Phúc Kiến

tỉnh của Trung Quốc

Phúc Kiến là một tỉnh nằm ở ven Biển Đông nam của đại lục Trung Quốc. Năm 2018, Phúc Kiến là tỉnh đông thứ mười lăm về số dân, đứng thứ mười về kinh tế Trung Quốc với 39,4 triệu dân[1], tương đương với Iraq[2] và GDP đạt 3.580 tỉ NDT (541,1 tỉ USD) tương ứng với Bỉ hay Ba Lan.[3] Phúc Kiến có chỉ số GDP đầu người đứng thứ sáu Trung Quốc, đạt 92.080 NDT (tương đương 13.731 USD).[4]

Phúc Kiến
福建省
Phúc Kiến tỉnh

—  tỉnh  —
Chuyển tự tên
Phúc Kiến trên bản đồ Thế giới
Phúc Kiến
Phúc Kiến
Quốc gia Trung Quốc
Thủ phủPhúc Châu sửa dữ liệu
Chính quyền
 • Bí thư Tỉnh ủyDoãn Lực (尹力)
 • Tỉnh trưởngVương Ninh (王宁)
Diện tích
 • Tổng cộng121,400 km2 (46,900 mi2)
Thứ hạng diện tíchthứ 23
Dân số (2018)
 • Tổng cộng39,410,000
 • Mật độ320/km2 (800/mi2)
Múi giờUTC+8 sửa dữ liệu
Mã ISO 3166CN-FJ sửa dữ liệu
Thành phố kết nghĩaNagasaki, Okinawa sửa dữ liệu
GDP (2018)
 - trên đầu người
3.580 tỉ (541,1 tỉ USD) NDT (thứ 10)
92.080 (13.731 USD) NDT (thứ 6)
HDI (2014)0,807 (thứ 6) — trung bình
Các dân tộc chínhHán - 98%
Xa - 1%
Hồi - 0,3%
Ngôn ngữ và phương ngôntiếng Mân, tiếng Khách Gia
Trang webhttp://www.fujian.gov.cn
(chữ Hán giản thể)
Nguồn lấy dữ liệu dân số và GDP:
《中国统计年鉴—2005》/ Niên giám thống kê Trung Quốc 2005 ISBN 7503747382

Nguồn lấy dữ liệu dân tộc:
《2000年人口普查中国民族人口资料》/ Tư liệu nhân khẩu dân tộc dựa trên điều tra dân số năm 2000 của Trung Quốc ISBN 7105054255
Phúc Kiến
Giản thể福建
Phồn thể福建
Latinh hóaFukien, Foukien

Phúc Kiến giáp với Chiết Giang ở phía bắc, với Giang Tây ở phía tây, và với Quảng Đông ở phía nam. Đài Loan nằm ở phía đông của Phúc Kiến, qua eo biển Đài Loan.[5] Tên gọi Phúc Kiến bắt nguồn từ việc kết hợp tên gọi của hai thành Phúc Châu và Kiến Châu (tên cũ của Kiến Âu) trên địa phận vào thời Nhà Đường. Tỉnh có đại đa số cư dân là người Hán và là một trong những tỉnh có văn hóa và ngôn ngữ đa dạng nhất tại Trung Quốc. Hầu hết tỉnh Phúc Kiến do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quản lý. Tuy nhiên, các quần đảo Kim MônMã Tổ nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).

Lịch sử

sửa

Thời tiền sử

sửa

Những khám phá khảo cổ học gần đây đã chứng minh rằng cư dân bản địa ở Phúc Kiến đã tiến vào thời đại đồ đá mới vào giữa thiên niên kỉ thứ 6 TCN. Từ di chỉ Xác Khâu Đầu (壳丘头, cách nay 7450–5590 năm), một di chỉ thời kỳ đầu đồ đá mới trên đảo Bình Đàm (平潭岛) nằm cách khoảng 70 kilômét (43 mi) về phía đông nam Phúc Châu, rất nhiều công cụ làm bằng đá, vỏ, mai, xương, ngọc thạchgốm (gồm cả bàn xoay làm gốm) đã được khai quật, cùng với bánh xe quay, một bằng chứng của hoạt động dệt. Di chỉ Đàm Thạch Sơn (昙石山) (cách nay 5500–4000 năm) ở ngoại ô Phúc Kiến trải qua cả hai thời đại đồ đá mới và thời đại đồ đồng đá, tại đây đã tìm thấy các công trình tròn bán ngầm ở các mức thấp hơn. Di chỉ Hoàng Thổ Lôn (黄土崙) (khoảng 1325 TCN), cũng ở ngoại ô Phúc Châu, mang đặc điểm của thời đại đồ đồng.

Vương quốc Mân Việt

sửa

Khu vực Phúc Kiến từng tồn tại vương quốc Mân Việt. Từ "Mân Việt" là kết hợp giữa từ "Mân" (閩/闽; Bạch thoại tự: bân), có thể là tên một dân tộc và có liên hệ với từ để chỉ các dân tộc man di trong tiếng Hán là "man" (蠻/蛮; bính âm: mán; Bạch thoại tự: bân), và "Việt" là lấy theo tên nước Việt thời Xuân Thu tồn tại ở khu vực tỉnh Chiết Giang ngày nay. Điều này là bởi vương tộc nước Việt đã bỏ chạy đến Phúc Kiến sau khi vương quốc của họ bị nước Sở tiêu diệt và sáp nhập vào năm 306 TCN. Mân cũng là tên của dòng sông chính trong khu vực Phúc Kiến, Mân Giang, song tên gọi người Mân có từ trước.

