Trần Lập (nhà Thanh)

học giả thời Thanh

Trần Lập (chữ Hán: 陈立) là học giả đời Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

Trần Lập
Tên chữTrác Nhân
Tên hiệuMặc Trai
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1809
Quê quán
Cú Dung
Mất1869
Giới tínhnam
Học vấnTiến sĩ Nho học
Chức quanThứ cát sĩ nhà Thanh
Nghề nghiệpchính khách
Tôn giáoNho giáo
Quốc tịchnhà Thanh

Tiểu sử sửa

Trần Lập (sinh năm 1809 – mất năm 1869 [1]) tự Trác Nhân, hiệu Mặc Trai, [a] người Cú Dung, Giang Tô.[1][2][3]

Năm Đạo Quang thứ 14 (1834), Lập đỗ cử nhân;[1][2][b] năm thứ 21 (1841), đỗ tiến sĩ; năm thứ 24 (1844), được bổ sung tham gia (bổ ứng) kỳ điện thí. Nhờ đó Lập được tuyển làm Thứ cát sĩ của Hàn lâm viện, sau khi vượt qua thời gian thực tập (tán quán) thì được đổi làm Hình bộ chủ sự, rồi được thăng làm Giang Tây tư Lang trung [c], dần được làm đến Tri phủ của phủ Khúc Tĩnh thuộc Vân Nam.[1][2][3]

Khi thỉnh huấn [d], Hàm Phong đế khen Lập “làm người thanh (liêm) – thận (trọng)”,[3] nhưng đường sá tắc nghẽn khiến ông không thể nhậm chức.[2][3]

Không rõ hậu sự của Lập.

Học vấn sửa

Thiếu thời Lập khách cư ở Dương Châu, thờ người Giang ĐôMai Thực Chi (梅植之) làm thầy, theo học thi, cổ văn; thờ người Giang Đô là Lăng Thự (凌曙), người Nghi ChinhLưu Văn Kỳ (刘文淇) làm thầy, theo học Công Dương Xuân Thu [e], Hứa thị Thuyết văn [f], Trịnh thị Lễ [g], mà đối với Công Dương thì ông nghiên cứu rất sâu.[1][2][3]

Quan điểm và tác phẩm sửa

Lập chịu ảnh hưởng của Lưu Văn Kỳ: cho rằng học thuyết của Hán Nho, qua sự chú giải của người đời Đường, nghĩa lý ngày càng mờ mịt. Vì thế Lập xem nhẹ bản chú giải Công Dương của Từ Ngạn (徐彦), nhận định Từ Ngạn chỉ mới giải thích được câu chữ, mà chưa tỏ được bản chất của Công Dương là lời nhỏ nghĩa lớn (vi ngôn đại nghĩa), không xứng đáng với vị thế của bản chú giải này[h]; tuy ông đánh giá cao về mặt nghĩa lý, nhưng phản đối quan điểm ủng hộ Hà Hưu và chỉ trích Trịnh Huyền của của họ Khổng ở Khúc Phụ, họ Lưu ở Vũ Tiến [i]. Cứ thế Lập tập hợp các bản chú giải Công Dương truyện của học giả từ đời Đường trở về trước, cũng không bỏ qua các tác giả đương thời; chọn lựa hoặc phản bác các chi tiết từ tinh yếu cho đến nhỏ nhặt. Công trình này kéo dài 30 năm, vừa dài vừa rộng, đến khi rời Bắc Kinh quay về miền nam, Lập mới có thể chỉnh lý, sắp xếp, làm nên Công Dương nghĩa sơ (公羊义疏), 76 quyển (xem tại đây).[2][3]

