VNeID

Phần mềm định danh điện tử của Việt Nam
(Đổi hướng từ VNPhattu)

VNeID (hay VNEID, viết tắt từ cụm từ tiếng Anh: Việt Nam Electronic Identification hoặc có thể gọi là ứng dụng Định danh điện tử, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia, ứng dụng di động Công dân số...) là một ứng dụng định danh điện tử của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an Việt Nam. Ban đầu ứng dụng được ra mắt nhằm phục vụ trong bối cảnh thay thế các giấy tờ có liên quan đến đại dịch COVID-19 chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ứng dụng sau đó đã được lan rộng và phục vụ trên khắp Việt Nam trong việc kiểm tra thông tin tiêm chủng, xác thực giấy đi đường. Tuy nhiên đến tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra Quyết định yêu cầu thực hiện ứng dụng trở thành ứng dụng công dân số quốc gia. Sau đó, đến tháng 8 cùng năm, ứng dụng chính thức được công bố trở thành ứng dụng công dân số quốc gia. Ứng dụng được đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp theo căn cước công dân gắn chip.

VNeID
Thiết kế bởiBộ Công an Việt Nam
Phát triển bởiTrung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư
Phát hành lần đầu10 tháng 9 năm 2021; 2 năm trước (2021-09-10)
Phiên bản ổn định
Android2.1.7 / 1 tháng 7 năm 2024; 7 ngày trước (2024-07-01)[1]
iOS2.1.7 / 1 tháng 7 năm 2024; 7 ngày trước (2024-07-01)[2]
Hệ điều hànhAndroid, iOS
Kích thước80,6 MB
Ngôn ngữ có sẵn2 ngôn ngữ
Danh sách ngôn ngữ
Websitevneid.gov.vn

Theo Luật Căn cước 2024, mọi công dân Việt Nam đều sở hữu căn cước bao gồm cả trẻ em dưới 6 tuổi, đồng nghĩa, các công dân này cũng sẽ có thêm tài khoản định danh điện tử. Tuy nhiên, người đại diện hợp pháp mới là người đứng ra sở hữu tài khoản. Ứng dụng cũng được thiết kế ở dạng hai mức định danh với mức đầu tiên có thể tự tạo thông qua CCCD sẵn có và mức thứ hai cần sự xác nhận từ chính quyền địa phương. Trong giai đoạn 2023 trở đi, ứng dụng đã giúp trong việc tích hợp nhiều loại giấy tờ như Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội, Giấy đăng ký xe... và các dịch vụ công như Thông báo lưu trú, Đăng ký thường trú, Đăng ký tạm trú...

Tên gọi

sửa

Trong những ngày đầu tiên hình thành, ứng dụng được đặt tên là gọi là VNEID,[3][4][5] được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh, Việt Nam Electronic Identification.[6] Vào năm 2022, trong Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài cái tên VNEID, ứng dụng còn được gọi với những tên gọi khác thuần Việt như ứng dụng Định danh điện tử quốc gia và ứng dụng di động Công dân số.[7] Đến khi công bố trở thành ứng dụng định danh điện tử quốc gia, ứng dụng đã được gọi phổ biến với cái tên VNeID, với chữ "e" được viết thường so với việc viết hoa toàn bộ như lúc trước.[8][9] Tuy nhiên, vẫn có một số tờ báo, cơ quan tại Việt Nam gọi với tên gọi không phổ biến khác như VneID,[10] ứng dụng Định danh điện tử...[11][12]

Lịch sử

sửa

Hình thành

sửa

Sau nhiều ứng dụng như Bluezone, PC-COVID, chiều ngày 10 tháng 9 năm 2021, Bộ Công an Việt NamCông an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển và cho ra mắt ứng dụng VNeID nhằm khai báo y tế và di chuyển nội địa trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ, ứng dụng được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm phục vụ truy vết F0, F1, F2, tiêm vắc xin, xét nghiệm... được đăng nhập bằng số điện thoại đang sử dụng cùng số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân. VNeID được phát triển trên hai nền tảng chính là AndroidiOS. Lúc bấy giờ, ứng dụng được xem như thẻ thông hành để di chuyển khi cập nhật đầy đủ thông tin. Đến sau ngày 30 tháng 9 năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh cho phép sử dụng VNeID hoàn toàn để thay thế các giấy tờ liên quan đến COVID-19.[3][4]

