Trần Tuyên (hay Trần Trung Tiên[1], 1801 - 1841 [2]), là quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông đã tử trận khi cầm quân đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Lâm Sâm ở Lạc Hóa.

Tiểu sử sửa

Trần Tuyên là người Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Không có thông tin về quãng đời thơ trẻ của ông, chỉ biết vào năm đầu Thiệu Trị (1841), ông được cử làm Bố chính sứ Vĩnh Long [3].

Theo sử liệu thì đầu tháng 3 nhuận (âm lịch) năm ấy, Lâm Sâm (phiên âm từ tiếng Khmer)[4] đã đứng lên vận động người Khmer ở phủ Lạc Hóa (Trà Vinh khi ấy là một huyện của phủ này) nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Nguyễn [5].

Đầu tiên, Lâm Sâm cầm quân tiến đánh phủ lỵ Lạc Hóa, binh lính chống đỡ không nổi, viên Tri phủ bỏ chạy, cấp báo về tỉnh Vĩnh Long. Từ tỉnh ấy, Bố chính Trần Tuyên liền trực tiếp cầm quân kéo đến đồn Nguyệt Lãng[6] vừa tiến vừa thăm dò, ngót 20 ngày mới tới sóc Lò Ngò[7], liền bị hơn ngàn quân nổi dậy kéo ra ngăn lại.

Bố Chính Trần Tuyên bí mật thu quân về sóc Ô Đùng[8], thì bị nổi dậy phục kích ở vùng Trà Tử (nay gọi là Hiếu Tử), giết chết ông cùng viên Tri huyện Trà Vinh là Huỳnh Hữu Quang.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện kể:

..."Được tin lính Long nhuệ thông đồng với giặc (chỉ Lâm Sâm và lực lượng của ông), Tuyên liền lưu Án sát Nguyễn Đăng Sỹ giữ thành, tự mang hơn nghìn lính đến Lạc Hóa đánh giặc. Giặc họp đồng đảng lại chống cự. Tuyên chia quân làm năm toán, đánh, đốt các thôn lạc của giặc. Đến chiều đem quân về Nô Động (Ô Đùng), quan quân nối gót nhau đi hàng một. Bỗng trời mưa gió tối sầm lại, quân mai phục của giặc bốn mặt vùng dậy. Quân sĩ hoảng vỡ, bọn Vệ úy Lê Kỳ ở Hữu lộ lưỡng lự không tiến. Giặc xông đến đánh loạn bậy. Tri huyện Trà Vinh Huỳnh Hữu Quang thấy Tuyên bị giặc đánh bức bách, rút gươm xông đến cứu, cùng Tuyên đều bị hại"...[9].

Thông tin liên quan sửa

Con sửa

 
Cổng đình Vĩnh Yên thờ Bố chánh Tuyên ở TP Trà Vinh. Ngôi đình đã bị một trường học cất sau che khuất.

Về sau, con Bố chính Tuyên là Trần Xuân Hòa (? - 1862) cũng là một người chết vì nước. Cũng theo Đại Nam chính biên liệt truyện, thì ông Hòa "từng thi đỗ Cử nhân dưới triều Tự Đức. Được tin dùng, ông thăng dần lên chức Tri phủ Định Tường, sung Định Tường đạo Binh bị. Vì đã mộ quân dõng mai phục giết lính ma tà (chỉ quân Pháp và cộng sự) 6 lần, được thưởng thự Thị độc học sĩ. Gặp khi quân Pháp vào Định Tường, (vì) Xuân Hòa cai quản đạo Bịnh bị (đem quân kháng lại), bị Pháp bắt, cắn lưỡi mà chết, được truy tặng Quang lộc tự khanh. Sau, vua (Tự Đức) từng bảo quan bộ Lễ rằng: 'Cha con Trần Tuyên tiết nghĩa tiếng thơm, vẻ vang sử sách, rất là hiếm có, rốt đều chuẩn cho liệt thờ vào Trung Nghĩa từ' (ở Huế)"[10].

Đền thờ sửa

 
Một bình phong và hai ngôi miếu nhỏ của đình Vĩnh Yên

Hiện nay trong đình Vĩnh Yên ở Thành phố Trà Vinh có bàn thờ Bố chính Trần Tuyên. Việc thờ phụng ấy từng được kể đến trong một câu ca dao:

Trà Vinh có bún nước lèo,
chùa Ông Mẹt, ao đào Bà Om.
Có đình thờ vía Quan Công,
Đền thần Hiếu Tử, thờ Trần Trung Tiên.

