Valentina Vladimirovna Tereshkova

(Đổi hướng từ Valentina Tereshkova)

Valentina Vladimirovna Tereshkova (tiếng Nga: Валенти́на Влади́мировна Терешко́ва; sinh 6 tháng 3 năm 1937) là một nhà du hành vũ trụ Liên Xô và là nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người, trong chuyến bay Chayka (có nghĩa là mòng biển) trên tàu Vostok 6 vào ngày 16 tháng 6 năm 1963.

Valentina Vladimirovna Tereshkova
Quốc tịchLiên Xô
Nghề nghiệpphi hành gia
Sự nghiệp chinh phục không gian
Nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên
Cấp bậc Thiếu tướng Không quân (1995)
Thời gian trong không gian
2 ngày 22 giờ 50 phút
Sứ mệnhVostok 6

Bà sinh ra tại Bolshoye Maslennikovo, một làng nhỏ ở tỉnh Yaroslavl. Khi học xong, bà làm việc ở một nhà máy dệt, và sau đó đi học nghề kĩ sư. Bà tập luyện nhảy dù tại câu lạc bộ hàng không ở địa phương, thực hiện chuyến nhảy đầu tiên vào ngày 21 tháng 5 năm 1959 khi mới 22 tuổi. Năm 1961 bà làm thư ký cho Đoàn Thanh niên địa phương và sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sự nghiệp trong chương trình vũ trụ của Liên Xô sửa

 
Valentina Tereshkova (trái) và Valery Bykovsky (phải) tại Trung tâm huấn luyện Ngôi Sao trước chuyến bay song hành ngày 16-6-1963

Sau chuyến bay của Yuri Gagarin vào năm 1961, Sergey Korolyov, kĩ sư trưởng của chương trình vũ trụ Liên Xô, nghĩ tới việc đưa một phụ nữ lên vũ trụ. Vào ngày 16 tháng 2 năm 1962, Tereshkova được chọn vào đội nữ du hành vũ trụ. Cuối cùng năm người được chọn trong hơn bốn trăm ứng cử viên: Tatiana Kuznetsova, Irina Solovyova, Zhanna Yerkina, Valentina Ponomaryova và Tereshkova. Điều kiện tuyển chọn bao gồm ứng cử viên phải là những người từng nhảy dù dưới 30 tuổi, thấp hơn 1,70 m và cân nặng không quá 70 kg.

Tereshkova là ứng cử viên sáng giá nhất vì lý lịch "vô sản" của bà và cũng bởi vì cha bà, Vladimir Tereshkov, một sĩ quan lái xe tăng, đã hi sinh như một anh hùng trong cuộc chiến chống phát-xít Đức.

Các cuộc luyện tập bao gồm bay không trọng lượng, các cuộc kiểm tra cách li, kiểm tra li tâm, lý thuyết tên lửa, kĩ sư tàu vũ trụ, 120 chuyến nhảy dù và huấn luyện lái máy bay phản lực MiG-15UTI. Tuy nhiên, họ không tập luyện cùng với đội du hành vũ trụ thật sự và nhiệm vụ của họ cũng ngang với công việc của các nam du hành vũ trụ. Các nhà lãnh đạo Liên Xô cho rằng chuyến bay đưa phụ nữ vào vũ trụ chỉ nhằm mục đích tuyên truyền. Đích thân Nikita Khrushchyov là người lựa chọn quyết định và ông đã chọn Tereshkova trong năm người.

Vào ngày 16 tháng 6 năm 1963, bà bay vào vũ trụ trên tàu Vostok 6, trở thành người phụ nữ đầu tiên, cũng như là một thường dân đầu tiên bay vào vũ trụ. Chuyến bay này được gọi là Chayka (Ча́йка; có nghĩa là mòng biển). Bà bay quanh Trái Đất 48 vòng với gần 3 ngày trên vũ trụ. Số lần bay quanh Trái Đất của bà nhiều hơn tổng số lần của các nhà du hành vũ trụ Mỹ tính đến thời điểm đó. Công tác của bà là tiếp tục việc ghi lại nhật ký chuyến bay và chụp ảnh đường chân trời, sau được dùng để phân biệt các tầng khí trong bầu khí quyển.

 
Tem của Liên Xô in năm 1963 với hình Valentina Tereshkova trong bộ đồ du hành vũ trụ

Trong toàn thể chuyến bay bà ở trong tình trạng nôn mửa. Những báo cáo sau này cho thấy Korolyov không hài lòng với công việc của Tereshkova ở trên vũ trụ và không cho phép Tereshkova thực hiện một số thao tác điều khiển tàu vũ trụ như đã lên kế hoạch. Người phó của Korolyov là Vasily Mishin tuyên bố rằng Tereshkova "có tâm lý không ổn định"[cần dẫn nguồn]. Sau khi hạ cánh, bà đã cho mọi người xem khẩu phần ăn của mình, để che giấu sự thật là bà đã ăn không đủ trong suốt chuyến bay. Bà bị thương khi hạ cánh và được cấp tốc gửi đến bệnh viện. Ảnh chụp bà hạ cánh với một nụ cười là được dựng lại sau này.

Vostok là chuyến bay Vostok cuối cùng và khởi hành chỉ hai ngày sau Vostok 5, chuyến bay đưa nhà du hành vũ trụ Valery Fyodorovich Bykovsky lên quỹ đạo Trái Đất trong năm ngày và hạ cánh chỉ ba giờ sau Vostok 6. Hai tàu vũ trụ này đã có lúc chỉ cách nhau 5 km trên quỹ đạo và liên lạc với nhau qua tín hiệu radio.

