Bến Tre

tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam

Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Bến Tre
Tỉnh
Tỉnh Bến Tre
Biểu trưng
Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu tại huyện Ba Tri, Khu du lịch Cồn Phụng, Nhà truyền thống Đồng Khởi tại huyện Mỏ Cày Nam, Một góc thành phố Bến Tre bên sông Bến Tre

Biệt danhQuê hương Đồng Khởi
Xứ dừa Miền Nam
Tên cũKiến Hòa
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
Tỉnh lỵThành phố Bến Tre
Trụ sở UBNDSố 7, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Hội, thành phố Bến Tre
Phân chia hành chính1 thành phố, 8 huyện
Thành lập
  • 1/1/1900: tỉnh Bến Tre
  • 22/10/1956: tỉnh Kiến Hòa
  • 1/2/1976: tỉnh Bến Tre
Đại biểu quốc hội
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDTrần Ngọc Tam
Hội đồng nhân dân54 đại biểu
Chủ tịch HĐNDHồ Thị Hoàng Yến[1]
Chủ tịch UBMTTQNguyễn Thị Hồng Nhung
Chánh án TANDBùi Quang Sơn
Viện trưởng VKSNDChâu Văn Thơi
Bí thư Tỉnh ủyHồ Thị Hoàng Yến (Quyền)
Địa lý
Tọa độ: 10°14′54″B 106°22′34″Đ / 10,248371°B 106,376152°Đ / 10.248371; 106.376152
MapBản đồ tỉnh Bến Tre
Vị trí tỉnh Bến Tre trên bản đồ Việt Nam
Vị trí tỉnh Bến Tre trên bản đồ Việt Nam
Vị trí tỉnh Bến Tre trên bản đồ Việt Nam
Diện tích2.380,7 km²[2][3]:90
Dân số (2022)
Tổng cộng1.315.700 người[3]:93
Thành thị190.800 người (14,5%)[3]:99
Nông thôn1.124.900 người (85,5%)[3]:101
Mật độ552 người/km²[3]:90
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer,...
Kinh tế (2022)
GRDP84.935 tỉ đồng (3,60 tỉ USD)
GRDP đầu người59,9 triệu đồng (2.554 USD)
Khác
Mã địa lýVN-50
Mã hành chính83[4]
Mã bưu chính93xxxx
Mã điện thoại0275
Biển số xe71
Websitebentre.gov.vn

Năm 2021, Bến Tre là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 28 về dân số, xếp thứ 46 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 56 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 48 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1.288.200 người, GRDP đạt 60.035 tỉ đồng (tương ứng với 2,83 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 45,1 triệu đồng (tương ứng với 1.924 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,85%.[5]

Bến Tre có 09 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và thành phố Bến Tre.

Trước kia, tỉnh Bến Tre là vùng hoang vu, một thời gian sau đó có một vài nhóm người đến định cư và thường tập trung nơi đất cao trên các giồng và ven biển, hoặc dọc theo các đê sông, rạch, thuận tiện cho việc đi lại, sinh sống và tránh lũ lụt. Càng ngày số người đến định cư ngày càng đông, chính sự di cư này kèm theo sự gia tăng dân số, làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp.[6] Bến Tre ngày trước được người Khmer gọi là Sóc Treay (xứ cá) vì nhiều giống cá nằm rải rác trong tỉnh. Về sau người Việt lập nên một cái chợ mà họ gọi là Bến Tre. Con rạch chảy ngang trước chợ và đổ vào Sông Hàm Luông nên cũng mang tên này.

Bến Tre cũng là quê hương của Đạo Dừa, với biệt danh là "Xứ Dừa". Từ thời Chiến tranh Việt Nam, Bến Tre được coi là "quê hương của Phong trào Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm, tiêu biểu nhất là trong năm 1960.

Địa lý sửa

Tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, với các hệ thống kênh rạch chằng chịt.

Các điểm cực của tỉnh Bến Tre:

  • Điểm cực đông nằm trên kinh độ 106o48' Đông
  • Điểm cực tây nằm trên kinh độ 105o57' Đông.
  • Điểm cực nam nằm trên vĩ độ 10o20' Bắc
  • Điểm cực bắc của Bến Tre nằm trên vĩ độ 9o48' Bắc.

Tỉnh Bến Tre có diện tích tự nhiên là 2.360 km², địa bàn nằm trên ba cù laocù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ nên (gồm sông Tiền dài 83 km, sông Ba Lai dài 59 km, sông Hàm Luông dài 71 km, sông Cổ Chiên dài 82 km) và đất phù sa màu mỡ, cây trái sum suê,...[8]

Điều kiện tự nhiên sửa

Bến Tre nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhưng lại nằm ngoài ảnh hưởng của gió mùa cực đới, nên nhiệt độ cao, ít biến đổi trong năm, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 26 °C – 27 °C. Tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và gió mùa tây nam từ tháng 5 đến tháng 10, giữa 2 mùa này thời kỳ chuyển tiếp có hướng gió thay đổi vào các tháng 1 và tháng 4 tạo nên 2 mùa rõ rệt.

