Quýt hồng
Một biên tập viên đang sửa phần lớn trang bài viết này trong một thời gian ngắn. Để tránh mâu thuẫn sửa đổi, vui lòng không chỉnh sửa trang khi còn xuất hiện thông báo này. Người đã thêm thông báo này sẽ được hiển thị trong lịch sử trang này. Nếu như trang này chưa được sửa đổi gì trong vài giờ, vui lòng gỡ bỏ bản mẫu. Nếu bạn là người thêm bản mẫu này, hãy nhớ xoá hoặc thay bản mẫu này bằng bản mẫu {{Đang viết}} giữa các phiên sửa đổi. Trang này được sửa đổi lần cuối vào lúc 03:50, 29 tháng 3, 2023 (UTC) (28 giây trước) — Xem khác biệt hoặc trang này. |
Trang hay phần này đang được viết mới, mở rộng hoặc đại tu. Bạn cũng có thể giúp xây dựng trang này. Nếu trang này không được sửa đổi gì trong vài ngày, bạn có thể gỡ bản mẫu này xuống. Nếu bạn là người đã đặt bản mẫu này, đang viết bài và không muốn bị mâu thuẫn sửa đổi với người khác, hãy treo bản mẫu {{đang sửa đổi}} .Sửa đổi cuối: Hồ Đức Hải (thảo luận · đóng góp) vào 28 giây trước. (làm mới) |
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Quýt hồng là một giống quýt đặc sản được trồng chủ yếu tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp, Việt Nam.[1][2] Quýt hồng là một trong những đặc sản làm nên tên tuổi cho trái cây ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với những đặc điểm riêng biệt về hương vị, màu sắc cũng như các đặc tính của quả, khiến cho quýt hồng Lai Vung ngày nay trở nên nổi tiếng khắp cả trong ngoài nước.

Phân bốSửa đổi
Quýt hồng là giống cây ăn quả thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá đặc biệt. Dọc bờ sông Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có nguồn nước ngọt dồi dào cùng loại đất mỡ gà thích hợp trồng cây nên huyện này đã trở thành vùng chuyên canh cây quýt hồng.[3] Thời hoàng kim, toàn huyện có diện tích trồng trên 1.000 ha[4][5] nằm trên ba xã là Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành.[1] Tuy nhiên, có một khoảng thời gian bị dịch bệnh cùng ngập lũ đã gây thiệt hại lớn cho những vườn cây, làm giảm diện tích trồng loại cây đặc sản này. Toàn huyện hiện còn gần 300 ha canh tác cây quýt hồng. Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung đã triển khai "Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng Lai Vung giai đoạn 2020 - 2024" giúp các vườn quýt phục hồi tốt, tăng diện tích trồng trên địa bàn trở lại khoảng 800 ha.[4][5]
Mô tảSửa đổi
RễSửa đổi
Quýt hồng thuộc loại rễ trụ có rễ nhánh rất phát triển. Có nấm (Micorhiza) sống cộng sinh ở lớp biểu bì hút nước cung cấp cho cây, đồng thời cung cấp muối khoáng và lượng nhỏ chất hữu cơ. Do đặc điểm này mà rể thường tập trung gần lớp đất mặt. Thích hợp với đất có sa cấu sét nhẹ, thoáng khí không bị rã khi gặp mưa.
Mỗi năm rễ có 3 lần sinh trưởng phát triển và có 3 cao điểm. Lần thứ nhất rễ phát triển sau đợt cây ra hoa, ra đọt và phục hồi sinh trưởng, lần này số lượng rễ ra rất nhiều. Lần thứ hai giữa đợt đọt hè và thu nên số lượng rễ phát triển ít. Lần thứ 3 sau khi trái và hạt đã phát dục xong, hàm lượng chất hoà tan trong dần dần chuyển hoá thành đường, nên rễ ít bị ức chế số lượng rễ lúc nầy có tăng nhiều hơn lần thứ hai
ThânSửa đổi
Thuộc loại thân gỗ, dạng bán bụi, cành phân tán mạnh. Thân và cành có gai và rụng khi đạt độ tuổi già nhất định. Cành phát triển theo lối hợp trục, khi cành mọc dài dến một khoảng nhất định thì dừng lại, các mầm bên dưới đỉnh sinh trưởng sẽ mọc ra, các cành thứ cấp này cũng mọc đến một khoảng nhất định thì dừng lại và các mầm bên dưới đỉnh sinh trưởng lại tiếp tục phát triển giống như cũ. Cành được phân thành các loại như cành mang trái, cành mẹ, cành dinh dưỡng,cành vượt.