Phát triển

sửa

Giai đoạn phát triển ứng dụng

sửa

Vào chiều ngày 5 tháng 10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an thông tin về việc đang xây dựng một số tiện ích điện tử liên quan đến Căn cước công dân gắn chip bao gồm các thông tin tiêm chủng, xác thực giấy đi đường, trợ cấp chính sách, thông tin đăng ký xe... Đồng thời, phía Bộ Công an cũng xác nhận việc phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải tích hợp bằng lái xe, cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tích hợp thông tin bảo hiểm cùng các thông tin khác như hộ chiếu, giấy tờ di chuyển quốc tế... Theo Bộ Công an, người dân sẽ chỉ cần đăng ký tài khoản qua VNeID hoặc trang web "suckhoe.dancuquocgia.gov.vn" để xác thực thông tin.[4] Cuối năm 2021, VNeID cũng được sử dụng trong việc kiểm tra tiêm vắc xin COVID-19 trước khi xem bóng đá trong trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản.[5]

Ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông qua Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" bao gồm cả VNeID.[7][13] Theo đề án, VNeID còn có thể có ví điện tử, hỗ trợ thanh toán không tiền mặt, chứng khoán, thanh toán tiền điện, nước... song song với việc tích hợp nhiều loại giấy tờ vật lý.[13] Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, Bộ Công an chính thức cấp duyệt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) cho công dân. Tài khoản sẽ được cấp khi người dân cấp mới, đổi thẻ căn cước công dân gắn chíp. Theo công bố, tài khoản định danh điện tử sẽ bao gồm: tên đăng nhập, mật khẩu hoặc các hình thức xác thực khác.[14] Bắt đầu từ tháng 3 năm 2022, bảo hiểm y tế chính thức có thể sử dụng thông qua Căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID.[15] Đồng thời, Bộ Công an cũng thông tin về dự thảo quy định 5 nhóm đối tượng không được cấp tài khoản định danh điện tử.[16] Mặc dù đã cho phép mở tài khoản định danh điện tử nhưng 18 tháng 7 năm 2022 mới có 10 người đầu tiên được cấp tài khoản trong số 6 triệu hồ sơ đăng ký. Đồng thời, phân chia tài khoản định danh điện tử ra hai mức độ với mức đầu tiên có thể tự đăng ký trên ứng dụng VNeID và mức thứ hai đăng ký tại cơ quan công an.[9][17] Bộ Công an cũng cam kết các thông tin công dân được mã hóa nhằm đảm bảo cho các hacker không thể tấn công và đánh cắp thông tin người dân.[17]

Vào ngày 9 tháng 8 năm 2022, VNeID chính thức được công bố trở thành ứng dụng công dân số quốc gia.[8] Đồng thời từ ngày 20 tháng 10, Nghị định số 59/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, người dân chính thức có thể xuất trình căn cước công dân điện tử trên VNeID thay thế căn cước công dân vật lý. Người nước ngoài cũng có thể đăng ký sử dụng VNeID để xuất trình thay thế hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế.[18] Mặc dù đã có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ, tuy nhiên, một trong số đó vẫn chưa thể sử dụng rộng rãi phổ biến.[19] Sau khi loại bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, đến cuối tháng 2 năm 2023, VNeID được cập nhật lên phiên bản 2.0.7 chính thức cho phép sử dụng "thông tin cư trú".[20] Từ 3 tháng 5 năm 2023, VNeID mức độ hai được sử dụng thay thế căn cước công dân vật lý để di chuyển hàng không trong nước.[21] Theo Luật Căn cước 2023, công dân Việt Nam dưới 6 tuổi cũng sẽ được cấp căn cước. Đồng nghĩa, các công dân này cũng sẽ sở hữu tài khoản định danh điện tử nhưng sẽ được người đại diện hợp pháp sở hữu tài khoản.[22] Tháng 10 năm 2023, VNeID ra mắt phiên bản 2.1.0 bổ sung 4 tính năng chính bao gồm: Lịch sử, thông tin Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân; Thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội; Giới hạn và khóa tài khoản định danh điện tử khi hết hạn CCCD gắn chíp; Ví điện tử Epay (ETC).[23]

