Nhà Thanh (1636–1912) được thành lập nhờ các chiến dịch chinh phục quân sự và duy trì sự tồn tại nhờ lượng vũ trang. Các vị hoàng đế sáng lập nhà Thanh đã đích thân tổ chức cũng như lãnh đạo quân đội, tính liên tục văn hóa và tính chính danh chính trị của triều đại phụ thuộc vào năng lực quốc phòng và khả năng mở rộng lãnh thổ. Do đó, thể chế quân sự, năng lực lãnh đạo và tình hình tài chính trở thành nền tảng cho cả sự thành công buổi đầu lẫn sự suy tàn trong những năm cuối của nhà Thanh. Chế độ quân sự lúc đầu lấy trọng tâm là Bát kỳ, một thể chế hỗn hợp đóng vai trò xã hội, kinh tế và chính trị. Chế độ Bát kỳ có cơ sở phát triển không chính thức sớm nhất là vào năm 1601, được chính thức thành lập vào năm 1615 bởi thủ lĩnh Nữ Chân Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559–1626), người được truy phong là hoàng đế khai quốc nhà Thanh. Con trai ông là Hoàng Thái Cực đổi tên dân tộc Nữ Chân thành "Mãn Châu", thành lập thêm Mông Cổ Bát kỳ và Hán quân Bát kỳ có thành viên là những người Hán đầu hàng nhà Thanh trước khi nhà Thanh bắt đầu chinh phục toàn diện Trung Quốc bản thổ vào năm 1644. Sau năm 1644, quân đội nhà Minh đầu hàng nhà Thanh được hợp nhất với Lục doanh, một quân đoàn dần dà có quân số đông gấp ba lần Bát kỳ.

Trong giai đoạn Khang Càn thịnh thế, quân đội nhà Thanh sử dụng thuốc súng ngang ngửa ba đế chế thuốc súng khác ở Tây Á. Các hoàng tử Mãn Châu từng lãnh đạo Bát kỳ tiêu diệt quân đội nhà Minh, nhưng kể từ khi nền hòa bình lâu dài được thiết lập vào năm 1683, cả Bát kỳ lẫn Lục doanh đều suy giảm dần sức chiến đấu. Phải đồn trú trong các thành phố, binh lính ít có cơ hội tập trận. Dù là vậy thì với trang bị vũ khí và năng lực hậu cần vượt trội, nhà Thanh vẫn mở rộng lãnh thổ sâu vào khu vực Trung Á, đánh bại quân Chuẩn Cát Nhĩ vào năm 1759 và hoàn thành cuộc chinh phục Tân Cương. Bất chấp thành công của chuỗi chiến dịch Thập toàn Võ công do Càn Long Đế khởi xướng, mà nhà Thanh luôn lấy làm tự hào, quân đội nhà Thanh phần lớn chiến đấu kém hiệu quả từ cuối thế kỷ 18. Nhà Thanh phải mất tới gần mười năm và tiêu tốn khối tài lực khổng lồ để dập tắt Khởi nghĩa Bạch Liên giáo, một phần nhờ việc triều đình hợp pháp hóa các lực lượng dân quân địa phương do giới tinh hoa gốc Hán lãnh đạo. Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, một cuộc khởi nghĩa quy mô bùng phát ở miền nam Trung Quốc, lan rộng và chỉ còn cách Bắc Kinh vài dặm vào năm 1853. Triều đình nhà Thanh buộc phải chấp nhận để các tổng đốc gốc Hán, đầu tiên là Tăng Quốc Phiên, có quyền tự củng cố quân đội khu vực. Các tổng đốc gốc Hán cùng loại hình quân đội mới của họ đã đánh bại quân khởi nghĩa, nhưng cũng báo hiệu hồi kết cho sự thống trị của người Mãn Châu trong tổ chức quân đội.

Những công nghệ quân sự là kết quả của Cách mạng Công nghiệp châu Âu, khiến trang bị vũ khí và lực lượng quân đội Trung Quốc nhanh chóng trở nên lạc hậu. Năm 1860, trong Chiến tranh Nha phiến lần 2, liên quân Anh–Pháp đã chiếm đóng Bắc Kinh và cướp phá Viên Minh viên. Triều đình lung lay cố gắng hiện đại hóa thể chế quân sự và công nghiệp bằng cách mua lại công nghệ châu Âu. Trong Phong trào Dương vụ, nhà Thanh cho thành lập các xưởng đóng tàu (đáng chú ý nhất là Binh công xưởng Giang Nam và Binh công xưởng Phúc Châu), mua súng và thiết giáp hạm hiện đại từ châu Âu. Hải quân nhà Thanh lớn nhất Đông Á, nhưng tổ chức và hậu cần không đầy đủ, thiếu đào tạo sĩ quan và nội bộ thì tham nhũng tràn lan. Hạm đội Bắc Dương gần như bị hủy diệt hoàn toàn còn lực lượng trên bộ hiện đại hóa cũng bị đánh bại trong Chiến tranh Nhật–Thanh năm 1895. Nhà Thanh thành lập Tân quân, nhưng cũng không thể chặn bước Liên quân Tám nước xâm lược Trung Quốc, trả đũa Phong trào Nghĩa Hòa đoàn vào năm 1900. Năm 1911, một bộ phận Tân quân nổi dậy, góp phần khiến nhà Thanh sụp đổ.