Thật đáng tiếc, sau năm 1975 người ta đã cho xây một trường tiểu học làm che khuất ngôi đình. Từ ngoài đường nhìn vào chỉ còn thấy cổng đình, một bình phong và hai ngôi miếu nhỏ của đình mà thôi (ảnh)

Hiện nay, trên QL60 đi ngang xã Hiếu Tử có một ngôi đền thờ Bố chánh Trần Trung Tiên rất đẹp.

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (tr. 938) chép là Trần Tuyên. Một số nguồn khác, như ở cổng đền thờ (ảnh) và trong câu ca dao dẫn trong bài gọi là Trần Trung Tiên.
  2. ^ Theo bài viết "Sự hình thành đất Nam Kỳ lục tỉnh và tỉnh Trà Vinh" của Vĩnh Trường [1] Lưu trữ 2013-05-31 tại Wayback Machine.
  3. ^ Theo bài viết "Sự hình thành đất Nam Kỳ lục tỉnh và tỉnh Trà Vinh" đã dẫn, thì Trần Tuyên từng thi đỗ Cử nhân.
  4. ^ Lâm Sâm hay Sa Sâm, Sa Som...đều là tên do người Kinh gọi. Người Khmer gọi ông là Xà Na Xom, hoặc Xà Xôm (tức viên tướng tên Xom). Còn trong tài liệu của Pháp thì ghi ông là Dô Sâm. Hiện nay, chưa rõ quê quán ông ở đâu, có thuyết nói là Ba Xuyên (Sóc Trăng), có thuyết nói là Tây Ninh.
  5. ^ Vùng đất Trà Vinh vốn là đất Trà Vang của Chân Lạp. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đất này thuộc phủ Trà Vang, trấn Vĩnh Thanh. Thời Minh Mạng, đất này là huyện Trà Vinh, thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long. Theo tài liệu, thì tệ tham nhũng của một số quan lại người Việt, người Khmer mất quyền tự trị trên vùng đất của họ, cùng với việc thay đổi phong tục tập quán của tộc người Khmer ở đây là nguyên nhân chủ yếu của nhiều cuộc nổi dậy ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Xem chi tiết ở đề mục: Cuộc nổi dậy Lâm Sâm, hay Cuộc nổi dậy ở Ba Xuyên (1841).
  6. ^ Vị trí đồn Nguyệt Lãng, nay thuộc xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Hiện còn tên ấp Nguyệt Lãng nằm trên đường Vĩnh Long - Trà Vinh, cách thành phố Trà Vinh khoảng 13 km.
  7. ^ Lò Ngò (Đại Nam thực lục chép là Lò Ngâu) phiên âm từ tiếng Khmer "Choòng Ngò" (choòng: ở cuối, ngò: cong), có nghĩa là giồng đất ở cuối con rạch có hình cong. Lò Ngò, nay thuộc xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
  8. ^ Ô Đùng (Đại Nam thực lục chép là Nô Động) phiên âm từ tiếng Khmer "Phô Đôhm". Ô Đùng giáp với Lò Ngò. Hiện nay vẫn còn sóc Ô Đùng, nghĩa là giồng đất có nhiều cây dừa.
  9. ^ Trích trong Đại Nam chính biên liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (Nhà xuất bản Văn học, 2004, tr. 938-939). Sách Đại Nam thực lục (tập 23, tr. 201) chép: Ấn triện và bài ngà (của hai ông) đều bị bọn giặc cướp cả. Theo bài viết "Sự hình thành đất Nam Kỳ lục tỉnh và tỉnh Trà Vinh" đã dẫn, thì Bố chánh Trần Tuyên tử trận vào đêm 17 rạng ngày 18 tháng 3 âm lịch năm Tân Sửu (1841) tại Ô Đùng. Lúc ấy, ông chỉ mới 40 tuổi. Sau, người dân đã lập đền thờ tại nơi ông tử trận. Ngày 25 tháng 7 năm Ất Sửu (12 tháng 9 năm 1925), vua Khải Định sắc phong ông làm Thành hoàng làng.
  10. ^ Nguồn: Đại Nam chính biên liệt truyện (sách đã dẫn, tr. 939). Các chữ trong ngoặc là của người soạn.