LáSửa đổi
Lá quýt thuộc dạng lá đơn, mọc xen, thắc ở giữa chia lá thành cánh lá và phiến lá, lá có cuốn lá, gân lá hình lông chim, lá bóng dày có chứa tinh dầu. Khi già lá co lại.
HoaSửa đổi
Hoa quýt hồng thuộc dạng hoa chùm, có 6 cánh hoa xếp thành hai vòng, nhị hợp. Bầu có 6-10 ngăn. Hoa có mùi thơm hấp dẫn côn trùng.
TráiSửa đổi
Trái quýt có dáng hình cầu, hai đầu dẹp, hơi lõm. Lớp vỏ mỏng, căng bóng, có màu hồng cam hơi xen kẽ sắc xanh khi chín, mùi thơm dễ chịu như tinh dầu.[3] Quả không hạt, khi chín có vị ngọt hậu, hơi chua nhẹ, nhiều nước và nước quả có màu vàng cam.[6]
Yếu tố ngoại cảnhSửa đổi
Nhiệt độSửa đổi
Quýt hồng có biên độ nhiệt khá rộng từ 15-320C, ẩm độ cao >70% Nhiệt độ không khí ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.
Ánh sángSửa đổi
Quýt hồng hợp với ánh sáng tán xạ, ánh sáng có cường độ 10.000-15.000 lux, tương đương với ánh sáng lúc 8h và 16-17 giờ vào những ngày quan mây mùa hè. Do đó nên bố trí trồng dày hợp lý nhằm tạo bóng râm cho cây quýt.
NướcSửa đổi
Quýt hồng có khả năng chịu ẩm và chịu hạn tốt. Ẩm độ và nước ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình bốc thoát hơi nước của cây, ảnh hưởng đến sinh trưởng và nhất là làm cho vỏ dày, ít thơm, chất lượng kém. Quýt cần nhiều nước nhất là thời kỳ ra hoa kết trái nhưng cũng rất sợ ngập úng.
GióSửa đổi
Quýt hồng Lai Vung chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây nam và Đông bắc, vì lúc này cây đang mang trái. Chỉ có gió Tây nam mới gây thiệt hại đến năng suất, gió Đông bắc cộng với nhiêt độ giảm đây là điều kiện thích hợp cho cây quýt hồng phát triển. Vì thế trái chín vào tháng 11-12 âm lịch thường có màu đẹp hơn so với trái chín nghịch mùa (những tháng còn lại trong năm).
Đất đaiSửa đổi
Quýt hồng là cây rất kén đất chỉ có vùng Lai Vung là thích hợp[cần dẫn nguồn], tại đây đất thông thoáng, thoát nước tốt, hàm lượng hữu cơ cao lớn hơn 3.5%. Đặc biệt là đất không bị rã khi trời mưa gây hồ mặt. Đất phải có tầng canh tác cao hơn 80 cm, pH đất từ 5,5-6,5 là thích hợp.
Các yếu tố dinh dưỡngSửa đổi
Nhu cầu dinh dưỡng của quýt hồng gồm thành phần đa lượng và thành phần vi lượng. Thành phần đa lượng gồm có: + Đạm (Nitrogen) Đạm là yếu tố có vai trò quyết định đến năng suất và phẩm chất của trái, thúc đẩy quá trình phát triển cành, lá và đọt mới cho cây. Thiếu đạm, lá mất diệp lục màu lá chuyển sang vàng, nhánh mang trái nhỏ, lá bị rụng, trái nhỏ, vỏ trái mỏng, năng suất giảm. Thừa đạm, ảnh hưởng xấu đến chất lượng trái, trái to vỏ dày chậm lên màu. Hai dạng đạm chính được hấp thụ từ đất là: nitrate (NO3-) và amonium (NH4+). Quá trình hấp thu vận chuyển đạm lên cây bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm nhiệt độ, đất, rễ, mức sống của cây và mức độ oxy trong đất. + Lân (Phosphorus) Lân rất cần cho quá trình phân hoá mầm hoa. Thiếu lân cành lá sinh trưởng kém, lá rụng nhiều, cành lá không phát triển được, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trái. Trong đất hiện diện ở hai dạng vô cơ và hữu cơ. + Kali (Potassium) Kali là phần rất cần thiết cho phẩm chất trái. Cây đủ kali sẽ cho trái to, ngọt, đặc biệt là vỏ trái có khả năng chịu đựng tốt trong việc vận chuyển cũng như trong bảo quản.