Mùa gió đông bắc là thời kỳ khô hạn, mùa gió tây nam là thời kỳ mưa ẩm. Lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.250 mm – 1.500 mm. Trong mùa khô, lượng mưa vào khoảng 2 đến 6% tổng lượng mưa cả năm. Khí hậu Bến Tre cũng cho thấy thích hợp với nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, ngoài thuận lợi trên, Bến Tre cũng gặp những khó khăn do thời tiết nóng ẩm nên thường có nạn sâu bệnh, dịch bệnh, và nấm mốc phát sinh, phát triển quanh năm. Trở ngại đáng kể trong nông nghiệp là vào mùa khô, lượng nước từ thượng nguồn đổ về giảm nhiều và gió chướng mạnh đưa nước biển sâu vào nội địa, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng đối với các huyện gần phía biển và ven biển.[9]

Bến Tre nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp với biển Đông, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt có tổng chiều dài xấp xỉ 6.000 km, trong đó có sông Cổ Chiên dài 82 km, sông Hàm Luông dài 71 km, sông Ba Lai dài 59 km, sông Tiền dài 83 km. Hệ thống sông ngòi ở Bến Tre rất thuận lợi về giao thông đường thủy, nguồn thủy sản phong phú, nước tưới cho cây trồng ít gặp khó khăn, tuy nhiên cũng gây trở ngại đáng kể cho giao thông đường bộ, cũng như việc cấp nước vào mùa khô, khi thủy triều biển Đông đưa mặn vào sâu trong kênh rạch vào mùa gió chướng.[10]

Địa hình tỉnh Bến Tre có độ cao trung bình từ 1 - 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5 mét. Trong đó, phần cao nhất thuộc khu vực huyện Chợ Lách và một phần huyện Châu Thành, độ cao tuyệt đối có nơi đạt trên 5 mét, nhưng đa số từ 3 đến 3,5 mét. Phần đất thấp độ cao trung bình khoảng 1,5 mét, tập trung tại các vùng Phước An, Phước Tú ở huyện Châu Thành hoặc Phong Phú, Phú Hòa ở huyện Giồng Trôm. Phần đất trũng, độ cao tối đa không quá 0,5 mét, phân bố ở các huyện ven biển như huyện Bình Đại, Ba TriThạnh Phú. Địa hình bờ biển của tỉnh chủ yếu là các bãi bồi rộng với thành phần chủ yếu là bùn hoặc cát. Khi triều rút, các bãi bồi nổi lên và trải rộng ra biển hàng nghìn mét, tạo thuận lợi cho nuôi trồng hải sản.

Bến Tre có 4 nhóm đất chính là nhóm đất cát, nhóm đất phù sa, nhóm đất phèn và nhóm đất mặn. Trong đó, nhóm đất mặn chiếm diện tích lớn nhất trong các loại đất của tỉnh 43,11%, nhóm đất phù sa chiếm 26,9% diện tích toàn tỉnh, nhóm đất phèn, chiếm khoảng 6,74% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, nhóm đất cát chủ yếu là loại đất giồng chiếm diện tích thấp nhất 6,4% diện tích toàn tỉnh.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng diện tích đất có rừng 4.482 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên là 1.250, diện tích rừng trồng 3.232 ha, tỷ lệ che phủ rừng là 1,83%[11]. Đất rừng chủ yếu thuộc địa bàn các huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Các loài cây phổ biến bần, mắm, đước. Rừng tại Bến Tre góp phần quan trọng chống xói mòn, xâm nhập mặn và bảo vệ đường bờ biển.

Tỉnh Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Tỉnh lỵ Bến Tre cách Thành phố Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây qua Tiền GiangLong An[12][13]. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5 m. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26oC - 27oC. Lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500 mm.[14]

Hành chính sửa

Tỉnh Bến Tre hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện. Trong đó có 157 đơn vị hành chính cấp xã gồm có 10 thị trấn, 8 phường và 139 xã.[15]

Đơn vị hành chính cấp Huyện Thành phố
Bến Tre
Huyện
Ba Tri
Huyện
Bình Đại
Huyện
Châu Thành
Huyện
Chợ Lách
Huyện
Giồng Trôm
Huyện
Mỏ Cày Bắc
Huyện
Mỏ Cày Nam
Huyện
Thạnh Phú
Diện tích (km²) 70,60 367,40 427,60 224,90 169,10 312,60 165,20 231,00 426,50
Dân số (người) 124.560 184.805 137.392 175.979 111.493 170.051 113.286 143.628 127.904
Mật độ dân số (người/km²) 1.765 593 321 783 659 544 686 622 300
Số đơn vị hành chính 8 phường, 6 xã 2 thị trấn, 21 xã 1 thị trấn, 19 xã 2 thị trấn, 19 xã 1 thị trấn, 10 xã 1 thị trấn, 20 xã 1 thị trấn, 12 xã 1 thị trấn, 15 xã 1 thị trấn, 17 xã
Năm thành lập 2009 1912 1975 1929 1945 1956 2009 2009 1867
Loại đô thị II
Năm công nhận 2019
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre 2019[16]

Lịch sử sửa

Nguồn gốc dân cư Bến Tre[17] sửa

Đất Bến tre do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Đến đầu thế kỉ XVIII, phần lớn đất đai còn hoang vu, lầy lội, là nơi nhiều loài dã thú như cọp, heo rừng, trâu rừng, cá sấu, trăn, rắn sinh sống.