Nhà Tần

sửa

Nước Mân Việt tồn tại cho đến khi bị triều Tần bãi bỏ. Tuy nhiên, với việc Nhà Tần sớm sụp đổ, nội chiến đã nổ ra giữa Hạng VũLưu Bang, sử gọi là Hán Sở tranh hùng; khi đó Vô Chư (无诸) đã quyết định xuất quân phụ giúp Lưu Bang. Sau đó, Lưu Bang giành chiến thắng và lập ra triều Hán; để thưởng công, năm 202 TCN, Hán Cao Tổ phục hồi địa vị cho Mân Việt là một vương quốc chư hầu, phong Vô Chư là Mân Việt vương. Vô Chư được triều Hán cho phép xây thành phòng thủ ở Phúc Châu cũng như một số địa điểm khác tại Vũ Di Sơn, chúng đã được khai quật trong những năm gần đây. Vương quốc của Vô Chư đã mở rộng phạm vi ra ngoài ranh giới của Phúc Kiến đến các vùng đất mà nay là phía đông Quảng Đông, phía đông Giang Tây, và phía nam Chiết Giang.

Nhà Hán

sửa

Sau cái chết của Vô Chư, Mân Việt duy trì truyền thống chiến đấu của mình và tiến hành một số cuộc viễn chinh chống lại các nước chư hầu láng giềng tại Quảng Đông, Giang Tây, và Chiết Giang, việc này diễn ra trong suốt thế kỷ thứ II TCN và chỉ bị ngăn chặn bởi triều Hán. Cuối cùng, hoàng đế triều Hán đã quyết định loại bỏ mối đe dọa tiềm tàng này bằng cách gửi lực lượng quân sự lớn tấn công Mân Việt từ tứ phía cả trên biển lẫn trên bộ vào năm 111 TCN. Những người lãnh đạo ở Phúc Châu đã đầu hàng để tránh một cuộc chiến vô ích, tuy nhiên quân Hán vẫn tiến hành hủy hoại cung điện, thành quách của Mân Việt; vương quốc đầu tiên trong lịch sử Phúc Kiến kết thúc tồn tại một cách đột ngột.

Nhà Tấn

sửa

Sau khi triều Hán dần sụp đổ vào cuối thế kỷ II, mở đường cho thời Tam Quốc. Tôn Quyền, người sáng lập ra nước Đông Ngô, đã phải mất gần 20 năm mới có thể khuất phục được người Sơn Việt, một nhánh Bách Việt sống ở vùng đồi núi. Làn sóng nhập cư đầu tiên của giới quý tộc người Hán đến khu vực Phúc Kiến ngày nay diễn ra vào đầu thế kỷ IV khi triều Tây Tấn sụp đổ và miền Bắc Trung Quốc bị các các dân tộc Hồ xâu xé. Những người nhập cư này chủ yếu đến từ tám dòng họ ở miền trung Trung Quốc: Lâm, Hoàng, Trần, Trịnh, Chiêm (詹), Khâu, Hồ. Bốn họ đầu tiên vẫn là những họ chính của người dân Phúc Kiến hiện nay.

Tuy nhiên, địa hình gồ ghề và biệt lập với các khu vực lân cận đã góp phần khiến cho nền kinh tế và mức độ phát triển của Phúc Kiến tương đối lạc hậu. Bất chấp việc số người Hán trong khu vực đã tăng đáng kể, mật độ dân số ở Phúc Kiến khi đó vẫn còn thấp so với phần còn lại của Trung Quốc. Triều Tấn chỉ lập ra 2 quận và 16 huyện trên đất Phúc Kiến ngày nay. Giống như các tỉnh phía nam khác như Quảng Đông, Quảng Tây, Quý ChâuVân Nam, Phúc Kiến thường là một địa điểm để triều đình đương thời lưu đày các tù nhân và các nhân vật bất đồng. Đến thời Nam-Bắc triều, Phúc Kiến nằm dưới quyền kiểm soát của các hoàng triều phương Nam.

Nhà Đường

sửa

Thời Đường (618–907) là một thời kỳ hoàng kim của phong kiến Trung Quốc. Khi triều Đường sụp đổ, Trung Quốc bị chia cắt trong suốt một thời kỳ được gọi là Ngũ Đại Thập Quốc. Trong thời gian này, đã có một làn sóng nhập cư thứ hai đến Phúc Kiến để tìm chốn nương thân, dẫn đầu là Vương Thẩm Tri, người này đã lập ra nước Mân với kinh đô đặt tại Phúc Châu. Tuy nhiên, sau khi quốc vương khai quốc qua đời, Mân quốc đã xảy ra xung đột nội bộ và sớm bị một nước phương Nam khác là Nam Đường tiêu diệt.[6]

Nhà Minh

sửa

Tuyền Châu là một hải cảng phồn hoa dưới thời Mân. Vào đầu thời triều Minh, Tuyền Châu là khu vực binh lính tập hợp và cung cấp vật phẩm cho chuyến thám hiểm hàng hải của Trịnh Hòa. Việc hải cảng này phát triển hơn nữa bị cản trở do triều Minh đã ra lệnh hải cấm, và Tuyền Châu đã dần bị thay thế bởi các cảng Quảng Châu, Hàng Châu, Ninh BaThượng Hải gần đó mặc dù lệnh cấm đã được gỡ bỏ vào năm 1550. Việc Uy khấu (hải tặc Nhật Bản) xâm nhập với quy mô lớn cuối cùng đã bị quân Trung Quốc và Toyotomi Hideyoshi của Nhật Bản xóa bỏ.

Nhà Minh-Thanh

sửa

Thời Minh mạt và Thanh sơ đã xảy ra làn sóng lớn người tị nạn đến Phúc Kiến và 20 năm cấm buôn bán trên biển dưới thời Hoàng đế Khang Hy, một biện pháp nhằm chống lại những người vẫn trung thành với Nhà Minh tại Đài Loan dưới quyền lãnh đạo của Trịnh Thành Công. Tuy nhiên, những người tị nạn này đã không ở lại Phúc Kiến mà sau đó lại di cư đến các khu vực thịnh vượng ở Quảng Đông. Năm 1689, triều đình Nhà Thanh sau khi thu phục được Đài Loan đã chính thức hợp nhất hòn đảo này vào Phúc Kiến. Sau đó, người Hán bắt đầu di cư với số lượng lớn ra Đài Loan, và phần lớn cư dân Đài Loan hiện nay có nguồn gốc từ những người nhập cư đến từ miền Nam Phúc Kiến. Sau khi Đài Loan trở thành một tỉnh riêng vào năm 1885 và rồi bị nhượng cho Nhật Bản vào năm 1895, Phúc Kiến vẫn duy trì nguyên trạng cho đến nay. Phúc Kiến chịu ảnh hưởng đáng kể của Nhật Bản sau khi ký kết Hiệp ước Shimonoseki năm 1895 cho đến Chiến tranh Trung-Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thời Dân Quốc