Trồng trọtSửa đổi
Chọn giống cây trồngSửa đổi
Trồng cây con là phương pháp gây giống hữu tính, tạo cây từ hạt. Cây con sẽ mang đặc tính di truyền từ cây mẹ nên chỉ chọn cây quýt cho quả tốt rồi lấy hạt đem ươm. Cách này có thể nhân ra nhiều cây giống cùng lúc nhưng phải chờ cây con lớn, thường khoảng từ một năm mới có thể trồng. Có hai cách trồng cây con: trồng nguyên cây con hoặc chiết nhánh.[7]
Chiết nhánh là phương pháp tương đối dễ, trồng nhanh và dễ đậu quả hơn trồng cây con nhưng cũng hạn chế về số lượng. Nhánh chiết phải lựa giống cây tốt và nhánh tốt. Nếu chọn nhánh chiết từ cây mẹ, nguyên là cây con, trong khoảng từ 3 đến 5 năm tuổi thì nhánh đó sẽ phát triển mạnh hơn. Nhưng lại ra quả trễ hơn nhánh chiết từ cây mẹ nguyên là nhánh chiết.[7]
Ghép cây là tìm một gốc cây có quan hệ họ hàng về mặt thực vật rễ phát triển bền tốt như chanh, cam, bưởi,.. để ghép quýt hồng vào. Cách thức này có mục đích là chống các dạng bệnh chết cây trên quýt. Gốc ghép phải đạt yêu cầu: sức sinh trường tương đương cành ghép; rễ sinh trường mạnh, đâm chồi nhiều và sinh nhiều rễ phụ; dễ thích ứng và chịu đựng tốt với điều kiện thời tiết như mưa, nắng, ngập nước,... . Thường thì người trồng dùng chanh làm gốc ghép. Phương pháp này còn khó khăn và chậm, cần thời gian chuẩn bị cây trồng và kỹ thuật ghép cao mới đủ số lượng trồng nhiều. Tuy nhiên, cách này rất đảm bảo cây phát triển và mang lại nhiều lợi ích khác như: không cần xây bờ quá cao tốt kém, không bị úng thủy hay ngập nước.[7]
Ươm và giâm cây giống: muốn trồng cây mới ít hao, dù là cây con hay nhánh chiết, người trồng giâm ở vườn ươm một thời gian cho cây tươi tốt, đến khi thời tiết thuận lợi thì mang ra vườn trồng, cây sẽ không bị héo và nhanh phát triển. Có hai loại cây giâm:
- Giâm cây con mọc lên từ hạt khi cao từ 10 cm trở lên. Sau một năm tuổi, người trồng có thể mang nguyên cây hoặc chiết ngang gốc để trồng.[7]
- Giâm nhánh chiết hoặc cây con chiết ngang :
- Giâm tạm: Khi cắt một bầu chiết đã ra rễ nên giâm tạm bằng cách để các bầu sát vào nhau ở nơi mát hoặc có mái che và đắp vào rễ ít bùn đất. Sau 15 ngày, rễ sẽ mọc dài thêm nhiều, khi đó trồng nhánh sẽ không mất sức.[7]
- Giâm thực thụ
Giá trị dinh dưỡngSửa đổi
Quả quýt hồng chứa hàm lượng: Calo 47, vitamin C 23.5 mg, kali 146 mg, carbohydrate 12 gr, đường 8 gr, canxi 33 mg, chất xơ 1.5 gr, magie 11 mg và một số dưỡng chất vitamin A, B2, B3, B6, đồng... Trung bình, một quả quýt có khả năng cung cấp cho cơ thể hơn 1/5 lượng vitamin C cần có hằng ngày.