Trong sách Phủ biên tạp lục viết về xứ Đàng Trong giữa thế kỉ XVIII, Lê Quý Đôn ghi: "Từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm"

Nhưng đó chỉ là nhìn từ bên ngoài, còn bên trong đã có các "lõm" dân cư vào khai phá sinh sống. Đó là những lưu dân người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào, chủ yếu là miền Trung, đa số là những nông dân nghèo khổ vào Nam tìm đất sống, nhất là vào thời gian quân Trịnh lợi dụng chúa Nguyễn đang lúng túng trước phong trào Khởi nghĩa Tây Sơn, đánh chiếm Thuận Hóa, Quảng Nam (1774). Ngoài ra còn có các thành phần khác như binh lính, trốn lính, tù nhân bị lưu đày, người có tội với triều đình, người Minh Hương hay một số người có tiền của vào khai phá,...

Người di dân đến Bến Tre chủ yếu bằng đường biển và đường bộ, đa số là bằng đường biển.

Sự khai phá và định cư của người Việt trên đất Bến Tre[17] sửa

Khi đặt chân lên đất Bến Tre, những lưu dân người Việt chọn những giồng đất cao ráo để sinh sống. Vùng đất Ba Tri được khai phá sớm nhất vì nơi đây là địa điểm dừng chân của các lưu dân theo đường biển. Lần hồi, dân cư ngày càng đông đúc, lập nên thôn, trại, làng.

Nhờ những kinh nghiệm trong sản xuất ở quê nhà, khi đến vùng đất mới mênh mông, những người dân đã tạo nên những cánh đồng bao la, những vườn dừa bạt ngàn, những vườn cây ăn trái tươi tốt.

Chỉ trong hai thế kỉ, những vùng đất hoang vu đầy dã thú, các cù lao nằm ở cuối vùng sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên đã trở thành nơi sản xuất dừa, trái cây, gạo ngon nổi tiếng.

Lịch sử hành chính sửa

 
Bản đồ hạt Bến Tre năm 1882

Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ.[17]

Đời vua Minh Mạng, miền Nam Việt Nam chia thành sáu tỉnh: Vĩnh Long, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An GiangHà Tiên. Đất Bến Tre bấy giờ là phủ Hoàng Trị gồm các huyện Tân Ninh, Bảo An, Bảo Hậu và trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Bến Tre vốn là một phần của dinh Hoằng Trấn lập ra năm 1803, năm sau đổi là dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808 dinh này lại đổi là trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1832, cù Lao An Hóa với hai tổng Hòa Quới và Hòa Minh nằm trong huyện Kiến Hòa.[17]

Năm 1844, vua Minh Mạng bỏ trấn lập tỉnh, đất Bến Tre là hai phủ Hoằng An và Hoằng Trị, thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Thời Pháp thuộc, Ngày 15 tháng 7 năm 1867 thành lập hạt (Sở tham biện) Bến Tre, cai trị đầu tiên là chủ hạt De Champeaux (1867 - 1868). Ngày 4 tháng 12 năm 1867, tách hai huyện Tân Minh và Duy Minh của hạt Bến Tre thành lập hạt Mỏ Cày, lỵ sở đặt tại chợ Mỏ Cày. Ngày 5 tháng 6 năm 1871, hạt Bến Tre bị giải thể, nhập địa bàn vào hạt Mỏ Cày.

Ngày 2 tháng 11 năm 1871 dời lỵ sở từ chợ Mỏ Cày về chợ Bến Tre nên đổi tên thành hạt Bến Tre. Ngày 16 tháng 3 năm 1872, hạt Bến Tre nhận thêm 2 tổng Minh Chánh và Minh Lý từ hạt Vĩnh Long, do De Boullenois de Senuc làm chủ hạt.

Ngày 25 tháng 7 năm 1877, tổng Minh Chánh bị giải thể, nhập phần đất phía Tây kinh Giằng Xây của tổng này vào tổng Minh Thuận cùng hạt. Hạt (sở tham biện) Bến Tre vào thời gian này có 21 tổng. Chánh tham biện lúc này là Marquis.