Giai đoạn tích hợp chức năng

sửa

Trong phiên bản 2.1.3 được cập nhật vào ngày 29 tháng 2 năm 2024, VNeID cho phép đăng nhập thông qua vân tay hoặc Face ID.[24] Bắt đầu từ 30 tháng 3, ứng dụng đã cho phép cung cấp lý lịch tư pháp.[25] Ngoài ra, từ ngày 1 tháng 7, việc chi trả an sinh xã hội trong một số trường hợp đã có thể thực hiện trên ứng dụng;[26] bảo hiểm xã hội cũng chính thức đồng bộ thông tin tài khoản VssID với tài khoản định danh cá nhân;[27] thông tin căn cước điện tử cũng được hiển thị trên ứng dụng VNeID,[28] giấy phép lái xe tích hợp trên ứng dụng cũng được phép sử dụng thay thế cho giấy phép lái xe vật lý. Người có thẩm quyền cũng có quyền tạm giữ giấy phép lái xe trên môi trường điện thử, thông tin này cũng được đồng bộ trên VNeID.[6] Ngoài ra, tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia của cá nhân cũng sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng 6 và bắt đầu thực hiện sử dụng tài khoản VNeID đối với các dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công của các cơ quan Bộ, ngành tại Việt Nam.[28]

Tính năng

sửa

Tích hợp các giấy tờ vật lý

sửa
STT Giấy tờ tích hợp Tài khoản định danh mức Nguồn
1 Khai báo y tế 1 [17]
2 Thông tin tiêm chủng
3 Căn cước công dân 2
4 Bảo hiểm y tế
5 Giấy phép lái xe
6 Giấy đăng ký xe [18]
7 Thông tin cư trú [20]
8 Hộ chiếu
9 Thông tin thuế
10 Bảo hiểm xã hội
11 Người phụ thuộc

Dịch vụ công

sửa
STT Dịch vụ công Tài khoản định danh mức Nguồn
1 Thông báo lưu trú 1 [17]
2 Đăng ký thường trú
3 Đăng ký tạm trú
4 Khai báo tạm vắng
5 Tố cáo tội phạm 2
6 Đổi giấy phép lái xe [29]
7 Cấp định mức nước sinh hoạt (chỉ Thành phố Hồ Chí Minh) [30]
8 Đăng ký cư trú [31]
9 Cung cấp lý lịch tư pháp [25]
10 Chi trả an sinh xã hội (từ 1 tháng 7 năm 2024) [26]

Cũng từ ngày 1 tháng 7, cách dịch vụ sử dụng tài khoản dịch vụ công quốc gia của cá nhân trước đó cũng bị chuyển đổi thay thế thành tài khoản VNeID.[28]

Dịch vụ khác

sửa

Theo Bộ Công an, ứng dụng có thể được sử dụng để thanh toán điện, nước, đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay sử dụng để chuyển tiền.[32]

Phiên bản

sửa
Phiên bản Phiên bản con mới nhất Phát hành lần đầu Những thay đổi
Phiên bản cũ, không còn được hỗ trợ: 1.0 1.0.4 30 tháng 8 năm 2021; 2 năm trước (2021-08-30) Quét mã QRcode để đề nghị cấp giấy đi đường; Thẻ xanh di chuyển; Thông tin tiêm chủng; Cho phép đổi mật khẩu; Chỉnh sửa giao diện; Thay đổi ngôn ngữ; Sửa số CCCD khi nhập sai.
Phiên bản cũ, không còn được hỗ trợ: 1.1.2 Không có 11 tháng 10 năm 2021; 2 năm trước (2021-10-11) Nâng cao hiệu năng quét QR; Thông tin trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Phiên bản cũ, không còn được hỗ trợ: 1.2.0 Không có 11 tháng 11 năm 2021; 2 năm trước (2021-11-11) Thông tin bằng lái xe, đăng ký xe; Yêu cầu xác thực tài khoản; Quét QRCode theo mục đích.
Phiên bản cũ, vấn được hỗ trợ: 2.0 2.0.9 18 tháng 7 năm 2022; 23 tháng trước (2022-07-18) Tài khoản định danh phân theo mức; Thông tin CCCD gắn chip; Quên passcode; Đổi passcode; Thông tin BHYT; Tích hợp CMS; Quét NFC để thực hiện nhiều chức năng; Tích hợp ví giấy tờ (Thông báo lưu trú; Phản ánh ANTT;...).
Phiên bản ổn định hiện tại: 2.1 2.1.7 8 tháng 10 năm 2023; 9 tháng trước (2023-10-08) Lịch sử cấp, đổi CCCD/CMND; Lịch sử tham gia BHXH; Ví điện tử EPAY; Thông tin truy nã; Sổ sức khỏe điện tử; Hủy/Ẩn thông tin giấy tờ; Lý lịch tư pháp (Hà Nội, Thừa Thiên Huế); Tin tức; Xuất trình giấy tờ; Căn cước điện tử; Thông tin tình trạng giấy phép lái xe (tước, tạm giữ), đăng ký xe (tạm giữ); Đăng ký tạm trú; Chia sẻ thông tin công dân.
Chú giải:
Phiên bản cũ
Phiên bản cũ, vẫn được hỗ trợ
Phiên bản mới nhất
Phiên bản xem trước mới nhất
Ra mắt trong tương lai