[3] Trong quýt hồng có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C, vitamin A, beta carotene, kali, canxi, magie,... giúp tăng cường hệ miễn dịch, sáng mắt, phòng ngừa và cải thiện các bệnh thoái hoá điểm vàng, đau mỏi mắt, quáng gà, góp phần giúp xương thêm chắc khỏe.[3] Tỷ lệ đường đạt 74% cũng như lượng nước và chất xơ đáng kể, giúp ức chế cảm giác thèm ăn, gây cảm giác no lâu, hỗ trợ giảm cân. Chất xơ và carbohydrate trong quýt hỗ trợ đường tiêu hoá khoẻ mạnh, ngăn ngừa các bệnh về đường ruột.[3]
Quản lý dịch hạiSửa đổi
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển cây quýt hồng thường gặp một số loài côn trùng, nhện gây hại và các bệnh sau:
Côn trùng và nhện gây hạiSửa đổi
- Nhóm nhện (nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng) nhện đỏ (Panonychus citri) là phổ biến và chiếm mật số cao. Nhện tấn công trên lá và trái, chúng chích, cạp, hút nhựa của lá và trái.
Trên lá vết cạp, hút để lại những chấm nhỏ li ti trên mặt lá, lá bị hại có thể khô dính lại trên cây trong một thời gian dài sau đó. Trên trái, nhện thường sống tập trung ở cuốn trái, đít trái và phần lõm của vỏ trái. Khi trái còn non nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì làm vỡ tuyến tinh dầu trên vỏ trái, sau đó vỏ trái bị biến màu, các vết thương trên vỏ trái khô dần tạo nên những đóm sần sùi trên vỏ trái hay còn gọi là da cám Phòng trị bằng cách phun thuốc hoá học như Comite, Trebon, Pegasus, Bi 58, Phosalone, Kelthane, Zineb nếu có nhện xuất hiện định kỳ 15-21 ngày phun một lần.
- Sâu vẽ bùa (Phyloccnistis citrella)
Trứng được đẻ gần gần gân chính của lá. Sau khi nở, sâu đục lòn dưới mặt lá thành những đường hầm giữa hai mặt lá để ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục. Sâu ăn tới đâu thường bài tiết tới đó, vệt phân kéo dài một đường liên tục thành một sợi chỉ dài. Đường đục rộng dần lên theo độ tuổi của sâu. Nếu bị gây hại nặng thì lá quýt có triệu chứng lá bị cong queo lại, kích thước lá giảm rõ rệt, từ đó làm giảm khả năng quang hợp của lá, chồi non ngừng tăng trưởng và có thể trơ trụi không có lá. Sâu vẽ bùa còn là nguyên nhân lan truyền và phát triển bệnh loét do vi khuẩn xathomonas campestris gây nên. Phòng trị bằng cách phun thuốc hoá học như: Confidor, Dầu Oleoestec ngoài tác dụng diệt ấu trùng còn có khả năng diệt trứng. Ngoài ra có thể phòng ngừa bằng cách tỉa cành, bón phân hợp lý, cắt tỉa cùng lúc để chồi ra đồng loạt để hạt chế lây lan sâu vẽ bùa liên tục trong năm.
- Sâu đục vỏ trái (Prays citri)
Sâu tấn công khi trái còn rất nhỏ, vết đục tạo nên những u, sần trên trái. Nếu bị năng trái sẽ rụng, khi sâu tấn công lúc trái lớn để lại u, sần rất to làm mất giá trị thương phẩm của trái, mặc dù chất lượng thịt trái không bị ảnh hưởng.