Theo Nghị định ngày 22 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt (Sở tham biện) Bến Tre trở thành tỉnh Bến Tre (chỉ gồm có cù lao Bảo và cù lao Minh, có bốn quận: Châu Thành, Ba Tri, Mỏ CàyThạnh Phú; đến năm 1948 cù lao An Hóa thuộc Mĩ Tho mới được chính quyền cách mạng nhập vào phần đất Bến Tre).[17]

Năm 1912, tỉnh thành lập 4 quận là Ba Tri, Sóc Sải, Mỏ Cày, Thạnh Phú; Daroussin làm chủ tỉnh Bến Tre. Từ ngày 1 tháng 1 năm 1927, thời chủ tỉnh Bến Tre là Rivoal, quận Sóc Sải được đổi tên thành quận Châu Thành. Từ ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Bến Tre đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa và gồm 9 quận là Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Đôn Nhơn, Giồng Trôm, Hàm Long, Hương Mỹ, Thạnh Phú, Trúc Giang. Tỉnh lị tỉnh Kiến Hòa đổi tên là Trúc Giang.

Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Kiến Hòa mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Bến Tre.

Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc "nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước". Theo Nghị quyết này, tỉnh Long An, tỉnh Bến Tre, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Côngthành phố Mỹ Tho sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.

Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Bến Tre vẫn để thành tỉnh riêng biệt.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Kiến Hòa đổi thành tỉnh Bến Tre. Tỉnh Bến Tre có thị xã Bến Tre và 7 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú.

Ngày 9 tháng 2 năm 2009, chia huyện Mỏ Cày thành hai huyện: Mỏ Cày BắcMỏ Cày Nam.[18]

Ngày 11 tháng 8 năm 2009, chuyển thị xã Bến Tre thành thành phố Bến Tre.[19]

Tỉnh Bến Tre có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Bến Tre và các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú.

Ngày 13 tháng 2 năm 2019, thành phố Bến Tre được công nhận là đô thị loại II.[20]

Kinh tế - xã hội sửa

 
Chợ huyện Ba Tri
 
Cánh đồng lúa ở Cái Mơn
huyện Chợ Lách, Bến Tre
 
Làng trồng hoa, cây cảnh ở Chợ Lách

Bến Tre cũng có diện tích trồng lúa khá lớn, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, đặc biệt là ở Hàm Luông. Cây lương thực chính là lúa, hoa màu phụ cũng chiếm phần quan trọng là khoai lang, ngô, và các loại rau. Mía được trồng nhiều tại các vùng đất phù sa ven sông rạch; nổi tiếng nhất là có các loại mía tại Mỏ CàyGiồng Trôm. Diện tích trồng thuốc lá tập trung ở Mỏ Cày, nơi có loại thuốc thơm cũng nổi tiếng. Đất bồi thích hợp trồng cói.

Bến Tre có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, dứa, vú sữa, bưởi da xanh,... trồng nhiều ở huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ CàyChâu Thành. Ngoài đặc sản là kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Làng nghề Cái Mơn, huyện Chợ Lách, hàng năm cung ứng cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh khắp nơi.

Năm 2012, tỉnh Bến Tre đề ra mục tiêu cơ bản của năm là tăng trưởng kinh tế đạt 13%, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,1%, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị.[21]

Trong 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù kinh tế tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tiếp tục duy trì và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 9,29%, thị trường xuất khẩu được giữ vững và có bước phát triển, xuất khẩu tăng trưởng khá, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 247,72 triệu USD. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tăng năng xuất, chất lượng, hiệu quả, mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa tiếp tục được triển khai và nhân rộng, dịch bệnh nguy hiểm trên gia xúc, gia cầm không xảy ra. Sản xuất công nghiệp duy trì và phát triển khá, hoạt động thương mại nội địa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân. Tổng vốn đầu tư cho toàn xã hội 6.360 tỷ đồng. Chất lượng phục vụ các ngành dịch vụ đáp ứng tốt yêu cầu.

Giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển và nâng lên về chất.[22] Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Trong đó giá cả một số loại hàng hóa vật tư thiết yếu tăng cao, giá một số hàng nông sản như dừa, cá tra,… giảm mạnh,[23] dịch bệnh tôm nuôi phát sinh và gây thiệt hại lớn, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Công tác giải phóng mặt bằng một số công trình chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công do tình hình tranh chấp, khiếu kiện vẫn còn phức tạp, nhất là lĩnh vực tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, tình hình trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp, phạm pháp hình sự, tai nạn, tệ nạn xã hội mặc dù được kéo giảm so với cùng kỳ nhưng còn xảy ra nhiều vụ giết người, chết người, tài sản thiệt hại lớn.[22]

Đến tháng 10 năm 2012, Tình hình kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá, đạt kế hoạch và vượt so với cùng kỳ. Kinh tế tháng 10 tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan trên tất cả các lĩnh vực và tăng so với cùng kỳ, tạo tiền đề và động lực để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tỉnh nhà hăng hái chăm lo sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh tăng trưởng cao hơn trong những tháng còn lại của năm 2012.[24]