Buổi đầu biên soạn chú giải của Công Dương truyện, Lập nhận thấy nhà Nho đều bỏ qua Bạch Hổ thông (白虎通). Lập nhận định Công Dương truyện phần nhiều nói về Lễ chế, mà trong Lễ chế thì có Ân lễ và Chu lễ; đến khi Khổng tử truyền đạo, chủ trương “xá văn tòng chất” (舍文从质, bỏ văn vẻ, theo bản chất), khiến Lễ chế của Nho giáo thiên về Ân lễ mà bỏ qua Chu lễ. Tuy điển chế của ÂnChu khác hẳn nhau, nhưng Lập cho rằng muốn giữ gìn áo nghĩa của Công Dương truyện thì không thể bỏ qua bất kỳ bên nào, còn thiên Đức luận của Bạch Hổ thông tập hợp đầy đủ ghi chép về Lễ chế, phần lớn đến từ lời hay ý đẹp trong Công Dương truyện; lại thêm không ít cổ văn đời Hán có thể tìm thấy trong bộ sách này. Vì vậy Lập bất chấp những ý kiến khác biệt, chủ trương phân tích văn xưa, làm rõ nghi vấn, hòng xác thật điển chương, chế độ đời Hán về trước, mà biên soạn Bạch Hổ thông sơ chứng (白虎通疏证), 12 quyển (xem tại đây).[3]

Từ nhỏ được dạy Nhĩ nhã (尔雅), Lập nhận thấy học giả đời Đường chú giải cho Ngũ kinh, đều mượn dùng bộ sách huấn cổ (训诂) này, thường là dùng bản chú giải của 5 nhà: Kiền Vi xá nhân (犍为舍人), Phàn Quang (樊光), Lưu Hâm (刘歆), Lý Tuần (李巡), Tôn Viêm (孙炎) [j]. Lập cho rằng bản của họ Quách có ngôn từ tinh diệu, nên đại thể dựa theo đó, ngoài ra còn góp nhặt từ bản của các nhà Cố, Thẩm, Thi, Tạ [k], mà biên soạn Nhĩ nhã cựu chú (尔雅旧注), 2 quyển.[3]

Lập cho rằng việc nghiên cứu Cổ vận [l] theo lối mòn đã lâu, mà nguồn gốc của thanh âm, bắt đầu từ chữ viết (văn tự), Thuyết văn có phép hài thanh, tức là Vận mẫu (韵母) đấy. Vì vậy Lập đề cao Thuyết văn thanh hệ (说文声系) của họ Diêu ở Quy An [m] làm mẫu mực, chọn lấy ghi chép về phép hài thanh trong Thuyết văn, nhờ chia bộ mà giải thích ý nghĩa của chữ. Lập lấy các phép tượng hình, chỉ sự, hội ý làm bộ mẫu (mẹ), lấy hài thành làm bộ tử (con) [n]; bộ tử dựa vào phép hài thanh, tức là ý nghĩa của chữ cũng nằm ở đấy. Việc chia bộ của Lập còn kiêm chọn phương pháp của các nhà Cố, Giang, Đái, Khổng, Vương, Đoàn, Lưu, Hứa [o], trải qua quá trình nghiên cứu rồi thẩm hạch kỹ lưỡng, xác định ra 20 bộ, làm nên Thuyết văn hài thanh tư sanh thuật (说文谐声孳生述) 3 quyển (xem tại đây).[3]

Ngoài ra Lập còn trước tác nhiều tạp văn, nội dung phần nhiều là khảo đính, phục chế về điển lễ, âm nhạc và huấn cổ (训诂), được tập hợp vào Cú Khê tạp trứ (句溪杂着) 6 quyển (xem tại đây).[3]