Phòng trịSửa đổi
Theo dõi, phát hiện triệu chứng sâu mới gây hại trên trái khi cây vừa tường trái. Thu gom những trái đang nhiễm đem chôn để diệt trừ sâu gây hại Nếu thường xuyên bị nhiễm có thể phun thuốc đặc trị khi trái còn non, phun hai lần liên tiếp mỗi lần cách nhau 7-10 ngày
Bệnh gây hạiSửa đổi
- Bệnh loét (ghẻ lõm)
Vết bệnh lúc đầu nhỏ, hơi úng nước, có màu xanh đậm, xung quanh có màu quần vàng, vết bệnh sau đó lớn dần có màu vàng nhạc và nâu nhạt, mọc nhô lên mặt lá, vỏ trái hoặc vỏ cành. Kích thước vết bệnh từ 1-5mm, vết bệnh có hình tròn, bề mặt vết bệnh sần sùi, nhìn kỹ ở giữa vết bệnh có lõm xuống, nhiều vết bệnh liên kết lại tạo thành mảng lớn hình dạng bất định Bệnh thường gây hại cả trên lá, trái và cành. Bệnh thường lây lan và gây hại nặng vào mùa mưa do ẩm độ không khí cao, hoặc do mưa làm văng nguồn bệnh từ lá bệnh sang lá khác. Các vườn trồng dày, bón nhiều đạm, vườn cây con thường bị nhiễm nặng hơn. Phòng trị: Cắt tỉa cành, lá, trái bị bệnh. Thu gom các cành lá, trái bị bệnh rụng đem tiêu hủy, nhất là trước khi tưới nước ra hoa phải đảm bảo vườn sạch bệnh Không phun nước tưới lên tán lá vào buổi chiều mát, chỉ tưới vào gốc cây không tưới thừa nước. Tăng cường bón thêm phân kali cho vườn Phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng như Copper Zin 85WP, Coc 85WP, Kocide với liều lượng 20-30g cho bình 8lit. Phunvào giai đoạn trước khi mùa mưa đến hoặc trước khi tưới nước ra hoa. Phun trị bằng các loại thuốc sau: Kasuran 50WP, New Kasuran 16,6 WP, Kasumin 2L, Starner 20WP, Sasa 40WP, Batocide 12WP, Cuprimacin 500 81WP với liều lượng 20-30g cho bình 8lít thời gian 7-10 ngày phun một lần
- Bệnh vàng lá rụng lá (thối rễ vàng lá chết nhanh)
Cây bệnh lá vẫn lớn bình thường, nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngã màu vàng xanh sau đó rụng đi, nhất là khi có gió hoặc ta lắc nhẹ cây. Các lá già rụng trước sau đó đến các lá trên, nhìn vào cây thấy gốc trơ trụi chỉ còn lại đọt lá Lúc đầu bện chỉ biểu hiện ở một vài nhánh vàng lá rụng lá, sau đó toàn bộ cây sẽ bị rụng lá. Cây bệnh cho nhiều chồi ngắn nhỏ, nhiều hoa, trái, trái chua và cuối cùng cây chết hẳn. Đào rễ lên thấy phía cành bị rụng lá rễ bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, rễ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Bệnh nặng tất cả các rễ đều bị thối cây chết. Bệnh do nấm Fusarium solani tấn công vào chóp rể làm rễ bị thối. Cây bị ngập úng, xiết nước ra hoa làm rễ suy yếu hoặc do tuyến trùng (Pratylenchus coffea, Radopholus similis, Tylenchulus semipenetrans, Meloidogyne sp.) tương quan với nấm fusarium solani và kết hợp với nấm Penicillium và Aspergiluss (phân huỷ gỗ), sẽ làm rễ cây bị bệnh nặng hơn. Phòng trị thường xuyên thăm vườn theo dõi phát hiện sớm bệnh, cắt bỏ những rễ bị thối thối. Bón thêm phân lân, kali tăng khả năng đề kháng của rễ đối với bệnh hoặc tưới MKP để phục hồi nhanh hơn. Sử dụng các loại thuốc sau Thiram 85WP, Benomyl 50WP, Ridomil 72WP, Deroral 70WP,… với liều lượng 30-50g cho một bình 8lít.