Chế độ Bát kỳ sửa

Một trong những chìa khóa để Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất thành công các bộ lạc Nữ Chân và có thể thách thức nhà Minh vào đầu thế kỷ 17 là việc hình thành nên Bát kỳ, một thể chế độc nhất vô nhị của người Mãn Châu, mang lại hiệu quả quân sự, nhưng đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong cả kinh tế, xã hội lẫn chính trị. Ngay từ năm 1601, thậm chí là từ một vài năm trước đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã bắt binh sĩ và người nhà của họ đăng ký vào các đại đội tá lĩnh thường trực. Tá lĩnh vốn là tên gọi của một kiểu nhóm săn bắn truyền thống mà đàn ông Nữ Chân tham gia để thực hành các hoạt động quân sự và tiến hành chiến tranh. Khoảng trước năm 1607, nhiều tá lĩnh được nhóm thành những đơn vị lớn hơn gọi là "kỳ", phân biệt với nhau bằng bốn lá cờ mang màu sắc: vàng, trắng, đỏ và xanh lam. Năm 1615, một đường viền đỏ được thêm vào mỗi lá cờ (với lá hồng kỳ, đường viền đỏ được thay bằng đường viền trắng), tạo thành bộ tám lá cờ mà quân đội Nữ Chân mang theo trong mỗi trận chiến. Chế độ Bát kỳ cho phép Nỗ Nhĩ Cáp Xích và nhà nước mới của ông sáp nhập các bộ lạc Nữ Chân khác chỉ đơn giản bằng việc bổ sung thêm các đại đội; chính hình thức sáp nhập này lại giúp tái tổ chức xã hội Nữ Chân vượt ra ngoài các mối liên kết thị tộc nhỏ lẻ.

Khi quyền lực nhà Thanh mở rộng dần về biên giới phía bắc Vạn lý Trường thành, quy mô Bát kỳ cũng mở rộng theo. Ngay sau khi đánh bại tộc Sát Ha Cát Nhĩ với sự giúp đỡ của nhiều bộ tộc Mông Cổ khác vào năm 1635, Hoàng Thái Cực, khả hãn kế vị Nỗ Nhĩ Cáp Xích, lập tức sáp nhập thần dân và đồng minh mới vào Mông Cổ Bát kỳ, hoạt động tương tự như Mãn Châu Bát kỳ nguyên bản. Hoàng Thái Cực tỏ ra thận trọng hơn khi tiến hành sáp nhập quân đội người Hán. Năm 1929, ông thành lập "Hán quân" với khoảng 3.000 binh lính. Năm 1631, các đơn vị Hán quân thu nhận những người có thể chế tạo và vận hành súng thần công châu Âu, và vì vậy, được đổi tên thành "Trọng quân". Đến năm 1633, Trọng quân có khoảng 20 đại đội và 4.500 binh lính chiến đấu dưới lá cờ đen. Các đại đội người Hán được nhóm thành 2 kỳ vào năm 1637, bốn kỳ vào năm 1639 và cuối cùng là tám kỳ vào năm 1642. Tám kỳ "Hán quân" thường được gọi là Hán quân Bát kỳ.

Nhiều nhóm Hán quân Bát kỳ chọn lọc được nhà Thanh chuyển hàng loạt sang Mãn Châu Bát kỳ, thay đổi sắc tộc từ Hán sang Mãn Châu. Từ năm 1618 đến năm 1629, người Hán từ Liêu Đông đào tẩu sang Mãn Châu, về sau được biên chế thành hai Hán quân Bát kỳ là Đài Ni kham và Phủ Thuận Ni kham. Tới năm 1740, Đài Ni kham và Phủ Thuận Ni kham kết nạp vào Mãn Châu Bát kỳ theo thánh chỉ của Càn Long Đế. Các thị tộc Mãn Châu gốc Hàn tiếp tục sử dụng họ Hán và được đánh dấu gốc Hán trong danh sách thị tộc Mãn Châu của nhà Thanh.