Ảnh hưởng

sửa

Đón nhận

sửa

Tính đến ngày 20 tháng 10 năm 2022, Việt Nam có 11,1 triệu tài khoản định danh điện tử đã được phê duyệt với hơn 11 triệu tài khoản đã được định danh mức hai. Hơn 1 triệu tài khoản đã tích hợp bảo hiểm y tế và khoảng 200 nghìn tài khoản tích hợp giấy phép lái xe.[33] Theo thông tin trên trang web chính thức của VNeID, ứng dụng đã có trên 73,5 triệu người dùng.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

sửa

Vào ngày 21 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra yêu cầu đề xuất về việc cần xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và ban hành trong năm 2024; đồng thời, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng thông tin công dân trong quý II cùng năm.[34] Luật sẽ do Bộ Công an xây dựng nhằm bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý dữ liệu cá nhân.[35]

Bị lợi dụng, giả mạo

sửa

Nhiều vụ lừa đảo liên quan đến ứng dụng VNeID đã diễn ra khi người dân nhận được cuộc gọi tự xưng là công an và yêu cầu cài đặt kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức hai. Các đối tượng này đã dẫn dụ người dùng vào các trang web, ứng dụng mạo danh để đăng ký tài khoản. Sau khi đăng ký xong thì tài khoản ngân hàng của người dân sẽ bị các đối tượng xâm nhập và rút tiền thông qua việc trả mã OTP trong quá trình đăng nhập.[36][37] Bộ Công an cho biết, đến nay, để cài đặt tài khoản định danh mức 2 chỉ có thể ra cơ quan công an gần nhất chứ không thể làm thủ tục trực tuyến.[36] Tương tự ở Hà Nội, nhiều người dân đã bị số điện thoại lạ tự xưng là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu cung cấp sổ đỏ để tích hợp vào ứng dụng VNeID. Tuy nhiên, hiện tại, sổ đỏ không được liệt kê vào các loại giấy tờ được tích hợp trên ứng dụng.[38][39]

 
Tin nhắn khuyến cáo từ Bộ TT&TT Việt Nam.

Trong giai đoạn chính phủ Việt Nam tiếp tục kêu gọi tích hợp các chức năng trên ứng dụng VNeID, nhiều hành vi lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng đã diễn ra thông qua việc thông báo ứng dụng bị lỗi và yêu cầu người dùng sửa lỗi thông qua việc cài đặt một ứng dụng nào đó. Từ ứng dụng này, thông tin cá nhân cũng như quyền kiểm soát thiết bị cũng bị điều khiển từ xa. Các đối tượng giả mạo này sau đó chiếm đoạt tiền của các nạn nhân thông qua việc đăng nhập vào tài khoản ngân hàng cũng như tin nhắn gửi mã OTP. Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã phát đi thông báo khuyến cáo thông qua tin nhắn đến điện thoại của người dân.[40]

Tranh cãi

sửa

Quyền tự do của người dân

sửa

BBC News đã dẫn lời nhiều người dân trong nước cho rằng, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID một cách "ép buộc". Một số người cũng cho rằng việc cài đặt hay không cài đặt là quyền cá nhân của họ.[41] Trong khi đó, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho rằng, Luật Căn cước bao gồm VNeID đã ảnh hưởng đến sự tự do của người dân và trở thành một nguồn "tài nguyên" cho Bộ Công an kiểm soát. VOA nói thêm, với VNeID, Bộ Công an thậm chí còn có thể theo dõi "bất cứ cá nhân nào, ở đâu, đang làm gì miễn là họ cầm theo điện thoại".[42]

