thời, ông còn là ngạch phò của nhà Thanh khi thành hôn với Đạo Khắc Hân Quận chúa.

A Bảo
阿宝
Trát Tát Khắc Bối lặc nhà Thanh
A Lạp Thiện kỳ Trát Tát Khắc Bối lặc
Tại vị1709 – 1739
Tiền nhiệmHòa La Lý
Kế nhiệmLa Bặc Tàng Đa Nhĩ Tế
Thông tin chung
Mất1739
Phối ngẫuĐạo Khắc Hân Quận chúa
Hậu duệLa Bặc Tàng Đa Nhĩ Tế
Hoàng tộcBác Nhĩ Tế Cát Đặc thị
Thân phụHòa La Lý

Cuộc đời

sửa

A Bảo là con trai thứ 3 của Hòa La Lý (zh) – một hậu duệ của Chuyết Xích Cáp Tát Nhi, em trai ruột của Thành Cát Tư Hãn. Năm 1697, Hòa La Lý được Khang Hi phong làm Trát Tát Khắc Đa La Bối lặc, ban cho vùng đất A Lạp Thiện.[1] Năm 1704, Khang Hi lệnh cho A Bảo đến kinh thành, phong làm Ngự tiền Thị vệ. Cùng năm đó, ông được ban hôn với Đạo Khắc Hân Quận chúa, con gái của Trang Thân vương Bác Quả Đạc được Khang Hi nuôi dưỡng trong cung, trở thành Hòa Thạc Ngạch phò của nhà Thanh. Hòa La Lý cũng từ đó mà toàn toàn quy thuận nhà Thanh.[2] Sau khi A Bảo thành hôn, Khang Hi đã lệnh Tuần phủ Cam Túc xây dựng phủ đệ cho quận chúa và ngạch phò ở địa phận Mông Cổ.[3]

Năm 1707, Hòa La Lý qua đời. Đến năm 1709 thì A Bảo quay về A Lạp Thiện kế thừa tước vị của cha.[2] Năm 1723, A Bảo được thăng làm Quận vương, nhưng sau đó vì phạm tội mà lại bị giáng làm Bối lặc vào năm 1729. Hai năm sau, A Bảo được khôi phục tước vị Quận vương. Cũng trong năm 1731, triều đình nhà Thanh thưởng Định Viễn Doanh (定远营) cho A Bảo làm nơi ở và đồn trú,[4] nơi hiện nay là thị trấn Bayanhot, kỳ A Lạp Thiện Tả thuộc minh A Lạp Thiện của khu tự trị Nội Mông. Trong khoảng thời gian tại vị, A Bảo từng phụng lệnh triều đình nhà Thanh xuất quân chinh phạt Chuẩn Cát Nhĩ, đóng quân tại các khu vực có nhiều người Hồi như Kumul, Barkol, Thanh Hải.[5] Sau khi bình định phản loạn, Thanh Hải bộ được quy vào quyền sở hữu của A Lạp Thiện kỳ, người dân bản địa cũng theo A Bảo trở về A Lạp Thiện kỳ. Theo nhiều sử liệu, một bộ phận người Hồi ở Mông Cổ chính là do A Bảo mang về A Lạp Thiện trong lần này, nhân số khoảng 100 người.[a][6] Thêm vào đó, trong những năm dưới triều Càn Long, người Duy Ngô Nhĩ thường xuyên đến A Lạp Thiện kỳ để buôn bán làm ăn, trong số những người ở lại A Lạp Thiện kỳ có một số người theo đạo Hồi. Đây được xem là khởi đầu của sự truyền bá đạo Hồi vào khu vực A Lạp Thiện.[7][8][9]

Năm 1739, A Bảo qua đời. Theo ghi chép của Di Thân vương Hoằng Hiểu chịu trách nhiệm quản lý sự vụ Lý phiên viện về tấu thỉnh của Đạo Khắc Hân Quận chúa dâng lên Càn Long sau khi chồng qua đời, hai người vốn có 3 người con nhưng con trưởng lại mất sớm, hiện chỉ còn người con thứ mới 6 tuổi và người con út mới 5 tuổi. Trừ hai người con trai này, A Bảo không còn người con trai nào khác. Vì vậy Đạo Khắc Hân Quận chúa tấu thỉnh xin cho phép người trai thứ được thừa kế tước Vương.[10] Sau khi triều đình nhà Thanh cho phép, người con trai thứ là La Bặc Tàng Đa Nhĩ Tế thừa kế tước vị. Theo quy định tập tước của nhà Thanh, vì tước vị không phải thiết mạo tử vương nên khi thừa kế sẽ bị giảm xuống một bậc. La Bặc Tàng Đa Nhĩ Tế được phong làm Bối lặc.[11]

