Hội quán Hà Chương (chữ Hán: 霞漳會館) còn có tên là Hội quán Chương Châu, hay còn được gọi là chùa Ông Hược.[1][2] hoặc chùa Bà Hà Chương; hiện tọa lạc tại số 802 Nguyễn Trãi, Phường 14, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam).

Hội quán Hà Chương
霞漳會館
Tôn giáo
Thờ phụngThiên Hậu Thánh mẫu
Ngọc Hoàng Thượng đế
Lễ hộiVía Bà Thiên Hậu (23/3 ÂL)
Cúng cô hồn (9/7 ÂL)
Vị trí
Vị tríChợ Lớn
Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
Quốc gia Việt Nam
Tọa độ địa lý10°45′12″B 106°39′29″Đ / 10,753202°B 106,657939°Đ / 10.753202; 106.657939
Kiến trúc
Phong cáchMiếu vũ Phúc Kiến
Người sáng tạoCộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn
Hoàn thành1809
Bề mặt khu vực2400 m2

Nguồn gốc sửa

Vào cuối thế kỷ 17, nhiều người Phúc Kiến, vì mưu sinh nên đã sang vùng Chợ Lớn (Việt Nam) định cư.

Để có nơi thờ cúng, giữ gìn tập tục và gặp gỡ, những người đồng hương ở hai phủ Tuyền ChâuChương Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã chung góp công sức, tiền của lập nên một ngôi thờ, mà nay có tên là miếu Nhị Phủ.

Tương truyền, sau khi tạo lập xong Nhị Phủ miếu, do bất đồng ý kiến, nên cộng đồng này bị chia tách: nhóm Tuyền Châu lập thêm Hội quán Ôn Lăng vào năm 1740, nhóm Chương Châu thuộc 7 huyện của phủ Chương Châu, lập thêm Hội quán Hà Chương vào năm 1809 trên diện tích 2.400 m2. Từ năm tạo lập cho đến nay, hội quán đã trải qua nhiều lần trùng tu.[3]

Kiến trúc sửa

 
Cột hội quán và đôi kỳ lân đều bằng đá nguyên khối, nơi cửa hội quán.

Nhìn chung, lối kiến trúc của Hội quán Hà Chương tuân thủ kiểu thức miếu vũ Phúc Kiến: tiền đường có nếp mái gian giữa cao, hai bên thấp, cong vút lên; trước có hai cửa sổ tròn, tượng trưng cho nhật nguyệt.

Đây là một công trình độc đáo kết hợp điêu khắc gỗ, đá và gạch ngói, tương tự như Hội quán Ôn Lăng, Hội quán Nhị Phủ...tức là theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa với bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái ngói lợp ống, chân mái được viền bằng ngói xanh. Đặc biệt nhất là cách tạo hình và trang trí mái ngói mang đậm nét phong cách của người Phúc Kiến, với những bờ nóc uốn cong có gắn các mảng tượng làm bằng vữa hồ và mảnh sành, thủy tinh đủ mọi sắc màu.

Ở đây, ngoài nhóm tượng linh thú trang trí trên đỉnh mái, như tượng hai con rồng chầu mặt trời, tượng thần Tử Vi; trên sườn mái của hội quán này còn có những nhóm tượng thể hiện hình ảnh lầu các, cung điện xưa. Tất cả, đã khiến cho mái ngói của Hội quán Hà Chương trông thật lạ mắt và sinh động. Và giống như các chùa miếu khác do người Hoa xây dựng, trong Hội quán Hà Chương, màu đỏ là màu chủ đạo.[4]

Hội quán này đã được danh sĩ Nguyễn Liên Phong viết trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (xuất bản năm 1909) như sau:

Hà Chương Hội quán ai bì
Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba.
Các chùa còn lắm xa hoa,
Thờ ông Phước Đức, thờ bà Thai Sanh.
Thiên hậu thánh mẫu rất linh,
Quan công thánh đế lịch xinh tượng hình...