sửa

Sau Cách mạng Tân Hợi, tỉnh Phúc Kiến nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1933, lộ quân 19 tiến hành binh biến và lập nên Trung Hoa Cộng hòa quốc, đặt thủ đô tại Phúc Châu. Nước cộng hòa này chỉ tồn tại trong 55 ngày từ 22 tháng 11 năm 1933 đến 13 tháng 1 năm 1934.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

sửa

Sau Nội chiến Trung Quốc, Phúc Kiến thuộc quyền kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, riêng quần đảo Kim MônMã Tổ do chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan chiếm giữ, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cũng thành lập nên tỉnh Phúc Kiến, song bộ máy chính quyền cấp tỉnh này hiện nay không hoạt động trên thực tế. Eo biển Đài Loan đã từng xảy ra ba cuộc khủng hoảng giữa hai bên vào các năm 1954-1955, 19581995–1996.

Kể từ cuối thập niên, kinh tế Phúc Kiến ở vùng ven biển đã hưởng lợi rất nhiều từ sự gần gũi về mặt địa lý và văn hóa với Đài Loan. Chính quyền Phúc Kiến và chính phủ Trung ương Trung Quốc cũng đề xuất thành lập khu kinh tế Bờ tây Eo biển để khai thác hiệu quả lợi thế này. Năm 2008, Đài Loan là nhà đầu tư số một tại Phúc Kiến.[7]

Địa lý

sửa
 
Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn
 
Sông Mân (闽江) tại Nam Bình

Phúc Kiến nằm ở vùng ven biển phía đông nam Trung Quốc. Phúc Kiến giáp với Chiết Giang ở phía bắc, giáp với Giang Tây ở phía tây, giáp với Quảng Đông ở phía tây nam. Ở phía đông và phía nam của mình, Phúc Kiến giáp với biển Hoa Đông, eo biển Đài LoanBiển Đông. Đường bờ biển của Phúc Kiến kéo dài 535 km theo đường thẳng. Tuy nhiên do có nhiều vịnh và bán đảo, đường bờ biển trên thực tế dài khoảng 3.324 km, chiếm 18,3% chiều dài đường bờ biển Trung Quốc. Các vịnh lớn tại Phúc Kiến là vịnh Phúc Ninh (福宁湾), vịnh Tam Sa (三沙湾), vịnh La Nguyên (罗源湾), vịnh Mi Châu (湄洲湾), vịnh Đông Sơn (东山湾). Phúc Kiến có tổng cộng 1.404 đảo ven bờ, tổng diện tích của các hòn đảo này là khoảng trên 1.200 km².[8] Các đảo chính là Hạ Môn, Kim Môn, Bình Đàm (平潭岛), Nam Nhật (南日岛), Đông Sơn (东山岛).

Địa hình Phúc Kiến chủ yếu là đồi núi, theo truyền thống được mô tả là "Bát sơn, nhất thủy, nhất phân điền" (八山一水一分田). Ở phía tây bắc, địa hình cao hơn với dãy núi Vũ Di tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Phúc Kiến và Giang Tây, trong đó, núi Hoàng Cương (黄岗山) với cao độ 2.157 m là điểm cao nhất tại Phúc Kiến, cũng là điểm cao nhất vùng Đông Nam của Trung Quốc. Vành đai núi Phúc Kiến từ bắc xuống nam chia thành dãy núi Thứu Phong, dãy núi Đái Vân (戴云山脉), [[dãy núi Bác Bình Lĩnh (博平岭山脉). Đất đỏ và đất vàng là các loại đất chính của Phúc Kiến. Phúc Kiến là đơn vị hành chính cấp tỉnh có nhiều rừng nhất tại Trung Quốc, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 62,96% vào năm 2009.[9] Rừng tại Phúc Kiến có thể phân thành khu vực rừng thường xanh lá rộng cận nhiệt ở trung và tây bộ và rừng mưa cận nhiệt đới gió mùa ở đông bộ.

Các sông chủ yếu tại Phúc Kiến là Mân Giang (闽江) dài 577 km, Tấn Giang (晋江) dài 182 km, Cửu Long Giang (九龙江) dài 258 km và Đinh Giang (汀江) dài 220 km. Với lượng mưa phong phú, lưu lượng nước hàng năm của các sông trên toàn tỉnh là 116,8 tỷ m³ nước, riêng lưu lượng dòng chảy bình quân của Mân Giang (1.980 m³/s) đã lớn hơn của Hoàng Hà (1.774,5 m³/s). Đa số các sông suối có độ dốc lớn và chảy nhanh, có nhiều ghềnh thác, dự trữ thủy lực lý thuyết đạt 10,46 triệu kW, công suất lắp đặt đạt 7,0536 triệu kW. Tại vùng duyên hải, do có nhiều vũng vịnh nên có thể lợi dụng thủy triều để sản xuất điện, với 3000 km² diện tích chịu ảnh hưởng của thủy triều, dự trữ năng lượng thủy triều có thể khai thác là trên 10 triệu kW. Phúc Kiến có bốn đồng bằng lớn là đồng bằng Chương Châu, đồng bằng Phúc Châu, đồng bằng Tuyền Châuđồng bằng Hưng Hóa.

Phúc Kiến có khí hậu cận nhiệt đới ẩm gió mùa, khí hậu có lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp đa dạng. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 17-21 °C. Mùa đông tại Phúc Kiến khá ấm áp, nhiệt độ tháng 1 tại vùng duyên hải là 7-10 °C, tại vùng núi là 6-8 °C. Mùa hè nóng với nhiệt độ dao động từ 20-39 °C, chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão nhiệt đới. Giáng thủy hàng năm đạt từ 1.400-2.000 mm, giảm dần từ đông nam đến tây bắc.