Ghi chú sửa

  1. ^ Thanh đại học nhân liệt truyện, tlđd cho biết Mặc Trai là tự khác của Trần Lập; Cú Dung huyện chí, tlđd cho biết Mặc Trai là hiệu
  2. ^ Thanh sử cảo, tlđd không nhắc đến thời điểm Trần Lập đỗ cử nhân
  3. ^ Cú Dung huyện chí, tlđd cho biết Trần Lập làm Lang trung thuộc Giang Tây tư; Thanh sử cảo, tlđd chỉ chép giản lược là Lang trung
  4. ^ Thỉnh huấn (请训), chỉ việc Khâm sai hoặc quan viên từ tam phẩm trở lên rời kinh thành đi nhậm chức, đến gặp hoàng đế để từ biệt
  5. ^ Công Dương Xuân Thu, gọi đầy đủ Xuân Thu Công Dương truyện, quen gọi Công Dương truyện (公羊传), là bản chú giải kinh Xuân Thu, do người nước Tề thời Chiến QuốcCông Dương Cao truyền miệng, đến đời Hán mới được làm thành sách (thư)
  6. ^ Thuyết văn giải tự (说文解字), quen gọi Thuyết văn, là bộ tự điển chữ Hán sớm nhất còn giữ được đến ngày nay, do người đời Đông Hán là Hứa Thận biên soạn
  7. ^ Lễ ký chánh nghĩa (礼记正义) là bản chú giải của Lễ ký do học giả đời Đông Hán là Trịnh Huyền (郑玄) chua âm (chú) và học giả đời ĐườngKhổng Dĩnh Đạt (孔颖达) giải nghĩa (sơ)
  8. ^ Tác phẩm của Từ Ngạn là Xuân Thu Công Dương truyện chú sơ, 28 quyển (春秋公羊传注疏, tức bản chú giải của Xuân Thu Công Dương truyện). Thời Vạn Lịch nhà Minh, tác phẩm này được Quốc tử giám xem là bản chú giải tiêu biểu của Xuân Thu Công Dương truyện, liệt vào Thập tam kinh chú sơ (十三经注疏, tức là tập hợp những bản chú giải tiêu biểu của Thập tam kinh, đem in ấn và phát hành rộng rãi, trở thành chuẩn mực cho đời sau
  9. ^ Vũ Tiến Lưu thị là Lưu Phùng Lộc (刘逢禄), Khúc Phụ Khổng thị là Khổng Quảng Sâm (孔广森), đều là học trò của nhà họ Trang ở Vũ Tiến: anh em Trang Tồn Dữ (庄存与), Trang Bồi Nhân (庄培因) và con của Bồi Nhân là Trang Thuật Tổ (庄述祖). Lưu Phùng Lộc soạn Xuân Thu Công Dương kinh Hà thị thích lệ (春秋公羊经何氏释例) và Công Dương Xuân Thu kinh Hà thị giải cổ tiên (公羊春秋经何氏解诂笺), Khổng Quảng Sâm soạn Xuân Thu Công Dương truyện thông nghĩa (春秋公羊传通义). Lưu, Khổng khẳng định sự kế thừa tư tưởng đối với tác phẩm Giải cổ (解诂) của Hà Hưu (何休) thời Đông Hán: đề cao Xuân Thu Công Dương truyện, bài xích Xuân Thu Tả truyệnXuân Thu Cốc Lương truyện; ngoài ra họ còn chỉ trích Trịnh Huyền (vì Trịnh Huyền từng châm biếm quan điểm của Hà Hưu). Xem thêm bài Luận Lưu Phùng Lộc Xuân Thu Công Dương học đích đặc sắc (论刘逢禄春秋公羊学的特色) của tác giả Thân Đồ Lô Minh trên Nam Kinh đại học Học báo: Triết học, Nhân văn, Xã khoa bản, kỳ 2 năm 2000, trang 61 ÷ 69