Trong tháng 10 năm 2012, Sản xuất nông nghiệp đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu, với tổng diện tích là 22.234 ha, giảm 3,11% so cùng kỳ nhưng năng suất bình quân 47,32 tạ/ha, tăng 1,7% so cùng kỳ. Vụ thu đông, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 23.937 ha, đạt 93,9% kế hoạch, giảm 5,3% so cùng kỳ và vụ Mùa đã xuống giống 9.245 ha, đạt 110% kế hoạch và tăng 7% so cùng kỳ. Nuôi trồng thủy sản đã thả giống khoảng 28.867 ha tôm sú, giảm 2,8% so cùng kỳ. Diện tích nuôi cá tra thâm canh đã thả giống ước khoảng 700 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 141.331 tấn.Tình hình nuôi nghêu sò phát triển thuận lợi, sản lượng thu hoạch ước khoảng 16.596 tấn. Hoạt động khai thác thủy sản gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của thời tiết và giá xăng dầu tăng nhưng nhờ trúng mùa cá ngừ và cá nục nên sản lượng khai thác thủy sản đạt 13.563 tấn, tăng 6,39% so với tháng trước.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 15,57% so với tháng trước, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 404,5 tỷ đồng, luỹ kế 10 tháng đầu năm đạt 4.271 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch, tăng 22,1% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa trong tháng ước đạt 511 ngàn tấn, luân chuyển đạt 47.810 ngàn tấn-km vận chuyển hành khách ước đạt 2.708 ngàn lượt hành khách.

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tương đối ổn định. Tổng vốn thực hiện trong tháng khoảng 0,4 triệu USD, bằng 20% so cùng kỳ, doanh thu xuất khẩu ước 16,5 triệu USD, tăng 65% so cùng kỳ. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 16.687 người, trong đó khu công nghiệp là 16.111 người. Trong tháng, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 19 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư ban đầu 315,9 tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ xã hội trong tháng ước thực hiện 1.645,8 tỷ đồng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 2,85% so với đầu năm và bình quân 10 tháng tăng 8,59% so với cùng kỳ, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tăng mạnh 15,27%, các nhóm hàng hóa còn lại đều tăng nhẹ so với trước. Trong tháng, tỉnh đã đón và phục vụ 45.274 lượt du khách, giảm 8,96% so cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế khoảng 19.563 lượt, giảm 10,91% so cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 22,4 tỷ đồng.

Hoạt động xuất khẩu tháng 10 tiếp tục phát triển, đạt 37,5 triệu USD, luỹ kế 10 tháng đầu năm đạt 347,14 triệu USD, đạt 80,7% kế hoạch, tăng 18,1% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng là, thủy hải sản các loại 2.200 tấn, chỉ xơ dừa 7.657 tấn, hàng may mặc 3,16 triệu USD…

Năm 2019 các ngành, các cấp của Bến Tre đã có sự tăng tốc khá đồng bộ, nhiều nội dung đạt kết quả cao thể hiện tính bứt phá. Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, có 24/24 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó thu ngân sách (vượt trên 31%), tăng trưởng kinh tế (đạt 7,39%), TP. Bến Tre đạt đô thị loại II, xây dựng Tầm nhìn chiến lược... là những nội dung thể hiện sự bứt phá rất đáng khích lệ.

Dân số sửa

Lịch sử phát triển dân số tỉnh Bến Tre qua các năm
NămSố dân±%
1995 1.281.800—    
1996 1.286.800+0.4%
1997 1.291.400+0.4%
1998 1.294.700+0.3%
1999 1.299.100+0.3%
2000 1.297.900−0.1%
2001 1.294.900−0.2%
2002 1.289.000−0.5%
2003 1.282.800−0.5%
2004 1.277.600−0.4%
2005 1.273.200−0.3%
2006 1.269.300−0.3%
2007 1.264.800−0.4%
2008 1.259.600−0.4%
NămSố dân±%
2009 1.256.136−0.3%
2010 1.259.394+0.3%
2011 1.257.800−0.1%
2012 1.266.730+0.7%
2013 1.260.557−0.5%
2014 1.262.205+0.1%
2015 1.275.810+1.1%
2016 1.278.619+0.2%
2017 1.282.437+0.3%
2018 1.285.963+0.3%
2019 1.289.098+0.2%
2020 1.288.463−0.0%
2021 1.295.700+0.6%
2022 1.354.589+4.5%
Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bến Tre[25][26][27]

Theo thống kê năm 2020, tỉnh Bến Tre có diện tích 2.394 km², dân số năm 2020 là 1.288.463 người[28], mật độ dân số đạt 538 người/km².

Dân số tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019 của Bến Tre đạt 1.288.463 người,[29] với mật độ dân số 533 người/km².[30] Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 126.447 người, chiếm 9,8% dân số toàn tỉnh,[31] dân số sống tại nông thôn đạt 1.162.016 người, chiếm 90,2% dân số.[32] Dân số nam đạt 630.492 người,[33] trong khi đó nữ đạt 657.971 người.[34] Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 0,26%[35] Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2022 đạt 23%.