Phân vùng

sửa
 
Thổ lâu Phúc Kiến

Mân Đông là một khu vực rộng lớn, bao gồm khu vực trung hạ du Mân Giang ở đông bộ và khu vực đồi núi ở đông bắc bộ Phúc Kiến, giáp eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông. Về mặt hành chính, vùng Mân Đông bao gồm Phúc Châu và Ninh Đức. Tại Mân Đông, toàn bộ Phúc Châu và hai huyện Cổ Điền, Bình Nam của Ninh Đức nói tiếng Phúc An (福安话). Quần đảo Mã Tổ do Trung Hoa Dân Quốc quản lý cũng thuộc vùng Mân Đông.

Mân Trung gồm Bồ Điền và đại bộ phận của Tam Minh. Trong vùng Mân Trung, các huyện Vưu KhêĐại Điền nói tiếng Mân Nam; các huyện khu Tam Nguyên, Vĩnh AnSa nói tiếng Mân Trung; tại Ninh HóaThanh Lưu nói tiếng Khách Gia; các huyện Thái Ninh, Tương Lạc, Kiến NinhMinh Khê nói phương ngôn Mân Cống (闽赣方言).

Mân Nam chỉ khu vực lưu vực Cửu Long GiangTấn Giang ở nam bộ Phúc Kiến, giáp với eo biển Đài Loan. Về mặt hành chính, Mân Nam bao gồm ba địa cấp thị Chương Châu, Tuyền ChâuHạ Môn. Vùng Mân Nam có nền kinh tế phát triển, còn được gọi là tam giác vàng Mân Nam. Các đảo Kim Môn do Trung Hoa Dân Quốc quản lý cũng thuộc vùng Mân Nam. Mân Nam là quê hương của một số lượng lớn Hoa kiều, là tổ tiên của đa số người Đài Loan. Người dân vùng Mân Nam nói tiếng Mân Nam.

Mân Bắc chỉ khu vực thượng du Mân Giang ở bắc bộ Phúc Kiến, phía đông nam của đoạn bắc dãy núi Vũ Di và phía tây bắc của dãy núi Đái Vân (戴云山脉). Về mặt hành chính, Mân Bắc bao gồm Nam Bình và một bộ phận của Tam Minh. Mân Bắc giáp với Ninh Đức ở phía đông, giáp với Thượng NhiêuƯng Đàm của tỉnh Giang Tây ở phía tây, phía nam đan xen vào Tam Minh, phía bắc giáp với Lệ Thủy của tỉnh Chiết Giang. Người dân Mân Bắc nói tiếng Mân Bắc.

Mân Tây thời cổ dùng để chỉ các châu quận ở cực tây của Phúc Kiến là Đinh châu (汀州), ngoại trừ khu thành Long Nham và bên ngoài Chương Bình, là nơi cư trú của người Xa, và là một trong tứ châu Khách Gia. Mân Tây là quê hương của nhiều người Khách Gia tại Đài Loan, Đông Nam Á và Tứ Xuyên. Hiện nay, Mân Tây dùng để chỉ Long Nham. Thổ lâu Phúc Kiến là một di sản văn hóa thế giới.

Các đơn vị hành chính

sửa
 
Bản đồ hành chính tỉnh Phúc Kiến

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cai quản hầu hết tỉnh này, và chia nó thành 9 đơn vị hành chính cấp địa khu:

STT Tên Thủ phủ Chữ Hán
Bính âm
Dân số (2010) Diện tích
(km²)
Thành phố cấp phó tỉnh
2 Hạ Môn Tư Minh 厦门市
Xiàmén Shì
3.531.347 1.865
Thành phố cấp địa khu
1 Phúc Châu Cổ Lâu 福州市
Fúzhōu Shì
7.115.370 13.066
3 Long Nham Tân La 龙岩市
Lóngyán Shì
2.559.545 19.069
4 Nam Bình Duyên Bình 南平市
Nánpíng Shì
2.645.549 26.300
5 Ninh Đức Tiêu Thành 宁德市
Níngdé Shì
2.821.996 13.452
6 Bồ Điền Thành Sương 莆田市
Pútián Shì
2.778.508 4.200
7 Tuyền Châu Phong Trạch 泉州市
Quánzhōu Shì
8.128.530 11.015
8 Tam Minh Tam Nguyên 三明市
Sānmíng Shì
2.503.388 22.900
9 Chương Châu Hương Thành 漳州市
Zhāngzhōu Shì
4.809.983 12.607

9 đơn vị hành chính cấp địa khu này được chia thành 85 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 26 quận, 14 thành phố cấp huyện (huyện cấp thị), và 45 huyện. Các đơn vị hành chính cấp huyện này lại được nhỏ thành 1107 đơn vị hành chính cấp hương, gồm 605 thị trấn (trấn), 328 hương, 18 hương dân tộc, và 156 nhai đạo.

Huyện Kim Môn về mặt danh nghĩa là do thành phố Tuyền Châu quản lý, nhưng thực tế lại do Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Đài Loan quản lý. Huyện Liên Giang, thuộc thành phố Phúc Châu của CHND Trung Hoa, trên danh nghĩa quản lý Quần đảo Mã Tổ, nhưng thực tế Mã Tổ lại do Trung Hoa Dân Quốc quản lý, với tên gọi là huyện Liên Giang. Nhóm đảo Ô Khâu trên danh nghĩa thuộc quyền quản lý của khu Tú Tự thuộc thành phố Bồ Điền của CHND Trung Hoa song trên thực tế do huyện Kim Môn của Trung Hoa Dân Quốc quản lý.