  10. ^ Kiền Vi xá nhân (Tây Hán) soạn Nhĩ nhã chú (尔雅注) 3 quyển, Phàn Quang (Tây Hán) soạn Nhĩ nhã Phàn thị chú (尔雅樊氏注) 1 quyển, Lưu Hâm (Tây Hán) soạn Nhĩ nhã Lưu thị chú (尔雅刘氏注) 1 quyển, Lý Tuần (Đông Hán) soạn Nhĩ nhã Lý thị chú (尔雅李氏注) 3 quyển, Tôn Viêm (Tào Ngụy) soạn Nhĩ nhã âm nghĩa (尔雅音义) 3 quyển
  11. ^ Quách Phác (郭璞, Đông Tấn) soạn Nhĩ nhã đồ tán (尔雅图讚) 1 quyển, Cố Dã Vương (顾野王, nhà Trần) soạn Nhĩ nhã Cố thị âm (尔雅顾氏音) 1 quyển, Thẩm Toàn (沈旋, nhà Lương) soạn Tập chú nhĩ nhã (集注尔雅) 1 quyển, Thi Kiền (施干, nhà Trần) soạn Nhĩ nhã Thi thị âm (尔雅施氏音) 1 quyển, Tạ Kiệu (谢峤, nhà Trần) soạn Nhĩ nhã Tạ thị âm (尔雅谢氏音) 1 quyển
  12. ^ Cổ vận (古韵) là thuật ngữ trong Hán ngữ âm vận học, chỉ phương pháp vận âm trong tiếng Hán vào thời Tiên Tần Lưỡng Hán, theo truyền thống thì lấy kinh Thi làm khuôn mẫu
  13. ^ Quy An Diêu thị chính là Diêu Văn Điền (姚文田), trước tác Thuyết văn thanh hệ, 30 quyển. Quy An nay là Ngô Hưng, Chiết Giang
  14. ^ Tượng hình, chỉ sự, hội ý và Hài thanh ở trên là 4 trong Lục thư (六书) - 6 phép hình thành chữ Hán: Tượng hình (象形) là phép vẽ hình tượng của các vật để tạo nên chữ, tùy theo thể mà thêm bớt; Chỉ sự (指 事, còn gọi là Tượng sự/象事) là phép chỉ vào sự vật mà viết ra chữ, nhìn mà xét ra ý; Hội ý (会意 còn gọi là Tượng ý/象意) là phép hợp ý của từng phần lại để hình thành nghĩa mới; Chuyển chú (转注) là phép mượn từ chữ có sẵn, đem thay hình đổi dạng thành chữ khác, nhưng có nghĩa gần gũi; Giả tá (假借, nghĩa là mượn sai) là phép mượn thanh để gửi sự, biến thành âm và nghĩa xa lạ, không có quan hệ duyên do suy diễn; Hài thanh (谐声,còn gọi là 形声/Hình thanh hay 象声/Tượng thanh) là phép lấy sự làm tên, mượn thanh để hợp thành
  15. ^ Cố Viêm Vũ (顾炎武) soạn Âm học ngũ thư (音学五书) 38 quyển, Giang Vĩnh (江永) soạn Cổ vận tiêu chuẩn (古韵标准) 2 quyển, Âm học biện vi (音学辩微) 1 quyển, Đái Chấn (戴震) soạn Thanh vận khảo (声韵考) 4 quyển, Thanh loại biểu (声类表) 10 quyển, Khổng Quảng Sâm soạn Thi thanh loại (诗声类) 2 quyển, Vương Niệm Tôn (王念孙) soạn Thuyết văn giải tự kham ký (说文解字堪记) 1 quyển, Cổ vận phổ (古韵谱) 2 quyển, Đoàn Ngọc Tài (段玉裁) soạn Thuyết văn giải tự chú (说文解字注) 30 quyển, Lưu Phùng Lộc soạn Thi thanh diễn (诗声衍) 27 quyển

Tham khảo sửa

  1. ^ a b c d e Xem tiết 1: Cổ đại nhân vật – Trần Lập Lưu trữ 2018-05-29 tại Wayback Machine thuộc chương 1: Tri danh nhân vật, Cú Dung huyện chí, NXB Nhân dân Giang Tô, 1994, 947 trang, ISBN 9787214012401
  2. ^ a b c d e f Thanh đại học nhân liệt truyệnTrần Lập truyện
  3. ^ a b c d e f g h i j Thanh sử cảo quyển 482, liệt truyện 269 – Nho lâm truyện 3: Trần Lập