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 12 tôn giáo khác nhau đạt 210.413 người, nhiều nhất là Phật giáo đạt 106.914 người, tiếp theo là Công giáo có 73.677 người, đạo Cao Đài có 17.020 người, đạo Tin Lành có 8.713 người, Phật giáo Hòa Hảo chiếm 3.679 người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam đạt 191 người, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đạt 115 người. Còn lại các tôn giáo khác như Hồi giáo có 61 người, Minh Lý Đạo có 24 người, Minh Sư Đạo có 12 người, Bửu Sơn Kỳ Hương có bốn người và tôn giáo Baha'i có ba người.[36]

Văn hóa sửa

Có hai lễ hội lớn ở Bến Tre là hội đình Phú LễLễ hội nghinh Ông.[37]

Đình Phú Lễ ở ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thờ Thành hoàng Bổn Cảnh. Hàng năm lễ hội đình Phú Lễ diễn ra 2 lần: lễ Kỳ Yên vào ngày 18, ngày 19 tháng 3 âm lịch để cầu cho mưa thuận, gió hòa và lễ Cầu Bông vào ngày 9, ngày 10 tháng 11 âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội có rước sắc thần, lễ tế Thành Hoàng, người đã có công khai khẩn giúp dân trồng trọt. Đêm có hát bội và ca nhạc tài tử.

Lễ hội nghinh Ông là lễ hội phổ biến của các làng ven biển của Việt Nam, trong đó có Bến Tre. Hàng năm vào các ngày 16/6 âm lịch tại các đình đền hay miếu của các xã thuộc huyện Bình Đại, huyện Ba Tri, mở lễ hội này. Trong ngày hội tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung neo đậu để tế lễ, vui chơi và ăn uống. Ngày 18 tháng 7 năm 2016, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Nghinh ông Nam Hải ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại.[38]

Du lịch sửa

Du lịch sinh thái sửa

 
Tàu Douce Mekong trên kênh Chợ Lách

Bến Tre có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.

Một số địa điểm du lịch có tiếng là:

Ngoài ra cũng có du lịch trên sông nước và các bãi như bãi Ngao, huyện Ba Tri.

Di tích sửa

 
Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu

Tại Bến Tre cũng có nhiều di tích Phật giáo hay mộ các nhân vật nổi tiếng.

Các chùa ở Bến Tre là chùa Hội Tôn, chùa Tuyên Linh, chùa Viên Minh. Chùa Hội Tôn Chùa được thiền sư Long Thiền dựng vào thế kỷ XVIII tại ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành và được trùng tu vào các năm 1805, 1884, 1947 và 1992. Chùa Tuyên Linh được dựng vào năm 1861 ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, và được tu sửa và mở rộng vào các năm 1924, 1941, 1983. Chùa Viên Minh tọa lạc ở 156, đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Bến Tre, với kiến trúc hiện nay được xây từ năm 1951 đến 1959.

Các nhân vật có mộ ở đây là Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường ToảnPhan Thanh Giản, nữ tướng Nguyễn Thị Định, và lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Ngôi mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, trước cũng ở Bến Tre (Cái Mơn - xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), nay đã được cải táng đến Chợ Quán, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Festival Dừa sửa

Festival Dừa là một lễ hội về dừa được tổ chức tại tỉnh Bến Tre. Lễ hội đã được tổ chức qua 5 kỳ vào các năm 2009, 2010, 2012, 2015, 2019. Hai kỳ đầu tiên được tổ chức với quy mô địa phương trong khi đó năm 2012, 2015 và 2019 được tổ chức với quy mô quốc gia.[41] Festival Dừa năm 2012, 2015 và 2019 mang nhiều ý nghĩa hơn với mục đích mở rộng thị trường cho các sản phẩm dừa, giao lưu công nghệ sản xuất, chế biến dừa, khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng dừa, xúc tiến thương mại và du lịch, quảng bá thương hiệu các sản phẩm dừa Bến Tre trong và ngoài nước.[42]

Giao thông sửa

Đường bộ sửa

  • Quốc lộ: 57, 57B, 57C, 60;
  • Đường tỉnh: 881,882 (Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách),883, 885 (Thành phố Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri),886
  • Đường huyện: ĐH.01, ĐH.10, ĐH.14, ĐH.17, ĐH.19, ĐH.20, ĐH.22, ĐH.23, ĐH.24, ĐH.25, ĐH.27, ĐH.40, ĐH.173 ĐH.187;
  • Đường đô thị (bao gồm các tuyến nội ô Thành phố Bến Tre và đường thị trấn;
  • Đường nông thôn;
  • Cầu: Cầu Rạch Miễu (QL60), Cầu Hàm Luông (QL60), Cầu Cổ Chiên (QL60).