Gia đình

sửa
  • Chính thất: Đạo Khắc Hân Quận chúa
  • Con trai:
  1. Cổ Mộc Bố Tảo (古木布早), được phong tước Bối tử, mất sớm
  2. La Bặc Tàng Đa Nhĩ Tế (拉布藏多尔济; 1734 – 1783), thừa kế tước vị Trát Tát Khắc, về sau trở thành A Lạp Thiện kỳ Trát Tát Khắc Thân vương.
  3. Lạp Nhĩ Tể Vượng Thư Khắc (拉尔济旺书克; 1735 – ?), được phong tước Bối tử.
  • Con gái: Đích Phúc tấn của Bối lặc Dận Y – hoàng tử thứ 20 của Khang Hi.[3]

Chú thích

sửa
  1. ^ Do tập tục vấn khăn trên đầu mà bộ phận người Hồi này thường được gọi là "Triền đầu hồi hồi" (缠头回回) với "triền đầu" ý chỉ khăn lụa vấn trên đầu, và "hồi hồi" là người dân tộc Hồi.

Tham khảo

sửa

Tài liệu

sửa
  • Cổ Ninh, 賈寧 (2015). 满文题本揭示的清代蒙古各部贵族女性对爵位承袭事务的参与: 以青海蒙古为中心的对比和分析 [Vén màn sự tham dự của phụ nữ quý tộc Mông Cổ thời nhà Thanh trong việc thừa kế tước vị qua các văn bản tiếng Mãn: So sánh và phân tích tập trung vào Thanh Hải và Mông Cổ]. Trong Đạt Lực Trát Bố, 达力扎布 (biên tập). 中国边疆民族研究: 第八辑 [Nghiên cứu về các nhóm dân tộc biên giới của Trung Quốc: Tập 8] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Đại học Dân tộc Trung ương. ISBN 9787566009043.
  • Dương Thành Trung, 杨怀中 (2006). 郑和与文明对话 (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Nhân dân Ninh Hạ. ISBN 9787227032007.
  • Đỗ Gia Ký, 杜家骥 (2003). 清朝滿蒙联姻硏究 [Nghiên cứu quan hệ thông gia Mãn - Mông thời Thanh]. Nhà xuất bản Nhân dân. ISBN 9787010038698.
  • Đông Đức Phú, 佟德富 (2007). 蒙古语族诸民族宗教史 [Lịch sử tôn giáo của các nhóm dân tộc Mông Cổ] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Đại học Dân tộc Trung ương. ISBN 9787811083279.
  • Hình Dã, 邢野 (2007). 内蒙古通志.第6编.民俗 [Nội Mông Cổ thông chí. Tập 6: Dân tộc] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Nhân dân Nội Mông Cổ. ISBN 9787204092499.
  • Phạm Tông Hưng, 范宗兴; Tôn Quảng Văn, 孙广文; Hoàng Hâm, 黄鑫 (1 tháng 10 năm 2020). 宁夏旧志图解 [Minh họa sử ký cổ Ninh Hạ] (bằng tiếng Trung). Beijing Book Co. Inc. ISBN 9787227072843.
  • Triều Cách Đồ, 朝格图 (2007). 阿拉善往事: 阿拉善盟文史资料迭辑甲编 [Chuyện xưa của A Lạp Thiện: tài liệu văn sử A Lạp Thiện minh] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Nhân dân Ninh Hạ. ISBN 9787227035398.
  • Ủy ban biên soạn địa chí A Lạp Thiện tả kỳ, 阿拉善左旗地方志编纂委员会 (2000). 阿拉善左旗志 [Địa chí A Lạp Thiện tả kỳ] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Giáo dục Nội Mông Cổ. ISBN 9787531142775.
  • Ủy ban khu tự trị Nội Mông (1962). 內蒙古文史资料 [Tư liệu văn sử Nội Mông Cổ] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Nhân dân Nội Mông Cổ. OCLC 1020891042.