Ứng dụng tương đương

sửa

VNPhattu

sửa

Vào ngày 3 tháng 6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã công bố phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho ra mắt ứng dụng VNPhattu. Ứng dụng này được ra đời nhằm để quản lý Tăng Ni, Phật tử tại Việt Nam. Theo công bố của Bộ Công an, để vào ứng dụng, Phật tử sẽ đăng nhập thông qua VNeID. Ngoài ra, cơ quan này cũng tuyên bố, sau khi dữ liệu tại các chùa tại Việt Nam được thu thập toàn bộ, Phật tử sẽ có thể cúng dường trực tiếp thông qua ứng dụng mà không cần trực tiếp đi đến chùa.[43] Trước việc bắt buộc Phật tử sử dụng ứng dụng do Bộ Công an quản lý, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho rằng, đây là một sự "quản lý quá chặt chẽ" với nhu cầu "'sinh hoạt tôn giáo" của người dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng có phát ngôn cho rằng, "Công an kết hợp với các chức sắc tôn giáo để thống trị, kìm kẹp, nắm giữ con người. Họ sử dụng tôn giáo để nắm quần chúng. Những vị chức sắc đó cũng vì quyền lợi mà làm theo mệnh lệnh của chính quyền... Điều này tôi rất buồn". Nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ sự quan ngại về tự do tôn giáo ở Việt Nam khi chưa nơi nào, thậm chí cả Trung Quốc (trừ Tây Tạng) "có sự kiểm soát như vậy".[44]