Học giả Vương Hồng Sển cũng có lời khen ngợi hội quán:

Ở đường Nguyễn Trãi, có một chùa của người Phước Kiến, hiệu đề: "Hà Chương Hội quán". Chùa đồ sộ và khéo nhứt thời xưa, cho nên ngày nay người cố cựu Chợ Lớn còn quen dùng danh từ "lớn bằng chùa ông Hược", vì thời trước chỉ có chùa nầy là nguy nga nhứt [5].

Cổ vật sửa

 
Chuông cổ được chế tạo vào thời vua Đồng Trị, nhà Thanh.

Học giả Vương Hồng Sển viết:

Tiếng rằng Chùa Ông Hược, nhưng chánh điện thờ bà Thiên Hậu. Trong chùa có một chuông lớn đề "Đồng Trị, Mậu Thìn niên" (1868). Tại chùa có bốn cây cột đá, nguyên khối, rất lớn và khéo vô song. Chạm rồng vấn cột, vẩy vi, nanh móng nổi ra, tóc râu chạm lọng tuyệt mỹ, tiếc thay, mấy năm tao loạn đã bị sứt mẻ và gãy rời mất đôi chỗ, thật là rất uổng. Khéo nhứt là hình "bát tiên quá hải" chạm đứng trên thủy ba, trên mây và trên vi rồng, nét chạm thần tình đến tưởng nét vẽ trên giấy cũng không khéo hơn. Nghe nói xưa chùa có sáu cây cột nhưng đã bị chánh phủ thời đó "mượn không trả" hết hai cây rồi!
Ngoài cửa chùa, đời Đồng Trị năm Mậu Thìn (1868), Trạng nguyên Lâm Hồng Niên người Phước Châu, có gởi cúng hai câu liễn khắc vào đá, nay còn rành rành:
Hà thái ánh Nam thiên, vận triều tu hòa chi khánh.
Chương lưu thông trạch địa, linh khai phú hữu chí trường.[6]

Năm 28 tháng 12 năm 2001, Hội quán Hà Chương được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam công nhận là di tích Lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT.

Thờ tự sửa

Đối tượng thờ tự ở chính điện là Thiên Hậu Thánh mẫu. Phối tự hai bên là Chúa Sanh nương nương và Phước Đức chính thần (ông Bổn). Tiền đường thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và Hộ pháp. Đông lang thờ Bồ tát Quan Âm và tây lang thờ Quan Công, Thái Tuế, Tề thiên Đại thánh.

Hàng năm ở đây có hai lễ lớn: Vía Bà Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch) và cúng cô hồn (9 tháng 7 âm lịch).

Chú thích sửa

  1. ^ Vương, Hồng Sển (1991). Sài Gòn năm xưa. TP.HCM: Nhà xuất bản TP.HCM. tr. 205.
  2. ^ "Hược" là tên nôm na của "Hà Chương Hội Quán". Ngày 6 tháng 6 năm 1960, chúng tôi có đến viếng chùa, nhơn dịp hỏi lai lịch và nguyên do chữ "Hược" thì chính ông từ giữ chùa cũng ấp úng trả lời không suôn sẻ...Theo ý ông là do chữ "Hạp" (Hiệp), tức ý nói chùa lập ra do sự thống nhứt của các phủ tỉnh Phước Kiến hạp lại". Cắt nghĩa làm vậy chúng tôi tưởng chưa thông đâu. Kế đó chúng tôi đến hỏi một học giả ham chơi đồ cổ, gốc người Phước Kiến ở đường Phạm Ngũ Lão thì ông không trả lời được. Riêng chúng tôi được biết, có phải chăng "Hược" do "Học" tức "Phước" hay "Phúc" đọc giọng Phước Kiến? Chúng tôi nay xin chép ra đây để chờ người cao học phủ chính. (Vương, S 1991:205)
  3. ^ Huỳnh Ngọc, Trảng biên tập (2002). Sổ tay hành hương đất phương Nam. TP.HCM: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 265.
  4. ^ Để tưởng niệm Châu Ngươn Chương (Chu Nguyên Chương), thủy tổ nhà Minh, nên chùa của người Hoa thường dùng màu đỏ (châu, chu) sơn cột và trính...(Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 206).
  5. ^ Sài Gòn năm xưa, tr. 204.
  6. ^ Sài Gòn năm xưa, tr. 206.

Liên kết ngoài sửa