Anh Tứ (1935 – 1958) là nghệ danh một nam tài tử điện ảnh Việt Nam.

Anh Tứ
SinhHuỳnh Kim Tứ
1935
Bến Tre, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất1958 (22–23 tuổi)
Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa
Nguyên nhân mấtTự sát
Quốc tịch Việt Nam Cộng hòa
Dân tộcKinh
Nghề nghiệpDiễn viên điện ảnh

Lịch sử

sửa

Nghệ sĩ Anh Tứ sinh năm 1935 tại tỉnh Bến Tre, bấy giờ thuộc Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương, với nguyên danh Huỳnh Kim Tứ.

Cuối thập niên 1950, ở giai đoạn sơ khởi của điện ảnh Việt Nam, các hãng phim tư thục thường liên kết với báo chí mở cuộc thi tuyển lựa tài tử kí hợp đồng độc quyền để gầy dựng thương hiệu qua các xuất phẩm giải trí, ở thời điểm Việt Nam chưa có khái niệm tài tử điện ảnh chuyên nghiệp. Vì thế, trong một cuộc thi do tuần báo Nhân Loại tổ chức năm 1957, ông giám đốc Thái Thúc Nha của hãng Alpha Films đã chấm thí sinh Huỳnh Kim Tứ, bấy giờ còn đang học dở dang. Đích thân ông Thái Thúc Nha đặt cho cậu học sinh này nghệ danh Anh Tứ.

Chỉ trong hai năm 1957-8, Anh Tứ kí hợp đồng độc quyền với hãng Alpha, xuất hiện trong hàng loạt phim màn ảnh đại vĩ tuyến bên cạnh những nữ minh tinh lừng lẫy Tuyết Vân, Khánh Ngọc, Túy Phượng, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim và Thu Trang. Báo giới thường mô tả ông là kép đẹp, rất hợp với những vai lãng tử. Hình ảnh Anh Tứ xuất hiện với mật độ dày trên mặt báo văn nghệ và là niềm yêu thích của lứa học trò đương thời.

Ông đạo diễn kiêm giám đốc Thái Thúc Nha hết lòng nâng đỡ, coi Anh Tứ như con và cho ăn ở ngay tại trụ sở hãng Alpha.

Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 1958, Anh Tứ được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại trụ sở hãng Alpha. Sự kiện này gây mối hoài nghi trong dư luận đô thành và khiến hãng Alpha chịu tai tiếng suốt thời gian dài.

Tang lễ nam minh tinh Anh Tứ trở thành sự kiện văn hóa lớn nhất Sài Gòn năm 1958, có sự góp mặt của hàng trăm yếu nhân trong làng văn nghệ Việt Nam Cộng hòa.[1] Đây cũng là sự kiện hi hữu được Đài Vô tuyến Việt Nam tường thuật trực tiếp tại hiện trường để phát cho toàn miền Nam theo dõi vì lượng công chúng quan tâm quá lớn. Trung tâm Quốc gia Điện ảnh cũng cử nhân viên tới quay thành phim tài liệu. Báo giới đương thời mệnh danh Anh Tứ là James Dean Việt Nam.

Sự nghiệp

sửa
  • Hương thề chưa dứt (1957)... ?
  • Ràng buộc (1958)... Nghị
  • Duyên Bích Câu (1958)... Tú Uyên

Tham khảo

sửa
  • Thái Thúc Nha

Liên kết

sửa