Thanh Huyền (sinh ngày 10 tháng 10 năm 1942) là một ca sĩ Việt Nam trong thập niên 1960 đến 1980. Bà nổi tiếng với những ca khúc dân ca và trữ tình cách mạng. Thanh Huyền được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1984 và là nữ ca sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu này.

Nghệ sĩ Nhân dân
Thanh Huyền
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Trương Thị Thanh Huyền
Ngày sinh
10 tháng 10, 1942 (81 tuổi)
Nơi sinh
Hà Nội
Giới tínhnữ
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpCa sĩ
Gia đình
Chồng
Nguyễn Thanh An
Khen thưởngHuân chương Lao động Huân chương Lao động hạng Nhì
Huân chương Kháng chiến Huân chương Kháng chiến hạng Ba
Danh hiệuNghệ sĩ Nhân dân (1984)
Sự nghiệp âm nhạc
Đào tạoHọc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Dòng nhạc
  • Nhạc đỏ
  • nhạc tiền chiến
  • dân ca
Ca khúc

Tiểu sử và sự nghiệp sửa

Thanh Huyền tên thật là Trương Thị Thanh Huyền, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, được thừa hưởng nét đẹp và giọng hát ngọt ngào, mượt mà từ người mẹ vốn là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng.[1] Với năng khiếu bẩm sinh, khi Hà Nội được giải phóng vào năm 1954, bà tham gia sinh hoạt trong đội đồng ca thiếu niên Ấu Trĩ Viên của thành phố và đội Sơn ca (dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Mộng Lân, Nguyễn Lân Tuất). Bà còn đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi ca hát thiếu nhi, liên tiếp trong hai năm 1955 và 1956, bà đã giành Giải nhất về hát đơn ca Thiếu nhi toàn Thành phố Hà Nội. Sau đó, bà theo học khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (sau này là Nhạc viện Hà Nội), dưới sự dẫn dắt của những nhà giáo, nghệ sĩ tên tuổi như Mai Khanh, Thúy Huyền... Bà còn học hát cả hát văn, ca Huế, dân ca Bắc Bộ, điều này đã giúp bà hát thành công nhiều thể loại thanh nhạc.

Năm 1963, sau khi tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, bà về công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Bà cùng đoàn ca múa nhạc đi lưu diễn nhiều nơi, vào tận các chiến trường Nghệ An, Hà Tĩnh trong những năm chiến tranh, biểu diễn tại Pháp, Algérie, Italia phục vụ Hội nghị Paris.

Thanh Huyền là một trong những giọng ca sáng nhất của nhạc cách mạng trong suốt những năm 1960-1970. Với giọng hát kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca và kĩ thuật thanh nhạc cổ điển, bà được coi là giọng ca dân ca kế thừa của cố nghệ sĩ Thương Huyền (nữ nghệ sĩ hát dân ca rất nổi tiếng vào cuối những năm 1940 - những năm 1960, mất vào năm 1989). Bà nổi tiếng với nhiều ca khúc được phát trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam thời đó: những ca khúc dân ca Bắc Bộ (đặc biệt là Quan họ Bắc Ninh) như Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Người ở đừng về, Gửi anh một khúc dân ca (Dân Huyền)... và những ca khúc tân nhạc như Đường cày đảm đang (An Chung), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Khi thành phố lên đèn, Rặng trâm bầu (Thái Cơ), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)... và đặc biệt với ca khúc Hát ru (nhạc Hoàng Vân, thơ Tố Hữu). Thanh Huyền còn là một trong những giọng ca từng nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thanh Huyền đã đoạt 3 Huy chương Vàng trong các kỳ Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Bà đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III, Huân chương Lao động hạng II. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên.

Bà cưới chồng là đạo diễn điện ảnh Thanh An (Hiện đã qua đời).[2] Gia đình bà có hai người con; con gái út là Thanh Hằng nối nghiệp mẹ.

Tham khảo sửa

  1. ^ “Giọng ca vàng thuở ấy… bây giờ”. Hội âm nhạc Hà Nội. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2022.
  2. ^ “Đạo diễn Thanh An - ngọn đèn biển đã tắt”. Tuổi Trẻ Online. 22 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2022.

Liên kết ngoài sửa