Thu hoạchSửa đổi
Quýt hồng chỉ có duy nhất một mùa thu hoạch, thường được chăm bón vào khoảng tháng 2 âm lịch nhưng chỉ cho ra quả vào cuối năm.[1]
Xử lý ra hoaSửa đổi
Cách xử lý ra hoa truyền thống đơn giản nhất đó là xiết nước vào khoảng tháng giêng tháng hai âm lịch. Sau khi thu hoạch trái thì tiến hành cắt tỉa đợi khi cành mang hoa phát triển đầy đủ và lá vừa già thì tiến hành xiết nước (không tưới nước để cây thiết nước và lá sẽ héo đi), khoảng 20 ngày thấy lá sào thì tưới nước trở lại. Cây sẽ tươi lại và sẽ trổ hoa trong thời gian khoảng 15 ngày kể từ khi tưới nước trở lại cho cây.
Ngoài biện pháp trên ta có thể xử lý ra hoa nghịch mùa, bằng cách che cao su trên mặt líp không cho nước mưa rơi xuống mặt líp vì thường những tháng này rời vào lúc có mưa, kết hợp với không tưới nước, có thể kết hợp phun GA3 lên lá. Khi đó cây thiếu nước lá sẽ héo đi, sau đó tiến hành tưới nước trở lại cây cũng sẽ ra hoa như kỹ thuật xiết nước vào mùa khô.
Điều kiện quyết định cho kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch mùa thành công là không gặp lúc mưa nhiều, lượng nước mưa cung cấp qua lá không đủ cho nhu cầu của cây.
Thu tráiSửa đổi
Khi trái chín có màu hồng nhạt chính là lúc có thể thu hoạch được. Thời gian cây vừa ra quả cho đến lúc chín có thể thu hoạch vào khoảng 1 tháng rưỡi.[1] Khi thu hoạch phải đảm bảo đúng kỹ thuật tránh cây mất sức và đâm chồi kém vào mùa sau.
Tham khảoSửa đổi
Chú thíchSửa đổi
- ^ a b c d Thanh Hằng (14 tháng 1 năm 2021). “Đến Lai Vung mùa quýt hồng”. vnexpress.net. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- ^ Nhựt An (10 tháng 1 năm 2023). “Quýt hồng Lai Vung lên chậu phục vụ thị trường Tết”. dantocmiennui.vn. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- ^ a b c d e Duy Kiên, Ánh Tuyết (23 tháng 11 năm 2022). “Quýt hồng Lai Vung: Đặc sản miệt vườn xứ Tháp Mười”. Tạp chí Công Thương. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- ^ a b Hoàng Nam (17 tháng 2 năm 2021). “Thủ phủ quýt hồng Lai Vung tìm lại thời hoàng kim”. vnexpress.net. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- ^ a b Nhựt An (14 tháng 12 năm 2022). “Vùng quýt hồng Lai Vung rộn ràng đón khách”. dantocmiennui.vn. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- ^ Huỳnh Phương (18 tháng 1 năm 2022). “Vườn quýt hồng lớn nhất Lai Vung vào vụ Tết”. vnexpress.net. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- ^ a b c d e Hoàng, Văn Sinh (2004). Kỹ thuật trồng quýt hồng (PDF). Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh Niên. tr. 5–9.
Sách tham khảoSửa đổi
- Đường Hồng Dật. 2003. Nghề làm vườn cây ăn quả ba miền.Hà Nội: Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.
- Vũ Hài, Trần Quý Hiểu. 2000. Nghề làm vườn. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.
- Nguyễn Thị Thu Cúc. 2000. Biện pháp phòng trị côn rùng và nhện gây hại cây ăn trái (Cam, Quýt, Chanh, Bưởi) phần 1. Cần Thơ: Nhà sách Thành Nghĩa.
- Nguyễn Thị Thu Cúc. 2000. Biện pháp phòng trị côn rùng và nhện gây hại cây ăn trái (Cam, Quýt, Chanh, Bưởi) phần 2.Cần Thơ: Nhà sách Thành Nghĩa.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cục Bảo vệ Thực Vật. 2006. Quản lý dịch hại tổng hợp cây có múi hướng dẫn về sinh thái. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Nông nghiệp.
- Nguyễn Minh Châu.1999.Kỹ thuật vườn ươm và cây ăn quả có múi. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Nông nghiệp.
- Trung tâm UNSCO phổ biến kiến thức văn hoá giáo dục cộng đồng tủ sách kiến thức nhà nông. 2005. Hướng dẫn bón phân cân đối hợp lý cho cây trồng. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn Hoá Dân tộc.