Bến xe khách sửa

Bến xe tỉnh Bến Tre

Bến xe Mỏ Cày

Bến xe Chợ Lách

Bến xe Ba Tri

Bến xe Bình Đại

Bến xe Thạnh Phú

Bến xe Tiên thủy

Bến phà sửa

Một số bến phà đang hoạt động trên địa bàn tỉnh: phà Tân Phú, phà Hưng Phong, phà Tam Hiệp, phà Mỹ An - An Đức, phà tạm Rạch Miễu.

Hệ thống xe buýt sửa

CÁC TUYẾN XE BUÝT NỘI TỈNH BẾN TRE
Mã số tuyến Tên tuyến Lộ trình tuyến Cự ly Giãn cách tuyến Thời gian hoạt động Ghi chú
01 Cổ Chiên (H. Mỏ Cày Nam) – Mỹ Tho Cầu Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam) – Quốc lộ 60 – Trương Định – Chợ Phường 6 – Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Chợ Bến Tre – Đồng Khởi – BX. Bến Tre – Cầu Rạch Miễu – Ấp Bắc – BX. Tiền Giang (TP. Mỹ Tho) 47 km 04h30' – 16h Giãn cách tuyến khá lâu
02 TP. Bến Tre – Tiệm Tôm (H. Ba Tri) BX. Bến Tre – Quốc lộ 60 – Đồng Khởi – Đoàn Hoàng Minh – Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Đường tỉnh 885 – Giồng Trôm – BX. Tiệm Tôm (thị trấn Tiệm Tôm, H. Ba Tri) 54 km 15 – 25' 03h – 19h
03 TP. Bến Tre – Phà Tân Phú TP. Bến Tre – Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu - Phú Khương – Quốc lộ 60 – BX. Bến Tre – (quay đầu) – Quốc lộ 60 – Đường tỉnh 884 (Quốc lộ 57C) – Ngã 3 Tiên Thủy – Quốc lộ 57B – Phà Tân Phú Ngừng hoạt động
04 TP. Bến Tre – Thạnh Phú BX. Bến Tre – Quốc lộ 60 – Cầu Hàm Luông – Quốc lộ 57 – Khâu Băng (Thạnh Phú)
05 TP. Bến Tre – Bình Đại BX. Bến Tre – Quốc lộ 60 – Quốc lộ 60 (cũ) – Ngã tư H. Châu Thành – TT. Châu Thành - Đường tỉnh 883 - TT. Bình Đại 50 km 20 – 25' 05h – 18h
07 TP. Bến Tre – Tân Xuân (huyện Ba Tri) BX. Bến Tre – Đường tỉnh 887 – Đường tỉnh 885 - TT. Giồng Trôm – Đường huyện 10 – Tân Xuân (H. Ba Tri) Ngừng hoạt động từ 27/05/2021
08 TP. Bến Tre – Phà Đình Khao (T. Vĩnh Long) BX. Bến Tre – Chợ Bến Tre – Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Phường 6 – Trương Định – Quốc lộ 60 – Cầu Hàm Luông – Quốc lộ 57 – TT. Chợ Lách – Phà Đình Khao (T. Vĩnh Long) 54 km 15 – 25' 04h30' – 17h
Nguồn: Sở Giao thông Vận tải Bến Tre

Hình ảnh sửa

 
Toàn cảnh thành phố Bến Tre bên sông Bến Tre

Danh nhân sửa

Chính trị, quân sự sửa

  • Hộ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản (1796-1867): quê xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Là quan đại thần nhà Nguyễn, Kinh lược sứ miền Tây Nam Kỳ.
  • Nguyễn Thị Kim Ngân: quê xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Huỳnh Tấn Phát: quê xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, cố Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Trương Vĩnh Trọng: quê xã Bình Hoà, huyện Giồng Trôm, cố Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Nguyễn Thị Định: quê xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Bà là nữ Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (thụ phong năm 1974), nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Lê Văn Dũng: quê xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
  • Nguyễn Thành Phong: Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương. Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.
  • Phan Văn Mãi: Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.
  • Lương Lê Phương: Nguyên Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT.
  • Nguyễn Văn Hiếu: Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  • Trần Văn Truyền: Cựu Tổng Thanh tra Chính phủ.
  • Huỳnh Thành Đạt: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Trần Thị Trung Chiến: Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.