Tham khảo

sửa
  1. ^ “VNeID - Apps on Google Play”. play.google.com (bằng tiếng Anh).
  2. ^ “VNeID”. apps.apple.com (bằng tiếng Anh).
  3. ^ a b Ngọc Lê; Sỹ Đông (13 tháng 9 năm 2021). “Sau 30.9 người dân TP.HCM có sử dụng giấy đi đường không?”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  4. ^ a b c Thái Sơn (5 tháng 10 năm 2021). “Bộ Công an bổ sung tiện ích khi người dân mang CCCD gắn chíp”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  5. ^ a b Thái Sơn (9 tháng 11 năm 2021). “Bộ Công an dùng ứng dụng kiểm soát CCCD khán giả xem trận Việt Nam - Nhật Bản”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  6. ^ a b Nhật Minh (4 tháng 7 năm 2024). “Tích hợp và xuất trình giấy tờ xe trên VNeID chỉ mất 5 phút”. Báo Dân Trí. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2024.
  7. ^ a b “Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Văn bản Chính phủ. 6 tháng 1 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  8. ^ a b Chí Hiếu (9 tháng 8 năm 2022). “VNeID là ứng dụng công dân số quốc gia”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  9. ^ a b Minh Ngân (18 tháng 7 năm 2022). “Họp báo công bố ứng dụng VNeID chính thức được đưa vào hoạt động”. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2024.
  10. ^ VOV5 (9 tháng 8 năm 2022). “Thủ tướng Phạm Minh Chính: VneID là ứng dụng công dân số quốc gia”. Cổng thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2024.
  11. ^ Nguyễn Văn Khoa (24 tháng 8 năm 2022). “Hướng dẫn cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNEID)”. Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Nam. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2024.
  12. ^ Đinh Hoàng Minh (23 tháng 2 năm 2023). “Hướng dẫn đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử”. Cổng thông tin điện tử huyện Nho Quan. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2024.
  13. ^ a b Hiển Đạt (13 tháng 1 năm 2022). “Tích hợp giấy tờ, ví điện tử, điện, nước... lên CCCD gắn chip và app VNEID”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  14. ^ Thái Sơn; T. Hằng (25 tháng 2 năm 2022). “Có tài khoản định danh điện tử có thể ngồi nhà thực hiện thủ tục hành chính”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  15. ^ Thu Hằng (2 tháng 3 năm 2022). “Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần xuất trình căn cước gắn chip”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  16. ^ Thái Sơn (18 tháng 3 năm 2022). “Đề xuất 5 nhóm đối tượng tạm thời không cấp tài khoản định danh điện tử”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  17. ^ a b c d Nguyễn Nam; Trần Cường (18 tháng 7 năm 2022). “10 công dân đầu tiên được cấp tài khoản định danh điện tử”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  18. ^ a b Trần Cường (19 tháng 10 năm 2022). “Từ 20.10, người dân Việt Nam chính thức có thêm một loại căn cước công dân”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  19. ^ Lê Quân; Trần Cường (23 tháng 10 năm 2022). “Đang hoàn thiện nên khó tránh vướng mắc”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  20. ^ a b Trần Cường (3 tháng 3 năm 2023). “Người dân có thể dùng 'thông tin cư trú' trên VNeID thay giấy xác nhận cư trú”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  21. ^ Hà Mai (3 tháng 5 năm 2023). “Từ hôm nay, đi máy bay có thể không cần mang căn cước công dân”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  22. ^ “Việc cấp thẻ căn cước cho người từ 0 - 6 tuổi có gì đáng lưu ý?”. Tuổi Trẻ. 5 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  23. ^ Khương Nha (18 tháng 10 năm 2023). “Bốn điểm mới trong bản cập nhật VNeID”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  24. ^ Khương Nha (29 tháng 2 năm 2024). “Cách đăng nhập VNeID trên thiết bị mới bằng khuôn mặt”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  25. ^ a b Phạm Tuấn (14 tháng 3 năm 2024). “Cấp lý lịch tư pháp trực tuyến trên ứng dụng VNeID từ 30-3”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  26. ^ a b Ngọc An (26 tháng 3 năm 2024). “Dự kiến chi trả an sinh xã hội qua VNeID từ sau 1-7, người dân lưu ý gì?”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  27. ^ Thu Hằng (28 tháng 6 năm 2024). “BHXH sử dụng VneID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
  28. ^ a b c Phạm Dự (26 tháng 6 năm 2024). “Hiển thị căn cước điện tử trên VNeID từ 1/7”. VnExpress. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
  29. ^ Trần Hoàng (11 tháng 10 năm 2023). “Cách đổi giấy phép lái xe bằng hình thức trực tuyến tại TP.HCM”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  30. ^ Sỹ Đông (5 tháng 11 năm 2023). “TP.HCM cấp định mức nước sinh hoạt căn cứ trên VNeID”. thanhnien.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  31. ^ Tuyết Phan (25 tháng 11 năm 2023). “Bộ Công an: Từ 1.1.2024, người dân có thể đăng ký cư trú qua ứng dụng VNeID”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  32. ^ Ngọc Lê (7 tháng 1 năm 2023). “Tài khoản định danh điện tử là gì và dùng để làm gì?”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  33. ^ Anh Quân (21 tháng 10 năm 2022). “Những lưu ý khi sử dụng tài khoản định danh điện tử”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.
  34. ^ Ngọc An (21 tháng 12 năm 2023). “Yêu cầu 12 địa phương chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  35. ^ Hoa Hoa (1 tháng 3 năm 2024). “Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Báo điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  36. ^ a b Minh Hòa; Thành Chung (19 tháng 3 năm 2024). “Giả công an hướng dẫn cài app VNeID dỏm, lừa lấy tiền tỉ”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  37. ^ Minh Hòa (14 tháng 3 năm 2024). “Lộ nhiều chiêu hướng dẫn cài đặt VNeID giả mạo, chiếm đoạt tiền tỉ”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  38. ^ Danh Trọng (9 tháng 11 năm 2023). “Mang sổ đỏ đi tích hợp VNeID, sự thật hay chiêu lừa?”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  39. ^ Phạm Dự (9 tháng 11 năm 2023). “Chiêu lừa tích hợp sổ đỏ vào app VNeID”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  40. ^ Nguyễn Thịnh (3 tháng 7 năm 2024). “Nhức nhối nạn lừa đảo giả danh công an, báo lỗi VNeID chiếm đoạt hàng tỷ đồng: Nhiều người dân vẫn "nhẹ dạ cả tin". Báo Dân Việt. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2024.
  41. ^ “Hành trình 'lòng vòng' của thẻ căn cước công dân Việt Nam cho thấy điều gì?”. BBC News Tiếng Việt. 1 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
  42. ^ Lê Quốc Quân (30 tháng 10 năm 2023). “Dự thảo Luật Căn Cước: Chiếc lồng mới nguy hiểm”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
  43. ^ Trần Cường (3 tháng 6 năm 2024). “Bộ Công an phối hợp xây dựng phần mềm quản lý tăng ni, phật tử”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
  44. ^ “Công an Việt Nam đưa ra công cụ mới quản lý tăng ni, phật tử”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. 4 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.