Mặc dù có những kế hoạch tiếp tục đưa phụ nữ lên vũ trụ, nhưng mãi đến 19 năm sau người phụ nữ thứ hai, Svetlana Yevgenyevna Savitskaya, mới lên vũ trụ, một phần do áp lực của kế hoạch Space Shuttle của Mỹ cũng với mục đích tổ chức các chuyến bay cho các nhà nữ du hành vũ trụ. Không ai trong số bốn người còn lại trong nhóm du hành của Tereshkova được thực hiện chuyến bay lên vũ trụ.

Sự nghiệp sau này sửa

Sau chuyến bay, bà theo học tại Học viện Hàng không Zhukovsky, và tốt nghiệp với tấm bằng kĩ sư hàng không vũ trụ vào năm 1969. Cùng năm, nhóm nữ phi hành gia vũ trụ giải tán. Năm 1977 bà nhận học vị tiến sĩ.

Bà cũng tham gia chính trị: từ năm 1966 đến năm 1974, bà là thành viên của Xô viết tối cao, từ 1974 đến 1989 trong Đoàn chủ tịch của Xô viết tối cao, từ 1969 tới 1991, bà nằm trong Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1997 bà nghỉ hưu trong lực lượng không quân và nhóm phi hành gia vũ trụ theo quyết định của tổng thống.

 
Đôi vợ chồng nhà du hành vũ trụ Andrian Grigoryevich Nikolayev và Valentina Vladimirovna Tereshkova tại lễ thành hôn

Sau chuyến bay Vostok 6, một câu chuyện đùa được truyền bá là bà sẽ kết hôn với Andrian Grigoryevich Nikolayev do ông là phi hành gia duy nhất độc thân ở thời điểm đó. Có nhiều tin đồn khác nhau về đám cưới này, ví dụ dưới áp lực của Khrushchyov, các nhà nghiên cứu y học muốn họ phải tiến hành các thí nghiệm về quan hệ tình dục trên vũ trụ[1]. Nikolayev và Tereshkova kết hôn ngày 3 tháng 11 năm 1963 tại Cung điện Đám cưới Moscow. Đích thân Khrushchyov làm chủ hôn, cùng với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo nhà nước và chương trình vũ trụ.

Hai người có một con gái là Elena Andrianovna (hiện nay là bác sĩ và là người đầu tiên có cả cha và mẹ từng bay vào vũ trụ), sinh năm 1964. Bà và Nikolayev li dị năm 1982, mặc dù cuộc hôn nhân của họ đã đổ vỡ trước đó khá lâu. Chồng thứ hai của bà, Yuli Shaposhnikov, mất năm 1999.

 
Valentina Tershkova và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev trong ngày Hàng không vũ trụ 12-4-2011

Valentina Tereshkova sau đó trở thành một thành viên chủ chốt trong chính phủ Xô viết và là một hình ảnh đại diện nổi tiếng của Liên Xô với nước ngoài. Bà là thành viên của Tổ chức Hoà bình thế giới năm 1966, thành viên của Xô viết tỉnh Yaroslavl năm 1967, thành viên của Xô viết liên bang thuộc Xô viết tối cao các nhiệm kì 1966-1970 và 1970-1974, và trúng cử vào Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao năm 1974. Bà cũng là đại biểu của Liên Xô tại hội nghị của Liên hiệp quốc trong Năm phụ nữ quốc tế tổ chức tại Mexico City năm 1975. Bà nắm giữ các cương vị quan trọng trong Xô viết tối cao, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó chủ tịch Hiệp hội phụ nữ dân chủ quốc tế và Chủ tịch Tổ chức hữu nghị Liên Xô - Algérie.

Bà nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu có giá trị như: Anh hùng Liên Xô - danh hiệu cao nhất của Liên Xô, Huân chương Lenin, Huân chương Cách mạng tháng Mười, nhiều huân chương khác, các danh hiệu của nước ngoài như Huy chương vàng Hoà bình của Liên hợp quốc, Giải thưởng Quốc tế Simba vì sự tiến bộ phụ nữ. Bà cũng được các nước Tiệp Khắc, Việt Nam, Mông Cổ trao tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động của nước mình. Một núi lửa ở phần khuất của Mặt Trăng mang tên Tereshkova.

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Tereshkova không còn tham gia các hoạt động chính trị một thời gian. Với uy tín vốn có của mình bà quay lại chính trường. Năm 2003, Tereshkova chạy đua vào một vị trí trong Duma Quốc gia. Năm 2007, Tereshkova được mời đến nơi ở của Thủ tướng Vladimir Putin tại Novo-Ogaryovo để tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của bà.

Vào ngày 4 tháng 12 năm 2011, Tereshkova được bầu vào Nhà nước Duma, hạ viện của cơ quan lập pháp Nga, với tư cách là đại diện của tỉnh Yaroslavl và là thành viên của đảng Liên bang Nga. Trong Duma thứ 6, cùng với Yelena Mizulina, Irina Yarovaya và Andrey Skoch, bà là thành viên của ủy ban liên đảng để bảo vệ các giá trị Kitô giáo. Bà ủng hộ việc đưa ra các sửa đổi cho phần mở đầu của Hiến pháp Nga, để thêm rằng "Chính thống là nền tảng của bản sắc văn hóa và dân tộc của Nga". Vào ngày 18 tháng 9 năm 2016, Tereshkova được bầu lại vào Đuma Quốc gia thứ 7. Bà là phó chủ tịch của Ủy ban về cấu trúc liên bang và chính quyền địa phương.

Cho đến nay, bà vẫn được mọi người kính trọng với danh hiệu nữ anh hùng Nga, và vai trò của bà trong lịch sử ngành vũ trụ của Nga, chỉ sau Yuri GagarinAlexei Leonov.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ Valentina Tereshkova (tiếng Nga)

Liên kết ngoài sửa