Nhân khẩu

sửa

Dân tộc

sửa

Tôn giáo tại Phúc Kiến[10]

  Kitô giáo (3.5%)
  Tôn giáo khác hoặc không tôn giáo (65.19%)

Người Hán chiếm 98% cư dân Phúc Kiến, tuy nhiên cư dân người Hán tại Phúc Kiến lại có tính đa nguyên cao về ngôn ngữ và văn hóa. người Mân (người nói tiếng Mân) là nhóm Hán lớn nhất tại Phúc Kiến, tiếp theo là người Khách Gia, người Triều Châu. Người Khách Gia sinh sống ở phần tây nam của Phúc Kiến. Người Huệ An, một nhánh người Hán có văn hóa và các tập tục khác biệt, sinh sống tại bờ biển đông nam Phúc Kiến gần trấn Sùng Vũ (崇武镇) tại huyện Huệ An. người Xa sinh sống chủ yếu ở vùng núi phía bắc Phúc Kiến, chiếm 60% tổng số người Xa tại Trung Quốc, họ là dân tộc thiểu số lớn nhất tại Phúc Kiến.

Năm 2009, tỉnh Phúc Kiến có tổng cộng 11 hương dân tộc, trong đó có 18 hương dân tộc Xa và 1 hương dân tộc Hồi, có 562 thôn dân tộc.[11]

Phúc Kiến là quê hương của nhiều Hoa kiều hải ngoại, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Hậu duệ của những người di cư từ Phúc Kiến chiếm đa số trong cộng đồng người Hán tại Đài Loan và Singapore. Tại Hồng Kông, theo ước tính có khoảng 1,2 triệu người Phúc Kiến, riêng người gốc Tuyền Châu là 700.000 người. Người gốc Phúc Kiến cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong cộng đồng người Hán tại Malaysia, Indonesia, BruneiPhilippines. Từ năm 1970 trở đi, Phúc ThanhTrường Lạc, Phúc Châu có nhiều người di cư đến Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật BảnNam Mỹ.

Ngôn ngữ

sửa

Do có địa hình đồi núi với nhiều đợt nhập cư đến từ miền Trung Trung Quốc trong dòng chảy lịch sử, Phúc Kiến là một trong những nơi đa dạng nhất về ngôn ngữ trong số các khu vực người Hán trên toàn quốc. Trong một khoảng cách ngắn, các phương ngữ trong cùng một địa phương có thể không hiểu lẫn nhau. Điều này được phản ánh trong thành ngữ "nếu bạn đi năm dặm tại Phúc Kiến thì văn hóa sẽ biến đổi, và nếu bạn đi mười dặm, ngôn ngữ sẽ khác".[12] Việc phân loại các phương ngữ này khiến các nhà ngôn ngữ học lúng túng. Nhìn chung, hầu hết các phương ngữ tại Phúc Kiến được xếp thuộc về tiếng Mân, nhóm này lại chia thành tiếng Mân Bắc, tiếng Mân Đông, tiếng Mân Trung, tiếng Mân Nam, tiếng Phủ Tiên, và tiếng Thiệu Tương (邵将). (phân nhóm thứ bảy của tiếng Mân, tiếng Hải Nam, không nói ở Phúc Kiến.) Phương ngữ Phúc Châu thuộc tiếng Mân Đông, song một số nhà ngôn ngữ học lại phân nó thuộc tiếng Mân Bắc; tiếng Hạ Môn là một bộ phận của tiếng Mân Nam. Tiếng Khách Gia, một phân nhánh khác của tiếng Hán, được người Khách Gia sinh sống quanh Long Nham nói. Cũng như các tỉnh khác, ngôn ngữ chính thức tại Phúc Kiến là tiếng Phổ thông, được dùng để đàm thoại giữa người dân ở các khu vực khác nhau.[12]

Kinh tế

sửa
 
Hạ Môn, thành phố cấp phó tỉnh duy nhất tại Phúc Kiến.

Trước năm 1978, do nằm đối diện với Đài Loan, Phúc Kiến được xem là sẽ trở thành tiền tuyến trong một cuộc chiến tranh tiềm tàng giữa hai bờ eo biển. Vì thế, tỉnh không được chính phủ Trung ương Trung Quốc đầu tư nhiều và kinh tế chậm phát triển hơn so với phần còn lại của đất nước. Từ sau cải cách mở cửa năm 1978, Phúc Kiến đã nhận được nguồn đầu tư đáng kể của Hoa kiều gốc Phúc Kiến tại hải ngoại, từ Đài Loan và đầu tư ngoại quốc. Ngày nay, mặc dù là một trong các tỉnh giàu có của Trung Quốc, song GDP bình quân đầu người của Phúc Kiến vẫn đứng thấp nhất trong số các đơn vị hành chính ven biển phía đông của Trung Quốc.[13] Theo các số liệu sơ bộ, tổng GDP của Phúc Kiến năm 2010 đạt 1,4 nghìn tỉ NDT, tăng 13,8% so với năm trước, GDP bình quân đầu người đạt 39.432 NDT, tăng 13% so với năm trước, trong đó tỉ lệ ba khu vực một, haiba của nền kinh tế lần lượt là 9,5%-51,3%-39,2%.[14]

Hạ Môn, Phúc Châu và Tuyền Châu là những nơi kinh tế phát triển hơn cả tại Phúc Kiến. Tại vùng ven biển, các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghiệp nhẹ, điện tử, thực phẩm, thủy sản, chế biến thực phẩm; còn tại vùng nội địa, các ngành công nghiệp chủ đạo là nguyên liệu thô, dệt may, gỗ, hóa chất. Phúc Kiến có các nhà máy chế biến trà, cùng các nhà máy sản xuất trang phục và đồ thể thao của các hãng lớn như Anta, 361 Degrees, Xtep, Peak Sport ProductsSeptwolves. Nhiều hãng nước ngoài cũng có các hoạt động Phúc Kiến như Boeing, Dell, GE, Kodak, Nokia, Siemens, Swire, TDK và Panasonic.[15]

Phúc Kiến là tỉnh có nhiều đồi núi, thiếu đất canh tác. Lúa là cây trồng chính, ngoài ra các nông dân còn trồng khoai lang cùng lúa mìlúa mạch.[6] Ruộng lúa ước tính chiếm 81% diện tích đất canh tác, có thể trồng hai đến ba vụ luân phiên trong một năm, chẳng hạn theo công thức lúa gạo-lúa gạo-lúa mì. Phúc Kiến là một tỉnh trọng yếu trong việc trồng các loại cây trồng nhiệt đới và cận nhiệt đới tại Trung Quốc. Phúc Kiến cũng trồng mía để sản xuất đường và trồng cải dầu. Phúc Kiến cũng dẫn đầu Trung Quốc về sản lượng nhãn, vải, trà. Theo công báo Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc dân tỉnh Phúc Kiến năm 2010, diện tích cây lương thực đạt 18,4845 triệu mẫu, trong đó diện tích lúa là 12,8224 triệu mẫu, diện tích trồng thuốc lá là 972.400 mẫu, diện tích trồng các loại hạt có dầu là 1.674.900 mẫu, khu vực có phát triển trồng rau là trên 10 triệu mẫu. năm 2010, sản lượng lương thực đạt 6,6 triệu tấn. Hải sản là một thế mạnh khác của Phúc Kiến, đặc biệt là các loài có vỏ.