Văn học, nghệ thuật sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ “Giám đốc Công an Bến Tre có nhiều phiếu tín nhiệm thấp”. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2013.
  2. ^ “Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020”. Quyết định số 387/QĐ-BTNMT 2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam).
  3. ^ a b c d e Tổng cục Thống kê (2022). Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2021 (PDF). Nhà Xuất bản Thống kê. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2022.
  4. ^ “Đơn vị hành chính”. danhmuchanhchinh.gso.gov.vn.
  5. ^ “Tình hình kinh tế, xã hội Bến Tre năm 2018”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2019. Truy cập Ngày 12 tháng 10 năm 2019.
  6. ^ Bến Tre là một vùng hoang vu bao phủ bới rừng dày, rậm xen lẫn các trảng lau Lưu trữ 2013-08-27 tại Wayback Machine, Website thông tin Kinh tế - Xã hội tỉnh Bến Tre.
  7. ^ Vị trí tỉnh Bến Tre Lưu trữ 2013-03-09 tại Wayback Machine, Website thông tin Kinh tế - Xã hội tỉnh Bến Tre.
  8. ^ Bến Tre có 4 con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc Lưu trữ 2012-07-30 tại Wayback Machine, Website thông tin Kinh tế - Xã hội tỉnh Bến Tre.
  9. ^ Bến Tre nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo Lưu trữ 2013-03-09 tại Wayback Machine, Website thông tin Kinh tế - Xã hội tỉnh Bến Tre.
  10. ^ Bến tre Nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp với biển Đông Lưu trữ 2013-03-09 tại Wayback Machine, Website thông tin Kinh tế - Xã hội tỉnh Bến Tre.
  11. ^ “Quyết định 2357/QĐ-BNN-KL 2023 công bố hiện trạng rừng toàn quốc 2022”. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2024.
  12. ^ Thông tin tổng quan tỉnh Bến Tre, Diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế ĐBSCL.
  13. ^ Điều kiện tự nhiên, Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  14. ^ Giới thiệu chung về Tỉnh Bến Tre Lưu trữ 2010-10-13 tại Wayback Machine, Website thông tin Kinh tế - Xã hội tỉnh Bến Tre.
  15. ^ “Nghị quyết số 724/NQ-UBTVQH15 năm 2023 về việc thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre”.
  16. ^ “NIÊN GIÁM THỐNG KÊ Tỉnh Bến Tre năm 2019 (11. Diện tích, dân số và mật độ dân số ngày 31 tháng 12 năm 2019 phân theo huyện ((bấm vào chữ "i": Xem thông tin))”. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE – TRANG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN KINH TẾ - XÃ HỘI. 30 tháng 6 năm 2020.
  17. ^ a b c d e Sách Tài liệu dạy-học chương trình lịch sử địa phương Trung học cơ sở tỉnh Bến tre, Lê Ngọc Bữu(chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
  18. ^ “Nghị định số 08/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách, thị xã Bến Tre; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách để thành lập huyện Mỏ Cày Bắc thuộc tỉnh Bến Tre”.
  19. ^ “Nghị quyết số 34/NQ-CP về việc thành lập thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre”.
  20. ^ “Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Bến Tre là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bến Tre”.
  21. ^ Năm 2012, Bến Tre phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 14%[liên kết hỏng], Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
  22. ^ a b Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 còn nhiều khó khăn Lưu trữ 2013-01-16 tại Wayback Machine, Sở tư pháo Bến Tre.
  23. ^ Nông dân Bến Tre ồ ạt chặt dừa, Theo báo tuổi trẻ.
  24. ^ hình kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre trong tháng 10/2012[liên kết hỏng], Website thông tin Kinh tế - Xã hội tỉnh Bến Tre.
  25. ^ Dân số trung bình phân theo địa phương qua các năm, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  26. ^ “16. Dân số trung bình thành thị phân theo huyện từ năm 2009 – 2019 (bấm vào chữ "i": Xem thông tin)”. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE – TRANG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN KINH TẾ - XÃ HỘI. 30 tháng 6 năm 2020.
  27. ^ “17. Dân số trung bình nông thôn phân theo huyện từ năm 2009 – 2019 (bấm vào chữ "i": Xem thông tin)/ (NIÊN GIÁM THỐNG KÊ Tỉnh Bến Tre)”. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE – TRANG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN KINH TẾ - XÃ HỘI. 30 tháng 6 năm 2020.
  28. ^ “Niên giám tổ chức ngành Thống kê năm 2021 (53 – CỤC THỐNG KÊ TỈNH BẾN TRE/ Dân số và diện tích của tỉnh Bến Tre đến ngày 31/12/2020 trang 376)” (PDF). Tổng cục Thống kê. 5 tháng 5 năm 2021.
  29. ^ Dân số trung bình phân theo địa phương, Tổng cục thống kê Việt Nam.
  30. ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  31. ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  32. ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  33. ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  34. ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  35. ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  36. ^ Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
  37. ^ Trần Mạnh Thường, Nguyễn Minh Tiến. Việt Nam - Văn hóa và du lịch.
  38. ^ “Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Nghinh ông Nam hải ở xã Bình Thắng”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2016.
  39. ^ “Cồn Tiên”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2010.
  40. ^ “Người đi tìm ngọc trai”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2010.
  41. ^ “Tinh Ben Tre - Thông cáo báo chí Festival dừa Bến Tre lần III”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2012.
  42. ^ “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 đã sẵn sàng cho ngày khai mạc | FESTIVAL DỪA BẾN TRE LẦN III NĂM 2012”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2012.