Tỉnh Phúc Kiến sẽ được hưởng lợi từ việc khai thông vận chuyển trực tiếp với Đài Loan bắt đầu từ ngày 15 tháng 12 năm 2008. Điều này cũng bao gồm việc mở các chuyến bay từ Đài Loan đến các thành phố chính của Phúc Kiến như Hạ Môn và Phúc Châu. Bên cạnh đó, các cảng tại Hạ Môn, Tuyền Châu và Phúc Châu sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng trao đổi thương mại với Đài Loan.[16][16][17]

Năm 2011, GDP danh nghĩa của Phúc Kiến là 1,74 nghìn tỷ NDT (276,3 tỷ USD), tăng 13% so với năm trước đó.[18] GDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 46.802 NDT (7.246 USD).[13] Đến năm 2015, Phúc Kiến hy vọng sẽ có ít nhất 50 doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 10 tỉ NDT. Chính quyền cũng dự tính 55% tăng trưởng GDP sẽ đến từ lĩnh vực công nghiệp.[19]

Kinh tế công nghệ

sửa
Kinh tế Phúc Kiến 1990 – 2018[20]
2018 2017 2016 2015 2014 2013 2012 2011 2010 2009 2008 2007 2006 2005 2000 1990 GDP Năm
541,059 476.640 433,744 417,283 395,465 356,485 314,991 274,104 219,304 180,416 156,793 122,329 95,680 80,430 45,474 10,919 Tỷ USD
8,3 8,1 8,4 9,0 9,9 11,0 11,4 12,3 13,9 12,2 11,4 13,0 12,8 11,2 Tốc độ %
Tỉnh lỵ Phúc Châu, 7,76 triệu dân, GDP 132 tỷ USD, bình quân 17.010 USD/người, tốc độ 10,20%.
Phó tỉnh Hạ Môn, 4,13 triệu dân, GDP 80 tỷ USD, bình quân 19.370 USD/người, tốc độ 8,94%.
Hai thành phố của Phúc Kiến với chỉ số kinh tế năm 2019, đều tập trung công nghệ cao.

Kể từ cuối thập niên 90, kinh tế Phúc Kiến ở vùng ven biển hướng tới sự lân cận với Đài Loan, tập trung thu hút đầu tư và phát triển tốc độ. Tỉnh đề xuất và được Trung ương thành lập khu kinh tế Bờ tây Eo biển để khai thác hiệu quả lợi thế này. Với sự thu hút đầu tư, hàng loạt Tập đoàn trên thế giới mở hoạt động ở Phúc Kiến như Boeing, Dell, GE, Kodak, Nokia, Siemens, Swire, hay Panasonic[21]. Năm 2018, Phúc Kiến là tỉnh đông thứ mười lăm về số dân, đứng thứ mười về kinh tế Trung Quốc với 39,4 triệu dân, tương đương với IraqGDP đạt 3.580 tỉ NDT (541,1 tỉ USD) tương ứng với Bỉ hay Ba Lan. Phúc Kiến có chỉ số GDP đầu người đứng thứ sáu Trung Quốc, đạt 92.080 NDT (tương đương 13.731 USD), cao hơn trung bình thế giới là 11,355 USD cùng năm. Phúc Kiến đã nhảy vọt trong sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số trong những năm gần đây, và bây giờ đã nổi lên như một động cơ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vô cùng nhanh chóng. Nền kinh tế kỹ thuật số của Phúc Kiến đã và đang phát triển tới mức độ đóng góp 1,42 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 215 tỷ USD) chỉ trong năm 2018. Kinh tế kỹ thuật số Phúc Kiến có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 22,39% (tốc độ tăng trường tổng GDP năm 2008 là 8,3%), nhanh thứ hai trên cả nước, chỉ sau tỉnh Quý Châu. Chỉ dựa vào lĩnh vực này, hàng năm Phúc Kiến thu tới 50 tỷ USD GDP. Kinh tế kỹ thuật số Phúc Kiến bao gồm các công nghệ kỹ thuật số như Internet vạn vật, dữ liệu lớntrí tuệ nhân tạo đã tăng tốc hội nhập toàn cầu. Và phương hướng này đã mang lại lợi ích to lớn cho cư dân địa phương.[22]

Giao thông

sửa

Đường sắt

sửa
 
Đường sắt cao tốc Hàng Châu-Phúc Châu-Thâm Quyến, đoạn đi qua huyện Liên Giang

Người ta chỉ mới bắt đầu xây dựng đường sắt tại Phúc Kiến từ những năm 1950, khi hai bờ eo biển Đài Loan vẫn còn căng thẳng. Việc xây dựng đường sắt là một phần trong chiến lược của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Đài Loan. Vì thế, tuyến đường sắt từ Ưng Đàm thuộc tỉnh Giang Tô (được xác định là tuyến phòng thủ thứ hai) đến Hạ Môn đã được xây dựng, sau đó kéo dài thêm đến Phúc Châu. Để thu hút đầu tư, Phúc Kiến dự định sẽ tăng chiều dài đường sắt trong tỉnh lên 50%, đạt 2.500 km.[23] Đến nay, đường sắt ở Phúc Kiến không còn phục vụ cho nhu cầu đi lại nội tỉnh mà chủ yếu phục vụ các tuyến đường dài đi đến các tỉnh khác.

Đường sắt Phúc Châu-Hạ Môn là một tuyến đường sắt cao tốc dài 274,9 km. Tuyến đường sắt này được bắt đầu xây dựng vào năm 2005, và đã được nghiệm thu vào tháng 10 năm 2009 và đi vào hoạt động từ năm 2010. Tuyến đường sắt có thể đạt tốc dộ trên 200 km/h và toàn hành trình chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Tuyến đường sắt Phúc Châu-Hạ Môn là một phần của Đường sắt cao tốc Hàng Châu-Phúc Châu-Thâm Quyến, vì thế, Phúc Kiến có thể kết nối một cách nhanh chóng và thuận lợi đến hai khu vực kinh tế lớn nhất đất nước là đồng bằng Châu Giangđồng bằng Trường Giang.[24] Dự kiến khi một cây cầu được xây dựng bắc qua vịnh Hàng Châu để phục vụ cho tuyến đường sắt cao tốc, Phúc Kiến sẽ có thể kết nối trực tiếp đến Thượng Hải bằng tuyến đường này.[25]

Đường bộ

sửa

Mạng lưới đường bộ của Phúc Kiến đã được phát triển trong những năm đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và luôn ở trong tình trạng tốt để có thể sẵn sàng phục vụ cho việc chuyển quân nếu xảy ra chiến tranh. Kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1978 và phát triển mạnh nền kinh tế thị trường với các ngành công nghiệp nhẹ, nhu cầu vận tải bằng đường bộ đã tăng lên rất nhiều. Tính đến năm 2012, có 54.876 kilômét (34.098 mi) đường quốc lộ tại Phúc Kiến, trong đó có 3.500 kilômét (2.200 mi) đường cao tốc. Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, tức giai đoạn từ 2011 đến 2015, chiều dài đường cao tốc của Phúc Kiến sẽ tăng lên 5.500 kilômét (3.400 mi).[26]

Hàng không

sửa

Phúc Kiến có hai sân bay quốc tế là Sân bay quốc tế Trường Lạc Phúc Châu, Sân bay quốc tế Cao Khi Hạ Môn, và một số sân bay địa phương nhỏ hơn như là Sân bay Tấn Giang Tuyền Châu, Sân bay Nam Bình Vũ Di Sơn, Sân bay Liên Thành. Những sân bay địa phương này được phát triển từ các sân bay quân sự song đến nay vẫn chỉ có một vài tuyến bay. Tuy nhiên, hai sân bay Phúc Châu và Hạ Môn đã được mở rộng và hiện đại hóa. Sân bay Hạ Môn có năng lực phục vụ 15,75 triệu hành khách vào năm 2011, còn Phúc Châu có năng lực tiếp đón 6,5 triệu hành khách mỗi năm với năng lực chuyên chở hàng hóa trên 200.000 tấn. Các sân bay tại Phúc Kiến có các tuyến bay trực tiếp đến 45 điểm, bao gồm cả các điểm quốc tế như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, SingaporeHồng Kông.[23]

Giao thông đường thủy

sửa

Phúc Kiến có trên 3.700 km đường thủy nội địa, song lại có ít ý nghĩa vì các dòng chảy quá nông nên tàu lớn không thể đi lại. Ngoài ra, trên nhiều con sông có các đập thủy điện, vì thế Phúc Kiến khó có khả năng phát triển loại hình giao thông này. Tuy nhiên, với lợi thế nằm ven biển cùng nhiều vũng, vịnh, Phúc Kiến có khả năng phát triển giao thông đường biển. Một số hải cảng chính của Phúc Kiến là Hạ Môn, Phúc Châu, Tuyền Châu, Chương Châu, Hàm Giang. Ngoài ra, tỉnh Phúc Kiến còn sẽ hình thành một hải cảng lớn ở vịnh Mi Châu (湄洲湾) thuộc Bồ Điền.[27]

Văn hóa

sửa
 
Món canh hoành thánh tại Sa huyện

Một vài khu vực tại Phúc Kiến có hình thức hí khúc (戏曲) riêng của mình. Mân kịch (闽剧) phổ biến tại khu vực xung quanh Phúc Châu; Cao Giáp hí (高甲戏) phổ biến quanh Tấn GiangTuyền Châu; Hương kịch (芗剧) phổ biến quanh Chương Châu; Phúc Kiến Nam khúc (福建南曲) quen thuộc trên khắp vùng nam bộ, và Phủ Tiên hí (莆仙戏) phổ biến quanh Bồ ĐiềnTiên Du.

Ẩm thực Phúc Kiến có thế mạnh về hải sản và là một trong tám trường phái lớn của ẩm thực Trung Quốc. Trường phái Phúc Kiến bao gồm các truyền thống ẩm thực đến từ các khu vực khác nhau, như ẩm thực Phúc Châuẩm thực Mân Nam. Món ăn có thanh thế nhất của ẩm thực Phúc Kiến là Phật nhảy tường (佛跳墙 "Phật khiêu tường"), một món ăn phức tạp gồm nhiều thành phần, bao gồm cả vây cá mập, hải sâm, bào ngưrượu Thiệu Hưng (绍兴酒, Thiệu Hưng tửu).

Nhiều loại trà nổi tiếng có nguồn gốc từ Phúc Kiến, trong đó phải kể đến trà Ô Long, Nham trà Vũ Di (武夷岩茶)), và trà hoa nhài Phúc Châu. Trà đạo Phúc Kiến là một hình thức chuẩn bị và phục vụ trà công phu. Từ "trà" trong tiếng Anh, "tea", có nguồn gốc từ tiếng Mân Nam, te.[28]

Sơn mài thoát thai Phúc Châu (福州脱胎漆器), một kiểu sơn mài nổi tiếng, có điểm đáng chú ý là sử dụng một cục đất sét và/hoặc thạch cao để tạo ra hình thù; cục này sau đó bị loại bỏ. Ở Phúc Châu có nghệ thuật chạm khắc đá Thọ Sơn (寿山石).

Giáo dục

sửa
 
Đại học Hạ Môn được thành lập vào năm 1921

Đối tác hữu nghị

sửa

Tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2009, Phúc Kiến đã thiết lập 61 mối quan hệ quốc tế với 28 quốc gia, trong đó quan hệ cấp tỉnh là 16, Phúc Châu: 9, Hạ Môn: 13, Tuyền Châu: 5, Chương Châu: 3, Bồ Điền: 2, Nam Bình: 2, Long Nham: 2, Thạch Sư: 2, Vũ Di Sơn: 2, Tam Minh, Ninh Đức, Nam An, Phúc Đỉnh, khu Tư Minh của Hạ Môn đều có một đối tác quốc tế.[29] Trong đó, các đối tác quốc tế cấp tỉnh, bang của Phúc Kiến là:

Đối tác hữu nghị Thời gian Nơi ký
  Tasmania (Úc) 5/3/1981 Hobart
  Nagasaki (Nhật Bản) 16/10/1982 Nagasaki
  Oregon (Hoa Kỳ) 25/9/1984 Phúc Châu
  Liège (Bỉ) 27/2/1986 Phúc Châu
  Rheinland-Pfalz (Đức) 24/5/1989 Mainz
  Basse-Normandie Pháp 6/12/1990 Caen
  Okinawa (Nhật Bản) 4/9/1997 Phúc Châu
  Napoli (Ý) 12/6/1998 Napoli
  Đông Cao Địa (Papua New Guinea) 16/5/2000 Phúc Châu
  Ceará (Brasil) 6/3/2001 Fortaleza
  Odessa (Ukraina) 11/7/2002 Odessa
  Trung Java (Indonesia) 6/12/2003 Semarang
  Virginia (Hoa Kỳ) 8/6/2004 Bắc Kinh
  KwaZulu-Natal (Nam Phi) 13/12/2006 Phúc Châu
  Misiones (Argentina) 27/6/2007 Puerto Iguazú
  Cantabria (Tây Ban Nha) 23/6/2009 Santander

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Tăng trưởng dân số Phúc Kiến năm 2018”. http://www.chamiji.com/2019031111294.html. Truy cập Ngày 30 tháng 9 năm 2019. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  2. ^ “Dân số thế giới”. https://www.worldometers.info/world-population/. Truy cập Ngày 26 tháng 9 năm 2019. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  3. ^ “GDP thế giới năm 2018” (PDF). Ngân hàng Thế giới. Truy cập Ngày 26 tháng 9 năm 2019.
  4. ^ “Số liệu GDP đầu người tại Trung Quốc năm 2018”. http://data.stats.gov.cn/english. Truy cập Ngày 30 tháng 9 năm 2019. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  5. ^ “深空(R) Web 应用防火墙 拦截提示 | SkyDeep Web Application Firewall Blocking Tips”. 1.cn. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2012.
  6. ^ a b “Fujian province, China”. Encyclopedia Britannica. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  7. ^ “Fujian, Taiwan record closer economic ties”. Xinhua. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2012.
  8. ^ 《福建统计年鉴2007》,中国统计出版社,第一章《综合》:基本省情
  9. ^ “Forestry in Fujian Province” (bằng tiếng Anh). English.forestry.gov.cn. 21 tháng 1 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2012. Truy cập 7 tháng 5 năm 2012.
  10. ^ China General Social Survey 2009, Chinese Spiritual Life Survey (CSLS) 2007. Report by: Xiuhua Wang (2015, p. 15) Lưu trữ 2015-09-25 tại Wayback Machine
  11. ^ 吴新榕. “2009年福建民族乡村经济社会发展情况分析”. 福建省统计局. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2010.
  12. ^ a b French, Howard W. "Uniting China to Speak Mandarin, the One Official Language: Easier Said Than Done." The New York Times. 10 tháng 7 năm 2005. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2008.
  13. ^ a b “Fujian GDP expected to hit 1 trillion yuan”. China Daily. ngày 19 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2012.
  14. ^ “2010年福建省国民经济和社会发展统计公报”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2012.
  15. ^ “Market Profiles on Chinese Cities and Provinces”. Hong Kong Trade Development Council. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2012.
  16. ^ a b “Ever cuddlier”. The Economist. ngày 18 tháng 12 năm 2008.
  17. ^ “China Pledges Loans to Taiwan Firms to Boost Ties (Update2)”. Bloomberg. ngày 21 tháng 12 năm 2008.
  18. ^ 用户名:密码: 验证码: 匿名? CheckLogin(); 发表评论 (ngày 2 tháng 3 năm 2010). “福建省2009年国民经济和社会发展统计公报_中国统计信息网”. Tjcn.org. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2012.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  19. ^ http://www.thechinaperspective.com/topics/province/fujian-province/ Lưu trữ 2011-06-02 tại Wayback Machine The China Perspective | Fujian Economic News and Data
  20. ^ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (2018), Thống kê Phúc Kiến (1952 – 2018).
  21. ^ “Hồ sơ thị trưởng tỉnh thành Trung Quốc: Phúc Kiến”. Hongkong TDC. tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2019.
  22. ^ “Fujian makes strides in digital economy (Phúc Kiến có những bước tiến hùng mạng trong nền kinh tế kỹ thuật số) (tiếng Anh). China Daily. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2020.
  23. ^ a b “China Expat city Guide Dalian”. China Expat. 2008. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2009.
  24. ^ “闽首条高速铁路-福厦铁路建成通车(图)”. 海峡之声网. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2012.
  25. ^ “Railway Bridge to Cross Hangzhou Bay”. HighBeam Business. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2012.
  26. ^ “China Briefing Business Reports”. Asia Briefing. 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2009.
  27. ^ “Land Area Forming Project of Fujian Meizhou Port Area Signed”. Hong Kong and Macao Affairs Office of the Fujian Provincial People's Government. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2012.[liên kết hỏng]
  28. ^ Dahl, Östen. “The World Atlas of Language Structures Online”. Max Planck Digital Library. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2008. |contribution= bị bỏ qua (trợ giúp)
  29. ^ “福建省与国外友城关系一览表” (bằng tiếng Trung). 福建省人民政府外事办公室. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2009.

Liên kết ngoài

sửa